GỬI GẮM TÂM NGUYỆN CỦA TRẺ EM TỚI NGHỊ TRƯỜNG QUỐC HỘI

09/09/2023

Lần đầu tiên trong lịch sử Quốc hội, Phiên họp giả định toàn thể ''Quốc hội trẻ em'' được tổ chức tại hội trường Diên Hồng, tòa Nhà Quốc hội. Trước thềm phiên họp (sáng10/9), các đại biểu trẻ em bày tỏ vui mừng, tự hào và mong muốn gửi gắm nhiều tâm tư, nguyện vọng tới Quốc hội, các bộ, ban ngành về các vấn đề trẻ em quan tâm.

GIỚI THIỆU, TẬP HUẤN KỸ NĂNG CHO CÁC ĐẠI BIỂU TRẺ EM TIÊU BIỂU THAM DỰ PHIÊN HỌP GIẢ ĐỊNH ''QUỐC HỘI TRẺ EM''

''QUỐC HỘI TRẺ EM'' THẢO LUẬN TẠI TỔ: KIẾN NGHỊ NHIỀU GIẢI PHÁP PHÒNG, NGỪA TAI NẠN THƯƠNG TÍCH VÀ BẢO VỆ TRẺ EM TRÊN MÔI TRƯỜNG MẠNG

Phiên họp giả định toàn thể “Quốc hội trẻ em” sẽ diễn ra tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội vào sáng 10/9

Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ I, năm 2023 do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội tổ chức. Đây là hoạt động nhằm thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em; khẳng định sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội đối với công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em; phát huy vai trò của tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh là tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em.

Tại Chương trình, trẻ em được đóng vai, giả định mình được là đại biểu Quốc hội tham gia Phiên họp của Quốc hội để thảo luận về 02 chủ đề: "Bảo vệ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng và phòng, chống tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại trẻ em". Các ý kiến của đại biểu trẻ em nêu trong Phiên họp giả định sẽ được gửi đến lãnh đạo các bộ, ngành và các cơ quan của Quốc hội.

Theo kế hoạch, Phiên họp giả định toàn thể sẽ diễn ra tại Hội trường Diên Hồng vào sáng 10/9 do 263 đại biểu trẻ em tham gia điều hành. Ghi nhận ý kiến đại biểu trẻ em tham dự Phiên họp giả định, các em bày tỏ vui mừng, tự hào và gửi gắm nhiều tâm tư, nguyện vọng tới Quốc hội, các bộ, ban ngành về các vấn đề trẻ em quan tâm.

Em Lê Đoàn Gia Hân (Đại biểu trẻ em Tp.Hồ Chí Minh) 

Là đại biểu tham gia phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em", em Lê Đoàn Gia Hân (Đại biểu trẻ em Tp.Hồ Chí Minh) chia sẻ: “Làm thế nào để trẻ em tăng cường được khả năng tự vệ?” Trẻ em không tự mình làm hết được mà phải cần có người lơn bên cạnh để hỗ trợ cũng như trò chuyện tâm sự với các em về tuổi mưới lớn hay các kỹ năng sống hàng ngày”.

Em Lê Đoàn Gia Hân mong rằng trường, lớp sẽ tạo nhiều tình huống giả để trẻ phát huy được khả năng đối phó kẻ xấu của mình. Đưa ra các quy tắc “an toàn” và “không an toàn” nói không với những cuộc đàm phán từ người lạ và nói có với sự giúp đỡ của người thân.

“Từ nhà trường, gia đình đến xã hội hãy cùng chung tay dạy trẻ em các kiến thức về giáo dục giới tính để trẻ em tự bảo vệ bản thân. Em mong rằng các bậc cha mẹ phụ huynh hay là giáo viên dạy trẻ, các anh chị phụ trách thiếu nhi sẽ quan tâm, gần gũi, đem đến sự an toàn cho các trẻ em cũng như học sinh. Quan trọng hơn nữa là cần có những hình phạt thỏa đáng cho những hành động thiếu suy nghĩ của người gây ra”, Lê Đoàn Gia Hân kiến nghị.

 Em Giàng Thanh Thảo (Đại biểu trẻ em tỉnh Hà Giang)

Bày tỏ vinh dự, tự hào khi được đại diện cho trẻ em dân tộc thiểu số vùng sâu vùng xa tham dự Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em, em Giàng Thanh Thảo (Đại biểu trẻ em tỉnh Hà Giang) cho biết, đây là cơ hội để em thay mặt các bạn nói lên tiếng nói của trẻ em tại diễn đàn Quốc hội.

Em Giàng Thanh Thảo mong muốn và tin tưởng, thông qua Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em, những vấn đề nổi cộm liên quan đến phòng, chống tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại trẻ em cũng như vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng sẽ được các cơ quan của Quốc hội, các bộ, ban ngành quan tâm giải quyết căn cơ để trẻ em được phát triển trong môi trường an toàn, lành mạnh.

Em Hoàng Minh Ánh, (Đại biểu trẻ tỉnh Đắk Nông)

Quan tâm tới vấn đề tai nạn thương tích đối với trẻ em, em Hoàng Minh Ánh, (Đại biểu trẻ tỉnh Đắk Nông) cho biết, hiện nay do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan mà số lượng tai nạn thương tích ở trẻ em vẫn liên tục gia tăng.

Cho rằng cần có giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn tình trạng này, em Hoàng Minh Ánh kỳ vọng tại Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em, những tâm tư, nguyện vọng cũng như kiến nghị của các em tại phiên họp sẽ được ghi nhận.

Đối với vấn đề xâm hại trẻ em trên không gian mạng, em Hoàng Minh Ánh cũng mong rằng nhà trường, các tổ chức đoàn thể sẽ có nhiều chương trình đào tạo, hướng dẫn kỹ năng tham gia môi trường mạng, cho trẻ em. Đồng thời tuyên truyền, giáo dục để trẻ em cũng như các bậc phụ huynh học sinh nâng cao nhận thức về an toàn trên không gian mạng.

Trước đó, để chuẩn bị cho phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em" lần thứ I - năm 2023, Trung ương Đoàn, Hội đồng Đội Trung ương cũng đã xây dựng bộ câu hỏi và khảo sát ý kiến của trẻ em về hai chủ đề của phiên họp. Đây đều là vấn đề đang rất được quan tâm và "sát sườn" với trẻ em. Với vai trò đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em, Trung ương Đoàn, Hội đồng Đội Trung ương đã tiếp nhận nhiều thông tin từ các đoàn giám sát cũng như lắng nghe trực tiếp các em về các vấn đề trẻ em quan tâm. Trong đó, xâm hại trẻ em, tai nạn thương tích ở trẻ em hay cách thức để trẻ em khai thác được những điểm tích cực, tránh xa tiêu cực trên không gian mạng... là những vấn đề nổi bật nhất trong thời gian qua./.

Lê Anh - Nghĩa Đức

Các bài viết khác