NHỮNG VẤN ĐỀ LỚN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI QUAN TÂM THẢO LUẬN TẠI KỲ HỌP THỨ 5 VỀ DỰ ÁN LUẬT QUẢN LÝ, BẢO VỆ CÔNG TRÌNH QUỐC PHÒNG, KHU QUÂN SỰ

28/08/2023

Theo chương trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 4, chiều 28/8, các đại biểu sẽ cho ý kiến về dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự. Trước đó, tại Kỳ họp thứ 5, các đại biểu Quốc hội cũng đã thảo luận tại tổ và hội trường về dự án luật này với 115 lượt ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu và một số góp ý bằng văn bản.

KHAI MẠC HỘI NGHỊ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI CHUYÊN TRÁCH LẦN THỨ 4: RÀ SOÁT KỸ LƯỠNG, KHÔNG BỎ QUA BẤT CỨ VẤN ĐỀ NÀO, KHÔNG ĐỂ CÓ SƠ HỞ CHO THAM NHỮNG TIÊU CỰC TRONG XÂY DỰNG PHÁP LUẬT

DỰ KIẾN CHƯƠNG TRÌNH HỘI NGHỊ ĐBQH HOẠT ĐỘNG CHUYÊN TRÁCH THẢO LUẬN MỘT SỐ NỘI DUNG TRÌNH QUỐC HỘI TẠI KỲ HỌP THỨ 6, QUỐC HỘI KHÓA XV

Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV

Thảo luận về dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, đa số ý kiến nhất trí sự cần thiết ban hành Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự. Có ý kiến cho rằng, hồ sơ dự án Luật chưa thể hiện rõ những nội dung liên quan đến biển; đề nghị thể chế đầy đủ quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, trong đó đặc biệt là Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Cần có nghiên cứu, đánh giá tác động của dự án Luật về kinh tế - xã hội, môi trường, ngoại giao, quốc phòng, an ninh, các tác động đến tổ chức, doanh nghiệp và người dân, những vấn đề liên quan đến biển đảo, các công trình dân sự hợp pháp đã được xây dựng trước thời điểm Luật này có hiệu lực và thuộc phạm vi khu vực cấm, khu vực bảo vệ, vành đai an toàn đối với khu vực bảo vệ ông trình quốc phòng và khu quân sự theo quy định của dự thảo Luật, bảo đảm cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn

Một số ý kiến đề nghị rà soát để đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, đặc biệt các luật như: Luật Quốc phòng, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Đất đai, Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch, Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, Luật Cư trú... Đồng thời, rà soát bảo đảm phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.

Một số ý kiến băn khoăn dự thảo Luật có 10 Điều giao cho Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định chi tiết, đề nghị rà soát để cụ thể hóa tối đa các nội dung ở dự thảo Nghị định vào dự thảo Luật để thực hiện thống nhất, nhằm nâng cao tính khả thi khi Luật được thông qua và có hiệu lực. Một số ý kiến đề nghị bổ sung một điều quy định việc chuyển tiếp nội dung thực hiện theo Pháp lệnh và Luật khi được ban hành để xử lý các vấn đề tồn đọng trong lịch sử giao sử dụng đất công trình quốc phòng và khu quân sự, phù hợp với thực tiễn.

Về phân loại, phân nhóm công trình quốc phòng và khu quân sự: Một số ý kiến đề nghị quy định rõ hơn về phân loại, xác định điều kiện, tiêu chuẩn quản lý, sử dụng công trình lưỡng dụng, có thể quy định một mục riêng. Một số ý kiến cho rằng quy định như dự thảo Luật khó hiểu, khó viện dẫn khi áp dụng, nên đề nghị phân loại, phân nhóm cho phù hợp, cụ thể, khoa học, khả thi, gắn với chế độ pháp lý của từng nhóm, loại. Có ý kiến cho rằng, công trình quốc phòng và khu quân sự được phân thành quá nhiều nhóm, vừa phân loại theo chiều dọc, vừa phân loại theo chiều ngang sẽ khó khăn trong việc áp dụng pháp luật; đề nghị nghiên cứu, phân loại theo yêu cầu quản lý, bảo vệ để quy định các biện pháp phù hợp; đề nghị nên giao cho Bộ Quốc phòng ban hành danh mục loại, nhóm công trình quốc phòng và khu quân sự.

Những hành vi bị nghiêm cấm: Có ý kiến đề nghị bổ sung những hành vi cấm đối với khu vực bảo vệ vành đai an toàn công trình quốc phòng và khu quân sự và hành lang an toàn kỹ thuật của hệ thống ăng ten quân sự để đảm bảo đồng bộ với quy định tại Điều 17; bổ sung hành vi không thực hiện chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn dẫn tới sai phạm như: trì hoãn, chậm trễ trong việc thực hiện bảo trì, bảo dưỡng các công trình quốc phòng, gây xuống cấp, hư hại cho công trình; bổ sung nội dung “không được quay phim, chụp ảnh, ghi âm, điều tra, khảo sát, định vị, đo vẽ, ghi chép, miêu tả, đăng tải, phát tán trên thông tin đại chúng, mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông về công trình quốc phòng và khu quân sự.

Về chuyển đổi mục đích sử dụng công trình quốc phòng và khu quân sự: Có ý kiến nhất trí quy định thẩm quyền Thủ tướng Chính phủ quyết định chuyển mục đích sử dụng công trình quốc phòng và chuyển mục đích sử dụng đất để bảo đảm đơn giản, thống nhất thủ tục. Có ý kiến cho rằng, dự thảo Luật quy định Thủ tướng Chính phủ quy định việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất quốc phòng gắn với chuyển đổi mục đích sử dụng công trình quốc phòng và khu quân sự là chưa phù hợp với các quy định của Luật Đất đai. Có ý kiến đề nghị rà soát các vấn đề phát sinh trong thực tiễn để quy định về chuyển đổi mục đích sử dụng cho phù hợp, khả thi.

Về phá dỡ, di dời công trình quốc phòng và khu quân sự: Có ý kiến cho rằng quy định như dự thảo Luật là rất chung chung; đề nghị cân nhắc quy định cơ quan tổ chức chủ đầu tư khi thực hiện dự án thì phải bồi thường, hỗ trợ các khoản như chi phí xây dựng công trình tương đương, chi phí bồi thường, hỗ trợ tài sản trên đất, các khoản chi phí bồi thường, hỗ trợ khác có liên quan, chi phí thẩm định v.v…;

Về xác định phạm vi bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự: Có ý kiến cho rằng, quy định tại Điều này là nội dung rất quan trọng, là cơ sở pháp lý để Nhà nước tập trung nguồn lực xây dựng, bố trí lực lượng bảo vệ các công trình quốc phòng và khu quân sự, giữ vững thế trận khu vực phòng thủ. Có ý kiến đề nghị quy định chặt chẽ, thống nhất về phạm vi khu vực cấm, phạm vi bảo vệ, phạm vi vành đai an toàn; xác định nguyên tắc, tiêu chí, yêu cầu cụ thể về phạm vi ranh giới; quy định chiều cao không gian trên không, dưới mặt nước đối với các công trình quốc phòng và khu quân sự. Có ý kiến đề nghị quy định nguyên tắc, tiêu chuẩn cụ thể để xác định ranh giới giữa khu vực cấm và khu vực bảo vệ

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng, Điều này quy định chung chung chưa cụ thể, như việc xác định tiêu chí phần mở rộng thêm; tiêu chí từng loại nhóm công trình quốc phòng và khu quân sự chỉ mang tính định tính, không rõ ràng. Đề nghị quy định rõ giới hạn phạm vi khu vực cấm sử dụng đất, mặt nước, khoảng không của công trình quốc phòng và khu quân sự trong trường hợp thật cần thiết.

Có ý kiến đề nghị rà soát để thống nhất với quy định của pháp luật chuyên ngành, như quy định về vành đai an toàn đảo nhân tạo, thiết bị công trình trên biển tại các khoản 3, 4 Điều 34 Luật Biển Việt Nam.

Về chế độ bảo vệ đối với khu vực cấm, khu vực bảo vệ, vành đai an toàn công trình quốc phòng và khu quân sự; vành đai an toàn kho đạn dược, hành lang an toàn kỹ thuật hệ thống anten quân sự: Có ý kiến cho rằng, thời gian qua, việc xâm phạm công trình quốc phòng và khu quân sự diễn ra phức tạp dẫn đến mất an ninh, trật tự trên các địa bàn, do đó, quy định này nhằm đáp ứng tình hình thực tiễn và kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các vụ việc vi phạm pháp luật liên quan. Có ý kiến đề nghị quy định cụ thể, chặt chẽ vì liên quan đến hạn chế quyền con người, quyền công dân. Có ý kiến đề nghị quy định rõ ràng, minh bạch giữa công trình quốc phòng và khu quân sự, nhất là trường hợp hợp công trình quốc phòng nhưng lại không phải xây trong khu vực quân sự để bảo vệ. Có ý kiến đề nghị quy định rõ hơn về áp dụng các biện pháp ngăn chặn, xử lý người vi phạm để thống nhất với Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Về lực lượng bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự: Có ý kiến đề nghị quy định rõ lực lượng bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự là lực lượng chuyên trách hay lực lượng bán chuyên trách; việc bố trí lực lượng bảo vệ công trình quốc phòng tại các bộ, ngành, địa phương có làm phát sinh thêm biên chế hay không. Đồng thời làm rõ trách nhiệm về sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương để đảm bảo tính đặc thù của công trình quốc phòng và khu quân sự.

Tại phiên họp thứ 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự

Cho ý kiến về nhiều nội dung cụ thể của dự thảo Luật, các đại biểu cũng lưu ý làm rõ tính khả thi, quy định rõ quy trình giải quyết những vấn đề phát sinh, làm rõ tính đồng bộ, tương thích với các luật có liên quan như Luật Quốc phòng, Luật An ninh quốc gia, Luật Quản lý tài sản công, Luật Đất đai nhằm tạo thuận lợi cho Luật này được thi hành; quy định lộ trình, điều khoản chuyển tiếp để bảo đảm khả thi của quy định.

Bảo Yến