TỔ CHỨC, CÁ NHÂN KHAI THÁC VÀ SỬ DỤNG NGUỒN NƯỚC PHẢI ĐÓNG TIỀN CHI TRẢ DỊCH VỤ MÔI TRƯỜNG RỪNG

05/09/2023

Góp ý hoàn thiện dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), một số đại biểu Quốc hội cho rằng, việc bảo vệ nguồn sinh thủy để giữ gìn và phục hồi nguồn nước rất quan trọng. Do vậy, trong lần sửa đổi luật, cần rà soát dự thảo luật đảm bảo đồng bộ với các luật hiện hành và quy định các tổ chức, cá nhân khai thác và sử dụng nguồn nước hoặc có hoạt động sản xuất kinh doanh ảnh hưởng đến nguồn nước đều phải có trách nhiệm đóng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng, để bảo vệ vùng sinh thuỷ thuộc phạm vi lưu vực của hồ chứa.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 28/8: XEM XÉT CHO Ý KIẾN ‘’DỰ ÁN LUẬT QUẢN LÝ, BẢO VỆ CÔNG TRÌNH QUỐC PHÒNG VÀ KHU QUÂN SỰ’’ VÀ ‘’DỰ ÁN LUẬT TÀI NGUYÊN NƯỚC’’

Sau khi trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5, dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) đã được cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo phối hợp tiếp thu hoàn thiện trình tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách trước khi trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 6. Trong đó, vấn đề bảo vệ và phát triển nguồn sinh thủy, xây dựng các biện pháp giữ nước tại các hồ, đập được đại biểu Quốc hội quan tâm đóng góp ý kiến. Đại biểu đề nghị quy định các tổ chức, cá nhân khai thác và sử dụng nguồn nước hoặc có hoạt động sản xuất kinh doanh ảnh hưởng đến nguồn nước đều phải có trách nhiệm đóng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng, để bảo vệ vùng sinh thuỷ thuộc phạm vi lưu vực của hồ chứa.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí – Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội

Điều 30 dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) về bảo vệ và phát triển nguồn sinh thủy quy định: Tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng hồ chứa, các dự án khai thác, chế biến khoáng sản và các hoạt động khác có sử dụng hoặc ảnh hưởng đến diện tích rừng phải trồng bù diện tích rừng theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp. Tổ chức, cá nhân quản lý, vận hành hồ chứa phải đóng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng để bảo vệ vùng sinh thuỷ thuộc phạm vi lưu vực của hồ chứa theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp. Nhà nước có cơ chế điều phối, phân bổ nguồn thu từ tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng để đầu tư cho hoạt động bảo vệ, phát triển tài nguyên nước, bảo vệ nguồn sinh thủy trên lưu vực; có chính sách phân bổ nguồn thu từ khai thác sử dụng nước ở các địa phương hạ nguồn để chi trả cho các địa phương thượng nguồn, đảm bảo công bằng, hợp lý...

Đóng góp ý kiến hoàn thiện dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Anh Trí – Đoàn ĐBQH Tp Hà Nội đề cập đến giá trị của các hồ, đập để giữ nước. Theo đại biểu, hồ, đập trữ nước có giá trị rất lớn, không chỉ cấp nước mà còn giữ nước để phục vụ thủy điện, hoạt động thủy sản, du lịch… Tuy nhiên, hầu như năm nào cũng vậy, xả lũ với mục tiêu đảm bảo an toàn hồ đập, nhưng người dân lại chịu thiệt hại từ hoạt động này. “Cần có quy định làm tăng khả năng chịu tải của hồ đập, trong đó xây dựng nhiều vị trí tháo nước, xả lũ, phân tán nhiều phía, nhiều vùng, nhiều tỉnh… Làm được như vậy sẽ giảm tác hại từ việc xả lũ, an toàn hồ đập được tăng lên và bảo đảm được an toàn cho Nhân dân ở những vùng có xả lũ.

Đại biểu Trần Văn Lâm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội.

Quan tâm đến quy định về nguồn sinh thủy và giữ nước, đại biểu Trần Văn Lâm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội đồng tình với đề xuất của đại biểu Nguyễn Anh Trí về tăng hệ số an toàn các hồ, đập để trữ nước. Đại biểu cho rằng, đây là một giải pháp kỹ thuật hoàn toàn khả thi nhưng giải pháp này vẫn chưa giải quyết được từ gốc, mà cần tiếp tục tăng khả năng trữ nước của thảm thực vật trên lưu vực.

Qua khảo sát các công trình hồ, đập tại tỉnh Bắc Giang, đại biểu Trần Văn Lâm cho biết có thực trạng một loạt các công trình hồ, đập đã được xây dựng nhưng không phát huy đầy đủ công năng, không tích đủ nước; mùa hè (mùa mưa) phải xả tràn do thừa nước nhưng sau đó đến mùa khô thì hồ đập cạn kiệt. Vì vậy, hiệu quả sử dụng các công trình rất thấp, bởi khả năng trữ nước sinh thủy của thảm thực vật hiện nay suy giảm một cách nghiêm trọng, nhiều nơi các hồ không phát huy được tác dụng như thiết kế ban đầu. Nguyên nhân thảm thực vật đã chuyển từ rừng phòng hộ, rừng đặc dụng sang rừng sản xuất, trong khi  đó rừng sản xuất khả năng trữ nước rất hạn chế. Theo đại biểu, vấn đề cần giải quyết hiện nay là tăng khả năng sinh thủy của các lưu vực sông để cấp nước cho các hồ đập tự nhiên và hồ đập nhân tạo để bảo vệ năng lực và hiệu quả hoạt động của các công trình hồ đập. 

Điều 30 của dự thảo Luật Tài nguyên nước đã nêu khá nhiều biện pháp để bảo vệ và tăng nguồn sinh thủy. Để các quy định cụ thể, mạnh mẽ hơn, đại biểu Trần Văn Lâm đề nghị cần quy định cụ thể về bảo vệ nguồn sinh thủy, trong đó cần coi đây là chính sách quốc gia và đưa vào Điều 4, đó là chính sách của Nhà nước để bảo vệ và gia tăng khả năng trữ nước sinh thủy trong các lưu vực sông. Không phải chỉ với các chính sách hiện nay, thời gian tới cần phải mở rộng các chính sách này. Trong đó mở rộng hơn nữa các đối tượng hiện nay đang khai thác, sử dụng nguồn lợi tài nguyên nước đóng góp tương xứng vào Quỹ dịch vụ môi trường rừng để lấy nguồn kinh phí bù đắp cho vấn đề bảo vệ rừng đặc dụng, bảo vệ rừng phòng hộ; hoặc trong quy hoạch các loại rừng, phải làm rõ căn cứ khoa học của việc xác định tỷ lệ rừng phòng hộ, rừng đặc dụng một cách hợp lý để bảo đảm khả năng sinh thủy. Các chính sách này cần có tác dụng động viên, khuyến khích để ngày càng chuyển nhiều rừng sản xuất sang rừng phòng hộ, có như vậy mới bảo vệ được môi trường, bảo vệ khả năng sinh thủy an toàn cho nguồn nước.

Cùng với đó, cần có các quy định nâng cao hoặc bảo đảm khả năng sinh thủy, giữ nước bằng thảm thực vật. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung vào Điều 10 về công tác điều tra cơ bản, lập các chiến lược quy hoạch về tài nguyên nước, trong đó bổ sung nội dung điều tra về khả năng giữ nước sinh thủy của thảm thực vật trên từng lưu vực sông, hồ; xác lập các tiêu chuẩn, căn cứ khoa học để xác định diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ tối thiểu cho từng vùng, từng khu vực, từng lưu vực cụ thể. Đồng thời, hướng tới mục tiêu lập bản đồ tổng thể quốc gia về vấn đề này để nâng cao hiệu quả quản lý, góp phần làm căn cứ cho việc lập các chiến lược quy hoạch về tài nguyên nước cũng như tăng cường công tác bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn hệ thống hồ đập…

Đại biểu Trần Văn Tuấn – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang 

Khoản 5 Điều 30 dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) quy định: Tổ chức, cá nhân quản lý, vận hành hồ chứa phải đóng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng để bảo vệ vùng sinh thuỷ thuộc phạm vi lưu vực của hồ chứa theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp.

Cho ý kiến về quy định này của dự thảo luật, đại biểu Trần Văn Tuấn – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang cho biết, đại biểu cho rằng, việc bảo vệ nguồn sinh thủy để giữ gìn và phục hồi nguồn nước rất quan trọng. Qua khảo sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang về tình hình đập, hồ chứa nước trên địa bàn cho thấy khá nhiều vấn đề nổi lên, đặc biệt là tình trạng suy cạn, suy kiệt nguồn nước.

Nguyên nhân suy kiệt của nguồn nước đó là nguồn sinh thủy chưa bảo đảm, công tác quy hoạch rừng tự nhiên, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng còn có nhiều vấn đề đặt ra, đặc biệt là chế độ khoán cho người dân, cho các tổ chức, cá nhân trong vấn đề bảo vệ rừng cũng còn bất cập. Theo quy định hiện nay, với mức khoán để bảo vệ rừng phòng hộ, rừng đặc dụng là 300.000-400.000ha/năm là quá thấp. Với mức khoán như vậy có thể dẫn đến tình trạng chính người được khoán bảo vệ rừng sẽ trở thành những người phá rừng, sẵn sàng chuyển diện tích được giao khoán bảo vệ đó để chuyển sang rừng kinh tế, rừng trồng, bởi vì hiệu quả kinh tế cao hơn. Do đó, đại biểu Trần Văn Tuấn đề nghị tiếp tục hoàn thiện Luật Tài nguyên nước và các luật liên quan, đặc biệt là Luật Lâm nghiệp theo hướng dành kinh phí thỏa đáng hơn nữa cho công tác khoán bảo vệ rừng, nhất là rừng phòng hộ.

Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang khảo sát, nắm thực trạng hệ thống công trình đập, hồ chứa nước và nhu cầu đầu tư xây mới, cải tạo hồ, đập tại các huyện Lục Ngạn và Sơn Động.

Qua nghiên cứu, đại biểu cho biết, Điều 61 của Luật Lâm nghiệp hiện hành đã có quy định các loại dịch vụ môi trường rừng, có 5 dịch vụ cơ bản và quy định rất rõ bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng phải chi trả dịch vụ môi trường rừng cho bên cung ứng dịch vụ môi trường rừng. Tại Điều 63 của Luật Lâm nghiệp quy định có 6 đối tượng phải chi trả dịch vụ này, bao gồm cơ sở sản xuất thủy điện, cơ sở sản xuất, cung ứng nước sạch, cơ sở sản xuất công nghiệp; tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất kinh doanh gây phát thải khí nhà kính phải chi trả dịch vụ về hấp thụ, lưu giữ carbon của rừng, cơ sở nuôi trồng thủy sản và các đối tượng khác.

Tuy nhiên, trong Điều 30 của dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) chỉ quy định chỉ có tổ chức, cá nhân quản lý, vận hành hồ chứa nước phải đóng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng để bảo vệ vùng sinh thủy thuộc phạm vi lưu vực của hồ chứa nước theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp.

Theo đại biểu Trần Văn Tuấn, quy định như vậy vừa chồng chéo, vừa thiếu đồng bộ so với Luật Lâm nghiệp, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc quy định điều này theo hướng đồng bộ với Luật Lâm nghiệp. Trong đó, chỉ cần quy định theo hướng: các tổ chức, các cá nhân khai thác và sử dụng nguồn nước hoặc có hoạt động sản xuất kinh doanh ảnh hưởng đến nguồn nước đều phải có trách nhiệm chi trả kinh phí về dịch vụ môi trường rừng.

Lan Hương

Các bài viết khác