TỔNG THƯ KÝ IPU: VIỆT NAM SẼ TỔ CHỨC THÀNH CÔNG HỘI NGHỊ NGHỊ SĨ TRẺ TOÀN CẦU LẦN THỨ 9
Theo chương trình, Hội nghị Nghị sỹ trẻ toàn cầu sẽ diễn ra từ ngày 14-17/9/2023 tại Hà Nội, với các phiên thảo luận chuyên đề, tọa đàm, các cuộc gặp song phương và đa phương giữa các ĐBQH trẻ Việt Nam, thanh niên Việt Nam với các nghị sĩ trẻ, thanh niên các nước.
Dự hội nghị có Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch/Tổng thư ký IPU gửi thư mời Nghị viện các nước thành viên; khoảng 200-300 đại biểu quốc tế; đại diện quan sát viên, các tổ chức liên kết, các tổ chức đối tác của IPU. Về phía Quốc hội Việt Nam sẽ có sự tham dự của toàn bộ đại biểu Quốc hội trẻ Việt Nam. Dự Hội nghị còn có các đồng chí Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đại diện các Bộ ngành có liên quan, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức quốc tế và một số đại biểu Hội đồng Nhân dân trẻ…
Để hiểu hơn về mục đích, ý nghĩa, sự tham gia của Nhóm Đại biểu Quốc hội trẻ Việt Nam về Hội nghị Nghị sỹ trẻ toàn cầu lần thứ 9, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Đinh Công Sỹ - Phó Chủ tịch Thường trực Nhóm Đại biểu Quốc hội trẻ Việt Nam đã trả lời phỏng vấn Cổng Thông tin điện tử Quốc hội về vấn đề này.
Phóng viên: Thưa đại biểu, giữa tháng 9/2023, Quốc hội Việt Nam sẽ đăng cai tổ chức Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9. Đây là một trong những sự kiện quan trọng của Quốc hội Việt Nam trong năm 2023, nhằm triển khai đường lối của Đại hội Đảng lần thứ XIII, Nghị quyết số 34-NQ/TW của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 25-CT/TW. Xin ông cho biết cụ thể hơn về mục đích, ý nghĩa của Hội nghị này?
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Đinh Công Sỹ - Phó Chủ tịch Thường trực Nhóm Đại biểu Quốc hội trẻ Việt Nam: Trước tiên, cần khẳng định rằng Quốc hội Việt Nam đã có các bước chuẩn bị kỹ lưỡng để đạt được sự nhất trí của Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) về việc Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị nghị nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9. Các hoạt động đàm phán, vận động, thúc đẩy với IPU, các nghị viện thành viên và các đối tác quốc tế đã được triển khai từ năm 2021.
Trong khuôn khổ các chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, các chuyến thăm, làm việc song phương của đồng chí Lãnh đạo Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tới các nước và tại các diễn đàn nghị viện đa phương và trong các cuộc hội đàm, làm việc với các Đoàn nghị sĩ nước ngoài thăm Việt Nam, đã bày tỏ quyết tâm của Quốc hội Việt Nam trong việc đăng cai tổ chức hội nghị.
Với những nỗ lực đó, ngày 13/3/2023, trong khuôn khổ tham dự Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 146 (IPU) tại Manama, Bahrain, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã tiếp Tổng Thư ký IPU Martin Chungong và chứng kiến Lễ ký Thỏa thuận giữa Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và Tổng Thư ký IPU về Phương thức tổ chức Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 tại Hà Nội vào tháng 9/2023.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Đinh Công Sỹ - Phó Chủ tịch Thường trực Nhóm Đại biểu Quốc hội trẻ Việt Nam
Mục đích Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 nhằm: Tiếp tục khẳng định cam kết chủ động, tích cực tham gia các hoạt động ngoại giao nghị viện đa phương của Việt Nam; phát huy vai trò và vị thế của Việt Nam tại diễn đàn IPU; Chia sẻ thông tin về những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, về đất nước, con người, văn hóa Việt Nam, sự tham gia của giới trẻ vào đời sống chính trị, kinh tế - xã hội; Trao đổi với nghị sĩ trẻ các nước về lập trường của Việt Nam về các vấn đề của khu vực và thế giới; Tham khảo, chia kinh nghiệm trong việc thúc đẩy sự tham gia của giới trẻ trong các hoạt động chính trị, kinh tế và xã hội, trong đó có vai trò của giới trẻ trong việc thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo; Thiết lập mối quan hệ với các chính trị gia trẻ tuổi, các Nhóm Nghị sĩ trẻ của các nước.
Với quy mô to lớn của hội nghị lần này, việc Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị là sự kiện đối ngoại có tầm quan trọng và ý nghĩa to lớn, khẳng định sự tham gia tích cực, có trách nhiệm và chủ động của Việt Nam trong tổ chức liên nghị viện lớn nhất hành tinh, đồng thời khẳng định sự quan tâm của Đảng, Quốc hội, Chính phủ Việt Nam đối với thanh niên, và các vấn đề quan tâm chung của giới trẻ toàn cầu.
Với việc Việt Nam đăng cai tổ chức hội nghị là hoạt động cụ thể hóa triển khai thực hiện Nghị quyết số 34-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số định hướng, chủ trương lớn triển khai đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng, Chỉ thị số 25-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khoá XII về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030. Hội nghị là dịp tốt để Việt Nam quảng bá rộng rãi với bạn bè quốc tế về truyền thống văn hóa, đất nước, con người và thành quả công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Hội nghị cũng là cơ hội để tăng cường quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với các đối tác quan trọng, nhất là các nghị sĩ, thế hệ lãnh đạo trẻ của các quốc gia.
Phóng viên: Theo đánh giá của đại biểu, nghị sỹ trẻ nói riêng và thanh niên Việt Nam nói chung có đóng góp như thế nào vào giải quyết các vấn đề toàn cầu hiện nay?
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Đinh Công Sỹ - Phó Chủ tịch Thường trực Nhóm Đại biểu Quốc hội trẻ Việt Nam: Ngay từ khi được thành lập năm 2015 (Quốc hội khóa XIII) cho đến nay, Nhóm Đại biểu Quốc hội trẻ, các ĐBQH trẻ Việt Nam đã khẳng định sự năng động, nhiệt huyết thực hiện các chức năng của Quốc hội trong hoạt động lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Đồng thời, Nhóm ĐBQH trẻ đã tham gia tích cực, có trách nhiệm tại nhiều hoạt động ngoại giao nghị viện đa phương, song phương.
Theo tôi, một điểm nhấn cần được nhắc tới, tại Đại hội đồng AIPA lần thứ 41 do Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức tháng 9/2020, Quốc hội Việt Nam đã đề xuất sáng kiến về việc hình thành cơ chế Hội nghị thường niên của các Nghị sĩ trẻ Hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (AIPA). Sáng kiến này đã được các Nghị viện thành viên AIPA ủng hộ và được ghi nhận là nhân tố mới, ghi dấu ấn lịch sử quan trọng trong hình thành cơ chế hội nghị dành cho các nghị sĩ trẻ trong ASEAN. Hiện nay, Hội nghị này đang hoạt động có hiệu quả cùng các cơ chế khác của AIPA góp phần xây dựng cộng đồng ASEAN ngày càng vững mạnh.
Trong suốt quá trình hoạt động, Nhóm Đại biểu Quốc hội trẻ Việt Nam đã tổ chức các hội đàm, giao lưu với nhiều đối tác quan trọng để chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động của Quốc hội, nhất là vai trò của nghĩ sĩ trẻ trong quá trình xây dựng chính sách, pháp luật, giám sát. Tiêu biểu như Hội đàm với đoàn Ban Thanh niên Đảng Dân chủ tự do Nhật Bản (LDP); với các Đại biểu Quốc hội trẻ của Quốc hội Lào và với các nghị sĩ trẻ của Quốc hội Campuchia... cũng như nhiều tổ chức quốc tế có hợp tác với Việt Nam. Những hoạt động này đã góp phần thúc đẩy quan hệ Việt Nam với các nước, cũng như giữa Quốc hội Việt Nam với nghị viện các nước, góp phần nâng cao vị thế của đất nước và Quốc hội Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế.
Tại các diễn đàn nghị viện đa phương, Nhóm Đại biểu Quốc hội trẻ Việt Nam tham gia với tinh thần tích cực, chủ động, có trách nhiệm với nhiều ý kiến đóng góp, đề xuất tại các hội nghị, diễn đàn về các vấn đề quan tâm của giới trẻ khu vực và toàn cầu tại Diễn đàn nghị sĩ trẻ IPU, Mạng lưới nghị sĩ trẻ APF…
Một số hội nghị nghị sĩ trẻ mà Đoàn Đại biểu Quốc hội Việt Nam tham gia tích cực như: sự tham gia của giới trẻ vào hoạt động nghị viện (Thụy Sĩ, 2014); về biến đổi khí hậu, hòa bình và thịnh vượng (Nhật Bản, 2015); về các mục tiêu phát triển bền vững (Zambia, 2016); về Kinh tế và xã hội bao trùm (Canada, 2017); về thúc đẩy tính bền vững, bảo vệ lợi ích của các thế hệ tương lai (Azebaijan, 2018) và về Cách tiếp cận của thanh niên hậu COVID-19 (Ai Cập, 2022)... Những ý kiến đóng góp của Đoàn Việt Nam đã được các nghị viện thành viên và Diễn đàn nghị sĩ trẻ IPU ghi nhận, đánh giá cao.
Phóng viên: Được biết, chủ đề chung của Hội nghị là “Vai trò của giới trẻ trong việc thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo”. Nhóm Đại biểu Quốc hội trẻ Việt Nam có sự chuẩn bị như thế nào để đóng góp vào các nội dung, chương trình của Hội nghị?
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Đinh Công Sỹ - Phó Chủ tịch Thường trực Nhóm Đại biểu Quốc hội trẻ Việt Nam: Theo chương trình khung hội nghị và các đề xuất của Việt Nam, hội nghị sẽ tổ chức các phiên chính: Khai mạc, bế mạc, phiên đánh giá về những kết quả đạt được các mục tiêu phát triển bền vững kể từ sau Tuyên bố Hà Nội năm 2015 và ba phiên thảo luận chuyên đề gồm: Phiên Chuyển đổi số, phiên Đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp và phiên Thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa vì sự phát triển bền vững.
Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp với Văn phòng Quốc hội và các Tiểu ban của Hội nghị Nghị sỹ trẻ toàn cầu lần thứ 9 tổ chức tập huấn cho 200 liên lạc viên, tình nguyện viên phục vụ Hội nghị.
Ngoài ra, trong khuôn khổ Hội nghị, sẽ tổ chức Tọa đàm với chủ đề: “Tăng cường năng lực số cho thanh niên” do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh chủ trì. Trên cơ sở đó, Ban Thường trực Nhóm ĐBQH trẻ đã họp bàn, thống nhất cùng Tiểu ban Nội dung của Hội nghị, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường; Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội và các Bộ, ngành hữu quan đề xuất với Ban Tổ chức hội nghị quốc gia, báo cáo xin ý kiến Lãnh đạo Quốc hội về sự tham gia của Đoàn Việt Nam và những nội dung ưu tiên thảo luận, phát biểu tại Hội nghị. Hiện các nội dung này đang gấp rút hoàn thiện, dự kiến phân công cho các thành viên đoàn Việt Nam tham gia chủ trì và phát biểu tại các phiên thảo luận.
Phóng viên: Đại biểu có thể chia sẻ một số thông tin về công tác chuẩn bị Hội nghị đến thời điểm này?
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Đinh Công Sỹ - Phó Chủ tịch Thường trực Nhóm Đại biểu Quốc hội trẻ Việt Nam: Để chuẩn bị cho Hội nghị Nghị sỹ trẻ toàn cầu lần thứ 9, Quốc hội đã thành lập Ban Tổ chức hội nghị quốc gia, các Tiểu ban giúp việc cho Ban Tổ chức gồm: Tiểu ban nội dung; Tiểu ban thông tin, tuyên truyền; Tiểu ban lễ tân, hậu cần, an ninh, y tế và Ban Thư ký quốc gia.
Website của Hội nghị Nghị sỹ trẻ toàn cầu lần thứ 9 đã chính thức ra mắt tại địa chỉ Nghisitre.quochoi.vn
Hiện nay, các Tiểu ban đang phối hợp hoạt động với quyết tâm cao, nỗ lực triển khai các nhiệm vụ được phân công; thường xuyên trao đổi với Ban Thư ký IPU, ban Lãnh đạo Diễn đàn nghị sĩ trẻ IPU và đã thống nhất về Chương trình khung, chương trình nghị sự; thông báo tới các nghị viện thành viên mời đại biểu tham dự hội nghị; chuẩn bị tốt các điều kiện bảo đảm về cơ sở vật chất, an ninh, an toàn cho các đoàn khách quốc tế dự hội nghị, tăng cường các hoạt động truyền thông về sự kiện.
Có thể khẳng định, dưới sự chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Quốc hội Việt Nam và của Ban Tổ chức quốc gia, công tác chuẩn bị về mọi mặt đang được gấp rút triển khai trên tinh thần bám sát nội dung thảo luận tại mỗi phiên, bảo đảm lợi ích của đất nước, thể hiện rõ vai trò của nước chủ nhà.
Tôi tin tưởng rằng, với sự vào cuộc có trách nhiệm của các cơ quan liên quan sẽ có được sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nội dung và các điều kiện bảo đảm, Hội nghị Nghị sỹ trẻ toàn cầu lần thứ 9 do Việt Nam đăng cai tổ chức sẽ diễn ra thành công, để lại ấn tượng tốt đẹp cho bạn bè quốc tế về một đất nước Việt Nam thân thiện, mến khách và đang trên con đường ngày càng phát triển.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đại biểu!