QUY ĐỊNH CHẶT CHẼ HƠN TRONG HƯỞNG CHẾ ĐỘ BẢO HIỂM XÃ HỘI 1 LẦN

29/09/2023

Đóng góp ý kiến vào dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, cần chặt chẽ hơn trong quy định hưởng chế độ bảo hiểm xã hội 1 lần và cơ quan soạn thảo dự án Luật tiếp tục lắng nghe, nghiên cứu, thẩm tra về nội dung này để tạo được sự đồng thuận...

BỔ SUNG TRỢ CẤP HƯU TRÍ XÃ HỘI: CẦN NGHIÊN CỨU SỬA ĐỔI LUẬT NGƯỜI CAO TUỔI

LÀM RÕ NHỮNG NỘI DUNG TRỌNG TÂM LIÊN QUAN ĐẾN BẢO HIỂM XÃ HỘI

Mất việc sau đại dịch COVID-19, kinh tế gia đình khó khăn khiến trong thời gian qua, một bộ phận người lao động lựa chọn rút bảo hiểm xã hội 1 lần để có khoản chi tiêu trước mắt để trang trải cuộc sống.

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, khi lựa chọn hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần, các quyền lợi của người lao động sẽ bị hạn chế hơn rất nhiều so với hưởng lương hưu. Người lao động không còn trong hệ thống bảo hiểm xã hội được Nhà nước bảo hộ, mất cơ hội được hưởng lương hưu hằng tháng – nguồn thu nhập ổn định, hữu ích khi về già. Ngoài ra, người lao động mất đi cơ hội được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí trong suốt thời gian hưởng lương hưu để hưởng các quyền lợi về khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, chăm sóc sức khỏe. Ngoài ra, thân nhân của người lao động không được hưởng chế độ tử tuất khi không may người lao động qua đời...

Phiên thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến (lần 2) về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Trong khi Chính phủ đang mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội nhằm đảm bảo quyền lợi an sinh cho người dân thì việc rút bảo hiểm xã hội 1 lần cần được nghiên cứu kỹ lưỡng nên đã được Chính phủ đưa vào dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Ngoài ra, tại Phiên họp thứ 26, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa cho ý kiến (lần 2) về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), một trong những nội dung nhận được sự quan tâm của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội là vấn đề rút bảo hiểm xã hội 1 lần.

Thay mặt cơ quan thẩm tra về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), liên quan đến bảo hiểm xã hội 1 lần (điểm đ khoản 1 Điều 70 và điểm đ khoản 1 Điều 102 của dự thảo Luật), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh khẳng định: Thường trực Ủy ban Xã hội thấy rằng, tại Báo cáo số 1888, Thường trực Ủy ban Xã hội đã nêu 05 loại ý kiến về vấn đề này.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh.

Tại Phiên họp thứ 25, Chủ tịch Quốc hội đã chỉ đạo “nghiên cứu tích hợp, sử dụng những mặt tốt nhất của 2 phương án và các ý kiến của Thường trực Ủy ban Xã hội này để ra một phương án tối ưu”. Có ý kiến đề nghị kết hợp hai phương án Chính phủ trình thành 01 phương án thống nhất và nghiên cứu nên có lộ trình giảm phần trăm mức hưởng khi nhận bảo hiểm xã hội một lần (tương tự như vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu) để vừa tuyên truyền, vừa áp dụng chính sách tín dụng ưu đãi để giữ chân người tham gia bảo hiểm xã hội. Nếu thực hiện ngay và giảm mức hưởng xuống 50% sẽ có thể gây ra phản ứng chính sách; Báo cáo số 442 và Tờ trình số 457, Chính phủ vẫn đưa ra hai phương án, không có sự thay đổi. Chính vì vậy, trong Báo cáo thẩm tra số 1984/BC-UBXH15, Ủy ban Xã hội tiếp tục nêu lại toàn bộ các ý kiến về nội dung này để Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, xem xét.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh, Thường trực Ủy ban cho rằng, đây là vấn đề phức tạp, nhạy cảm, có ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động và vấn đề an sinh xã hội lâu dài, tác động nhất định đến tâm lý xã hội, người lao động. Do đó, cần phải tiếp tục đánh giá tác động, cân nhắc kỹ lưỡng, bao quát đối với nội dung sửa đổi, bổ sung quy định về hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần, tham vấn công chúng rộng rãi hơn về các phương án dự kiến sửa đổi, bổ sung. Bên cạnh đó, cần hết sức lưu ý quan tâm việc tăng cường hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo hiểm xã hội, đặc biệt là quy định về bảo hiểm xã hội một lần, để thống nhất nhận thức về mục tiêu của chính sách, đó là khi có việc làm thì người lao động và người sử dụng lao động có trách nhiệm hằng tháng trích một phần tiền lương, thu nhập (người lao động 8%, người sử dụng lao động 14%) để đóng vào quỹ bảo hiểm hưu trí để khi đến tuổi nghỉ hưu hoặc suy giảm khả năng lao động thì người lao động được hưởng lương hưu hằng tháng (rút từ tiền của người lao động, người sử dụng lao động đã đóng và tích lũy).

Thường trực Ủy ban Xã hội cho rằng, phải “chặt chẽ hơn trong quy định hưởng chế độ bảo hiểm xã hội 1 lần” như Nghị quyết số 28 đã xác định, hướng tới việc hạn chế tối đa việc người lao động hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần thì mới có thể thực hiện được mục tiêu mở rộng độ bao phủ của chính sách bảo hiểm xã hội, bảo đảm an sinh xã hội lâu dài cho người dân sau độ tuổi lao động.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Liên quan đến vấn đề rút bảo hiểm xã hội 1 lần, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, đây là vấn đề lớn nhất trong sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) lần này. Trong dự án Luật có đưa ra rút thời gian đóng và hưởng bảo hiểm xã hội từ 20 xuống 15 năm và tới đây theo nghị quyết Trung ương hướng tới lộ trình là 10 năm. Người dân, người lao động có quyền rút hay không rút bảo hiểm xã hội 1 lần. Chúng ta xử lý ở đây tức là vẫn đảm bảo quyền này. Phương án có nhiều nhưng trên cơ sở ý kiến, hồ sơ hoàn thiện của Chính phủ, Ủy ban Xã hội và các cơ quan tiếp tục lắng nghe, nghiên cứu, thẩm tra để tạo được sự đồng thuận.

Giải trình, làm rõ hơn về những nội dung trên, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định: Một trong những nội dung quan trọng trong dự án Luật Bảo hiểm Xã hội (sửa đổi) là về quy định rút bảo hiểm xã hội 1 lần. Về nội dung này, Chính phủ đề xuất hai phương án. Phương án 1, quy định việc hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần đối với hai nhóm người lao động khác nhau. Nhóm thứ nhất là người lao động đã tham gia bảo hiểm xã hội trước khi Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi có hiệu lực, sau 12 tháng nghỉ việc, có nhu cầu thì được nhận bảo hiểm xã hội 1 lần.

Nhóm thứ hai là người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi có hiệu lực (dự kiến 1/7/2025) trở đi thì không được nhận bảo hiểm xã hội 1 lần. Các trường hợp ngoại trừ vẫn được rút bảo hiểm là: người đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu; người ra nước ngoài để định cư hoặc bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng theo quy định tại Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành.

Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung.

Phương án 2 được thiết kế là sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.

Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng, rút bảo hiểm xã hội 1 lần là vấn đề hệ trọng, chấm dứt ngay lập tức có thể gây dư luận xã hội, đặc biệt với người dân đang được hưởng quyền lợi theo Nghị quyết 93. Nguyên tắc sửa Luật Bảo hiểm xã hội là để làm tốt hơn, đảm bảo tốt hơn quyền lợi cho người tham gia, từ đó thu hút, khuyến khích người lao động bước vào hệ thống an sinh, mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội.

Phát biểu kết luận về nội dung trên, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ: Từ tinh thần của cuộc họp lần trước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý là luật này sẽ báo cáo lần thứ hai để Thường vụ nghe và cho ý kiến. Qua Tờ trình của Chính phủ và qua Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội, ý kiến của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị sẽ không có thông báo kết luận mà đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Ủy ban Xã hội tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội.

 Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn.

Về phía Chính phủ sẽ tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện luật cũng như là các văn bản để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6. Ủy ban Xã hội tiếp tục hoàn thiện báo cáo thẩm tra để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 như tinh thần Chủ tịch Quốc hội đề cập đây là luật khó, còn thảo luận nhiều lần. Do đó, Chính phủ phải có một bước hoàn chỉnh trình Quốc hội, phía Ủy ban Xã hội cũng sẽ hoàn thiện báo cáo thẩm tra.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Ủy ban Xã hội tiếp tục chủ trì tổ chức tọa đàm, hội thảo, hội nghị lấy ý kiến rộng rãi dự án luật này, nắm bắt dư luận xã hội, đảm bảo trình Quốc hội dự án luật có chất lượng. Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục thẩm tra./.

Bích Lan