LẤY Ý KIẾN CHUYÊN GIA VỀ DỰ THẢO LUẬT LƯU TRỮ (SỬA ĐỔI)

30/08/2023

Để có thêm thông tin, tài liệu tham khảo phục vụ hoạt động thẩm tra dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi), chiều 30/8, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội phối hợp với Bộ Nội vụ tổ chức Hội thảo lấy ý kiến chuyên gia về dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi). Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang chủ trì hội thảo.

ỦY BAN PHÁP LUẬT TỔ CHỨC HỘI THẢO GÓP Ý VỀ DỰ THẢO LUẬT NHÀ Ở (SỬA ĐỔI)

Tham dự hội thảo có Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Thị Mai Phương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy và các Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, đại diện lãnh đạo Bộ Nội vụ, Bộ Thông tin – Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp, chuyên gia, nhà khoa học.

Hội thảo lấy ý kiến chuyên gia về dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi)

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang cho biết, Luật Lưu trữ năm 2011 được Quốc hội khóa XIII thông qua tại Kỳ họp thứ 2 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2012 đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để thống nhất quản lý công tác lưu trữ trong phạm vi toàn quốc. Qua hơn 10 năm thực hiện, công tác lưu trữ trong các cơ quan, tổ chức ở trung ương, địa phương và lưu trữ lịch sử các cấp đã có những chuyển biến tích cực, đáp ứng ngày càng tốt hơn hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành công việc của cơ quan, tổ chức cũng như yêu cầu khai thác, sử dụng tài liệu lưu trữ của xã hội, góp phần tích cực vào công cuộc cải cách nền hành chính nhà nước và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh kết quả đã đạt được, với sự phát triển của kinh tế - xã hội, tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Luật Lưu trữ hiện hành cũng đã bộc lộ những bất cập, hạn chế, một số quy định không còn phù hợp với tình hình thực tiễn. Cùng với đó, thời gian qua, Đảng đã ban hành chủ trương, chính sách mới về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, toàn diện và hội nhập quốc tế, trong đó có lĩnh vực lưu trữ.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang phát biểu khai mạc

Quốc hội đã ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung một số luật liên quan trong lĩnh vực lưu trữ như Luật An ninh mạng năm 2018, Luật Bảo vệ bí mật nhà nước năm 2018, Luật Tiếp cận thông tin năm 2015, Luật An toàn thông tin mạng năm 2015. Do đó, việc sửa đổi Luật Lưu trữ là cần thiết nhằm thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, khắc phục kịp thời những bất cập, hạn chế trong thực tiễn công tác lưu trữ hiện nay, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số quốc gia và xây dựng Chính phủ điện tử.

Trên cơ sở đề nghị của Chính phủ, Quốc hội đã đưa dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 và 2024. Theo đó, Quốc hội sẽ cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023) và xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024).

Toàn cảnh hội thảo

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang cho biết, dự thảo Luật được soạn thảo trên cơ sở 04 nhóm chính sách đã được Quốc hội khóa XV thông qua. Chính sách 1 về thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ thuộc Phông lưu trữ quốc gia Việt Nam. Chính sách 2 về quản lý tài liệu lưu trữ điện tử đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số và phát triển Chính phủ điện tử. Chính sách 3 về quản lý tài liệu lưu trữ tư. Chính sách 4 về quản lý hoạt động dịch vụ lưu trữ.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Bộ Nội vụ Đặng Thanh Tùng trình bày Báo cáo đề dẫn về dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi); đồng thời trao đổi, thảo luận, làm rõ các vấn đề bất cập, hạn chế trong chính sách, pháp luật và thực tiễn thi hành pháp luật về lưu trữ, đề xuất các giải pháp hoàn thiện pháp luật về lưu trữ để đổi mới hoạt động quản lý và thực hiện các nghiệp vụ lưu trữ, phát huy giá trị tài liệu lưu trữ; đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực lưu trữ để tận dụng có hiệu quả cơ hội do Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đem lại, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và việc thực hiện mục tiêu xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số và nền kinh tế số ở Việt Nam.

Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Bộ Nội vụ Đặng Thanh Tùng trình bày Báo cáo đề dẫn về dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi)

Các đại biểu cho rằng, việc sửa đổi Luật Lưu trữ là cần thiết nhằm thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, khắc phục kịp thời những bất cập, hạn chế trong thực tiễn công tác lưu trữ hiện nay, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số quốc gia và xây dựng Chính phủ điện tử. Các đại biểu cũng đánh giá cao, việc Quốc hội đưa dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 và 2024, dự kiến sẽ cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 tới.

Nhiều ý kiến bày tỏ nhất trí và đánh giá cao, khi dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi) đã dành một chương điều chỉnh với việc phát huy giá trị tài liệu lưu trữ, thay vì chỉ dành một điều để điều chỉnh như tại Luật hiện hành. Đây là một bước chuyển lớn về nhận thức đối với vai trò, vị trí biệt của tài liệu lưu trữ, để tài liệu được “sống và phục vụ” xã hội bằng cả những giá trị lịch sử và thực tiễn của chúng. Tuy nhiên, một số đại biểu cho rằng, trong Chương III về phát huy giá trị tài liệu lưu trữ cần cân nhắc quy định về trách nhiệm trong thực hiện công tác này.

Các đại biểu tham dự hội thảo

Cũng có ý kiến đề nghị cần làm rõ và cụ thể hóa nội dung về lưu trữ số lưu trữ điện tử, lưu trữ số và cho rằng việc chuyển đổi sang lưu trữ số, lưu trữ điện tử cần phải thể hiện ở tất cả các chương, điều, từ giải thích từ ngữ đến chính sách của Nhà nước, trong quy định về nghiệp vụ, về quản lý... mà không nhất thiết phải quy định thành chương riêng. Ngoài ra, các đại biểu cũng cho ý kiến về nhiều nội dung cụ thể khác của dự án Luật như quản lý lưu trữ tư; thu lệ phí đối với các tổ chức, cá nhân đăng ký hoạt động dịch vụ lưu trữ và đăng ký cấp Chứng chỉ hành nghề lưu trữ; thẩm quyền cấp Chứng chỉ hành nghề lưu trữ; đối tượng cấp Chứng chỉ hành nghề lưu trữ.

Phát biểu kết luận Hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang khẳng định, các ý kiến trao đổi, thảo luận là những thông tin hữu ích để Ủy ban Pháp luật tiến hành thẩm tra dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi); và mong muốn, trong thời gian tới, tiếp tục nhận được sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, đơn vị, hiệp hội và chuyên gia trong quá trình chỉnh lý, hoàn thiện để có dự thảo Luật có chất lượng cao nhất khi trình ra Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 tới.

Một số hình ảnh tại hội thảo:

Toàn cảnh hội thảo

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang chủ trì hội thảo

Phó Chủ tịch Hội Văn thư - Lưu trữ Việt Nam Vũ Thị Phụng  phát biểu tại hội thảo

GS.TSKH.Viện sĩ Nguyễn Huy Mỹ phát biểu tại hội thảo

Đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang điều hành thảo luận

Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phạm Đình Phong phát biểu

Đại diện EVN

Các đại biểu tham dự hội thảo

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang kết luận hội thảo.

Bảo Yến - Nghĩa Đức

Các bài viết khác