ĐỔI MỚI HÌNH THỨC, PHƯƠNG THỨC GIÁM SÁT CỦA HĐND ĐẢM BẢO THỰC CHẤT, HƯỚNG ĐẾN CÁC MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN KT-XH ĐỊA PHƯƠNG

03/10/2023

Giám sát là một trong những chức năng cơ bản của HĐND. Để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND các cấp trong thời gian tới, nhiều ý kiến chuyên gia đề nghị, cần đổi mới hình thức, phương thức giám sát đảm bảo thực chất, hướng đến các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

HĐND ĐỊA PHƯƠNG TÍCH CỰC THAM GIA CÁC CHUYÊN ĐỀ GIÁM SÁT TỐI CAO CỦA QUỐC HỘI, UBTVQH

Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 quy định: “Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước”.

Thể chế hóa Hiến pháp 2013, năm 2015, Quốc hội ban hành Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân; Luật Tổ chức chính quyền địa phương, khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của Hội đồng nhân dân trong tổ chức chính quyền địa phương và trong việc hiện 2 chức năng quan trọng, đó là quyết định các vấn đề của địa phương do luật định; giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật ở địa phương và việc thực hiện Nghị quyết của Hội đồng nhân dân.

Tiếp đó, năm 2019 Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 629/2019/UBTVQH14 về hướng dẫn một số hoạt động của Hội đồng nhân dân và năm 2022 ban hành Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 hướng dẫn hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân, thường trực Hội đồng nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân.

 Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh

Theo Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cùng với việc đổi mới tổ chức hoạt động của Quốc hội, Hội đồng Nhân dân và thực hiện các quy định của pháp luật, hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp trong thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước tăng lên về số lượng và nâng cao chất lượng; đổi mới phương thức tổ chức hoạt động giám sát theo hướng lựa chọn, tập trung vào những vấn đề cấp thiết của địa phương,…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cũng cho rằng, hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp vẫn chưa thực hiện được hết chức năng, nhiệm vụ của mình. Theo Báo cáo tổng kết về hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 -2021 và qua báo cáo của các địa phương thời gian qua, cho thấy: Phương thức giám sát của nhiều địa phương chủ yếu vẫn là nghe trình bày báo cáo, đọc báo cáo. Hoạt động khảo sát, kiểm chứng việc thực hiện cụ thể chưa nhiều; một số trường hợp chưa xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan chủ thể có liên quan đến vấn đề giám sát;...

Đoàn giám sát của Hội đồng nhân dân Tp. Hà Nội 

Chia sẻ về những hạn chế trong hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân, Trưởng Ban Pháp chế, HĐND Tp. Hà Nội Duy Hoàng Dương cho biết, số lượng các phiên chất vấn, giải trình của Thương trực HĐND cấp huyện, cấp xã còn chưa đồng đều, chất lượng chưa cao. Còn đại biểu chưa hoặc ít phát biểu thảo luận, chất vấn. Một số ý kiến phát biểu chưa sâu, chưa tập trung vào nội dung chất vấn. Một số nội dung trả lời chất vấn tại kỳ họp của UBND và cơ quan chức năng còn trùng lặp, có lúc né tránh, không trực tiếp giải trình về những vấn đề mà cử tri quan tâm,… Có những vấn đề đã được chất vấn và tái chất vấn nhiều lần trong nhiệm kỳ nhưng chậm được giải quyết.

Cũng theo Trưởng Ban Pháp chế, HĐND Tp. Hà Nội Duy Hoàng Dương, việc đôn đốc thực hiện các kiến nghị sau giám sát chưa quyết liệt, quá trình đôn đốc do không có chế tài xử lý nên hiệu lực, hiệu quả của việc thực hiện kiến nghị sau giám sát bị hạn chế…

Ngoài ra, điều kiện bảo đảm cho hoạt động của HĐND tuy đã được quan tâm nhưng chưa thực sự đáp ứng yêu cầu. Bộ máy tham mưu giúp việc HĐND chưa hợp lý, nặng về công tác hành chính phục vụ, chức năng tham mưu còn nhiều hạn chế, chưa thực sự sát thực tiễn.

TS. Phạm Quốc Ka, Trưởng ban Ban Pháp chế Hội đồng nhân nhân Tp. Hải Phòng

Cùng quan điểm, TS. Phạm Quốc Ka, Trưởng ban Ban Pháp chế Hội đồng nhân nhân Tp. Hải Phòng cho rằng, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, hoạt động giám sát của HĐND các cấp vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Trong đó, hoạt động giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân đối với đại biểu chưa rõ nét; hoạt động chất vấn của đại biểu HĐND tại kỳ họp tuy sôi nổi nhưng số lượng đại biểu đăng ký chất vấn còn ít. Phần trả lời chất vấn có khi còn thiếu cụ thể, thiếu giải pháp và thời hạn khắc phục. Sự phối hợp để giải quyết những vấn đề phức tạp, liên quan đến nhiều ngành chưa thật chặt chẽ. Do vậy, hiệu quả chất vấn có lúc chưa đạt yêu cầu như mong muốn.

Bên cạnh đó, sự tham gia của các đại biểu kiêm nhiệm trong giám sát chuyên đề của các Ban HĐND còn hạn chế. Hoạt động giám sát của các Tổ đại biểu về việc thi hành pháp luật ở địa phương, thực hiện nghị quyết của HĐND tỉnh còn hạn chế. Hoạt động giám sát của cá nhân đại biểu chưa thực hiện được nhiều.

Trong khi, số lượng, quy mô và phạm vi giám sát của Thường trực và các Ban HĐND tuy có tăng lên nhưng chưa đáp ứng hết yêu cầu thực tiễn. Nhất là việc giám sát thực hiện những vấn đề lớn, phát sinh, cần giải quyết ngay có lúc chưa kịp thời, hiệu quả chưa cao. Phương thức giám sát còn rập khuôn, ít có sự đổi mới. Giám sát ở cơ sở chủ yếu vẫn nghe trình bày báo cáo, ít chất vấn, tranh luận nên kết quả giám sát chưa thật sâu sắc.

PGS.TS Đặng Minh Tuấn, Trường Đại học Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội

Nghiên cứu về nội dung này, PGS.TS Đặng Minh Tuấn, Trường Đại học Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, hiệu lực, hiệu quả và chất lượng giám sát của HĐND phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đặc biệt là vị trí, vị thế và các điều kiện bảo đảm hoạt động của HĐND. Trong điều kiện hiện nay, mặc dù có vị trí pháp lý cao trong tổ chức quyền lực nhà nước và xã hội, nhưng HĐND chưa phát huy được vị trí thực chất, vì thế có ảnh hưởng tới công tác giám sát. Trong khi đó, việc xác định quá rộng về phạm vi, đối tượng giám sát trong khi chưa bảo đảm các điều kiện hoạt động dẫn đến công tác giám sát của HĐND gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND các cấp trong thời gian tới, TS. Phạm Quốc Ka, Trưởng ban Ban Pháp chế Hội đồng nhân nhân Tp. Hải Phòng kiến nghị, tăng số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách, khuyến khích đại biểu tái cử. Đồng thời, nâng cao năng lực giám sát của đại biểu HĐND. Đại biểu HĐND phải gắn bó với cử tri, vừa lắng nghe và phản ánh trung thực ý kiến nguyện vọng của cử tri, vừa giám sát, vừa tác động và đôn đốc các cơ quan có thẩm quyền giải quyết thỏa đáng các ý kiến, nguyện vọng chính đáng của cử tri.

Cũng theo TS. Phạm Quốc Ka, cần không ngừng đổi mới hình thức, phương thức giám sát đảm bảo thực chất, hiệu quả hướng đến các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Quá trình giám sát phải tăng cường sự hợp tác giữa cơ quan dân cử với cơ quan, đơn vị thực thi pháp luật; phải đổi mới theo hướng thực chất và hiệu quả, từ việc đề xuất lựa chọn nội dung giám sát đến việc tổ chức Đoàn giám sát, xây dựng chương trình, kế hoạch và triển khai.

Đề xuất giải pháp, Trưởng Ban Pháp chế, HĐND Tp. Hà Nội Duy Hoàng Dương cho rằng, cần chủ động và không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động giám sát theo hướng sâu sát, khoa học, hiệu quả, vì dân, sát cơ sở. Bên cạnh đó, cần tiếp tục rà soát, xây dựng các quy trình để từng bước chuẩn hóa hoạt động giám sát bám sát theo quy định của Luật và hướng dẫn theo Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội dể đảm bảo bài bản, khoa học, chất lượng, hiệu quả.

Trưởng Ban Pháp chế, HĐND Tp. Hà Nội Duy Hoàng Dương đặc biệt lưu ý, chú trọng theo dõi việc thực hiện các kết luận giám sát, tái giám sát, chất vấn, tái chất vấn để nâng cao hiệu lực, hiệu quả sau giám sát.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng kiến nghị: Nghiên cứu cụ thể hóa hơn về nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực HĐND, nhất là việc thực hiện các công việc giữa 2 kỳ họp của HDDND; Nghiên cứu để luật hóa các quy định, chế tài đối với các cá nhân, tổ chức cố tình không thực hiện, thực hiện không đầy đủ hoặc kéo dài thời gian thực hiện các yêu cầu, kiến nghị của các Đoàn giám sát của HĐND; Tăng cường thông tin tuyên truyền để nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của HĐND các cấp, vai trò và trách nhiệm của đại biểu HĐND. Công khai, phát huy hiệu quả công tác thông tin tuyên truyền trong hoạt động giám sát của HĐND;…/.

Lê Anh

Các bài viết khác