GIẢI TRÌNH, TIẾP THU, CHỈNH LÝ ĐỐI VỚI DỰ ÁN LUẬT TÀI NGUYÊN NƯỚC (SỬA ĐỔI)
SỬA ĐỔI LUẬT TÀI NGUYÊN NƯỚC: TÁI SỬ DỤNG NƯỚC THẢI LÀ MỘT NỘI DUNG QUAN TRỌNG THỰC THI KINH TẾ TUẦN HOÀN
Theo dự kiến, dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) sẽ được Quốc hội tiếp tục cho ý kiến, xem xét tại kỳ họp thứ 6 tới. Tại giải trình, tiếp theo, điều chỉnh đối với dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức mới đây, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Thị Lệ Thủy cho biết, đến nay đã có 137 lượt góp ý cho dự thảo Luật với 609 ý kiến. Trong đó, tại Kỳ họp thứ 5, đã có 98 lượt đại biểu Quốc hội (ĐBQH) phát biểu tại Tổ với 439 ý kiến góp ý, 23 lượt ĐBQH phát biểu tại Hội trường với 112 ý kiến góp ý và 04 ý kiến góp ý bằng văn bản.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Thị Lệ Thủy.
Tại khi họp lần thứ 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có 5 lượt góp ý với 31 ý kiến; và tại Hội nghị ĐBQH chuyên trách có 7 lượt góp ý với 27 ý kiến. Đa số ý kiến ĐBQH tán thành về sự cần thiết ban hành Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) và cơ bản nhất trí với nhiều nội dung của dự thảo Luật. Ngay sau mỗi kỳ họp, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã tổ chức nhiều hội thảo, tham khảo ý kiển chuyên gia, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Ý kiến các ĐBQH đã được tổng hợp, tiếp thu, giai trình tại báo cáo 48 báo cáo trang kèm theo bộ tài liệu gửi thành viên Ủy ban tại Phiên họp toàn thể lần thứ 7 của Ủy ban và gửi xin ý kiến 63 đoàn ĐBQH và các cơ quan hữu quan.
Qua rà soát, tiếp thu, chỉnh lý, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, dự thảo Luật đã thể chế và cụ thể hóa đầy dù quan điểm, chính sách của Đảng trong toàn bộ dự thảo Luật, quan trọng nhất là Kết luận 36 của Trung ương về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước, giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Cụ thể hóa và bám sát vào 4 chính sách lớn đã được Chính phủ trình theo tờ trình số 162 và được Quốc hội thống nhất bao gồm: bảo đảm an ninh nguồn nước; kinh tế nước, xã hội hóa ngành nước và bảo vệ, phòng chống tác hại do nước gây ra.
Để dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) đảm bảo chất lượng trình Quốc hội tiếp tục thảo luận, xem xét tại kỳ họp thứ 6 tới, Ban soạn thảo dự án Luật vẫn đang tiếp nhận những ý kiến từ phía các chuyên gia, nhà khoa học đóng góp vào dự án Luật.
Các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội có trách nhiệm vận động Nhân dân tham gia bảo vệ tài nguyên nước
Đóng góp vào việc hoàn thiện dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), ông Nguyễn Văn Vẻ - Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam đồng tình và thống nhất cao về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Tài nguyên nước phù hợp yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới; đánh giá cao nỗ lực, cố gắng của Ban soạn thảo và việc tiếp thu ý kiến góp ý của các cơ quan, hội ngành, các chuyên gia, nhà khoa học và nhân dân vào dự thảo Luật. Dự thảo Luật được bố cục chặt chẽ, nội dung bao quát toàn diện lĩnh vực tài nguyên nước.
Ông Nguyễn Văn Vẻ - Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam.
Dự thảo Luật có kết cấu 10 chương, 87 điều (tăng 8 điều so với Luật Tài nguyên nước năm 2012) và giảm 1 điều so với Dự thảo Luật tháng 3/2023. So với Luật Tài nguyên nước năm 2012, dự thảo Luật không tăng về số chương (trong đó giữ nguyên 19 điều; sửa đổi, bổ sung 55 điều, bổ sung mới 13 điều và bãi bỏ 5 điều). Đối chiếu với dự thảo Luật tháng 3/2023, dự thảo Luật tháng 9/2023 đã tiếp thu, bổ sung nhiều kiến góp ý của các cơ quan, hội ngành, các chuyên gia, nhà khoa học và nhân dân vào dự thảo Luật.
Ông Nguyễn Văn Vẻ đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, cân nhắc những nội dung đã rõ, đã được kiểm chứng trong thực hiện Luật Tài nguyên nước năm 2012 và văn bản hướng dẫn thi hành để bổ sung, chi tiết cụ thể vào dự thảo Luật. Bởi dự thảo Luật có 27/87 điều (dự thảo Luật tháng 3/2023 có 26/88 điều) giao Chính phủ quy định chi tiết và có nhiều nội dung liên quan đến các luật hiện hành. Đây là vấn đề trăn trở, băn khoăn trong quá trình tổ chức thực hiện Luật. Ngoài ra, đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật có điều khoản dẫn chiếu của các Luật khác có liên quan đến Luật Tài nguyên nước để thuận lợi cho việc thực hiện Luật này.
Việc sửa đổi khoản 2, Điều 7 về Truyền thông, phổ biến, giáo dục pháp luật về tài nguyên nước nên được sửa đổi thành: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biên, vận động Nhân dân tham gia hoạt động bảo vệ tài nguyên nước, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả và chấp hành pháp luật về tài nguyên nước; giám sát, phản biện xã hội việc bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra”.
Đoàn Khảo sát của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường làm việc với Công ty Cổ phần nước mặt sông Đuống.
Lý do là hiện một số tổ chức có chức năng liên quan đến tài nguyên nước nhưng chưa là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Các tổ chức chính trị - xã hội có địa vị pháp lý độc lập, không chịu sự lãnh đạo của Mặt trận và chỉ phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Điều 35 về phòng, chống suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước, tại Khoản 5 quy định “Nước thải xả vào nguồn nước phải đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng nước thải, phù hợp với chức năng nguồn nước và sức chịu tải của môi trường nước tiếp nhận”. Về nội dung này, ông Nguyễn Văn Vẻ đề nghị ghi rõ và phân loại các nguồn thải để làm căn cứ xác định các nguồn xả thải và làm cơ sở xây dựng chính sách quản lý và phù hợp với Khoản 3, Điều 37, gồm: a) Nước thải khu công công nghệp, khu chế xxuất; b) cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiêp; c) Làng nghề; d) khu đô thị; đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện (căn cứ quy mô dân số)….
Ví dụ, tại hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải, tính đến tháng 9/2019, có khoảng 1.823 cơ cở thuộc diện phải cấp phép xả thải với lưu lượng 148.098,44 m3/ngày đêm. Hiện mới chỉ có 293 cơ sở đã được cấp phép xả thải, nhưng chỉ có 139 giấy phép còn thời hạn sử dụng, chiếm 7,62 số cơ sở thuộc diện phải cấp phép xả thải. Công tác cấp phép xả thải mới chỉ tập trung vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, bệnh viện. Hầu hết các nguồn thải chăn nuôi, sinh hoạt, làng nghề, nuôi trồng thủy sản đều chưa được cấp phép xả nước thải.
Theo kết quả quan trắc từ 2005 - 2021, chất lượng nước suy giảm rất nghiêm trọng; trong đó, chỉ tiêu COD, Coliform, PO43- có mức tăng cao hơn so với các chỉ tiêu khác. Hàm lượng COD tăng 8,6 lần, NH4+ tăng 2,48 lần; PO43- tăng 4,15 lần và Coliform tăng 91,6 lần. Kết quả phân vùng ô nhiễm nước của 83 sông, kênh; trong đó, có 19/83 sông, kênh bị ô nhiễm rất nghiêm trọng; 21/83 sông, kênh bị ô nhiễm nghiêm trọng, 23/83 sông, kênh bị ô nhiễm ở mức trung bình và 20/83 sông, kênh bị ô nhiễm nhẹ.
Số lượng các vị trí bị ô nhiễm nghiêm trọng tăng qua các năm, từ 10,52% năm 2005 lên (46,66%) vào năm 2016 và đột biến lên vào các năm 2018 – 20220 và đạt 80,00% vào năm 2022.
Ngoài ra, ông Nguyễn Văn Vẻ cũng đề nghị sửa đổi tiêu đề của Điều 37: “Phục hồi nguồn nước bị suy thoái, ô nhiễm, cạn kiệt và ứng phó, khắc phục sự cố ô nhiễm nguồn nước” theo thứ tự nội dung 7 khoản tại Điều 37./.