CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ THĂM CHÍNH THỨC BANGLADES: MỞ RA CƠ HỘI HỢP TÁC KINH TẾ VÀ NGOẠI GIAO NGHỊ VIỆN THỰC CHẤT, HIỆU QUẢ

21/09/2023

Ngày 21/9, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã lên đường thăm chính thức Cộng hòa Nhân dân Bangladesh theo lời mời của Chủ tịch Quốc hội Shirin Sharmin Chaudhury. Đây là chuyến thăm đầu tiên của người đứng đầu cơ quan lập pháp nước ta tới Bangladesh và là chuyến thăm đầu tiên của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta kể từ năm 2018. Chuyến thăm sẽ góp phần củng cố quan hệ hữu nghị Việt Nam – Bangladesh, thúc đẩy hợp tác kinh tế và quan hệ giữa hai Quốc hội.

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI ĐẾN DHAKA, BẮT ĐẦU CHUYẾN THĂM BANGLADESH

Thúc đẩy mở rộng hợp tác kinh tế, tìm lời giải cho ngành dệt may trong nước

Chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng Đoàn Đại biểu cấp cao Quốc hội nước ta đến Bangladesh diễn ra đúng thời điểm hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao nhằm thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại của Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết số 34-NQ/TW ngày 09/01/2023 của Bộ Chính trị. Đồng thời tiếp tục thúc đẩy quan hệ hữu nghị Việt Nam - Bangladesh mở rộng hợp tác hiệu quả, thực chất giữa hai nước trong tất cả các lĩnh vực.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đến Thủ đô Dhaka, bắt đầu thăm chính thức Cộng hoà Nhân dân Bangladesh

Chuyến thăm cũng khẳng định cam kết của Quốc hội Việt Nam trong hợp tác với Quốc hội Bangladesh sau chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội bạn năm 2017; thúc đẩy quan hệ hợp tác hai Quốc hội đi vào thực chất và bền vững qua việc hai Quốc hội ký thỏa thuận hợp tác. Đây là sự kiện chính trị đối ngoại quan trọng nhất giữa hai nước nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.

Theo dự kiến, trong khuôn khổ chuyến thăm Bên cạnh các hoạt động tiếp xúc cấp cao, Chủ tịch Quốc hội sẽ dự và phát biểu tại Diễn đàn chính sách, pháp luật thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư hai nước; thăm một cơ sở kinh tế và tiếp các doanh nghiệp lớn của Bangladesh…Điều này cho thấy hợp tác kinh tế cũng là một trong những lĩnh vực trọng tâm được trông đợi từ chuyến thăm lần này.

Trước đó, chia sẻ rộng rãi trước hàng trăm học giả, chuyên gia kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp, nhà quản lý tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023 diễn ra ngày 19/9, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận những khó khăn mà ngành dệt may của Việt Nam đang phải đối mặt nhất là trong xu hướng chuyển đổi kinh tế xanh, bảo đảm tăng trưởng xanh. Trước những ý kiến so sánh giữa ngành may mặc Việt Nam với Bangladesh, có ý kiến cho rằng ngành dệt may nước ta đi chậm hơn bạn trong việc tái cơ cấu, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đặt vấn đề, vì sao trong khi đơn hàng của Việt Nam, Trung Quốc suy giảm thì Bangladesh vừa duy trì đơn hàng lại vừa có sự gia tăng, liệu có phải chỉ do yếu tố giá rẻ? Nhấn mạnh, chúng ta phải nghiêm túc để nhìn nhận lại vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội cho biết, trong chuyến thăm chính thức tới Bangladesh sẽ trực tiếp nghiên cứu vấn đề này và sẽ có câu trả lời.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023

Theo Chủ tịch Quốc hội, Việt Nam hoàn toàn có thể phối hợp, kết hợp với Bangladesh để hình thành các chuỗi cung ứng về ngành dệt may. Dẫn chứng từ việc hợp tác với Thái Lan trong chuỗi cung ứng gạo, Chủ tịch Quốc hội gợi ý Việt Nam có thể hợp tác với Bangladesh - một cường quốc về dệt may. Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục nghiên cứu để có tăng cường hợp tác với Bangladesh trong lĩnh vực này.

Trao đổi trước thềm chuyến thăm Bangladesh của Chủ tịch Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cũng cho biết, với tinh thần Quốc hội luôn đồng hành với Chính phủ, phát huy vai trò của ngoại giao nghị viện thúc đẩy ngoại giao kinh tế, trong các chuyến công tác nước ngoài, Chủ tịch Quốc hội luôn dành thời gian gặp gỡ, lắng nghe và trao đổi chính sách với các doanh nghiệp sở tại, khẳng định cam kết của Quốc hội Việt Nam trong việc hoàn thiện thể chế, kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, minh bạch theo thông lệ quốc tế để các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm hoạt động tại Việt Nam.

Với Bangladesh, tiềm năng, dư địa hợp tác giữa hai bên còn nhiều nhưng nhìn chung hợp tác kinh tế vẫn còn khiêm tốn. Qua các cuộc tiếp xúc cấp cao và tiếp xúc với cộng đồng doanh nghiệp Bangladesh của Chủ tịch Quốc hội, Quốc hội sẽ kịp thời nắm bắt mong muốn, kỳ vọng của Bạn trong quan hệ với Việt Nam, từ đó, xác định được những vấn đề nào thuộc thẩm quyền của Quốc hội để thúc đẩy hợp tác hai nước, cộng đồng doanh nghiệp hai nước, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nêu rõ. 

Tăng cường quan hệ hợp tác giữa hai Quốc hội

Cũng trong khuôn khổ chuyến thăm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Quốc hội Bangladesh Shirin Sharmin Chaudhury sẽ ký Bản ghi nhớ hợp tác đầu tiên giữa Quốc hội hai nước nhằm tăng cường quan hệ hợp tác giữa hai Quốc hội thường xuyên và thực chất hơn nữa, góp phần thúc đẩy và mở rộng quan hệ hai nước. Ngay sau đó, Tổng Thư ký Quốc hội hai nước cũng sẽ lần đầu tiên ký Bản ghi nhớ hợp tác giữa Văn phòng Quốc hội Việt Nam và Ban Thư ký Nghị viện Bangladesh.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trao đổi trước thềm chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội tới Bangladesh

Đây sẽ là những dấu mốc quan trọng, mở ra chương mới trong quan hệ hợp tác giữa cơ quan lập pháp hai nước và cơ quan tham mưu, giúp việc của Quốc hội hai nước. Hai văn bản này sẽ tạo cơ sở để hai bên đẩy mạnh các nỗ lực nhằm tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác thông qua trao đổi Đoàn Lãnh đạo Quốc hội và các cấp; trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm lập pháp, giám sát; các lĩnh vực khác liên quan đến hoạt động của Quốc hội mỗi nước, hỗ trợ và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế.

Theo Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, Văn phòng Quốc hội Việt Nam và Ban Thư ký Nghị viện Bangladesh sẽ đẩy mạnh các hoạt động hợp tác, trao đổi thông tin và kinh nghiệm, góp phần tăng cường năng lực của các đơn vị và cán bộ tham mưu, giúp việc của Quốc hội hai nước; trao đổi thông tin về hệ thống pháp luật liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội, tổ chức và hoạt động của các cơ quan của Quốc hội, quy trình lập pháp, hoạt động giám sát của Quốc hội, việc tổ chức phiên họp toàn thể của Quốc hội, kinh nghiệm trong hoạt động cung cấp thông tin và dịch vụ nghiên cứu tới đại biểu Quốc hội, cung cấp thông tin, tổ chức hoạt động thăm quan, bảo tàng về Quốc hội tới người dân...

Bảo Yến