VIỆT NAM LUÔN LÀ THÀNH VIÊN TÍCH CỰC, SÁNG TẠO, TIN CẬY TẠI IPU

12/09/2023

Kể từ khi trở thành thành viên chính thức của IPU, các đại biểu cũng như giới chuyên gia cho rằng, Việt Nam luôn là thành viên tích cực, sáng tạo và tin cậy tại IPU, điều đó thể hiện rõ qua các sự kiện nổi bật mà Việt Nam đã đóng góp, đặc biệt khi đăng cai thành công Đại Hội đồng IPU-132, Hội nghị APPF- 26, Đại hội đồng AIPA- 41 và sắp tới là Hội nghị Nghị sỹ trẻ toàn cầu lần thứ 9 trong tháng 9/2023 này.

TỔNG THƯ KÝ IPU: VIỆT NAM SẼ TỔ CHỨC THÀNH CÔNG HỘI NGHỊ NGHỊ SĨ TRẺ TOÀN CẦU LẦN THỨ 9 

ĐẠI BIỂU NGUYỄN HẢI ANH – ĐOÀN ĐBQH TỈNH ĐỒNG THÁP: THÚC ĐẦY HỢP TÁC GIỮA ĐBQH TRẺ, THANH NIÊN VIỆT NAM VỚI NGHỊ SĨ TRẺ TOÀN CẦU 

Kể từ khi trở thành thành viên chính thức của IPU, Việt Nam luôn là thành viên tích cực, sáng tạo và tin cậy tại IPU, thể hiện qua các sự kiện nổi bật mà Việt Nam đã đóng góp, đặc biệt khi đăng cai thành công Đại Hội đồng IPU-132, Hội nghị APPF- 26, Đại hội đồng AIPA- 41 và sắp tới là Hội nghị Nghị sỹ trẻ toàn cầu lần thứ 9 trong tháng 9/2023 này

Là trung tâm hoạt động ngoại giao nghị viện trên khắp thế giới vì hòa bình, hợp tác giữa các dân tộc, IPU đã và đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy vai trò của các cơ chế hợp tác liên nghị viện và cùng với Liên Hợp Quốc thảo luận các giải pháp nhằm đổi mới tổ chức, hoạt động hợp tác, chương trình nghị sự để củng cố đoàn kết, đóng góp vào việc gìn giữ hòa bình, ổn định và phát triển bền vững của mỗi quốc gia.

Việt Nam là thành viên chính thức của IPU từ năm 1979. Hơn 40 năm qua, Việt Nam luôn là thành viên tích cực, có trách nhiệm, đề xuất nhiều sáng kiến và đóng góp thực chất vào hoạt động của IPU; sẵn sàng cùng với IPU và Nghị viện các nước thành viên thực hiện các nghị quyết, sáng kiến của IPU nhằm góp phần xây dựng hòa bình và phát triển bền vững vì lợi ích của nhân dân các nước trên thế giới.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội

Phóng viên: Nhìn lại những thành công khi đăng cai tổ chức Đại Hội đồng IPU-132 (năm 2015), Hội nghị APPF-26 (năm 2018), Đại hội đồng AIPA-41 (năm 2020), đã cho thấy vai trò thành viên của Việt Nam trong IPU như thế nào thưa ông?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Trong quá trình hơn 40 năm tham gia IPU, vai trò thành viên và sự tham gia tích cực của Việt Nam trong IPU được thể hiện rất rõ qua những thành công đáng kể khi đăng cai tổ chức các sự kiện quan trọng của tổ chức này như Đại Hội đồng IPU-132 (năm 2015), Hội nghị APPF- 26 (năm 2018), Đại hội đồng AIPA - 41 (năm 2020). Đặc biệt là Hội nghị Nghị sỹ trẻ toàn cầu lần thứ 9 sắp tới.

Trong Đại Hội đồng IPU-132 năm 2015, Việt Nam đã được đánh giá cao về việc tổ chức sự kiện này một cách thành công và chuyên nghiệp. Kết quả ngoài mong đợi đã đạt được, từ việc thu hút sự tham gia của gần 1.600 đại biểu quốc tế, đến việc hình thành nhiều cuộc thảo luận và đạt được đồng thuận về nhiều vấn đề quan trọng trong lĩnh vực chính trị, kinh tế và xã hội.

Lễ khai mạc Đại hội đồng IPU-132, tổ chức tại Hà Nội năm 2015

Hội nghị APPF- 26 diễn ra vào năm 2018 cũng là một dấu ấn thành công lớn về vai trò của Việt Nam trong IPU. Việt Nam đã chủ động xây dựng chương trình phong phú và đa dạng, thu hút sự tham gia của đại diện của các quốc gia thành viên APPF, đặc biệt là những quốc gia có vai trò quan trọng trong khu vực và trên thế giới. Hội nghị đã tạo điều kiện để các quốc gia thành viên cùng chia sẻ quan điểm và kinh nghiệm của mình, từ đó tăng cường sự hợp tác và đồng lòng trong các vấn đề quốc tế.

Đại hội đồng Liên nghị viện các Quốc gia Đông Nam Á AIPA- 41 với chủ đề "Ngoại giao Nghị viện vì một Cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng" do Việt Nam chúng ta tổ chức cũng đã thành công tốt đẹp và đạt nhiều kết quả. Thành công của Ðại hội đồng AIPA 41 lần này đã góp phần khẳng định năng lực và nâng cao vị thế của Quốc hội Việt Nam trên trường quốc tế. Các chủ đề thảo luận tại Đại hội đồng được đánh giá là rất phù hợp; các nội dung trao đổi phong phú, sát với tình hình thực tiễn; đặc biệt là về các biện pháp nhằm đối phó với đại dịch Covid-19 và khôi phục kinh tế sau đại dịch; tầm quan trọng của việc củng cố hòa bình, an ninh và hợp tác ở khu vực.

Từ những thành công này, có thể thấy rằng Việt Nam đã đóng góp tích cực và phát huy vai trò của mình trong IPU. Việt Nam không chỉ là một thành viên chủ động, mà còn là một đối tác đáng tin cậy và mang lại nhiều ý kiến và giải pháp hay nhằm xây dựng, đóng góp vào sự phát triển của tổ chức này.

Như vậy, theo quan sát của tôi,  chúng ta đã có những thành công đáng kể trong việc đăng cai tổ chức các sự kiện quan trọng của IPU. Việt Nam đã tổ chức các sự kiện một cách thành công và chuyên nghiệp, thu hút sự tham gia của đại biểu quốc tế và đạt được đồng thuận trên nhiều vấn đề quan trọng.

Tiến sĩ Phạm Xuân Hưng, Nhà nghiên cứu Đại học Konkuk (Hàn Quốc)

Tiến sĩ Phạm Xuân Hưng, Nhà nghiên cứu Đại học Konkuk (Hàn Quốc): Tôi rất đồng tình với ý kiến nhận định của PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội. Thực tế đã cho thấy, kể từ khi gia nhập IPU đến nay, Việt Nam luôn là thành viên tích cực, tin cậy, có trách nhiệm, chủ động đề xuất nhiều sáng kiến và đóng góp thực chất vào hoạt động của IPU; sẵn sàng cùng với IPU và Nghị viện các nước thành viên thực hiện các nghị quyết, sáng kiến của IPU nhằm góp phần xây dựng hòa bình và phát triển bền vững vì lợi ích của nhân dân các nước trên thế giới.

Có thể kể đến nhiều sự kiện quan trọng do Việt Nam đăng cai tổ chức đã nhận được sự đánh giá rất cao của lãnh đạo IPU và các nước thành viên như: Tổ chức thành công Đại hội đồng IPU - 132 tháng 4/2015 với việc IPU đã thông qua Tuyên bố Hà Nội, đóng góp quan trọng vào quá trình xây dựng Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững... Với những đóng góp quan trọng vào hoạt động của IPU, tôi cho rằng, Việt Nam là thành viên mẫu mực của IPU; mối quan hệ Việt Nam - IPU là hình mẫu trong quan hệ hợp tác liên nghị viện.

Hội nghị APPF- 26 diễn ra vào năm 2018 cũng là một dấu ấn thành công lớn về vai trò của Việt Nam trong IPU

Tiếp nối thành công của Đại hội đồng Liên minh nghị viện thế giới lần thứ 132 (IPU-132), việc Quốc hội Việt Nam được APPF và các Nghị viện thành viên tin tưởng giao đảm nhiệm vai trò Chủ tịch APPF và trao quyền đăng cai tổ chức Hội nghị thường niên lần thứ 26 của APPF đã thể hiện vai trò và uy tín ngày càng cao của Quốc hội Việt Nam trong các hoạt động ngoại giao nghị viện khu vực và quốc tế, góp phần tăng cường hơn nữa quan hệ ngoại giao song phương giữa Quốc hội Việt Nam và Quốc hội các nước; chuyển tải mạnh mẽ thông điệp và hình ảnh về một Quốc hội đổi mới, năng động, tích cực và trách nhiệm tới bạn bè quốc tế. Thành công của Hội nghị APPF-26 đã trở thành điểm nhấn quan trọng trong công tác đối ngoại Quốc hội, đóng góp vào thành công chung của hoạt động ngoại giao nước nhà; đồng thời thể hiện vai trò và trách nhiệm của Quốc hội Việt Nam trong APPF.

Đại hội đồng Liên nghị viện các Quốc gia Đông Nam Á AIPA- 41 do Việt Nam tổ chức năm 2020 đã thành công tốt đẹp và đạt nhiều kết quả, góp phần khẳng định năng lực và nâng cao vị thế của Quốc hội Việt Nam trên trường quốc tế

Với vai trò Chủ tịch Đại hội đồng AIPA- 41, Quốc hội Việt Nam cũng đã phát huy rất tốt vai trò dẫn dắt trong AIPA, tạo sự ủng hộ, đồng thuận cao với các Nghị viện thành viên và Nghị viện Quan sát viên AIPA với các vấn đề thuộc mối quan tâm chung của ASEAN. Thành công của Ðại hội đồng AIPA 41 đã góp phần khẳng định năng lực và nâng cao vị thế của Quốc hội Việt Nam trên trường quốc tế.

Tôi tin tưởng tiếp sau việc đăng cai thành công Đại hội đồng IPU-132, Hội nghị APPF lần thứ 26 và Đại hội đồng AIPA lần thứ 41, việc đăng cai Hội nghị Nghị sỹ trẻ toàn cầu lần thứ 9 này, sẽ góp phần tiếp tục khẳng định và phát huy vai trò tích cực, sáng tạo, có trách nhiệm và chủ động của Việt Nam trong IPU - tổ chức liên nghị viện lớn nhất thế giới.

Phóng viên: Quan sát quá trình Việt Nam trong những sự kiện đăng cai trước, theo ông, Việt Nam chúng ta đã có những thành công như thế nào và kinh nghiệm cho lần đăng cai này? Ông có kỳ vọng gì?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Những thành công khi đăng cai các sự kiện trước đã đem lại cho Việt Nam những kinh nghiệm quý giá. Chúng ta đã nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng chương trình thiết thực, phong phú, đa dạng và hấp dẫn để thu hút sự quan tâm và tham gia của các quốc gia thành viên. Bên cạnh đó, chúng ta cũng đã chú trọng đảm bảo quyền lợi và lợi ích của tổ chức và các quốc gia tham dự. Việt Nam đã chủ động hợp tác với các thành viên để thảo luận và đạt được sự đồng lòng trong các vấn đề quan trọng.

Đối với lần đăng cai tổ chức Hội nghị Nghị sỹ trẻ toàn cầu lần thứ 9 lần này, tôi kỳ vọng rằng Việt Nam sẽ tiếp tục đạt được những thành công tương tự như các lần trước đó. Chúng ta phải kiên trì với phương châm là chú trọng đến việc xây dựng chương trình phù hợp, có tính quốc tế và thu hút sự tham gia của các quốc gia thành viên, gắn với lợi ích quốc gia – dân tộc. Đồng thời, chúng ta cũng cần đảm bảo quyền lợi và lợi ích của các quốc gia tham dự, để tạo điều kiện cho các cuộc thảo luận và đạt được sự đồng thuận trong các vấn đề quan trọng.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng các Phó Chủ tịch Quốc hội, thành viên Ban Tổ chức Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 bấm nút khai trương công bố Logo, Bộ nhận diện và website Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9

Tôi cũng hy vọng rằng, chúng ta sẽ vận dụng kinh nghiệm và thành công trong các lần đăng cai trước đó để nâng cao chất lượng tổ chức và đem lại những kết quả tích cực. Việt Nam có thể tiếp tục đóng vai trò tích cực và đóng góp vào sự phát triển của IPU, từ việc đưa ra ý tưởng và giải pháp xây dựng, đến việc thúc đẩy sự hợp tác và đồng lòng trong các vấn đề quốc tế.

Tiến sĩ Phạm Xuân Hưng, Nhà nghiên cứu Đại học Konkuk (Hàn Quốc): Ngoài các điểm mà PGS.TS Bùi Hoài Sơn đã nêu, tôi cho rằng, từ những kinh nghiệm sẵn có từ các lần đăng cai trước cũng như bối cảnh ở Việt Nam hiện tại, việc tổ chức Hội nghị Nghị sỹ trẻ toàn cầu lần thứ 9 cần bảo đảm yếu tố hữu nghị, trọng thị, chu đáo, an toàn, tiết kiệm và hiệu quả, đặc biệt là về công tác chuẩn bị triển khai tổ chức, lễ tân, khánh tiết, hậu cần và an ninh.

Đặc biệt, về công tác thông tin, tuyên truyền cho Hội nghị, tôi cho rằng cũng cần lưu ý thông tin kịp thời, đầy đủ, tuyên truyền rộng rãi về Hội nghị theo thông lệ các Hội nghị quốc tế được tổ chức tại Việt Nam; có tính đến đây là Hội nghị quốc tế có quy mô về thanh niên mà Việt Nam tổ chức, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang đảm nhiệm vai trò là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu, chuyên gia!

Thu Phương