THỂ CHẾ HÓA ĐẦY ĐỦ, CỤ THỂ CHỦ TRƯƠNG, ĐƯỜNG LỐI CỦA ĐẢNG VỀ CÔNG NGHIỆP QUỐC PHÒNG, CÔNG NGHIỆP AN NINH VÀ ĐỘNG VIÊN CÔNG NGHIỆP

20/09/2023

Tại phiên họp thứ 26, cho ý kiến về dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, các ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật đồng thời đề nghị tiếp tục rà soát bảo đảm các quy định thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng trong lĩnh vực này, làm rõ chính sách của Nhà nước và bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

XÂY DỰNG LUẬT CÔNG NGHIỆP QUỐC PHÒNG, AN NINH VÀ ĐỘNG VIÊN CÔNG NGHIỆP: TẠO HÀNH LANG PHÁP LÝ ĐẦY ĐỦ

Toàn cảnh phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết thêm, hiện nay chưa có văn bản luật điều chỉnh trực tiếp, thống nhất về công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh và động viên công nghiệp, mà chỉ có các văn bản dưới luật như Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng năm 2008, Pháp lệnh Động viên công nghiệp năm 2003, Nghị định số 63/2020/NĐ-CP quy định về công nghiệp an ninh. Do đó, việc ban hành Luật là cần thiết, góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn thực hiện nhiệm vụ công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh và động viên công nghiệp trong tình hình mới.

Đánh giá cao cơ quan chủ trì soạn thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng Hồ sơ dự án Luật đã được chuẩn bị khoa học, nghiêm túc, cơ bản đáp ứng yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Nhiều tài liệu trong hồ sơ dự án luật rất công phu, kỹ lưỡng. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục hoàn thiện, bổ sung, đánh giá tác động về ngân sách nhà nước phải chi trả cho cơ chế, chính sách mới trong hồ sơ dự án luật, đảm bảo đầy đủ theo quy định tại Điều 64 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu tại phiên họp

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp rà soát kỹ lưỡng để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với các quy định của pháp luật có liên quan. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp chỉ rõ dự thảo Luật đã quy định các nội dung về mục đích sử dụng đất, thẩm quyền phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, an ninh. Tuy nhiên, các nội dung về công tác quản lý, bảo vệ các công trình nhà xưởng, dây chuyền của cơ sở công nghiệp quốc phòng, an ninh chưa được quy định trong dự thảo Luật. Ngoài ra, các nội dung về quy hoạch sử dụng đất, quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng đã được quy định cụ thể tại nhiều luật, dự thảo luật như Luật Quy hoạch, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổ), dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự… Do đó, cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung các nội dung liên quan đến đất đai.

Có cùng lưu ý về việc rà soát để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị cần rà soát để bảo đảm thống nhất với Luật Ngân sách nhà nước liên quan đến các nội dung về ngân sách, bố trí nguồn lực thực hiện các dự án trong lĩnh vực này.

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh phát biểu

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh, công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp là lĩnh vực rất quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia. Tuy nhiên, dự thảo Luật không có điều riêng quy định về chính sách của Nhà nước đối với lĩnh vực này. Cho rằng Nhà nước cần có chính sách ưu tiên đặc thù cho phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp nhằm chủ động bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, lo giữ nước ngay từ lúc nước chưa nguy, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đề nghị xây dựng một điều riêng trong luật quy định về chính sách của Nhà nước đối với lĩnh vực này. Trong đó thể hiện rõ quan điểm của Nhà nước trong việc ưu tiên đầu tư và huy động tối đa các nguồn lực cho phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.

Cho ý kiến về dự án Luật, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, nội dung dự thảo Luật phải kế thừa tối đa các quy định của Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng năm 2008, Pháp lệnh Động viên công nghiệp năm 2003 và việc tổng kết 10 năm triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về công nghiệp quốc phòng, an ninh.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu

Về cơ sở chính trị, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra tiếp tục nghiên cứu, rà soát để thể chế cụ thể, đầy đủ hơn chủ trương, đường lối của Đảng. Cụ thể là Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Trong đó khẳng định “xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng là nhiệm vụ cơ bản, vừa có ý nghĩa cấp bách trước mắt, vừa là nhiệm vụ chiến lược lâu dài, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân”.

Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW về “Đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2030 và những năm tiếp theo”. Trong đó nêu rõ, “công nghiệp quốc phòng là ngành đặc thù, phải được chăm lo, xây dựng và phát triển theo một cơ chế đặc thù và được ưu tiên trong đầu tư phát triển; coi trọng phát triển nguồn nhân lực, nguồn lực khoa học công nghệ, huy động tối đa thành tựu của nền công nghiệp quốc gia phục vụ công nghiệp quốc phòng”.

Đại diện lãnh đạo các cơ quan hữu quan cùng dự phiên họp

Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cần rà soát về mặt chủ trương, quan điểm xây dựng luật và các điều, khoản cụ thể thể hiện tinh thần nêu trên, đặc thù ở chỗ nào và chính sách đặc thù là như thế nào? Cùng với đó, cần thể chế hóa nội dung Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó nêu rõ “phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh theo hướng lưỡng dụng, thực sự trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia, tăng cường tiềm lực, tận dụng và phát triển, gắn kết công nghiệp quốc phòng, an ninh và công nghiệp dân sinh”…

Kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương nêu rõ, qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí sự cần thiết ban hành và  nhiều nội dung của dự thảo Lluật; cho rằng, dự thảo Luật bước đầu thể chế hóa được các quan điểm của Đảng, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật. Hồ sơ dự án luật cơ bản bảo đảm theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện để trình Quốc hội thảo luận Kỳ họp thứ 6.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương kết luận nội dung phiên họp

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng đây là một luật vừa dễ nhưng vừa khó bởi khó khó quy định cụ thể. Do đó, cần một cách tiếp cận khoa học hơn. Một mặt thể chế hóa đầy đủ nhất có thể đối với đường lối, quan điểm của Đảng. Tuy nhiên, cũng phải xác định cũng có nội dung không thể quy định cụ thể hết bởi phải pháp điển hóa hai pháp lệnh đã nhiều năm, cũng như có những những nội dung thuộc bí mật của quốc gia. Mặt khác nội dung của dự án Luật liên quan đến công nghệ, phát triển theo sự phát triển của khoa học kỹ thuật quân sự hiện đại. Nhiều vấn đề cần cập nhật kịp thời với trình độ phát triển. Do đó, sẽ có những nội dung cần thiết phải giao cho Chính phủ, các bộ, ngành, nhất là Bộ Quốc phòng quy định chi tiết.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương lưu ý, việc xây dựng Luật kế thừa tối đa 2 pháp lệnh và từ thực tiễn xây dựng công nghiệp quốc phòng, động viên công nghiệp và xây dựng công nghiệp an ninh trong suốt thời gian qua. Đồng thời, tiếp tục rà soát cơ sở chính trị, pháp lý để thể chế đầy đủ trong luật.

Một số hình ảnh tại phiên họp:

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương điều hành phiên họp

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Phạm Hoài Nam trình bày Tờ trình dự án Luật

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày báo cáo thẩm tra

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho ý kiến về dự án Luật

Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội cùng dự phiên họp

Đại diện lãnh đạo các cơ quan hữu quan cùng dự phiên họp

Đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội cùng dự phiên họp.

Bảo Yến - Phạm Thắng