Hội nghị Nghị sĩ trẻ Toàn cầu hàng năm của IPU là diễn đàn đặc biệt dành cho các nghị sĩ trẻ gặp gỡ, trao đổi, học hỏi, định hình các chiến lược chung và đổi mới nhằm thúc đẩy mục tiêu trao quyền cho nghị sĩ trẻ và thanh niên. Hội nghị năm 2023 sẽ tập trung thúc đẩy nhanh việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs) thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo.
Điều đặc biệt, được sự đồng ý của Bộ Chính trị và sự ủng hộ của các nghị viện thành viên Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 từ ngày 14-17/9/2023 tại thủ đô Hà Nội, Việt Nam.
Hội nghị Nghị sĩ trẻ Toàn cầu lần thứ 9 là cơ hội để các nghị sĩ trẻ khắp nơi trên thế giới thảo luận về các hành động của nghị viện nhằm đẩy nhanh việc thực hiện các SDGs thông qua chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo cũng như các giá trị văn hóa.
Họp báo quốc tế về Chương trình Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9
Theo dõi thông tin về sự kiện quan trọng này, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Ngô Quang Xuân cho rằng, đây là lần đầu tiên Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, Quốc hội đối với thanh niên và giới trẻ Việt Nam, góp phần tăng cường quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các đối tác quan trọng, nhất là nghị sĩ, lãnh đạo trẻ của các quốc gia; quảng bá đến bạn bè quốc tế hình ảnh thanh niên Việt Nam, phong trào thanh niên Việt Nam năng động, sáng tạo.
Phóng viên: Quốc hội Việt Nam sẽ đăng cai tổ chức Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 từ ngày 14-17/9/2023 tại Hà Nội, Việt Nam. Theo dõi thông tin về sự kiện, ông có nhận định như thế nào về bối cảnh tổ chức sự kiện đối ngoại quan trọng này?
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Ngô Quang Xuân: Quốc hội nước ta đăng cai Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có những chuyển biến mạnh mẽ cả về chính trị, kinh tế, xã hội. Kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại do tác động đa chiều. Xu thế chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển dịch chuỗi cung ứng đang ngày càng được các nước ưu tiên và đẩy mạnh;… Các bất ổn về chính trị, kinh tế, xã hội đã kéo lùi các thành tựu chống đói nghèo trên thế giới, làm chậm trễ việc thực hiện các cam kết về thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu của các quốc gia.
Nguyên PCN Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Ngô Quang Xuân
Ở Việt Nam, từ đầu năm 2022 đến nay, nền kinh tế nước ta được mở cửa trong trạng thái bình thường mới, dịch bệnh COVID-19 cơ bản được kiểm soát, tạo tiền đề quan trọng để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, cũng như tạo thuận lợi cho triển khai các hoạt động đối ngoại của nước ta.
Hoạt động đối ngoại của Quốc hội đặc biệt là tại các diễn đàn đa phương khu vực và quốc tế thời gian qua đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào việc giữ vững môi trường hòa bình, tranh thủ các điều kiện quốc tế thuận lợi để phát triển đất nước, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, không ngừng nâng cao vị thế của đất nước.
Quốc hội Việt Nam đã tham gia một cách chủ động, tích cực và có trách nhiệm vào các hoạt động của các diễn đàn hợp tác liên nghị viện quan trọng như Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), Diễn đàn Nghị viện Châu Á - Thái Bình Dương (APPF), Hội đồng liên nghị viện ASEAN (AIPA), Liên minh Nghị viện Pháp ngữ (APF), v.v. Đây là những kênh ngoại giao nghị viện đa phương có nhiều đóng góp vào việc duy trì hòa bình, thúc đẩy hợp tác, nâng cao hiểu biết, xây dựng lòng tin giữa các nghị viện; mở rộng vai trò, ảnh hưởng của các nghị viện đối với các vấn đề chung, vì hòa bình, hợp tác và phát triển.
Phóng viên: Đây là lần đầu tiên Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9. Vậy, ông có đánh giá như thế nào về ý nghĩa của sự kiện quan trọng này?
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Ngô Quang Xuân: Đảng, Nhà nước và Quốc hội luôn dành nhiều sự quan tâm đối với thanh niên và công tác thanh niên, đặc biệt vừa qua, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng tiếp tục ghi nhận, đặt ra các nhiệm vụ, giải pháp đối với thanh niên, công tác thanh niên; ban hành các Nghị định triển khai Luật thanh niên năm 2020, Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tạo cơ chế, chính sách để chăm lo, bồi dưỡng, phát huy thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Quốc hội Việt Nam cũng đã thành lập Nhóm Nghị sĩ trẻ từ khóa XIII, tạo diễn đàn để các Đại biểu Quốc hội trẻ giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình hoạt động Quốc hội, đặc biệt là trong các lĩnh vực liên quan đến chính sách cho giới trẻ.
Vì vậy, việc Quốc hội Việt Nam đăng cai Quốc hội Việt Nam lần đầu tiên đăng cai tổ chức Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 là hoạt động thiết thực triển khai đường lối của Đại hội Đảng lần thứ XIII, Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Một số định hướng, chủ trương lớn triển khai đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng”, Chỉ thị số 25-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khoá XII về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030 và Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021-2030.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng các Phó Chủ tịch Quốc hội, thành viên Ban Tổ chức Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 bấm nút khai trương công bố Logo, Bộ nhận diện và website Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9
Tiếp nối thành công Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức Đại hội đồng IPU-132 (năm 2015), Hội nghị APPF lần thứ 26 (năm 2016) và Đại hội đồng AIPA lần thứ 41 (năm 2020), việc Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Nghị sĩ trẻ lần này tiếp tục khẳng định sự tham gia tích cực, có trách nhiệm, chủ động của Việt Nam trong IPU; đồng thời cho thấy sự chú trọng, quan tâm của Việt Nam đối với thanh niên và các vấn đề chung toàn cầu của giới trẻ hiện nay. Hội nghị góp phần thúc đẩy các lợi ích của Việt Nam qua kênh nghị viện, đáp ứng yêu cầu phát triển và xu thế phát triển trong giai đoạn mới, trong đó có chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững; tuyên truyền, quảng bá rộng rãi với bạn bè quốc tế về truyền thống văn hóa, đất nước, con người, chính sách đối ngoại và thành quả công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam; tăng cường quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với nhiều đối tác quan trọng, nhất là các nghị sĩ, thế hệ lãnh đạo trẻ của các quốc gia cũng như tranh thủ sự ủng hộ của IPU, các nghị viện thành viên đối với công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.
Phóng viên: Ngày 15/9/2023 tới đây sẽ chính thức diễn ra Phiên khai mạc Hội nghị. Ông có kỳ vọng gì trước thềm Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 do Quốc hội Việt Nam lần đầu tiên đăng cai tổ chức?
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Ngô Quang Xuân: Thời gian qua, Quốc hội Việt Nam đã tích cực tham gia các hoạt động trong khuôn khổ Liên minh nghị viện thế giới IPU, trong đó có các kỳ Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu. Tại các Hội nghị này, Đoàn Việt Nam đã chủ động, tích cực tham gia, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, chủ trương, chính sách của Việt Nam liên quan đến các vấn đề trao đổi tại Hội nghị; đồng thời, đưa ra những đề xuất cụ thể nhằm tăng cường vai trò của các Nghị sĩ trẻ trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu. Lần này Quốc hội Việt Nam đăng cai Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9, tôi tin tưởng với sự chuẩn bị bài bản, kỹ lưỡng, “từ sớm, từ xa” Hội nghị sẽ thành công tốt đẹp, để lại dấu ấn sâu sắc đối với bạn bè quốc tế.
Hội nghị góp phần thúc đẩy các lợi ích của Việt Nam qua kênh nghị viện, đáp ứng yêu cầu phát triển và xu thế phát triển trong giai đoạn mới, trong đó có chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững. Hội nghị cũng là dịp tốt để ta tuyên truyền, quảng bá rộng rãi với bạn bè quốc tế về truyền thống văn hóa, đất nước, con người, chính sách đối ngoại và thành quả công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam; đồng thời là cơ hội để tăng cường quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với nhiều đối tác quan trọng, nhất là các nghị sĩ, thế hệ lãnh đạo trẻ của các quốc gia; tranh thủ sự ủng hộ của IPU, các nghị viện thành viên đối với công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại sứ Ngô Quang Xuân - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội!