XÂY DỰNG ĐỀ CƯƠNG ĐỀ ÁN QUỐC HỘI ĐIỆN TỬ: BỔ SUNG MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ VỀ XÂY DỰNG THỂ CHẾ PHẢI ĐI TRƯỚC MỘT BƯỚC CHO CHUYỂN ĐỔI SỐ

31/08/2023

Tại phiên họp thứ 3 của Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Đề án Quốc hội điện tử, sáng 31/8, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, các đại biểu cho ý kiến cụ thể để tiếp tục hoàn thiện đề cương Đề án xây dựng Quốc hội điện tử, hướng đến Quốc hội số giai đoạn 2023-2026, định hướng đến 2030, nhấn mạnh các mục tiêu và nhiệm vụ của Đề án. Trong đó, đề cương phải có những kiến nghị sửa đổi các quy định về quản lý, quy chế hoạt động, quy trình hoặc các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan theo đúng tinh thần “thể chế phải đi trước một bước”.

PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN ĐỨC HẢI CHỦ TRÌ PHIÊN HỌP THỨ 3 CỦA BAN CHỈ ĐẠO XÂY DỰNG VÀ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN QUỐC HỘI ĐIỆN TỬ

Phát biểu khai mạc phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải – Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án Quốc hội điện tử nêu rõ, thực hiện nhiệm vụ được giao, thời gian qua Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Đề án Quốc hội điện tử đã tổ chức 2 phiên họp toàn thể để xem xét và thông qua nhiều nội dung quan trọng. Vừa qua, Văn phòng Quốc hội đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến của đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học về đề cương Đề án Quốc hội điện tử, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, làm cơ sở để Văn phòng Quốc hội tiếp tục xây dựng và hoàn thiện đề cương Đề án Quốc hội điện tử. Ngay sau hội thảo, Ban Chỉ đạo đã chỉ đạo Tổ giúp việc khẩn trương tiếp thu ý kiến chuyên gia để hoàn thiện đề cương Đề án.

Toàn cảnh phiên họp

Báo cáo kết quả triển khai Đề án Quốc hội điện tử và một số dự án ứng dụng công nghệ thông tin thành phần thuộc Đề án Quốc hội điện tử, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng cho biết trên cơ sở các ý kiến phát biểu của đại biểu, chuyên gia tại Hội thảo về đề cương Đề án Quốc hội điện tử giai đoạn 2023-2026, tầm nhìn tới năm 2030, Tổ giúp việc đã tổng hợp, nghiên cứu, giải trình, tiếp thu. Theo đó, đã bổ sung nội dung bối cảnh chuyển đổi số quốc tế và trong nước. Bổ sung quan điểm lấy dữ liệu là động lực, là trung tâm xây dựng và triển khai thực hiện Đề án; mục tiêu xác định công nghệ mới, có tính ưu việt cao, hữu ích và có tiềm năng cao hoặc đã được ứng dụng trong các lĩnh vực hoạt động của Quốc hội.

Bổ sung giải pháp triển khai thực hiện là phát huy vai trò của người đứng đầu; Xây dựng hệ thống thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành cho lãnh đạo cũng như hỗ trợ cho cán bộ, công chức trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao. Bổ sung nghiên cứu cấu trúc các quy trình nghiệp vụ làm cơ sở triển khai các nền tảng số, các ứng dụng, cơ sở dữ liệu trong thời gian tới. Nghiên cứu việc kết nối với Cơ sở dữ liệu dân cư, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong các ứng dụng như phản ánh kiến nghị của người dân để giám sát, đo lường kết quả thực hiện các chính sách của Chính phủ, bộ, ngành, địa phương theo chỉ đạo Quốc hội.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng trình bày báo cáo

Bổ sung yêu cầu đơn vị tư vấn nghiên cứu hệ thống xác thực tiếp cận an toàn thông tin vào hội trường trực tuyến, dữ liệu (nghị trình, tài liệu...) sản sinh trong hội trường trực tuyến đó (hội trường ảo); xây dựng Ủy ban ảo; xây dựng các công cụ hợp tác, chia sẻ dữ liệu; xây dựng diễn đàn để trao đổi, trên đó có thể là các nhóm đại biểu, các lĩnh vực mà đại biểu Quốc hội quan tâm. Xây dựng phần tiếp cận của công chúng với Quốc hội. Khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động trên môi trường ảo. Thu thập, số hóa và quản trị tất cả các dữ liệu Quốc hội sản sinh. Đề nghị đơn vị tư vấn nghiên cứu tiếp thu ý kiến để lựa chọn giải pháp, ứng dụng chuyển đổi số phù hợp đối với chức năng nhiệm vụ của Quốc hội.

Thảo luận tại phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang cho rằng về bản chất chuyển đổi số trong hoạt động Quốc hội hay, Quốc hội điện tử chính là việc thay đổi “luật chơi” trên môi trường điện tử. Do đó vấn đề đặt ra khi xây dựng Quốc hội điện tử thì phải rà soát để kiến nghị sửa đổi quy định thực định có liên quan để bảo đảm phù hợp và thuận lợi cho quá trình vận hành. Cùng với đó, Quốc hội điện tử phải đồng hành với Chính phủ điện tử, Chính phủ số trong tổng thể chương trình Chuyển đổi số quốc gia.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang phát biểu

Tán thành với ý kiến của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho rằng điều cốt lõi chuyển đổi số trong hoạt động Quốc hội là thay đổi nhận thức và tác phong, phương thức làm việc rất lớn, khi dữ liệu nhiều lên rất nhiều với hỗ trợ của công nghệ kĩ thuật thì nhiều vấn đề sẽ không còn theo quy trình truyền thống nữa. Do đó, bày tỏ nhất trí với ý kiến của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho rằng thể chế phải đi trước một bước, trong nhiệm vụ đặt ra trong Đề cương phải có những đề xuất, kiến nghị sửa đổi các quy định về quản lý, quy chế hoạt động, quy trình hoặc các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cũng đánh giá cao công tác tiếp thu của Văn phòng Quốc hội được tiến hành kỹ lưỡng, nghiêm túc đến nay đề cương cơ bản đáp ứng yêu cầu, cụ thể nhiều nội dung về nhận diện bối cảnh, quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp, kinh phí, lộ trình. Đồng thời lưu ý yêu cầu về mặt thời gian hoàn thành do đó cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện đề cương Đề án để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về mặt chủ trương để đi vào triển khai tiếp.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy 

Phó Trưởng Ban Dân nguyện Hoàng Anh Công cho rằng mỗi giai đoạn có sự phát triển khác nhau do đó xây dựng Quốc hội điện tử hướng đến Quốc hội số ở giai đoạn hiện nay cần quan tâm để lựa chọn được công nghệ tiên tiến phù hợp, có định hướng dài hơi hơn, tránh trường hợp Đề án vừa ban hành đã có nội dung lạc hậu, không theo kịp với công nghệ.

Quốc hội điện tử không chỉ tập trung về mô hình công nghệ thông tin để chuyển đổi quy trình, thủ tục làm việc mà còn tập trung ở nhiều yếu khác như yếu tố con người, quy trình thủ tục, cơ sở hạ tầng và cơ sở dữ liệu, trong đó có hướng tới mối quan hệ của Quốc hội với các chủ thể khác, nhất là Quốc hội với cử tri và người dân. Phó Trưởng Ban Dân nguyện Hoàng Anh Công cho rằng Quốc hội điện tử cần tạo môi trường để Quốc hội tương tác với cử tri và người dân, trong đó có tiếp xúc cử tri trên môi trường mạng, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đề ra, thực hiện tốt hơn chức năng đại diện của Quốc hội và tăng cường trách nhiệm của người đại biểu Quốc hội.

Cũng tại phiên họp, có ý kiến cho rằng thực tế trong hoạt động của Quốc hội trong suốt thời gian qua đã từng bước có các ứng dụng công nghệ thông tin, phục vụ hoạt động của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội từ đó phát triển dần hướng đến Quốc hội. Đề án cần khẳng định cho đến nay đã có đủ cơ sở, năng lực và điều kiện cần thiết để đón đầu cơ hội mới, công nghệ mới, ứng dụng công nghệ tiên tiến nhất và mục tiêu trong thời gian tới là những gì đang và sẽ đầu tư xây dựng đều hướng đến Quốc hội số. Các đại biểu cũng đề nghị bổ sung quan điểm chỉ đạo xây dựng Quốc hội điện tử phải bảo đảm an toàn an ninh thông tin mạng và cụ thể hóa trong các mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể; kiến trúc Quốc hội điện tử tương thích với Chính phủ điện tử, lưu ý đến các yếu tố kết nối, xây dựng dữ liệu lớn, hệ thống xử lý và công nghệ.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải kết luận 

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải ghi nhận các ý kiến góp ý tại phiên họp, biểu dương Văn phòng Quốc hội đã tích cực từng bước triển khai các nhiệm vụ được giao đến nay có sản phẩm tương đối hoàn chỉnh; đồng thời đề nghị tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng, tiếp thu tối đa các ý kiến tại phiên họp để tiếp tục bổ sung, hoàn thiện dự thảo đề cương của Đề án xây dựng Quốc hội điện tử, hướng đến Quốc hội số giai đoạn 2023-2026, định hướng đến 2030.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan hữu quan tiến hành thẩm tra, đánh giá đề cương Đề án để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trong thời gian sớm nhất. Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh đây là đề tài rất lớn, đòi hỏi trách nhiệm của các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan hữu quan. Trong đó, Bộ Thông tin và Truyền thông phải có ý kiến góp ý chính thức đối với đề cương Đề án và tham gia trong quá trình thẩm tra. Giao Văn phòng Quốc hội nghiên cứu lựa chọn đơn vị tư vấn xây dựng Đề án theo đúng quy định của pháp luật và sẵn sàng cho triển khai thực hiện khi Đề án được ban hành.

Về một số nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải lưu ý đến việc có cơ sở dữ liệu liên kết với các đầu mối như như Tổng Cục thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Kiểm toán Nhà nước…để phục vụ hoạt động Quốc hội và đại biểu Quốc hội cũng như lưu trữ dữ liệu tại Thư viện Quốc hội cả về số và tài liệu gốc để bảo đảm an ninh an toàn bảo mật và dự phòng. Số hóa dữ liệu theo khả năng và mức độ cần thiết.

Đồng thời, tiếp tục duy trì vận hành thông suốt và cải tiến các phần mềm, hệ thống đang triển khai vận hành bảo đảm phục vụ các sự kiện lớn của Quốc hội trong thời gian tới như Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9, Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023 và kỳ họp Quốc hội.

Một số hình ảnh tại phiên họp:

Phó Trưởng Ban Dân nguyện Hoàng Anh Công phát biểu

Đại diện Bộ Công an

Các thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc tham dự phiên họp

Các thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc tham dự phiên họp

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải kết luận phiên họp.

Bảo Yến - Phạm Thắng