PHÁT HUY HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT TỐI CAO CỦA QUỐC HỘI THÔNG QUA HÌNH THỨC LẤY PHIẾU TÍN NHIỆM VÀ BỎ PHIẾU TÍN NHIỆM

13/09/2023

Lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm là một trong những hình thức hoạt động giám sát quan trọng của Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Theo đó, Quốc hội, Hội đồng nhân dân đã 03 lần tiến hành lấy phiếu tín nhiệm. Việc lấy phiếu tín nhiệm đã thu được những kết quả bước đầu quan trọng, giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước.

NGHỊ QUYẾT SỐ 96/2023/QH15 CỦA QUỐC HỘI VỀ VIỆC LẤY PHIẾU TÍN NHIỆM, BỎ PHIẾU TÍN NHIỆM ĐỐI VỚI NGƯỜI GIỮ CHỨC VỤ DO QUỐC HỘI, HĐND BẦU HOẶC PHÊ CHUẨN

Quốc hội thông qua Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV

Quốc hội và Hội đồng nhân dân đã trải qua 3 lần lấy phiếu tín nhiệm theo Quy định số 262-QĐ/TW, ngày 8/10/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI. Lần lấy phiếu gần đây nhất là vào nửa cuối năm 2018 và đã thu được những kết quả bước đầu quan trọng.

Cụ thể, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV đã bố trí một ngày rưỡi cho phiên họp lấy phiếu tín nhiệm, trong đó dành riêng 01 buổi để các vị đại biểu Quốc hội thảo luận tại Đoàn về những nội dung liên quan tới việc lấy phiếu tín nhiệm đối với 48 người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Việc gửi báo cáo và công khai bản kê khai tài sản của những người được lấy phiếu tín nhiệm được công khai tại phiên họp của từng Đoàn theo quy định tại Nghị quyết số 85/2014/QH13.

Với tinh thần dân chủ, trách nhiệm cao của các vị đại biểu Quốc hội và sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các cơ quan, tổ chức hữu quan, sự chuẩn bị chu đáo của các cơ quan tham mưu giúp việc, việc lấy phiếu tín nhiệm vừa qua, cơ bản đạt được mục đích, yêu cầu đề ra, thu hút sự quan tâm, theo dõi của nhân dân và cử tri cả nước. Việc lấy phiếu tín nhiệm bảo đảm nghiêm túc, đúng nội dung, quy trình, thủ tục theo quy định của pháp luật. Hoạt động lấy phiếu tín nhiệm giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm giúp người được lấy phiếu tín nhiệm thấy được mức độ tín nhiệm của mình để phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động; làm cơ sở để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét đánh giá cán bộ. Bên cạnh đó, kết quả lấy phiếu tín nhiệm đã tạo ấn tượng tốt, tạo sự tin tưởng, phấn khởi trong nhân dân, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng.

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã lấy phiếu tín nhiệm đối với 48 người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn

Theo TS. Bùi Ngọc Thanh, Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động lấy phiếu tín nhiệm vẫn còn một số vướng mắc. Vì vậy, nhằm đánh giá thực chất hơn nữa, sát đúng với thực tế tình hình cán bộ từ Trung ương đến địa phương trong cả nước, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Quy định số 96-QĐ/TW ngày, 02/2/2023 thay thế cho Quy định 262. Quy định 96-QĐ/TW đã có nhiều nội dung đổi mới.

Trong đó, một trong những điểm đổi mới quan trọng đó là, đối tượng điều chỉnh của Quy định. Nếu quy định số 262 là về việc lấy phiếu tín nhiệm các thành viên lãnh đạo cấp ủy và cán bộ lãnh đạo các cơ quan Đảng, Nhà nước, mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội thì Quy định số 96 là, việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị. Nghĩa là toàn bộ cán bộ giữ chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý của các tổ chức, cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến các cấp có đơn vị trực thuộc. Như vậy, Ban Chấp hành Trung ương đã nâng tầm việc lấy phiếu tín nhiệm cả phạm vi quy mô và nội dung lấy phiếu, do đó việc lấy phiếu tín nhiệm ở các cơ quan dân cử cũng phải đổi mới theo Quy định mới.

Để kịp thời thể chế hóa Quy định số 96-QĐ/TW ngày 02/02/2023 của Bộ Chính trị và một số quy định của pháp luật liên quan đến lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, Hội đồng nhân dân, ngày 23/6/2023, Quốc hội khoá XV đã ban hành Nghị quyết số 96/2023/QH15 thay thế Nghị quyết số 85/2014/QH13.

Nghị quyết số 96 gồm có 22 điều, so với Nghị quyết số 85/2014/QH13, giữ nguyên 02 điều, sửa đổi, bổ sung 16 điều và bổ sung 04 điều mới; có 07 phụ lục trong đó bổ sung 02 phụ lục mới. Đáng lưu ý, về đối tượng lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, so với quy định tại Nghị quyết số 85/2014/QH13, Nghị quyết 96 bổ sung đối tượng được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với chức danh Tổng Thư ký Quốc hội. Đối tượng do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đã bỏ chức danh Ủy viên Thường trực của Hội đồng nhân dân.

Không lấy phiếu tín nhiệm ở Hội đồng nhân dân cấp xã. Không lấy phiếu tín nhiệm đối với người đã có thông báo nghỉ công tác chờ nghỉ hưu hoặc được bầu, bổ nhiệm trong năm lấy phiếu tín nhiệm. Không lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận tại thành phố Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh vì đây là chức danh do Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố bổ nhiệm

 Về căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm, Nghị quyết số 96 đã quy định chi tiết nội dung của các tiêu chí đánh giá về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, việc chấp hành Hiến pháp và pháp luật; về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao, phù hợp với đối tượng được lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, Hội đồng nhân dân.

Về các hành vi bị nghiêm cấm, Nghị quyết 96 bổ sung 01 điều quy định các hành vi bị nghiêm cấm nhằm đảm bảo việc lấy phiếu tín nhiệm được thực hiện khách quan, minh bạch và đúng pháp luật, phản ánh thực chất kết quả tín nhiệm của người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm.

Về quy trình lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Nghị quyết đã bổ sung, quy định rõ thẩm quyền của các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan và thời hạn của một số bước trong quy trình lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, Hội đồng nhân dân.

Ngoài ra, Nghị quyết số 96 cũng bổ sung quy định phiên họp lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm chỉ được tiến hành khi có ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân tham dự;…

Để tổ chức triển khai Nghị quyết số 96/2023/QH15, phát huy hơn nữa hiệu quả giám sát tối cao của Quốc hội thông qua hình thức lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, các ý kiến chuyên gia cho rằng, cần bảo đảm quyền và đề cao trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân trong việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm; bảo đảm quyền báo cáo, giải trình của người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm.

Theo nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Đặng Đình Luyến, cần nâng cao trách nhiệm của đại biểu Quốc hội là người thay mặt cử tri, thay mặt Nhân dân thực hiện quyền giám sát, đánh giá tín nhiệm đối với người được Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Bảo đảm dân chủ, khách quan, công tâm, công khai, minh bạch; đánh giá đúng thực chất kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm.

Nhấn mạnh về hệ quả đổi với người được lấy phiếu tín nhiệm, TS. Nguyễn Đình Quỳnh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp lưu ý, kết quả lấy phiếu tín nhiệm là một trong những căn cứ để đánh giá chất lượng, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tuân thủ và chấp hành pháp luật theo ngành, lĩnh vực, địa phương. Thể hiện sự giám sát, đánh giá của các đại biểu thay mặt cử tri, nhân dân đối với những người đứng đầu các ngành, lĩnh vực, địa phương... Qua đó, vừa có căn cứ để khuyến khích, động viên kịp thời, vừa cảnh tỉnh, nhắc nhở, phòng ngừa, răn đe với những hạn chế, thiếu sót trong ngành, lĩnh vực, địa phương.

Theo dự kiến, căn cứ quy định tại Điều 9 Nghị quyết số 96/2023/QH15, tới đây Quốc hội sẽ tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn vào kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện tổ chức lấy phiếu tín nhiệm vào kỳ họp cuối năm 2023./.

Lê Anh