TỔ CHỨC TÒA ÁN NHÂN DÂN THEO CẤP XÉT XỬ PHẢI ĐÁP ỨNG YÊU CẦU CẢI CÁCH TƯ PHÁP

02/10/2023

Theo TS. Nguyễn Đình Quyền, Nguyên Viện Trưởng Viện nghiên cứu lập pháp, dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) lần này vẫn chưa khắc phục được tình trạng bất cập, hạn chế trong việc tổ chức Tòa án nhân dân theo cấp xét xử tại luật hiện hành. Việc sửa đổi phải đáp ứng yêu cầu của cải cách tư pháp vừa bảo đảm được tính độc lập của các cấp tòa án, vừa tạo điều kiện để mỗi cấp tòa án chuyên sâu nghiên cứu án và xét xử một loại án trong phạm vi thẩm quyền được giao.

ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN VỀ DỰ ÁN LUẬT TỔ CHỨC TÒA ÁN NHÂN DÂN (SỬA ĐỔI)

Dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV (10/2023)

TS. Nguyễn Đình Quyền cho biết, hiện nay Tòa án nhân dân cấp huyện được tổ chức ở quận, huyện, thành phố thuộc tỉnh có thẩm quyền xét xử sơ thẩm chỉ đối với một số vụ án theo quy định của pháp luật tố tụng, chứ không phải tất cả các vụ án, các Tòa án nhân dân cấp trên có thẩm quyền xét xử hỗn hợp, hoặc vừa sơ thẩm, vừa phúc thẩm như Tòa án nhân dân cấp tỉnh; hoặc vừa phúc thẩm, vừa giám đốc thẩm, tái thẩm như Tòa án nhân dân cấp cao.

Do đó, về cơ bản, hiện nay vẫn chưa tổ chức Tòa án nhân dân độc lập theo thẩm quyền xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính; phương thức quản lý trong hệ thống Tòa án nhân dân nói chung, giữa tòa án cấp cao hơn và tòa án cấp thấp hơn nói riêng chưa tách bạch được thẩm quyền quản lý hành chính, tổ chức cán bộ và thẩm quyền tư pháp, tố tụng nên ảnh hưởng tới việc bảo đảm độc lập giữa các cấp xét xử và độc lập của Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân khi xét xử.

(Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) lần này vẫn chưa khắc phục được tình trạng mà luật hiện hành đã thể hiện rõ sự bất cập, hạn chế trong việc tổ chức Tòa án nhân dân theo cấp xét xử, theo đó:

Tại Điều 50 dự thảo Luật về nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân cấp cao vẫn quy định: phúc thẩm vụ việc mà bản án, quyết định sơ thẩm của tòa án cấp phúc thẩm, Tòa án nhân dân cấp sơ thẩm chuyên biệt thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của pháp luật tố tụng;

Tiếp đó, tại Điều 55 dự thảo Luật về nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân phúc thẩm vẫn quy định: sơ thẩm vụ việc theo quy định của pháp luật; tại Điều 59 dự thảo Luật về nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân sơ thẩm vẫn quy định: sơ thẩm các vụ việc theo quy định của pháp luật (chứ không phải sơ thẩm tất cả các vụ việc).

Vì vậy, TS. Nguyễn Đình Quyền đề nghị, bỏ tất cả các quy định trên đây, theo đó Tòa án nhân dân cấp sơ thẩm sẽ giải quyết sơ thẩm tất cả các vụ việc, Tòa án nhân dân phúc thẩm sẽ xét xử phúc thẩm tất cả các vụ án bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm và Tòa án nhân dân cấp cao sẽ xét xử giám thẩm, tái thẩm tất cả các vụ án bị kháng nghị theo quy định của pháp luật tố tụng để tổ chức Tòa án nhân dân theo cấp xét xử.

TS. Nguyễn Đình Quyền, Nguyên Viện Trưởng Viện nghiên cứu lập pháp

Việc sửa đổi theo hướng này sẽ đáp ứng yêu cầu của cải cách tư pháp về tổ chức hệ thống Tòa án nhân dân theo cấp xét xử đã được Bộ chính trị, Ban chấp hành trung ương Đảng xác định rõ, vừa bảo đảm được tính độc lập của các cấp tòa án, vừa tạo điều kiện để mỗi cấp tòa án chuyên sâu nghiên cứu án và xét xử một loại án trong phạm vi thẩm quyền được giao.

Điều quan trọng hơn nữa là, vì mỗi cấp tòa án chỉ chuyên sâu xét xử một loại án sơ thẩm hoặc phúc thẩm hoặc giám đốc thẩm, tái thẩm nên sẽ khắc phục được tình trạng đang tồn tại hiện nay là “xin ý kiến về đường lối giải quyết vụ án” hoặc “thỉnh thị, báo cáo án”(Vì tòa án phúc thẩm, tòa án cấp cao có thẩm quyền xét xử hỗn hợp các loại án như các quy định hiện nay và quy định của dự thảo luật). Tình trạng này dễ ảnh hưởng đến tính độc lập xét xử của mỗi cấp tòa án, chất lượng thực hiện nguyên tắc hiến định “tranh tụng tại phiên tòa”, quyền bào chữa của bị can, bị cáo, đương sự không được bảo đảm, ảnh hưởng tới các nguyên tắc của hoạt động xét xử là: “Thẩm phán, Hội thẩm Tòa án nhân dân xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”, “nguyên tắc xét xử tập thể”…

Ngoài ra, liên quan tới quy định đổi tên Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện thành tòa án phúc thẩm và tòa án sơ thẩm, TS. Nguyễn Đình Quyền cũng cho rằng, đây không chỉ thuần túy là việc đổi tên mà nội hàm là thành lập các tòa án theo cấp xét xử để bảo đảm tính độc lập trong mối quan hệ giữa các cấp tòa án, đồng thời cũng đảm bảo tính chuyên sâu, chuyên trách, chuyên nghiệp của mỗi cấp tòa án. Trong khi đó, tổ chức các tòa án phúc thẩm, tòa án sơ thẩm theo cấp xét xử là liên quan đến việc quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, thẩm quyền của mỗi cấp xét xử này. Do đó, mỗi cấp tòa án khi xét xử một loại án, không xét xử hỗn hợp các loại án. Cụ thể là: Tại Điều 55 dự thảo Luật đề nghị bỏ khoản 1, khoản 3 Điều này để bảo đảm thực hiện chủ trương của cải cách tư pháp về tổ chức Tòa án nhân dân phúc thẩm theo cấp xét xử; …

TS. Nguyễn Đình Quyền cũng đề nghị: Điểm 4 Điều 45 dự thảo Luật bổ sung thêm từ “quyết định” trong đoạn: “lựa chọn, công bố án lệ” (vì thế nào được coi là án lệ trong việc xét xử, giải quyết các vụ án thì phải được Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao lựa chọn, quyết định rồi mới công bố); Điểm 5 Điều 45 dự thảo Luật đề nghị bổ sung từ “tổ chức” vào đoạn “đào tạo nguồn nhân lực…” (vì đào tạo, bồi dưỡng là công việc của học viện, các trường, cở sở đào tạo, còn Tòa án nhân dân tối cao chỉ là cơ quan tổ chức, chỉ đạo công tác này); Điểm 9 Điều 45 dự thảo Luật về “Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật” đề nghị bỏ Điểm này, vì không bảo đảm tính minh bạch của pháp luật;…/.

Lê Anh