SỬA ĐỔI LUẬT BẢO HIỂM XÃ HỘI: BẢO ĐẢM AN SINH, THU HÚT NGƯỜI LAO ĐỘNG THAM GIA BẢO HIỂM XÃ HỘI

20/10/2023

Chiều 20/10, tại Nhà Quốc hội, Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Phiên họp thứ 7 “Góp ý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội”. Cho ý kiến tại phiên họp, các đại biểu tán thành cao sự cần thiết kịp thời sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội nhằm bảo đảm an sinh xã hội cho người dân, đồng thời góp ý vào nhiều nội dung cụ thể đảm bảo quy định mang tính khả thi cao, thu hút người lao động tham gia bảo hiểm xã hội.

HỘI ĐỒNG KHOA HỌC CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI: GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT BẢO HIỂM XÃ HỘI (SỬA ĐỔI)

Quang cảnh Phiên họp

TS. Nguyễn Văn Hiển - Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp và Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội Đinh Ngọc Quý đồng chủ trì phiên họp. Tham dự Phiên họp có: đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; các thành viên Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cùng các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển nêu rõ, Luật bảo hiểm xã hội được ban hành năm 2014 và sau gần 10 năm thi hành đã bộc lộ những hạn chế, vướng mắc nhất định, đòi hỏi phải kịp thời sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tiễn.

Nhấn mạnh đây là dự án Luật có tác động đến nhiều vấn đề của xã hội và được xã hội vô cùng quan tâm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển cho biết, vừa qua, Chính phủ đã khẩn trương xây dựng dự án Luật. Trong quá trình soạn thảo, để tháo gỡ những vướng mắc, hạn chế của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, dự thảo Luật sửa đổi đã được lấy ý kiến các bộ ngành có liên quan, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 25, 26 và sẽ trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 6 tới đây (10/2023).

Để góp phần hoàn thiện dự thảo Luật, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển đề nghị các đại biểu tập trung góp ý vào một số nội dung trọng tâm như: Bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành bảo hiểm xã hội đa tầng; Mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; Bổ sung quyền lợi hưởng các chế độ ốm đau, thai sản đối với người hoạt đọng không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn; Bổ sung chế độ thai sản vào chính xác bảo hiểm xã hội tự nguyện; Giảm điều kiện về số năm đóng bảo hiểm xã hội  tối thiểu để được hưởng lương hưu hàng tháng từ 20 năm xuống 15 năm;….

TS. Nguyễn Văn Hiển - Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) dự kiến được kết cấu gồm 10 chương và 136 điều. Dự thảo luật lần này đã bổ sung 03 nội dung mới gồm: Trợ cấp hưu trí xã hội; Quản lý thu, đóng bảo hiểm xã hội và Đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội; bỏ Mục chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tách riêng điều quy định về đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, không quy định chung trong điều về đối tượng áp dụng; gộp các điều liên quan đến quyền, trách nhiệm của các cơ quan, tỏ chức trong một chương; không quy định chương riêng về trình tự, thủ tục bảo hiểm xã hội mà lồng ghép vào từng chế độ.

Cho ý kiến tại Phiên họp, các chuyên gia tán thành cao sự cần thiết phải kịp thời sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành nhằm bảo đảm an sinh xã hội của người dân theo quy định của Hiến pháp và thể chế hóa các nội dung trong Nghị quyết số 28 –NQ/TW theo hướng đa dạng, linh hoạt, đa tầng, hiện đại, hội nhập quốc tế, tiến tới bao phủ bảo hiểm xã hội toàn bộ lực lượng lao động. Đồng thời, sửa đổi căn bản những vướng mắc, bất cập từ thực tiễn thi hành Luật bảo hiểm xã hội năm 2014; bảo đảm hợp hiến, hợp pháp, tính đồng bọ, thống nhất, có tính khả thi, phù hợp tiêu chuẩn quốc tế.

TS. Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội

Theo TS. Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, để trở thành trụ cột an sinh xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, chính sách bảo hiểm xã hội phải tiếp tục cải cách, hoàn thiện dựa trên cơ sở tổng kết đánh giá, nghiên cứu khoa học, học hỏi kinh nghiệm quốc tế. Quá trình hoàn thiện chính sách phải bảo đảm nguyên tắc kết hợp hài hòa giữa kế thừa, ổn định với đổi mới, phát triển và phải đặt trong mối tương quan với cải cách các chính sách khác có liên quan, nhất là chính sách tiền lương, thu nhập, trợ giúp xã hội.

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu cũng cơ bản tán thành việc dự thảo Luật bổ sung quy định quản lý thu, đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện nhằm xử lý tình trạng trốn đóng bảo hiểm xã hội. Để bảo đảm tính khả thi của các quy định này, các đại biểu nhấn mạnh, việc tổ chức thực hiện phải thật sự nghiêm túc, kiên quyết thì mới đem lại hiệu quả. Bên cạnh đó, cần bổ sung các quy định ràng buộc trách nhiệm, chế tài xử lý đối với các cơ quan nhà nước, người có trách nhiệm có liên quan khi không thực hiện đúng các quy định của pháp luật về xử lý trường hợp trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội.

Nguyên Cục trưởng Cục thuế, Tổng Cục thuế Nguyễn Văn Phụng

Theo đó, nguyên Cục trưởng Cục thuế Nguyễn Văn Phụng đề nghị bổ sung quy định cấm hành vi chậm nộp hồ sơ tham gia, chậm điều chỉnh thông tin tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không điều chỉnh mức lương đóng bảo hiểm xã hội. Quy định này nhằm bảo vệ người đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, giúp họ sử dụng các dịch vụ công để có thể biết và giám sát người sử dụng lao động đã đóng bảo hiểm xã hội hay chưa, mức lương đóng bảo hiểm xã hội có được điều chỉnh theo thời gian vài năm nay hay không.

Cũng tại hội thảo, các chuyên gia còn cho ý kiến vào nhiều nội dung quan trọng khác của dự thảo như: Hoàn thiện quy định về chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện; quy định về bảo hiểm hưu trí; bảo hiểm xã hội một lần;..

Các đại biểu tham dự Phiên họp

Liên quan đến quy định về bổ sung một số chế độ đối với bảo hiểm xã hội tự nguyện, các chuyên gia đề xuất phải thúc đẩy phát triển mạnh mẽ hơn nữa, nghiên cứu thiết kế các gói bảo hiểm xã hội tự nguyện ngắn hạn linh hoạt để người lao động có nhiều sự lựa chọn tham gia và thụ hưởng, tăng tính hấp dẫn của bảo hiểm xã hội tự nguyện. Ngoài chế độ hưu trí, tử tuất và trợ cấp thai sản do ngân sách nhà nước bảo đảm thì có thể mở rộng sang các chế độ khác như ốm đau, dựa trên đóng góp của người lao động.

Đối với quy định về trợ cấp hưu trí xã hội, khẳng định đây là nội dung mới, có ý kiến cho rằng, đây được xem là một trong những giải pháp góp phần hướng tới mục tiêu bao phủ bảo hiểm xã hội toàn dân; phù hợp với thông lệ và kinh nghiệm quốc tế, bảo đảm có thể so sánh được độ bao phủ của chế độ hưu trí giữa các quốc gia.

Ngoài ra, dự thảo cũng đề cập đến chế độ đối với người lao động không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội nhằm hướng tới bảo hiểm xã hội đa tầng, mở rộng độ bao phủ. Theo dự thảo trường hợp người lao động không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp hưu trí xã hội mà có thời gian đóng bảo hiểm xã hội, nếu có nguyện vọng thì sẽ được hưởng trợ cấp hằng tháng trong khoảng thời gian trước khi đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lưu ý, quy định này chưa rõ nếu liên hệ với chế độ bảo hiểm hưu trí một lần. Vì vậy, cần quy định rõ trường hợp này chỉ áp dụng đối với người đủ tuổi nghỉ hưu nhưng không hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Bên cạnh đó, dự thảo cũng không quy định mức đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu trong trường hợp này là bao nhiêu. Điều này sẽ ảnh hưởng tới quỹ khi người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội quá ít trong khi theo dự thảo: Mức trợ cấp hằng tháng được tính thấp nhất bằng mức trợ cấp hưu trí xã hội.

 Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội Đinh Ngọc Quý 

Phát biểu tại phiên họp, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội Đinh Ngọc Quý cho biết, ý kiến tham luận, góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học là nguồn thông tin quý báu, hữu ích góp phần quan trọng trong quá trình thẩm tra của Ủy ban Xã hội cũng như quá trình Quốc hội cho ý kiến về dự án luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 6 tới đây./.

Một số hình ảnh tại Hội thảo:

Phiên họp thứ 7 “Góp ý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội”

TS. Nguyễn Văn Hiển - Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp và Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội Đinh Ngọc Quý đồng chủ trì phiên họp

TS. Nguyễn Văn Hiển - Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp phát biểu khai mạc

Các đại biểu tham dự Phiên họp

 Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội Đinh Ngọc Quý điều hành nội dung thảo luận

TS. Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội

TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội 

PGS. TS Lê Thị Hoài Thu, Trường Đại học Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội

Nguyên Cục trưởng Cục thuế, Tổng Cục thuế Nguyễn Văn Phụng

Các đại biểu tham dự Phiên họp

PGS. TS Trần Thị Thúy Lâm, Trưởng Bộ môn Lao động và an sinh xã hội - Đại học Luật Hà Nội

TS. Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Các đại biểu tham dự Phiên họp

PGS. TS Đinh Dũng Sỹ, nguyên Vụ trưởng Vụ pháp luật, Văn phòng Chính phủ

TS. Hồ Thủy, nguyên Giám đốc Bảo hiểm xã hội, Bộ Quốc phòng

GS.TS. Võ Khánh Vinh, Nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

PGS. TS Đặng Văn Thanh

 Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội Đinh Ngọc Quý 

Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Phiên họp thứ 7 “Góp ý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội”./.

Lê Anh - Ngọc Thúy - Minh Hùng