SỰ CHỈ ĐẠO QUYẾT LIỆT CỦA NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU Ở MỖI ĐỊA PHƯƠNG LÀ YẾU TỐ THEN CHỐT ĐỂ XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI

30/09/2023

Chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng nông thôn mới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại Việt Nam, đại diện Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, công tác chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là sự chỉ đạo quyết liệt của người đứng đầu ở mỗi địa phương chính là yếu tố then chốt để xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, phải biết phát hiện nhân tố điển hình, phát huy được vai trò gương mẫu, đi đầu thực hiện của người có uy tín (già làng, trưởng bản...) tại mỗi cộng đồng.

GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM ĐỂ THỰC HIỆN HIỆU QUẢ CTMTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI Ở CÁC ĐỊA PHƯƠNG VÙNG ĐẶC BIỆT KHÓ KHĂN

CTMTQG xây dựng nông thôn mới đạt được những thành tựu “to lớn, toàn diện và mang tính lịch sử”

Đề cập về những kết quả cơ bản của CTMTQG xây dựng nông thôn mới thời gian qua, ông Phương Đình Anh - Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (Khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, ngày 04/6/2010, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020, đồng thời, ngay sau đó 01 năm, ngày 08/6/2011, Thủ tướng Chính phủ đã phát động Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” để vận động, huy động các cấp, các ngành, các lực lượng xã hội và các tầng lớp nhân dân cả nước chung tay, góp sức xây dựng nông thôn mới.

Ông Phương Đình Anh - Phó Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 

Đại diện Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương nhấn mạnh, gần 13 năm qua, với sự quan tâm và chỉ đạo quyết liệt của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân, CTMTQG xây dựng nông thôn mới đã đạt được những thành tựu “to lớn, toàn diện và mang tính lịch sử”, trở thành một phong trào có sức lan tỏa sâu rộng và mạnh mẽ trong toàn xã hội, góp phần đưa các Nghị quyết của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Nghị quyết của Quốc hội về CTMTQG xây dựng nông thôn mới đi vào thực tiễn. Những kết quả đạt được của Chương trình đã góp phần tạo nên sự thay đổi mạnh mẽ, diện mạo nông thôn đã có nhiều khởi sắc, hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn được cải thiện; cơ cấu lại ngành nông nghiệp đã phát huy hiệu quả, kinh tế nông thôn đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của người dân nông thôn.

Tính đến tháng 9/2023, cả nước đã có 6.043/8.167 xã (chiếm 74%) đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 100 xã khu vực III vùng dân tộc thiểu số và miền núi đạt chuẩn nông thôn mới; có 1.528 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 230 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; bình quân cả nước đạt 16,9 tiêu chí/xã.

Có 265 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (chiếm khoảng 41,1% tổng số đơn vị cấp huyện của cả nước), 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, có 05 tỉnh (Nam Định, Đồng Nai, Hà Nam, Hưng Yên và Hải Dương) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2023 ước đạt khoảng 46,3 triệu đồng/người/năm (tăng 4,6 triệu đồng so với năm 2020).

Bên cạnh đó, chính sách an sinh, phúc lợi xã hội được đảm bảo và kịp thời chăm lo cho đối tượng chính sách, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều khu vực nông thôn năm 2022 còn khoảng 5,4%, giảm 1,7% so với năm 2020.

5 bài học kinh nghiệm trong xây dựng nông thôn mới ở vùng đồng bào DTTS

Trong xây dựng nông thôn mới tại Việt Nam, các vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ đặc biệt của Nhà nước, các cấp, các ngành, nhất là từ khi bắt đầu triển khai giai đoạn 2 của CTMTQG xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2016 - 2020). Đến nay, kết quả xây dựng nông thôn mới tại các vùng này đã có rất nhiều khởi sắc, đóng góp tích cực vào kết quả xây dựng nông thôn mới chung của cả nước. Do đó, đại diện Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nhấn mạnh 5 bài học kinh nghiệm để có kết quả xây dựng nông thôn mới đạt hiệu quả cao tại các vùng này.

Một là, công tác chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là sự chỉ đạo quyết liệt của người đứng đầu ở mỗi địa phương là yếu tố then chốt để xây dựng nông thôn mới. Trong chỉ đạo, điều hành, tổ chức triển khai thực hiện, cần xây dựng đề án, kế hoạch cụ thể và phân công rõ trách nhiệm cho từng cấp, từng ngành, từng cá nhân phụ trách. Bên cạnh đó, phải luôn chú trọng công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức và thay đổi tư duy của cán bộ, đảng viên và người dân về xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế nông thôn. Đặc biệt, phải biết phát hiện nhân tố điển hình, phát huy được vai trò gương mẫu, đi đầu thực hiện của người có uy tín (già làng, trưởng bản...) tại mỗi cộng đồng.

Phát huy vai trò gương mẫu, đi đầu thực hiện của người có uy tín trong xây dựng nông thôn mới (Ảnh minh họa)

Hai là, muốn xây dựng nông thôn mới, thì phải có thước đo để đánh giá việc triển khai và kết quả xây dựng nông thôn mới. Theo đó, cần phải ban hành Bộ tiêu chí nông thôn mới các cấp. Đối với vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thì cần chú trọng xây dựng tiêu chí thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới. Ở Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ ban hành Bộ tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó quy định đối với xã đặc biệt khó khăn, xã an toàn khu thuộc huyện nghèo, huyện vừa thoát nghèo, mức đạt chuẩn nông thôn mới được áp dụng theo các tiêu chí đối với vùng Trung du miền núi phía Bắc (vùng có mức quy định tiêu chí đạt chuẩn thấp nhất cả nước); đối với tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở thôn, bản, Thủ tướng Chính phủ giao Chủ tịch UBND cấp tỉnh ban hành.

Ba là, để xây dựng nông thôn mới hiệu quả, thì phải tạo dựng được phong trào thi đua tham gia xây dựng nông thôn mới. Theo đó, ở Việt Nam, ngay sau khi phê duyệt Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới của mỗi giai đoạn, Thủ tướng Chính phủ đều phát động phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” để vận động, huy động các cấp, các ngành, các lực lượng xã hội và các tầng lớp Nhân dân cả nước chung tay, góp sức xây dựng nông thôn mới; thúc đẩy các địa phương, các cơ quan, doanh nghiệp có điều kiện tham gia kết nghĩa, đỡ đầu, hỗ trợ các địa phương khó khăn xây dựng nông thôn mới. Từ nội dung phong trào thi đua, khi tổng kết, đánh giá kết quả xây dựng nông thôn mới của mỗi giai đoạn, sẽ tiến hành bình xét thi đua, khen thưởng cho những tập thể có kết quả thực hiện cao, cá nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp cho xây dựng nông thôn mới.

Bốn là, phải có cơ chế hỗ trợ đặc thù cho các vùng đặc biệt khó khăn. Đại diện Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương cho biết, hiện nay ở Việt Nam, về hỗ trợ phát triển sản xuất, địa bàn khó khăn và đặc biệt khó khăn được hỗ trợ kinh phí thực hiện lên tới 70-80% (Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022; Nghị định số 38/2023/NĐ-CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 27/2022/NĐ- CP); các công trình, dự án hạ tầng cấp huyện được hỗ trợ tối đa 70% vốn ngân sách Trung ương để thực hiện; vốn ngân sách trung ương (vốn đầu tư phát triển) ưu tiên hỗ trợ cho các xã đặc biệt khó khăn (xã khu vực III vùng DTTS và MN, xã ĐBKK vùng bãi ngang ven biển và hải đảo) với hệ số phân bổ cao gấp 4 lần so với các xã không được ưu tiên.

Thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (Ảnh minh họa)

Năm là, để thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đại diện Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, cần phải có Chương trình phát triển kinh tế để người dân ở những vùng này phát huy được lợi thế về địa hình, cảnh quan, tài nguyên bản địa, nét đẹp văn hóa truyền thống của mỗi dân tộc phục vụ phát triển kinh tế.

Theo đó, tại Việt Nam, từ năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) để tạo hành lang pháp lý và định hướng nội dung, giải pháp để hỗ trợ các cộng đồng phát triển kinh tế. Đây là một hướng đi rất phù hợp cho phát triển kinh tế ở nông thôn, minh chứng là, đến tháng 9/2023, cả nước đã có 63/63 tỉnh, thành phố đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, với 10.322 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, với tổng số 5.361 chủ thể OCOP.

Đặc biệt, Chương trình OCOP đã thúc đẩy hướng đi về phát triển sinh kế ở những vùng đặc biệt khó khăn và các nhóm yếu thế, như: đồng bào dân tộc thiểu số, phụ nữ (Tỷ lệ chủ thể là người dân tộc thiểu số khu vực khó khăn, miền núi chiếm 17,1%, đặc biệt là ở khu vực miền núi phía Bắc lên đến 37,3%). Bên cạnh đó, từ tháng 8/2022, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quyết định ban hành Chương trình phát triển du lịch nông thôn, cũng là một Chương trình góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế ở nông thôn, nhất là vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số./.

Bích Ngọc