ỦY BAN PHÁP LUẬT THẨM TRA SƠ BỘ BÁO CÁO CỦA CHÍNH PHỦ VỀ TÌNH HÌNH THI HÀNH HIẾN PHÁP, LUẬT, NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI

08/09/2023

Sáng 8/9, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức Phiên họp thẩm tra sơ bộ Báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2023. Các Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đồng chủ trì phiên họp.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 06/9: HỘI NGHỊ TOÀN QUỐC LẦN THỨ NHẤT TRIỂN KHAI LUẬT, NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI KHÓA XV

Toàn cảnh Phiên họp.

Tham dự Phiên họp có các Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội: Ngô Trung Thành, Trần Hồng Nguyên, Nguyễn Phương Thủy; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa; các thành viên Thường trực Ủy ban Pháp luật; đại diện Hội đồng Dân tộc và các bộ, ngành liên quan.

Tại Phiên họp, các đại biểu nghe Báo cáo của Chính phủ tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2023; nghe báo cáo thẩm tra sơ bộ của Thường trực Ủy ban Pháp luật Quốc hội về nội dung này.

Báo cáo về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2023, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, công tác tổ chức triển khai thi hành pháp luật và xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết tiếp tục là một trong những nhiệm vụ quan trọng, được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ dành nhiều thời gian chỉ đạo sát sao, thường xuyên, trực tiếp và cụ thể.

Tại các phiên họp Chính phủ từ tháng 10/2022 đến nay, Chính phủ đã xem xét, cho ý kiến đối với 21 đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết; 19 dự án luật và dự thảo nghị quyết. Trong năm 2022 và 2023 không có tình trạng xin rút, xin lùi các dự án đã có trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Quy trình cho ý kiến thông qua các dự án Luật, dự thảo được Chính phủ xem xét chặt chẽ hơn.

Theo Bộ trưởng Lê Thành Long, tính từ ngày 01/10/2022 đến ngày 01/8/2023, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, cơ quan ngang bộ có nhiệm vụ xây dựng, ban hành 129 văn bản quy định chi tiết. Đối với 58 văn bản quy định chi tiết các luật, nghị quyết đã có hiệu lực, có 43 văn bản đã được ban hành, còn 14 văn bản nợ, chưa ban hành.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành

Trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ nội dung này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành nêu rõ, Thường trực Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với những kết quả đạt được như trong Báo cáo của Chính phủ; đồng thời đánh giá cao công tác chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện nhiệm vụ này của Chính phủ trong năm 2023 thể hiện tính kế thừa và phát triển, tích cực, chủ động, đổi mới sáng tạo. Chính phủ đã cơ bản hoàn thành khối lượng lớn các nhiệm vụ lập pháp bảo đảm tiến độ và chất lượng. Việc xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiêt thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết tiết tục thể hiện sự cố gắng, nỗ lực của Chính phủ để sớm đưa các quy định của luật, pháp lệnh, nghị quyết đi vào cuộc sống. Đa dạng hóa các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật theo định hướng chuyển đổi số, đẩy mạnh truyền thông chính sách pháp luật. Đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt giảm các thủ tục không cần thiết, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp, cản trở cạnh tranh lành mạnh; áp dụng hiệu quả dịch vụ công trực tuyến; xây dựng nền kinh tế số, chính phủ số, xã hội số tiếp tục được chú trọng trong công tác tổ chức thi hành pháp luật của Chính phủ trong năm 2023…

Tuy nhiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng chỉ rõ, một số dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết được đề nghị bổ sung sát thời điểm tổ chức kỳ họp của Quốc hội, phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; một số dự án chưa được nghiên cứu, tính toán kỹ về phạm vi điều chỉnh, tác động chính sách nên chưa được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Tình hình nợ văn bản quy định chi tiết có xu hướng tăng, mặc dù số văn bản cần ban hành ít hơn so với cùng kỳ năm trước. Có biểu hiện đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm trong tham mưu xây dựng thể chế và tổ chức thi hành pháp luật tại một số nơi. Khối lượng công việc rà soát văn bản quy phạm pháp luật hiện nay rất lớn, nhưng điều kiện đảm bảo chưa tương xứng; chất lượng văn bản dưới luật chưa cao, việc phản ứng chính sách chưa đáp ứng yêu cầu...

Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tán thành với 10 nhiệm vụ, 5 giải pháp và 4 kiến nghị nêu trong báo cáo của Chính phủ; đồng thời đề nghị Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo thực hiện một số giải pháp cụ thể nhằm phát huy các kết quả đạt được, khắc phục hiệu quả những tồn tại, hạn chế đã nhận diện được để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu cơ bản nhất trí với Báo cáo của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật và tập trung thảo luận cho ý kiến về những nội dung trọng tâm như: công tác chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thời gian qua; kết quả đạt được trong công tác thi hành pháp luật, đặc biệt là việc ban hành văn bản quy định chi tiết; phổ biến, giáo dục pháp luật; rà soát văn bản quy phạm pháp luật, các điều kiện bảo đảm….

Ủy viên chuyên trách của Hội đồng Dân tộc Lê Nhật Thành đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành triển khai thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Công tác xây dựng pháp luật đã gắn kết hơn với công tác thi hành pháp luật, cải cách thủ tục hành chính. Những kết quả đạt được đã góp phần tích cực vào việc thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, yêu cầu của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để pháp luật sớm đi vào cuộc sống. Nhiều chủ trương, đường lối của Đảng, của Quốc hội về lĩnh vực dân tộc trong các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội cũng đã được Chính phủ triển khai tương đối kịp thời.

Ủy viên chuyên trách của Hội đồng Dân tộc Lê Nhật Thành cũng kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ thực hiện nghiêm túc quy định “Dự thảo văn bản quy định chi tiết phải được chuẩn bị và trình đồng thời với dự án luật, pháp lệnh” để tránh tình trạng trình dự thảo văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành trong hồ sơ dự án luật, pháp lệnh mang tính hình thức, giảm thiểu tối đa tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tăng cường kỷ luật, kỷ cương, quy định chặt chẽ hơn về chế độ trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm người đứng đầu, trách nhiệm giải trình về công tác xây dựng pháp luật. Quy định các chế tài pháp luật hợp lý, nghiêm khắc hơn đối với các chủ thể ban hành văn bản pháp luật sai trái, gây ảnh hưởng tiêu cực đến quyền, lợi ích của các cá nhân, tổ chức.

Cần tăng cường công tác kiểm tra, nâng cao kỷ luật, kỷ cương trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, xử lý kịp thời các sai phạm theo hướng: Xem xét, xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu các cơ quan, đơn vị chủ trì soạn thảo; xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, cá nhân trong việc tham mưu xây dựng, ban hành văn bản trái pháp luật; nâng cao trách nhiệm, chất lượng văn bản, phân công hợp lý hơn, phối hợp chặt chẽ hơn trong quá trình soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật.

Tăng cường năng lực và ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức tham gia xây dựng pháp luật, bảo đảm chất lượng của dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Bên cạnh đó, cần quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ cho đội ngũ công chức làm công tác xây dựng pháp luật, pháp chế là người dân tộc thiểu số. Đồng thời, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các văn bản pháp luật đến mọi tầng lớp nhân để trang bị cho họ kiến thức cơ bản về pháp luật.

Một số ý kiến khác cho rằng, báo cáo của Chính phủ chưa nêu bức tranh toàn cảnh về công tác tổ chức thi hành pháp luật của Chính phủ trong năm 2023, mà chủ yếu là các kết quả, nội dung công việc thuộc chức năng nhiệm vụ của Bộ Tư pháp. Vì vậy, cần tiếp tục cập nhật, bổ sung về tình hình thi hành pháp luật nói chung để đầy đủ, toàn diện hơn về công tác thi hành pháp luật của cả nước nhằm có cái nhìn tổng thể, khách quan, toàn diện, đánh giá các tồn tại, hạn chế, nguyên nhân để có giải pháp phù hợp.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long

Phát biểu tiếp thu, giải trình thêm một số vấn đề đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, thời gian tới Chính phủ sẽ tổ chức một Phiên họp chuyên đề, xem xét sửa đổi quy chế làm việc của Chính phủ, nhấn mạnh vai trò của người đứng đầu trong xây dựng và thi hành pháp luật. Đánh giá thực trạng, đưa ra các giải pháp khắc phục tình trạng nợ đọng văn bản, nâng cao chất lượng công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Đồng thời, thực hiện tốt Nghị quyết số 26-NQ/TW, nhằm kiểm soát quyền lực, lợi ích nhóm trong công tác xây dựng pháp luật, xác định rõ nguyên tắc, trách nhiệm của từng bộ, ngành trong thực hiện chức trách, trách nhiệm của mình khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Cùng với đó, Bộ Tư pháp cũng với Văn phòng Chính phủ tăng cường các buổi làm việc trực tiếp với các Bộ, ngành có tồn đọng văn bản nhiều nhưng chưa được xử lý; đồng thời chú trọng công tác triển khai luật nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua.

 Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng

Phát biểu kết luận Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, các ý kiến góp ý tại buổi làm việc trách nhiệm, sôi nổi, tập trung vào những vấn đề lớn cần làm rõ trong báo cáo của Chính phủ. Dự thảo báo cáo thẩm tra sơ bộ của Thường trực Ủy ban Pháp luật đã  đánh giá toàn diện, khách quan kết quả đạt được, nỗ lực cố gắng của Chính phủ trong công tác xây dựng pháp luật, làm rõ những bất cập, hạn chế, đặc biệt giải pháp kiến nghị khắc phục tồn tại, các giải pháp trong thời gian tới.

Thường trực Ủy ban Pháp luật ghi nhận nỗ lực cố gắng, tinh thần trách nhiệm, nghiêm túc của Chính phủ, các bộ trong triển khai thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết trong năm vừa qua. Chính phủ đã có nhiều nỗ lực, có nhiều giải pháp đổi mới, quyết liệt tăng cường hiệu lực, hiệu quả thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết. 

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhấn mạnh việc ban hành kế hoạch triển khai cụ thể từng luật, nghị quyết, pháp lệnh rất quan trọng, khắc phục tình trạng nợ, chậm ban hành văn bản chi tiết. Trong công tác xây dựng pháp luật cũng cần làm rõ các vấn đề thuộc phạm vi điều chỉnh của luật, tránh trình trạng vấn đề khó không đề cập trong phạm vi điều chỉnh hoặc giao Chính phủ quy định chi tiết. 

Thời gian tới, đề nghị Chính phủ tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng các dự án luật, pháp lệnh, các văn bản của Chính phủ, giảm số lượng văn bản quy định chi tiết nhằm đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật. 

Tiếp tục tăng cường trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương trong xây dựng ban hành văn bản pháp luật, trong đó có trách nhiệm của người đứng đầu. Tổ chức kiểm tra, thanh tra xử lý kịp thời các văn bản có dấu hiệu tham nhũng, lợi ích nhóm, văn bản trái pháp luật; làm rõ hơn kết quả thực hiện Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15, Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh các tháng cuối năm 2022 và năm 2023.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng giao Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tiếp thu ý kiến tại Phiên họp, hoàn thiện Báo cáo thẩm tra sơ bộ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong phiên họp tới.

Lan Hương

Các bài viết khác