AN NINH NGUỒN NƯỚC LÀ BẢO ĐẢM CHẤT LƯỢNG NƯỚC PHỤC VỤ DÂN SINH TRONG MỌI TÌNH HUỐNG

05/10/2023

Đóng góp vào việc hoàn thiện dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), PGS.TS Hà Lương Thuần cho rằng, an ninh nguồn nước là bảo đảm chất lượng nước một cách bền vững phục vụ dân sinh trong mọi tình huống, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước cho các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, môi trường và giảm thiểu rủi ro thiệt hại từ các thảm họa do con người và thiên nhiên gây ra liên quan đến nước.

GIẢI TRÌNH, TIẾP THU, CHỈNH LÝ ĐỐI VỚI DỰ ÁN LUẬT TÀI NGUYÊN NƯỚC (SỬA ĐỔI)

CẦN CỤ THỂ HÓA CHÍNH SÁCH QUẢN LÝ CỦA NHÀ NƯỚC VỀ TÀI NGUYÊN NƯỚC

Dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) có 86 điều và 10 chương (tăng 7 điều) so với Luật hiện hành, trong đó tập trung vào 4 nhóm chính sách đã được Quốc hội thông qua bao gồm: Bảo đảm an ninh nguồn nước; xã hội hóa ngành nước; kinh tế tài nguyên nước; bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống tác hại do nước gây ra.

Tại Phiên giải trình, tiếp theo, điều chỉnh đối với dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức mới đây, Phó Chủ tịch Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Thị Lệ Thủy cho biết, đến nay đã có 137 lượt góp ý cho dự thảo Luật với 609 ý kiến. Trong đó, tại Kỳ họp thứ 5, đã có 98 lượt đại biểu Quốc hội (ĐBQH) phát biểu tại Tổ với 439 ý kiến góp ý, 23 lượt ĐBQH phát biểu tại Hội trường với 112 ý kiến góp ý và 04 ý kiến góp ý bằng văn bản.

Tại khi họp lần thứ 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có 5 lượt góp ý với 31 ý kiến; và tại Hội nghị ĐBQH chuyên trách có 7 lượt góp ý với 27 ý kiến. Đa số ý kiến ĐBQH tán thành về sự cần thiết ban hành Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) và cơ bản nhất trí với nhiều nội dung của dự thảo Luật. Ngay sau mỗi kỳ họp, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã tổ chức nhiều hội thảo, tham khảo ý kiển chuyên gia, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Ý kiến các ĐBQH đã được tổng hợp, tiếp thu, giải trình tại báo cáo 48 báo cáo trang kèm theo bộ tài liệu gửi thành viên Ủy ban tại Phiên họp toàn thể lần thứ 7 của Ủy ban và gửi xin ý kiến 63 đoàn ĐBQH và các cơ quan hữu quan.

Phó Chủ tịch Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Thị Lệ Thủy.

Qua rà soát, tiếp thu, chỉnh lý, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, dự thảo Luật đã thể chế và cụ thể hóa đầy dù quan điểm, chính sách của Đảng trong toàn bộ dự thảo Luật, quan trọng nhất là Kết luận 36 của Trung ương về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước, giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Cụ thể hóa và bám sát vào 4 chính sách lớn đã được Chính phủ trình theo tờ trình số 162 và được Quốc hội thống nhất bao gồm: bảo đảm an ninh nguồn nước; kinh tế nước, xã hội hóa ngành nước và bảo vệ, phòng chống tác hại do nước gây ra.

Đến thời điểm này, dự án Luật đã là phiên bản chính thức thứ 7, chưa kể các phiên bản phụ khác theo từng đợt hội thảo xin ý kiến. Để dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) đảm bảo chất lượng trình Quốc hội tiếp tục thảo luận, xem xét tại kỳ họp thứ 6 tới, Ban soạn thảo dự án Luật vẫn đang tiếp nhận những ý kiến từ phía các chuyên gia, nhà khoa học đóng góp vào dự án Luật.

Xem xét khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia bảo vệ, phát triển các giá trị văn hóa sông nước

Qua bản dự thảo “Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), PGS.TS Hà Lương Thuần - Viện Hợp tác và phát triển tài nguyên nước (Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam) nhận thấy, các ĐBQH đã có những ý kiến bổ sung, góp ý gần như đầy đủ, bao quát , cập nhật được tất cả các vấn đề liên quan đến tài nguyên nước và được giải trình chi tiết khoa học.

Tuy nhiên, đóng góp vào dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), PGS.TS Hà Lương Thuần cho rằng, khoản 22 Điều 2 về Giải thích từ ngữ đề nghị thêm từ “một cách bền vững”. Theo đó, an ninh nguồn nước là việc bảo đảm số lượng, chất lượng nước một cách bền vững phục vụ dân sinh trong mọi tình huống, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước cho các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, môi trường và giảm thiểu rủi ro thiệt hại từ các thảm họa do con người và thiên nhiên gây ra liên quan đến nước.

Đối với Điều 4 về chính sách của Nhà nước đối với tài nguyên nước, cần xem xét bổ sung chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện các hoạt động điều tra cơ bản; bảo vệ, phát triển các giá trị văn hóa sông nước, cảnh quan thiên nhiên, môi trường và du lịch gắn với tài nguyên nước…

 PGS.TS Hà Lương Thuần - Viện Hợp tác và phát triển tài nguyên nước (Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam) phát biểu.

Khoản 1 Điều 6 về Hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng và phát triển công nghệ cũng nên bổ sung “nghiên cứu phát triển và bảo vệ các giá trị văn hóa sông nước, cảnh quan thiên nhiên và du lịch gắn với tài nguyên nước… và nghiên cứu dự báo các tác động đến an ninh nguồn nước”. Mục c, khoản 4, Điều 9 đề cập về thời kỳ quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước là 10 năm, tầm nhìn là 20 năm, đề nghị làm rõ tầm nhìn 20 năm.

Đối với quy hoạch về tài nguyên nước, theo một số Luật hiện nay cũng đều có chương về quy hoạch. Nội dung của chương này có một số điều khoản thuần túy chuyên môn, nên chăng viết gọn lại lược bỏ một số nội dung. Về chi tiết sau này có thể đưa vào các thông tư, nghị định hướng dẫn chi tiết về quy hoạch. Ví dụ rõ nhất là Điều 16.

Điều 17 đề cập việc rà soát điều chỉnh quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh được thực hiện định kỳ 5 năm 1 lần. Trong trường hợp trong khoảng 5 năm đó, có những đề xuất điều chỉnh ảnh hưởng đến quy hoạch đã được phê duyệt, tác động xấu đến tài nguyên nước thì vấn đề này có nên nêu trong luật không và được điều chỉnh như thế nào?

Mục a của Khoản 5 điều 24lấy ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương có liên quan và khoản 6 của điều 24  lấy ý kiến của các cơ quan có liên quan và Bộ Tài nguyên và Môi trường nhưng không thấy đề cập đến lấy ý kiến của cộng đồng, những người sinh sống ở hạ lưu sông suối, sinh kế của họ gắn liên với dòng chảy sông suối, nhưng lại không được hỏi ý kiến. PGS.TS Hà Lương Thuần đề nghị nên bổ sung “…. và cộng đồng dân cư có liên quan”.

Đối với Điều 35, khoản 4 có đề cập việc việc hàng năm xây dựng kịch bản nguồn nước liệu cần thiết hơn có phù hợp và hiệu quả không? Hiện nay, công tác dự báo khí tượng thuỷ văn, nguồn nước được làm khá tốt, ngoài ra các hồ chứa lớn đều làm rất tốt công tác dự báo.

Điều 41 quy định chung về khai thác, sử dụng tài nguyên nước. PGS.TS Hà Lương Thuần cho rằng, việc khai thác sử dụng tài nguyên nước đã có những nguyên tắc được nêu ở Điều 3. Tuy vậy, khi đã nói đến những quy định cũng nên bổ sung  “phải phù hợp với quy luật, đặc điểm tự nhiên, văn hóa, lịch sử, tôn giáo, tín ngưỡng, và cảnh quan môi trường”.

Cân nhắc việc thừa nhận nước thải là tài nguyên

Điều 66 trong dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) đề cập về phòng, chống sạt, lở lòng, bờ, bãi sông, hồ, PGS.TS Hà Lương Thuần cho rằng, đã từ lâu việc khai thác cát sỏi và các khoáng sản khác trong lòng sông đã được chỉ ra là nguyên nhân chính hạ thấp lòng dẫn ở các sông miền Bắc và gây sạt lở bờ sông vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Phiên giải trình, tiếp theo, điều chỉnh đối với dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường.

Hiện nay, nhu cầu về cát cho các công trình giao thông, xây dựng ngày càng tăng đặc biệt là ĐBSCL, dẫn đến gia tăng khai thác cát sói trong lòng sông, suối. Vì vậy, khoản 2 của điều này đề nghị bỏ đoạn “có nguy cơ gây tác động xấu đến sự ổn định lòng, bờ, bãi sông” mà bất cứ hoạt động nào có liên quan đến khai thác cát sỏi cũng phải đánh giá tác động môi trường và được cơ quan quản lý Nhà nước về tài nguyên nước có thẩm quyền chấp thuận. Có như vậy, chúng ta mới quản lý tốt và giảm tình trạng khai thác cát, sỏi ở lòng sông, lòng suối hiện nay.

Điều 76 quy định về Trách nhiệm bảo vệ quyền và lợi ích của Việt Nam đối với nguồn nước liên quốc gia. PGS.TS Hà Lương Thuần nêu quan điểm, đất nước ta có vị trí địa chính trị bất lợi khi nói đến tài nguyên nước. Cả hai đồng bằng lớn nhất đều phụ thuộc vào dòng chảy từ nước ngoài. Chúng ta nói nhiều về các hoạt động thượng nguồn gây tác động bất lợi cho vùng hạ lưu như thay đổi dòng chảy, giảm phù sa nhưng ít nói tới tác động bất lợi, nguy hiểm khi mùa lũ, đặc biệt là ĐBSCL. Vậy có nên chăng đưa vào điều này một khoản hoặc mục “dự báo, cảnh báo những tác động bất lợi các hoạt động của các công trình thượng nguồn đối với nước ta. Chủ động có các biện pháp ứng phó khi có các sự cố xảy ra.

Ngoài ra, PGS.TS Hà Lương Thuần cũng bày tỏ băn khoăn, liệu đã đến lúc chúng ta đưa vào dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) việc thừa nhận nước thải là tài nguyên chưa? Bởi ở Isasel đã xử lý được 75% lượng nước thải để phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Theo dự kiến, dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) sẽ được Quốc hội tiếp tục cho ý kiến, xem xét tại kỳ họp thứ 6. Việc sửa đổi Luật lần này được kỳ vọng sẽ giải quyết được những tồn tại, bất cập cũng như góp phần đáp ứng được yêu cầu thực tiễn từ cuộc sống hiện nay./.

Bích Lan

Các bài viết khác