DỰ ÁN LUẬT LƯU TRỮ (SỬA ĐỔI): RÀ SOÁT CÁC LUẬT VÀ CÁC ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ LIÊN QUAN ĐỂ ĐẢM BẢO TÍNH THỐNG NHẤT TRONG HỆ THỐNG PHÁP LUẬT VÀ CÁC CAM KẾT QUỐC TẾ

18/09/2023

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 26, sáng 18/9, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, UBTVQH xem xét, cho ý kiến về dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi). UBTVQH tán thành việc sửa đổi toàn diện Luật Lưu trữ, đánh giá cao Cơ quan chủ trì soạn thảo và Cơ quan chủ trì thẩm tra đã phối hợp chặt chẽ trình UBTVQH với tài liệu đầy đủ, đảm bảo đúng Luật Ban hành VBQPPL, nhưng cần rà soát các luật và các điều ước quốc tế liên quan để đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật và các cam kết quốc tế.

ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN VỀ DỰ ÁN LUẬT LƯU TRỮ (SỬA ĐỔI)

Toàn cảnh Phiên họp

Tán thành sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Lưu trữ

Sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày tóm tắt Tờ trình về dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi), UBTVQH nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng báo cáo thẩm tra sơ bộ về dự án Luật này.

Tán thành sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Lưu trữ năm 2011 và mục tiêu, quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án Luật như được nêu trong Tờ trình của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, hồ sơ dự án Luật được chuẩn bị công phu, đầy đủ tài liệu theo quy định tại khoản 1 Điều 64 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; nội dung dự thảo Luật cơ bản thống nhất với các chính sách được đề xuất khi đưa dự án Luật vào Chương trình. Đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát 11 nội dung giao quy định chi tiết, bảo đảm tinh thần luật hóa tối đa các nội dung đã rõ, đã được thực tiễn kiểm nghiệm và phát huy hiệu quả trên thực tế.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng

Về phạm vi điều chỉnh, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát, chỉnh lý quy định của dự thảo Luật để “giới hạn” phạm vi điều chỉnh đối với tài liệu lưu trữ tư theo hướng Luật chỉ điều chỉnh đối với “tài liệu lưu trữ tư có giá trị đặc biệt”; đồng thời, nghiên cứu bổ sung quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục để đưa tài liệu lưu trữ tư có giá trị đặc biệt vào Phông lưu trữ quốc gia Việt Nam.

Về bố cục của dự thảo Luật, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị cân nhắc sắp xếp lại một số chương cho hợp lý hơn theo hướng đưa nội dung về hoạt động nghiệp vụ lưu trữ (Chương IV) lên trước nội dung về quản lý tài liệu lưu trữ (Chương II). Đồng thời, kế thừa quy định của Luật Lưu trữ hiện hành, đề nghị nghiên cứu bổ sung thêm nội dung về lưu trữ cơ quan, trong đó, cần phân biệt rõ hơn giữa “lưu trữ cơ quan” với “lưu trữ lịch sử”, quy định trách nhiệm lập và nộp lưu hồ sơ, tài liệu của người được giao giải quyết, theo dõi công việc của cơ quan, tổ chức và trách nhiệm của người đứng đầu trong quản lý tài liệu lưu trữ tại cơ quan, tổ chức.

Qua thảo luận, các Ủy viên UBTVQH đánh giá cao Bộ Nội vụ có sự chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi), các nội dung tiếp cận rất hiện đại, bám sát chủ trương, đường lối của Đảng và yêu cầu của Chính phủ, cơ bản nhất trí với dự án Luật này. Đồng thời đánh giá cao Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Pháp luật.

Đa số ý kiến đánh giá cao Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Pháp luật

Đồng tình với Báo cáo thẩm sơ bộ về dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy nhận thấy Báo cáo thẩm tra sâu và đánh giá cao Bộ Nội vụ về sự chuần bị công phu kỹ lưỡng của luật, các nội dung tiếp cận rất hiện đại, bám sát chủ trương của Đảng và yêu cầu của Chính phủ.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy

Góp ý hoàn thiện dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy băn khoăn về giải thích từ ngữ, trong đó có thuật ngữ “lưu trữ”, “hoạt động lưu trữ”. Luật hiện hành quy định khái niệm “hoạt động lưu trữ” nhưng còn chưa rõ. Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho rằng, bản chất Luật Lưu trữ phải thể hiện được bao gồm việc thu thập, chỉnh lý, xác định giá trị, bảo quản… Nếu xác định được nội hàm của “lưu trữ” thì các chế định sau sẽ ảnh hưởng lớn đến các hoạt động khác và mở rộng hơn. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu chỉnh lý sao cho phản ánh đúng nội hàm của hoạt động lưu trữ.

Một trong những nhóm chính sách lớn trong dự thảo Luật lần này liên quan đến chuyển đổi số, ứng dụng các tài liệu số, tài liệu điện tử để lưu trữ, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy đề nghị cần phải lồng ghép các hoạt động nghiệp vụ lưu trữ, vì góc nhìn chuyển đổi số trong nghiệp vụ lưu trữ còn mờ nhạt. Về xây dựng các cơ sở dữ liệu lưu trữ và tài liệu điện tử quy định tại Chương 2, đề nghị quy định cụ thể về nội dung Chương này.

Liên quan đến chuyển đổi số, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy đề nghị rà soát tính đồng bộ với các luật có liên quan, trong đó có Luật Giao dịch điện tử.

Các nghiệp vụ lưu trữ đã kế thừa và được chuẩn bị tốt, Chủ nhiệm Lê Quang Huy cho rằng, khía cạnh bảo tồn, lưu trữ tốt nhưng khía cạnh bảo đảm để phát huy các giá trị của các tài liệu lưu trữ còn mỏng. Do đó, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tập trung gia công thêm nội dung này cho đầy đặn, phát huy các giá trị của tài liệu lưu trữ nhìn từ góc độ kinh tế, nguồn lực cho vấn đề này.

Nhấn mạnh vấn đề chuẩn hóa, hợp tác quốc tế cũng rất quan trọng trong dự án Luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị ngoài các quy định, Thông tư của Bộ nội vụ thì cần rà soát sao cho rõ ràng hơn, có quy định cụ thể, căn cứ theo chuẩn ISO quốc tế, đây chính là động lực để phát huy giá trị tài liệu lưu trữ.

Đồng tình với Báo cáo thẩm tra dự án Luật này, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh nhận thấy, nội dung thẩm tra của Ủy ban Pháp luật sâu, đầy đủ, chi tiết các vấn đề đặt ra trong dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi).

\

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh

Góp ý về phạm vi điều chỉnh và bố cục của dự thảo Luật, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đề nghị giải thích khái niệm “lưu trữ”, “hoạt động lưu trữ”, tài liệu lưu trữ.

Về lưu trữ tài liệu điện tử, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh tán thành sự cần thiết điều chỉnh lưu trữ tài liệu điện tử trong dự thảo Luật này và thiết kế riêng như vậy. Tuy nhiên, do việc thiết kế riêng, lưu trữ tài liệu điện tử tại Chương 5 sẽ đặt ra vấn đề là lưu trữ tài liệu giấy, tài liệu chứa đựng thông tin trên các vật mang tin khác không phải là lưu trữ tài liệu điện tử được quy định tại Khoản 1 Điều 3 của dự thảo Luật này thì được điều chỉnh theo quy định ở các điều, khoản nào của luật? Việc quy định riêng lưu trữ tài liệu điện tử tại Chương 5 thì đối với tài liệu này có áp dụng các quy định tại các Chương 2,3,4 của dự thảo Luật không? Vì Trưởng Ban Công tác đại biểu cho rằng, không thấy dẫn chiếu đến các quy định có liên quan.

Do đó, giữa phạm vi điều chỉnh và bố cục của Luật cần rà soát để điều chỉnh cho phù hợp và thống nhất hơn.

Liên quan đến chính sách của Nhà nước về lưu trữ tại Điều 5, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh nhận thấy, một số nội dung chưa rõ, chưa đủ. Và cho rằng, do tài liệu lưu trữ là tài liệu được hình thành trực tiếp bởi các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, gia đình, dòng họ, cộng đồng trong quá khứ và hiện tại, trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, khoa học, công nghệ và các hoạt động khác được thể hiện qua các ghi chép lịch sử dưới hình thức như là văn bản, biểu đồ, âm thanh, video… có giá trị để xã hội bảo tồn, phục vụ cho công tác quản lý nhà nước và hoạt động xã hội nói chung. Do đó, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đề nghị Nhà nước cần thể hiện rõ chính sách của mình trong công tác lưu trữ. Cụ thể, ở mức độ cao nhất thì Nhà nước cần đầu tư vào cơ sở vật chất cho công tác lưu trữ ra sao? Các cơ quan, tổ chức thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức có trách nhiệm quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, nguồn nhân lực cho công tác này như thế nào?

Ngoài ra, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cũng đề nghị Cơ quan soạn thảo cần rà soát kỹ lại toàn bộ Chương này với pháp luật về giao dịch điện tử, các khái niệm như dữ liệu chủ trong giao dịch điện tử với bản gốc tài liệu, bản chính trong luật này, kho lưu trữ là trung tâm dữ liệu tại Điều 3 của dự thảo Luật với khái niệm “trung tâm dữ liệu” của dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi).

Rà soát các nội dung của dự thảo Luật để thế chế hóa Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị, đáp ứng nhu cầu lưu trữ số, Chính phủ số

Phát biểu tại phiên họp, qua nghiên cứu hồ sơ dự án Luật này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận thấy Cơ quan soạn thảo, trực tiếp là Chính phủ và Bộ Nội vụ đã chuẩn bị hồ sơ rất công phu, nghiêm túc và trách nhiệm. Chủ tịch Quốc hội tin tưởng, Bộ Nội vụ chủ trì soạn thảo phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp và các bộ ngành trong Chính phủ để chuẩn bị cho dự án Luật tốt nhất.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Nêu rõ các ý kiến phát biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sâu sắc, cụ thể, Chủ tịch Quốc hội cơ bản thán thành với Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Uỷ ban Pháp luật và cho rằng Dự án Luật đã tập trung vào 4 nhóm chính sách: quy định về thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ, quy định về lưu trữ tài liệu điện tử, lưu trữ tư, quy định về hoạt động dịch vụ lưu trữ. Chủ tịch Quốc hội nhận thấy, các nội dung sửa đổi, bổ sung tập trung vào 4 nhóm chính sách này về cơ bản đã thể chế hóa được các quan điểm của Nhà nước ta về vấn đề lưu trữ, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hiện nay trong dự án Luật hiện hành. Dù mới trình lần đầu nhưng chất lượng của dự án Luật khá tốt.

Góp ý vào một số nội dung, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Cơ quan soạn thảo và Cơ quan thẩm tra tiếp tục rà soát các nội dung của dự thảo Luật để quán triệt và thế chế hóa Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách, chủ động tham gia vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để đẩy mạnh chuyển đổi số, đáp ứng nhu cầu lưu trữ số, Chính phủ số, kinh tế số, công dân số, xã hội số…

Đồng thời tiếp tục rà soát để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với các dự án Luật trong lĩnh vực này như Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước (về việc giải mật bí mật lưu trữ còn nhiều vướng mắc, lúng túng…); tiếp tục rà soát Luật Tiếp cận thông tin, tài liệu lưu trữ, Luật Công nghệ thông tin, Luật Giao dịch điện tử sửa đổi, Luật An toàn thông tin mạng, Luật An ninh mạng về lưu trữ điện tử, Luật Đầu tư, Luật Phí, lệ phí về hoạt động dịch vụ lưu trữ. Bên cạnh đó, cần rà soát tính đồng bộ, thống nhất các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đặc biệt, Việt Nam là thành viên của một số tổ chức lưu trữ quốc tế như Hội đồng lưu trữ quốc tế, Hiệp hội Lưu trữ các nước có sử dụng tiếng Pháp…

Về đối tượng áp dụng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đồng tình với vấn đề khu vực công, khu vực tư, cá nhân, tổ chức kinh doanh cung cấp hoạt động lưu trữ được đề cập đậm nét trong dự án Luật. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ băn khoăn quy định tại khoản 2 Điều 2 về sở hữu tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt và lo ngại bị thu hẹp đối tượng áp dụng, phạm vi so với mục đích chúng ta đặt ra, nhất là định hướng xã hội lưu trữ, quốc gia lưu trữ… Do đó, đề nghị cân nhắc nên bỏ cụm từ “sở hữu tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt” tại khoản 2 Điều 2.

Về bố cục, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục rà soát để cấu trúc lại các điều, các chương cho hợp lý, phù hợp hơn. Đồng thời đề nghị tiếp tục cân nhắc “phát huy tài liệu lưu trữ” thành một chương riêng hay không? Nếu tách thành chương riêng thì đề nghị Ban soạn thảo giải trình rõ lí do tại sao đặt thành chương riêng và thứ tự sắp xếp nên đặt trước hay sau chương về nghiệp vụ lưu trữ. Bên cạnh đó, đề nghị nên quy định chính sách của Nhà nước về lưu trữ tư.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Ban soạn thảo rà soát các chương các điều chưa thống nhất trong dự thảo Luật, càng cụ thể hóa các nội dung càng tốt, tránh quy định chồng chéo. Đồng thời rà soát, xem xét quy định về tài liệu lưu trữ lịch sử; tài liệu điện tử và tài liệu số, về điều khoản chuyển tiếp và áp dụng luật pháp.

Cũng tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà giải trình, làm rõ một số nội dung mà UBTVQH quan tâm. Bộ trưởng cho biết sẽ tiếp thu đầy đủ, toàn diện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội và tiếp thu tối đa ý kiến của UBTVQH. Đặc biệt, ý kiến của Chủ tịch Quốc hội đã gợi mở các vấn đề rất hay, đó là làm sao để xây dựng xã hội lưu trữ, quốc gia lưu trữ. Muốn được vậy, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, phải thúc đẩy, phát huy giá trị của tài liệu lưu trữ.

Cho rằng đây là luật chuyên ngành, tính bao trùm rộng, đặc thù, có ý nghĩa chính trị, văn hóa, xã hội, lịch sử, là tài nguyên quý giá của quốc gia, dân tộc, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nêu rõ sẽ tiếp thu để hoàn thiện làm sao đảm bảo các nguyên tắc cơ bản nhất trong bối cảnh xu thể toàn cầu hóa, yêu cầu chuyển đổi số. Việc sửa đổi toàn diện Luật này phải vừa kế thừa, bổ sung, đổi mới, vừa đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với các luật liên quan, không xung đột, mâu thuẫn, đẩy mạnh chuyển đổi số, lưu trữ số, chú ý hơn xã hội hóa lưu trữ và lưu trữ ở khu vực tư...

Rà soát các luật và các điều ước quốc tế liên quan để đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật và các cam kết quốc tế

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định kết luận nội dung thảo luận

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, với tinh thần làm việc khẩn trương, có 7 ý kiến UBTVQH đã phát biểu, đặc biệt đồng chí Chủ tịch Quốc hội có ý kiến chỉ đạo sâu sát, cụ thể. Về cơ bản, UBTVQH tán thành việc sửa đổi toàn diện Luật Lưu trữ, đánh giá cao Cơ quan chủ trì soạn thảo và Cơ quan chủ trì thẩm tra đã phối hợp chặt chẽ trình UBTVQH với tài liệu đầy đủ, đảm bảo đúng Luật Ban hành VBQPPL, đúng tiến độ Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh đã được Quốc hội thông qua… Hồ sơ được chuẩn bị kỹ lưỡng, tập trung vào đúng 4 nhóm chính sách lớn khi Quốc hội thông qua Chương trình, cơ bản phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng và các luật được Quốc hội thông qua trong thời gian gần đây.

Về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị Chính phủ làm rõ hơn đối với phạm vi tài liệu lưu trữ giữa các quy định nội tại trong luật. Đồng thời rà soát, bổ sung quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục để đưa tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt vào phông lưu trữ quốc gia. Thể chế hóa đầy đủ Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị và làm rõ hơn theo hướng mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với lưu trữ tư.

Bên cạnh đó, tiếp tục chỉ đạo rà soát các luật và các điều ước quốc tế liên quan để đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật và các cam kết quốc tế.

Qua nghiên cứu, đánh giá tại phiên họp này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi) đủ điều kiện để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6./.

Một số hình ảnh tại Phiên họp:

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung thảo luận

Các Ủy viên UBTVQH tham dự phiên họp

Chủ tịch Quốc hội nghiên cứu tài liệu

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi)

Chủ tịch Quốc hội cơ bản thán thành với Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Uỷ ban Pháp luật và cho rằng Dự án Luật đã tập trung vào 4 nhóm chính sách: quy định về thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ, quy định về lưu trữ tài liệu điện tử, lưu trữ tư, quy định về hoạt động dịch vụ lưu trữ. Chủ tịch Quốc hội nhận thấy, dù mới trình lần đầu nhưng chất lượng của dự án Luật khá tốt.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục rà soát để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với các dự án Luật liên quan và các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh góp ý tại phiên họp

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới thống nhất cao Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Pháp luật về dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi).

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đánh giá cao quá trình chuẩn bị của Ban soạn thảo và Ủy ban Pháp luật, khẳng định sự cần thiết sửa đổi Luật Lưu trữ như Tờ trình của Chính phủ.

Về tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho rằng,đây là quy định mới của dự thảo Luật, đề nghị làm rõ nội hàm các khái niệm liên quan đến “sửc khỏe cộng đồng” thì có phải là tài liệu lưu trữ quốc gia có giá trị đặc biệt hay không?

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết sẽ tiếp thu đầy đủ, toàn diện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội và tiếp thu tối đa ý kiến của UBTVQH. Đặc biệt, ý kiến của Chủ tịch Quốc hội đã gợi mở các vấn đề rất hay, đó là làm sao để xây dựng xã hội lưu trữ, quốc gia lưu trữ. Muốn được vậy, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, phải thúc đẩy, phát huy giá trị của tài liệu lưu trữ./.

Bích Ngọc - Phạm Thắng