KHAI MẠC HỘI NGHỊ LẦN THỨ 8 BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG KHÓA XIII
Theo chương trình, từ ngày 2-8/10, tại Thủ đô Hà Nội diễn ra Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Tại hội nghị này, Trung ương sẽ bàn và cho ý kiến kết luận về các vấn đề: Tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2023, kế hoạch năm 2024; Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2024 - 2026 và lộ trình thực hiện chế độ tiền lương mới; Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khoá XI về một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2012 – 2020; Tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khoá IX về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khoá X về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khoá XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; Quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIV; và một số vấn đề quan trọng khác.
Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII cho ý kiến về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2023, kế hoạch năm 2024.
Quan tâm đến các giải pháp hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế của năm 2023 và của giai đoạn 2021 – 2025, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho rằng, GDP của Việt Nam 6 tháng đầu năm 2023 tăng trưởng rất thấp, chỉ đạt mức 3,72%; các động lực tăng trưởng chủ yếu của nền kinh tế như hoạt động xuất nhập khẩu, tiêu dùng, đầu tư công chưa đạt kết quả mong muốn; các doanh nghiệp trong nền kinh tế đối mặt với nhiều khó khăn, trở ngại, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu thiếu đơn hàng do kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, lãi suất và lạm phát cao, thương mại quốc tế giảm sút, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của một số ngành hàng… Mặc dù, Quốc hội, Chính phủ đã có nhiều cơ chế, chính sách và sự chỉ đạo kịp thời, quyết liệt nhưng vẫn cần có sự chung tay của các doanh nghiệp, các cơ quan liên quan để hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế của năm 2023 và của giai đoạn 2021 – 2025.
Hai kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2023.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế đánh giá, thời gian qua Chính phủ đã thực hiện hàng loạt các giải pháp quyết liệt cả chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ như giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% cho nhiều loại hàng hóa từ 1/7/2023, cũng như miễn giảm 36 loại phí, lệ phí; giãm hoãn tiền nộp thuế, tiền thuê đất, thuê mặt nước… Hay việc đồng Việt Nam (VND) từ đầu năm đến nay vẫn giữ ổn định, tương đối so với đồng Đô la Mỹ (USD); Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần hạ lãi suất điều hành và trên cơ sở đó lãi suất huy động và lãi suất cho vay đã giảm 2%-3%. Từ đó, thúc đẩy việc sử dụng vốn hiệu quả hơn trong nền kinh tế, giúp hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp phục hồi nhanh hơn, giảm được các chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận vừà tăng khả năng cạnh tranh cho sản xuất, vừa kích cầu tiêu dùng.
Từ tháng 7/2023 xuất khẩu hàng hóa đã tăng lên, mặt hàng xuất khẩu như đồ gỗ, may mặc đã có lại các đơn hàng xuất khẩu, hay xuất khẩu nông sản cũng tăng mạnh, đặc biệt mặt hàng điện tử, máy tính và linh kiện tăng 32% so với cùng kỳ, các đơn hàng nhiều hơn, làm cho hoạt động xuất khẩu tăng lên đáng kể.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế
Cùng với việc vốn đầu tư công được giải ngân tốt hơn, vốn đầu tư nước ngoài thực hiện ổn định, cầu tiêu dùng trong nước được cải thiện rõ nét, hoạt động dịch vụ, du lịch có đà tăng trưởng mạnh mẽ, khả năng hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng GDP 6,5% mà Quốc hội và Chính phủ đề ra có thể được hoàn thành. Vì vậy, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh đưa ra 2 kịch bản cho tăng trưởng kinh tế năm 2023:
Kịch bản 1: Các cân đối vĩ mô vẫn giữ ổn định, đồng VND ổn định với đồng USD, các điều kiện không phải quá tốt, thực hiện ở mức bình thường, như: xuất nhập khẩu tăng trưởng khoảng 10% trở lại, đầu tư công giải ngân không được cao, chậm trễ đến tháng cuối năm mới giải ngân được; chỉ số tiêu dùng trong nước có tăng nhưng ở mức thấp 10 - 12%; đầu tư nước ngoài không tăng trưởng mạnh hơn; giá cả tiêu dùng trên thế giới với một số mặt hàng như xăng dầu tăng ở mức cao hơn, lấy mức dầu thô tăng vượt mốc 85 USD/thùng, thì mức tăng trưởng kinh tế có thể đạt 6,3 - 6,7%, lạm phát nằm trong khoảng 3,3 - 3,5%. Tăng trưởng kinh tế năm 2024 có thể đạt mức 6,5% - 7% GDP.
Kịch bản 2: Nếu thực hiện tốt tất cả các động lực tăng trưởng, đó là tăng trưởng xuất khẩu đạt 18 - 20% từ nay đến cuối năm, giải ngân đầu tư công tháng 8, 9 giải ngân nhanh, đạt 75 - 80% trong quý III, vòng lan tỏa của giải ngân đầu tư công tốt hơn; chỉ số tiêu dùng trong nước đạt mức như năm 2022 (khoảng 19,5%); đầu tư nước ngoài thực hiện tốt; các vấn đề an sinh xã hội được giả quyêt tốt; giá dầu thô vẫn giữ ở mức 70 - 85 USD/thùng và các chi phí khác không tăng quá cao thì Việt Nam vẫn hoàn toàn có thể đạt được mức tăng trưởng 6,8 - 7,4%, lạm phát nằm trong khoảng 3,5 - 3,8%. Tăng trưởng kinh tế năm 2024 có thể đạt mức 7,0% - 7,5% GDP.
Triển khai quyết liệt, kịp thời, đồng bộ các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế các tháng cuối năm 2023 và năm 2024.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh, để thực hiện được các nhiệm vụ đề ra cần thực hiện quyết liệt, kịp thời, đồng bộ nhiều giải pháp để phát huy được các động lực tăng trưởng của nền kinh tế trong năm 2023 và tạo tiền đề cho tăng trưởng kinh tế năm 2024. Đó là tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, giữ ổn định giá trị VND, kiềm chế lạm phát; kết hợp nhuần nhuyễn chính sách tiền tệ - tài khóa, điều chỉnh linh hoạt, phù hợp, để hỗ trợ khu vực sản xuất kinh doanh đẩy mạnh hoạt động sản xuất.
Bên cạnh đó, Chính phủ tiếp tục bám sát tình hình kinh tế, tài chính quốc tế, theo dõi, đánh giá để phối hợp hài hòa các chính sách kinh tế vĩ mô, cân bằng giữa kiểm soát lạm phát và tăng trưởng; giữa lãi suất và tỷ giá; giữa cân đối ngân sách và hỗ trợ tăng trưởng; giữa đầu tư công, đầu tư trực tiếp nước ngoài và đầu tư tư nhân.
Doanh nghiệp cần chủ động sắp xếp tinh gọn từ khâu quản lý đến hoạt động sản xuất để giảm chi phí và giảm giá thành sản phẩm. Tập trung nguồn lực đổi mới trang thiết bị, công nghệ với chi phí rẻ hơn; đồng thời thúc đẩy liên kết mạng lưới cung ứng trong nước, giảm lệ thuộc vào nước ngoài, nâng cao chất lượng, giảm giá sản phẩm dịch vụ để tận dụng cơ hội chiếm lĩnh và củng cố thị phần. Tích cực tham gia các Hiệp hội để tiếp cận thông tin về các chương trình, đề án, kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp của các bộ, ngành, Trung ương, các Hiệp hội và địa phương cũng như các tổ chức tín dụng để đề xuất nhu cầu hỗ trợ phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp…
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng cần triển khai quyết liệt, kịp thời, đồng bộ các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, để hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế của năm 2023 và của giai đoạn 2021 - 2025.
Trước xu hướng sản xuất xanh, tiêu dùng xanh trên thế giới và để đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật của thị trường các nước phát triển, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh quá trình “xanh hóa” sản xuất, kinh doanh, thực hiện tiết kiệm nguyên nhiên, vật liệu, năng lượng một cách tốt nhất. Cùng với đó, Nhà nước cũng cần có các cơ chế, chính sách nhằm mục đích kích cầu hoạt động “xanh hóa” của các doanh nghiệp.
Trong điều kiện khó khăn của hoạt động sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp cần tận dụng thời cơ để tiến hành thực hiện chuyển đổi số, áp dụng công nghệ số, thúc đẩy đổi mới sáng tạo để tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh để đưa ra thị trường những sản phẩm hàng hóa rẻ hơn, thu hút sức mua tăng trở lại. Đây là vấn đề hết sức thiết thực, cần phải thực hiện càng sớm càng tốt.
“Việc thực hiện chuyển đổi số là vấn đề hết sức cấp bách, tuy nhiên để các doanh nghiệp thực hiện được cũng không phải là dễ, bởi liên quan đến số hóa đòi hỏi phần tự động hóa, thiết bị máy móc và nền tảng phù hợp, cơ sở vật chất kỹ thuật, hệ thống mạng, nâng cấp hệ thống thông tin,…Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đòi hỏi phải có đội ngũ nhân sự công nghệ cao đáp ứng các yêu cầu trên”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.
Để đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu, Bộ Công thương cùng với các Hiệp hội ngành hàng cần nắm lại các thị trường truyền thống để từ đó tìm hiểu nguyên do giảm sút đơn hàng, sự thay đổi các điều kiện nhập khẩu cho các sản phẩm, sự thay đổi thị hiếu,… tự điều chỉnh mình và có thể tận dụng được các cơ hội; Xem xét lại việc mở rộng thị trường xuất khẩu cho doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các thị trường mà Việt Nam đã ký FTA, tận dụng cơ hội hàng rào thuế quan hạ thấp, hàng rào phi thuế quan được bãi bỏ để nâng cao hiệu quả xuất khẩu; Đồng thời, cần sự phối kết hợp giữa các ngành nghề trong nước để giảm chi phí logistics, chi phí lưu kho, lưu bãi, vận chuyển, để từ đó hạ chi phí, giá thành và giúp cho giá cả của hàng hóa khi xuất khẩu cũng như tiêu dùng trong nước có thể cạnh tranh. Với lợi thế thị trường tiêu dùng trong nước 100 triệu dân, Bộ Công Thương cần đồng hành cùng các hiệp hội doanh nghiệp đẩy mạnh triển khai chương trình “ Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thiết thực, hiệu quả.
Các bộ, ngành, địa phương cần đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, kịp thời tháo gỡ các khó khăn vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện kế hoạch đầu tư công; Nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc lập, thực hiện các kế hoạch đầu tư; Thực hiện kiểm tra, giám sát chặt chẽ tiến độ và chất lượng thi công các dự án đầu tư công; Phối hợp chặt chẽ, xử lý kịp thời các khó khăn vướng mắc về thủ tục hành chính, về nguồn nguyên vật liệu, về đơn giá, định mức… để đẩy nhanh tiến độ thực hiện đầu tư công; cần xem xét thực hiện điều chuyển vốn giữa các dự án, các chương trình, các bộ ngành và địa phương để phát huy cao nhất hiệu quả sử dụng vốn.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục rà soát các thủ tục hành chính, quy trình và thời hạn visa cho khách du lịch nước ngoài, có sự đổi mới trong cơ chế, chính sách để tăng cường phát triển hoạt động dịch vụ, du lịch. Tiếp tục rà soát, bổ sung và hoàn thiện thể chế, tiếp tục cắt giảm thực chất điều kiện kinh doanh đang là rào cản đối với hoạt động sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh cải cách hành chính, thực thi hiệu quả thủ tục một cửa tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp thành lập và phát triển; rà soát, sửa đổi cơ chế chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư nước ngoài trong bối cảnh áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu…
Với quyết tâm vượt mọi khó khăn, tìm kiếm cơ hội để hồi phục và tăng trưởng của các doanh nghiệp, sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan quản lý nhà nước, sự đồng hành kịp thời tháo gỡ các khó khăn của các cơ quan thực thi pháp luật, sự đổi mới kịp thời các cơ chế chính sách của nền kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh tin tưởng, các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Quốc hội, Chính phủ đề ra cho năm 2023 và giai đoạn 2020 -2025 sẽ đạt và vượt kế hoạch đề ra.