CẦN SỚM BAN HÀNH BỘ TIÊU CHÍ ĐÁNH GIÁ CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG THAM NHŨNG, TIÊU CỰC ĐỐI VỚI BỘ, NGÀNH TRUNG ƯƠNG

07/09/2023

Tại phiên họp toàn thể của Uỷ ban Tư pháp lần thứ 10, thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng, các đại biểu nhận định dù công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng tiêu cực đã đạt được kết quả tích cực, tuy nhiên trên một số lĩnh vực vẫn còn nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, trong đó có nguyên nhân người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng. Theo đó, các đại biểu đề nghị Chính phủ cần sớm ban hành bộ tiêu chí đánh giá công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực đối với bộ, ngành trung ương

KIÊN TRÌ, KIÊN QUYẾT ĐẤU TRANH PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG, TIÊU CỰC GẮN VỚI XÂY DỰNG, HOÀN THIỆN LUẬT PHÁP

PGS.TS VŨ VĂN PHÚC: CÔNG CUỘC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG, TIÊU CỰC - TRÊN DƯỚI ĐỒNG LÒNG, DỌC NGANG THÔNG SUỐT

Người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng tăng hơn 100% 

Theo báo cáo của Chính phủ, quy định của pháp luật trên một số lĩnh vực còn sơ hở, bất cập, chậm được sửa đổi, bổ sung, nhất là lĩnh vực đất đai, đấu giá, đấu thầu, định giá, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp.

Năm 2023 có 39 người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng (tăng 105,2% so với năm 2022). Cụ thể về số liệu trên, Chính phủ cho biết có 11 người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu đã bị xử lý hình sự do thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng; 28 người bị xử lý kỷ luật do thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng (trong đó 3 khiển trách, 12 cảnh cáo, 13 cách chức).

Toàn cảnh Phiên họp toàn thể của Uỷ ban Tư pháp Quốc hội 

Việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu đã có tác dụng răn đe, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu đối với công tác phòng chống tham nhũng tại cơ quan, đơn vị mình phụ trách, Chính phủ đánh giá.

Vẫn theo báo cáo, đã có 60.458 người kê khai tài sản thu nhập lần đầu; 545.535 người đã kê khai tài sản thu nhập hằng năm; 44.015 người đã kê khai tài sản thu nhập bổ sung; 161.928 người kê khai tài sản thu nhập phục vụ công tác cán bộ; 655.299 người đã được công khai bản kê khai tài sản thu nhập.

Kết quả xác minh tài sản, thu nhập năm 2022 cho thấy, số người đã tiến hành xác minh trong kỳ là 13.093 người; có 2.664 người có sai sót về kê khai sai mẫu, chưa bảo đảm theo hướng dẫn, không đầy đủ thông tin, chậm thời hạn so với quy định…; có 54 người bị xử lý do không trung thực trong việc kê khai tài sản, thu nhập và giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm (xóa tên khỏi danh sách ứng cử; kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo; kỷ luật bằng hình thức cách chức…).

Về phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng, theo báo cáo, các cơ quan điều tra trong Công an Nhân dân đã thụ lý điều tra 967 vụ án/2.552 bị can phạm tội về tham nhũng. Tổng số tài sản thiệt hại trong các vụ án đang thụ lý, điều tra trên 1.738 tỷ đồng và 70.950,9 m2 đất; thu hồi trên 1.237 tỷ đồng và 28.822,6 m2 đất). Đã kết luận điều tra đề nghị truy tố 377 vụ án/997 bị can.

Tòa án Nhân dân các cấp  giải quyết theo thủ tục sơ thẩm 614 vụ /1.467 bị cáo; đã giải quyết 476 vụ /1.115 bị cáo trong đó xét xử 384 vụ/849 bị cáo về các tội tham nhũng. Tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên phạt tù chung thân 7 bị cáo; xử phạt tù từ trên 15 năm đến 20 năm đối với 40 bị cáo; tù từ trên 7 năm đến 15 năm đối với 117 bị cáo; tù từ trên 3 năm đến 7 năm đối với 223 bị cáo; tù từ 3 năm trở xuống 426 bị cáo.., còn lại là các hình phạt khác.

Về công tác thi hành án liên quan đến việc thu hồi tài sản tham nhũng, tổng số phải thi hành có 4.540 việc, trong đó số có điều kiện thi hành 3.258 việc; trong số có điều kiện thi hành, đã thi hành xong 1.703 việc.Về tiền, tổng số phải thi hành có 96.961 tỷ 426 triệu 630 nghìn đồng, trong đó số có điều kiện thi hành 56.688 tỷ 413 triệu 947 nghìn đồng. Trong số có điều kiện thi hành, đã thi hành xong 19.818 tỷ 424 triệu 117 nghìn đồng.

Các cơ quan hành chính đã tiếp nhận 300.827 đơn các loại ( bao gồm: đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh), đã xử lý 294.158 đơn; có 249.041 đơn đủ điều kiện xử lý, chiêms 82.8% tổng số đơn đã xử lý, qua xử lý có 31997 đơn khiếu nại, 13.674 đơn tố cáo, 203.370 đơn kiến nghị, phản ánh; có 15.032 vụ khiếu nại, 5359 vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyên của cơ quan hành chính nhà nước. Qua xử lý đơn, đã phát hành 4632 văn bản hướng dẫn công dân và chuyển đơn của công dân đến cơ quan có thẩm quyền để xem xét, giải quyết. Cơ quan hành chính các cấp đã giải quyết 16.965 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 82,1%. Qua giải quyết khiếu nại, tốc cáo đã kiến nghị thu hồi cho nhà nước 7,6 tỷ đồng, 16,1ha đất, trả lại cho tổ chức, cá nhân 145,3 tỷ đồng, 4,6ha đất; Khôi phục bảo đảm quyền lợi cho 450 cá nhân, kiến nghị xử lý 367 người, chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xử lý 30 vụ, 20 đối tượng.

Cần sớm ban hành bộ tiêu chí đánh giá công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực đối với bộ, ngành trung ương

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, nhóm nghiên cứu của Uỷ ban Tư pháp ghi nhận những bước tiến mới, quyết liệt, đồng bộ, toàn diện và hiệu quả hơn, trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Trong đó, kết quả nổi bật nhất là điều tra, truy tố, xét xử vắng mặt những đối tượng bỏ trốn; mở đường để xử lý nhiều đối tượng bỏ trốn ở một số vụ án khác; là cơ sở để dẫn độ tội phạm đã được tòa án kết tội; là hồi chuông cảnh tỉnh, răn đe, cơ sở để nghiên cứu, ban hành án lệ, áp dụng thống nhất trên cả nước.

Ghi nhận việc quyết liệt đấu tranh, khởi tố đối với các vụ án tham nhũng, tiêu cực, “tham nhũng vặt” có tính hệ thống, có tổ chức, liên quan đến nhiều bộ, ngành, địa phương. Như các vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và các trung tâm đăng kiểm một số địa phương; vụ án Vi phạm quy định về thăm dò, khai thác tài nguyên; Đưa, nhận hối lộ; Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước xảy ra tại Công ty cổ phần Đầu tư Trung Hậu - Tổng 68, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang và các đơn vị có liên quan...bên cạnh đó, nhiều hành vi tham nhũng nghiêm trọng xảy ra rất lâu từ trước đây cũng đã được khám phá, khởi tố, điều tra để xử lý. Như vụ án Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên; Rửa tiền xảy ra tại thôn 2, xã Đồng Tuyển, thành phố Lào Cai, UBND tỉnh Lào Cai; vụ án Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại Dự án Khu thương mại dịch vụ và dân cư Tân Việt Phát 2, phường Phú Hài, TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận...

Nhiều đối tượng là lãnh đạo, nguyên là lãnh đạo các cơ quan, đơn vị làm công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực bị khởi tố, điều tra về hành vi tham nhũng. Điển hình là khởi tố, điều tra 2 Thiếu tướng Công an đã nghỉ hưu, 14 cán bộ thanh tra, giám sát của các cơ quan Thanh tra Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, Kiểm toán Nhà nước, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia và 13 cán bộ thanh tra các địa phương…

Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu của Uỷ ban Tư pháp cũng chỉ ra những hạn chế, trong đó công tác phát hiện, xử lý tham nhũng còn những hạn chế, công tác tự kiểm tra, tự phát hiện tham nhũng trong nội bộ chưa chuyển biến, rất ít vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện qua tự kiểm tra. Việc thực hiện công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động ở một số cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa có nhiều cải thiện, nhất là ở địa phương[1]; vẫn còn nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra vi phạm.

Việc ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung một số định mức, tiêu chuẩn, chế độ, ban hành quy tắc ứng xử trong nhiều trường hợp còn chậm; một số cơ quan, tổ chức, đơn vị còn chưa ban hành quy tắc ứng xử để thực hiện[2]. Tình trạng vi phạm việc thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ[3], vi phạm việc thực hiện quy tắc ứng xử[4] diễn ra ở nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị; việc bố trí, bổ nhiệm người nhà, người thân thích vào các chức danh lãnh đạo quản lý trong cùng một cơ quan, tổ chức, đơn vị trái quy định vẫn xảy ra.

 Việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn tuy đã bước đầu phát huy được hiệu quả nhưng kết quả vẫn còn có những hạn chế; qua xác minh tài sản, thu nhập mặc dù phát hiện nhiều vi phạm nhưng chủ yếu là lỗi do tổ chức triển khai thực hiện; kết quả phát hiện, xử lý các trường hợp kê khai tài sản, thu nhập không trung thực còn chưa tương xứng với tình hình thực tế.

 Đồng thời, Chất lượng, tiến độ giải quyết một số vụ việc, vụ án tham nhũng còn chưa đạt yêu cầu; còn có vụ án Viện kiểm sát hủy quyết định khởi tố; một số vụ án phải tạm đình chỉ do bị can bỏ trốn, do hết thời hạn điều tra chưa xác định được hành vi phạm tội, chưa xác định được bị can, chờ kết quả giám định, định giá tài sản..., làm ảnh hưởng tới tiến độ xử lý, giải quyết các vụ án tham nhũng; một số vụ án phải đình chỉ do hành vi không cấu thành tội phạm .Việc thực hiện chuyển đổi vị trí công tác để phòng ngừa tham nhũng còn có những vướng mắc, một số cơ quan, tổ chức, đơn vị chậm ban hành văn bản quy định chi tiết theo quy định.

Công tác cải cách thủ tục hành chính còn một số tồn tại như: Thủ tục hành chính trên một số lĩnh vực còn nhiều rào cản, đặc biệt là những lĩnh vực liên quan đến đất đai, quản lý tài chính, đầu tư công, y tế, giáo dục, kiểm tra chuyên ngành, xuất nhập khẩu… Tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến còn thấp. Việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính còn chậm, nhất là việc kết nối, chia sẻ, tái sử dụng kết quả số hóa để người dân, doanh nghiệp chỉ cung cấp thông tin một lần. Việc kết nối, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong giải quyết thủ tục hành chính còn bộc lộ nhiều vướng mắc, bất cập, có nơi, có lúc gây phiền hà cho người dân; tình trạng trễ hẹn trong giải quyết và trả kết quả giải quyết hồ sơ vẫn còn xảy ra ở các cấp hành chính, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực đất đai, xây dựng.

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam

Cho ý kiến tại phiên họp, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam cho rằng, để công tác phòng chống tham nhũng tiêu cực đạt hiệu quả hơn thì cần Sớm ban hành bộ tiêu chí đánh giá công tác PCTN, tiêu cực đối với bộ, ngành trung ương”; Khẩn trương xây dựng Chiến lược quốc gia về PCTN đến năm 2030 và kế hoạch thực hiện Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng,  Xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập; Khẩn trương nghiên cứu, xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về PCTN, tiêu cực..

Đồng thời,  đẩy nhanh việc thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt, sau hơn hai năm triển khai thực hiện Đề án của Chính phủ về phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025. Đề án này tuy đã đạt được kết quả bước đầu nhưng chưa có thống kê đầy đủ về tỷ lệ % giữa giá trị thanh toán không dùng tiền mặt đã đạt được/ tổng giá trị thanh toán thương mại trong tiêu dùng tại Việt Nam cũng như các kết quả khác đã đạt được khi thực hiện các tiêu chí, để có cơ sở đánh giá kết quả, hiệu quả của việc triển khai thực hiện Đề án

Đồng quan điển, nhiều ý kiến khác cũng cho rằng, hiện nay công tác công tác tự kiểm tra, tự phát hiện tham nhũng trong nội bộ chưa chuyển biến, rất ít vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện qua tự kiểm tra. Chất lượng, tiến độ giải quyết một số vụ việc, vụ án tham nhũng còn chưa đạt yêu cầu; còn có vụ án Viện kiểm sát hủy quyết định khởi tố; một số vụ án phải tạm đình chỉ do bị can bỏ trốn, do hết thời hạn điều tra chưa xác định được hành vi phạm tội, chưa xác định được bị can, chờ kết quả giám định, định giá tài sản.., làm ảnh hưởng tới tiến độ xử lý, giải quyết các vụ án tham nhũng; một số vụ án phải đình chỉ do hành vi không cấu thành tội phạm.

Các đại biểu phát biểu tại Phiên họp

Nhấn mạnh, tham nhũng ngày càng tinh vi, diễn biến phức tạp; phát sinh nhiều vụ việc có tổ chức, mang tính lợi ích nhóm; tài sản tham nhũng có giá trị lớn, có yếu tố nước ngoài; tham nhũng không chỉ xảy ra trong khu vực nhà nước mà xảy ra ở cả khu vực ngoài Nhà nước..., các đại biểu đề nghị Chính phủ cần tổng kết, đánh giá, nhận diện đầy đủ các hạn chế và nguyên nhân để dự báo đúng tình hình tham nhũng; trên cơ sở đó xác định rõ nguyên nhân chủ yếu và đề ra giải pháp đột phá để phòng, chống có hiệu quả; Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật; đề cao trách nhiệm, nhất là của người đứng đầu trong công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật, bảo đảm PCTN, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, tập trung vào các lĩnh vực quản lý tài sản công, đấu thầu, đấu giá, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, trái phiếu...; ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, “tham nhũng vặt”, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.

Siết chặt kỷ cương, kỷ luật công vụ; chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Chỉ đạo rà soát, chấn chỉnh, khắc phục ngay những biểu hiện đùn đẩy, né tránh, làm việc cầm chừng, sợ sai không dám làm trong một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức. Qua kết quả điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp (như vụ chuyến bay giải cứu, các vụ án liên quan đến lĩnh vực đăng kiểm, AIC…), đề nghị các cơ quan hữu quan đánh giá rõ hơn về nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm, rút ra các bài học kinh nghiệm, từ đó chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý nhà nước, quản lý kinh tế- xã hội để phòng ngừa, ngăn chặn các vụ việc tương tự trong thời gian tới.

 Đề nghị Chính phủ chỉ đạo khẩn trương nghiên cứu, rà soát Luật phòng chống tham nhũng để kiến nghị sửa đổi, bổ sung theo yêu cầu của Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 ngày 5/11/2021 của UBTVQH về triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, bảo đảm phù hợp với các văn bản mới của Đảng về PCTN, tiêu cực.

Hải Yến