SỬA ĐỔI LUẬT TỔ CHỨC TÒA ÁN NHÂN DÂN: ĐÁP ỨNG YÊU CẦU CẢI CÁCH TƯ PHÁP TRONG GIAI ĐOẠN MỚI

10/10/2023

Dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) dự kiến được trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 (10/2023). Quan tâm tới dự luật, Luật sư Đặng Thành Chung – Đoàn Luật sư Tp. Hà Nội kỳ vọng, dự thảo luật sẽ khắc phục được những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, nâng cao chất lượng xét xử của hệ thống Tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong giai đoạn mới; bảo đảm tính liên thông đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật.

UBTVQH THỐNG NHẤT CAO VỚI SỰ CẦN THIẾT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG TOÀN DIỆN DỰ ÁN LUẬT TÒA ÁN NHÂN DÂN, THỂ CHẾ HÓA NGHỊ QUYẾT SỐ 27-NQ/TW

Quốc hội khóa XV

Dự thảo Luật Tổ chức Toàn án nhân dân (sửa đổi) được thiết kế gồm 151 Điều được bố cục thành 09 chương; trong đó, bổ sung 51 điều mới, sửa đổi 93 điều, giữ nguyên: 07 điều. Như vậy, so với Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, Dự thảo luật đã giảm 02 chương, tăng thêm 54 điều. Nội dung dự thảo có sự kế thừa những quy định của Luật hiện hành còn phù hợp, đồng thời, sửa đổi, bổ sung nhiều quy định nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong giai đoạn mới.

 Luật sư Đặng Thành Chung – Đoàn Luật sư Tp. Hà Nội 

Phóng viên: Tại Kỳ họp thứ 6 (10/2023), Tòa án nhân dân tối cao sẽ trình Quốc hội khóa XV dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi). Vậy, Luật sư có đánh giá như thế nào về sự cần thiết phải ban hành Luật sửa dổi?

Luật sư Đặng Thành Chung – Đoàn Luật sư Tp. Hà Nội: Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, sau 8 năm thi hành đã đạt được những thành tựu nhất định, góp phần vào sự phát triển của nền tư pháp. Tuy nhiên bên cạnh đó cũng bắt đầu thể hiện những tồn tại, vướng mắc, bất cập và chưa hợp lý như: Nhận thức về vị trí, vai trò của Tòa án là cơ quan xét xử thực hiện quyền tư pháp; Xác định đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án; Tổ chức và hoạt động độc lập theo thẩm quyền xét xử của các Tòa án; … Mặt khác, ngành Tòa án đang đứng trước những thách thức lớn về yêu cầu nhiệm vụ và trách nhiệm ngày càng lớn; số lượng vụ việc phải giải quyết ngày càng tăng, với tính chất ngày càng đa dạng, phức tạp; yêu cầu giải quyết vụ việc có yếu tố nước ngoài; chuyển đổi Tòa án điện tử; …

Từ thực trạng đó và trong bối cảnh thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp, thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng trong hệ thống Tòa án phù hợp với các yêu cầu thực tiễn, đã đặt ra yêu cầu phải nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động, đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng Tòa án điện tử. Do vậy, thời điểm hiện tại cần thiết phải sửa đổi Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, tạo hành lang pháp lý phù hợp cho việc tiếp tục hoàn thiện, tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Tòa án nhân dân; phù hợp với mục tiêu cụ thể đến năm 2030 của Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương về hoàn thành cơ bản việc xây dựng nền tư pháp trong đó có hệ thống Tòa án chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân. Từ đó, nâng cao vị thế, uy tín, tạo điều kiện để Tòa án Việt Nam phát triển ngang tầm với trình độ phát triển chung của các Tòa án trong khu vực và trên thế giới.

Phóng viên: Một trong những điểm mới trong lần sửa đổi này là quy định về điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn thu thập tài liệu, chứng cứ của Tòa án. Theo đó, Dự thảo luật được sửa đổi theo hướng Tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ. Từ thực tiễn hoạt động, Luật sư có quan điểm như thế nào về nội dung sửa đổi tại Dự thảo?

Luật sư Đặng Thành Chung – Đoàn Luật sư Tp. Hà Nội: Từ thực tiễn hoạt động, tôi cho rằng có sự phân hóa rõ ràng hiệu quả của việc thu thập chứng cứ của Tòa án trong vụ án hình sự và vụ án dân sự, hành chính.

Nói về vụ án hình sự, khi giải quyết vụ án hình sự có sự tham gia bắt buộc của các cơ quan như cơ quan cảnh sát điều tra, viện kiểm sát. Đây là cơ quan công quyền, có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn thu thập chứng cứ để định tội danh. Và điều tất yếu là hoạt động thu thập chứng cứ của các cơ quan này thuận lợi và dễ dàng hơn rất nhiều so với việc tự thu thập chứng cứ của công dân hay luật sư. Trường hợp hồ sơ chuyển sang Tòa án xem xét trong thời gian chuẩn bị xét xử hoặc tại phiên tòa thì Thẩm phán hoặc Hội đồng xét xử có quyền trả hồ sơ điều tra bổ sung và cơ quan điều tra hoặc viện kiểm sát sẽ thực hiện điều tra, thu thập chứng cứ bổ sung.

Còn đối với vụ án dân sự, hành chính: hiện nay luật đang quy định nghĩa vụ tự chứng minh của đương sự, nói cách khác đương sự phải tự thu thập tài liệu nộp cho Tòa án để chứng minh cho các yêu cầu của mình là hợp pháp; Tòa án chỉ xem xét thực hiện thu thập chứng cứ khi đương sự đã áp dụng các biện pháp cần thiết để thu thập tài liệu, chứng cứ mà vẫn không thể tự mình thu thập được và có đơn yêu cầu Tòa án thu thập. Tuy nhiên, với đương sự thậm chí có khi luật sư cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc thu thập tài liệu, chứng cứ vì không mang “công quyền”, các bên có thể không phản hồi, kéo dài thời gian, thậm chí từ chối cung cấp và yêu cầu phải có văn bản từ Tòa án. Đặc biệt trong vụ án hành chính, một bên tham gia là cơ quan, cá nhân mang quyền lực nhà nước nên việc đương sự yêu cầu các bên này cung cấp tài liệu, chứng cứ cũng mất nhiều thời gian, công sức. Lúc này việc tòa án thu thập chứng cứ cũng một phần để bảo vệ cho bên yếu thế.

Do đó, tôi cho rằng, theo quy định hiện hành thì cũng không quy định Tòa án có nghĩa vụ thu thập chứng cứ (Tòa án thu thập theo yêu cầu của đương sự). Việc quy định trách nhiệm thu thập chứng cứ của Tòa án là cần thiết, nhất là trong các vụ án dân sự, hành chính và ngay cả trong vụ án hình sự khi cơ quan điều tra thu thập chưa đầy đủ chứng cứ mà chứng cứ này có ý nghĩa quan trọng trong xác định tội danh, định khung hình phạt. Vai trò chủ động thu thập chứng cứ của Tòa án có ý nghĩa tích cực trong việc đảm bảo vụ án được giải quyết nhanh chóng, kịp thời, đúng quy định pháp luật, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân.

Phóng viên: Tiếp cận tổng quan nội dung Dự thảo Luật Tòa án nhân dân (sửa đổi), Luật sư có kỳ vọng gì khi dự án Luật được dự kiến xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV?

Luật sư Đặng Thành Chung – Đoàn Luật sư Tp. Hà Nội: Với dự án Luật tổ chức Tòa án nhân dân sửa đổi, tôi kỳ vọng dự án luật sẽ khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, nâng cao chất lượng xét xử của hệ thống Tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong giai đoạn mới; bảo đảm tính liên thông đồng bộ, tính thống nhất trong hệ thống pháp luật; tiến tới xây dựng hệ thống Tòa án chuyên nghiệp, hiện đại, tiệm cận với mặt bằng chung của thế giới; bảo vệ công lý, quyền công dân, quyền con người; đóng góp xây dựng và bảo vệ nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Luật sư.

Lê Anh