TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 28/8: KHAI MẠC HỘI NGHỊ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI HOẠT ĐỘNG CHUYÊN TRÁCH LẦN THỨ 4, NHIỆM KỲ KHOÁ XV

28/08/2023

8h00 ngày 28/8/2023, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 4, nhiệm kỳ khoá XV nhằm thảo luận một số dự án Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 chính thức khai mạc. Chủ tịch Quốc hội cùng các Phó Chủ tịch Quốc hội luân phiên điều hành nội dung Hội nghị.

DỰ KIẾN CHƯƠNG TRÌNH HỘI NGHỊ ĐBQH HOẠT ĐỘNG CHUYÊN TRÁCH THẢO LUẬN MỘT SỐ NỘI DUNG TRÌNH QUỐC HỘI TẠI KỲ HỌP THỨ 6, QUỐC HỘI KHÓA XV

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì Hội nghị ĐBQH chuyên trách lần thứ 4, nhiệm kỳ khoá XV

Theo đó, ngay sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung xem xét, cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau về dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi). Sau phần thảo luận, cơ quan trình và cơ quan thẩm tra dự án Luật sẽ làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội liên tục cập nhật nội dung Phiên họp:

8h00: Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, căn cứ các quy định của pháp luật, để nâng cao hơn nữa chất lượng xây dựng pháp luật, Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách được tổ chức từ 28 đến ngày 30/8 tại Nhà Quốc hội để lấy ý kiến các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách về một số dự án luật sẽ được trình xem xét tại Kỳ họp thứ 6 sắp tới. 

Tham dự phiên khai mạc Hội nghị có Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn, đại diện Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Giao thông vận tải… cùng đại diện các cơ quan hữu quan.

Tiếp theo, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ phát biểu khai mạc Hội nghị.

8h04: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Hội nghị

Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ căn cứ Luật Tổ chức Quốc hội, Quy chế làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và chương trình công tác 2023, nhằm chuẩn bị tốt nhất cho Kỳ họp thứ 6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định triệu tập Hội nghị đại biểu Quốc hội họat động chuyên trách  lần thứ 4, khóa XV. Nội dung của Hội nghị nhằm thảo luận cho ý kiến về một số dự án luật dự kiến trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 6. 

Chủ tịch Quốc hội cho biết từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã tổ chức thành công 3 Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách qua đó tiếp thu nhiều ý kiến tâm huyết, trí tuệ của các đại biểu Quốc hội nhằm góp phần hoàn thiện, nâng cao chất lượng các dự án luật, nghị quyết từ đó Quốc hội thông qua với tỉ lệ đồng thuận cao.

Tiếp tục phát huy kết quả đạt được, tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách lần thứ 4 của nhiệm kỳ khóa XV sẽ xem xét cho ý kiến về 8 dự án luật trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 6 tới gồm dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Luật Viễn thông (sửa đổi), Luật Căn cước công dân (sửa đổi), Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và Luật Quản lý bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự. 

Chủ tịch Quốc hội cho biết, từ sau Kỳ họp thứ 5, các cơ quan của Quốc hội đã tích cực nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm tiếp tục lấy ý kiến chuyên gia cơ quan và tổ chức có liên quan khẩn trương phối hợp với Chính phủ tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện các dự án luật. Đến nay các dự án luật này cũng đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp tháng 7 và tháng 8 vừa qua. 

Nêu rõ, đây là Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách cho ý kiến về số lượng các dự án luật nhiều nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Các dự án luật này đều là những dự án luật rất quan trọng, nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận và đại biểu Quốc hội, có nhiều quy định mới, đối tượng chịu ảnh hưởng rộng,  một số nội dung còn có ý kiến khác nhau giữa cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan soạn thảo nên cần tiếp tục được cân nhắc, thảo luận một cách kỹ lưỡng.

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, gợi mở và nhấn mạnh một số vấn đề, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội chuyên trách và các đại biểu tham dự Hội nghị tham gia tập trung rà soát và cho ý kiến về việc các dự án luật này đã quán triệt thể chế hóa đầy đủ và đúng đắn các chủ trương của Đảng - cơ sở chính trị đối với từng lĩnh vực liên quan hay chưa?  Xem xét việc thể hiện của các dự thảo Luật cho đến nay đã bám sát các nhóm chính sách lớn, các định hướng, nguyên tắc yêu cầu khi xây dựng các dự án luật chưa? Đối với những đề xuất mới đã có đánh giá tác động một cách đầy đủ chưa? Cho ý kiến về tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất đồng bộ của hệ thống pháp luật, nhất là các dự án luật mà có mối quan hệ chặt chẽ với nhau như Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở…

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tiếp tục quan tâm cho ý kiến đối với những vấn đề lớn và những vấn đề quan trọng đối với từng dự án luật về kỹ thuật lập pháp, nguyên tắc áp dụng pháp luật, điều khoản chuyển tiếp; cho ý kiến đối với các nội dung còn có ý kiến khác nhau để có nghiên cứu, phân tích, tính toán lựa chọn phương án tốt nhất. 

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh rà soát kỹ lưỡng lại về cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý, tính hợp hiến, hợp pháp, tính đồng bộ, chất lượng của hệ thống pháp luật, đáp ứng được yêu cầu kiến tạo phát triển nhanh, bền vững, hội nhập quốc tế của Việt Nam; rà soát lại toàn bộ các quy trình về các nội dung, cách thức, quy trình không được để cho những quy phạm pháp luật có sơ hở có thể tạo ra tham nhũng, tiêu cực, gây ra thất thoát hoặc ách tắc, khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Đặc biệt là bảo đảm thực hiện ý kiến chỉ đạo của Đảng về chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong quá trình xây dựng pháp luật ngay trong Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng tiếp tục lắng nghe để có hoàn thiện, các cơ quan chủ trì thẩm tra sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan soạn thảo, cơ quan tổ chức hữu quan để tiếp tục trình với Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến với theo tinh thần làm triệt để, để cho không có một ý kiến nào của đại biểu Quốc hội mà không được nghiên cứu, tiếp thu và giải trình. 

Để bảo đảm hội nghị được tiến hành hiệu quả, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm cao trước cử tri và đất nước, tham gia đầy đủ các phiên họp tranh thủ tối đa thời gian để nghiên cứu, trao đổi, tranh luận, phản biện với cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra để đóng góp nhiều ý kiến chất lượng, sâu sắc về các dự thảo.

Chủ tịch Quốc hội kỳ vọng với bề dày kinh nghiệm, kiến thức chuyên sâu, các chuyên gia, các đại biểu sẽ tham gia ý kiến sâu sắc, tâm huyết về các vấn đề của dự thảo luật cũng như những vấn đề thực tiễn đặt ra để tiếp tục hoàn thiện đảm bảo chất lượng cao nhất các dự án luật trình Quốc hội xem xét, quyết định.

8h27: Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp

Điều hành nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, tiếp theo chương trình, Hội nghị sẽ cho ý kiến, thảo luận về dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi). Tiếp đến, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới sẽ trình bày Báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau về dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi).

8h28: Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau về dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi).

Báo cáo một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau về dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, đa số ý kiến ĐBQH tán thành về sự cần thiết ban hành Luật; đánh giá cao việc chuẩn bị hồ sơ dự án Luật và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh; cơ bản nhất trí với các nội dung của dự thảo Luật và góp ý nhiều vấn đề cụ thể.

Về tên gọi, phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới nêu rõ, hiện còn 02 loại ý kiến như sau: Loại ý kiến thứ nhất đồng ý đổi tên luật thành Luật Căn cước. Loại ý kiến thứ hai đề nghị giữ tên luật là Luật Căn cước công dân. Thường trực UBQPAN nhất trí với loại ý kiến thứ nhất. Tuy nhiên, đây là nội dung còn có ý kiến khác nhau, đề nghị các vị ĐBQH tiếp tục cho ý kiến về tên gọi của Luật.

Về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật đối với căn cước điện tử, một số ý kiến băn khoăn về sự cần thiết cấp và quản lý căn cước điện tử; đề nghị làm rõ cơ sở thực tiễn để kiểm chứng hiệu quả áp dụng quy định căn cước điện tử trong dự thảo Luật. Thường trực UBQPAN đề nghị cho giữ các quy định về căn cước điện tử như dự thảo Luật Chính phủ trình.

Liên quan đến giấy chứng nhận căn cước và quản lý người gốc Việt Nam (Điều 7 dự thảo Luật Chính phủ trình), tiếp thu ý kiến của các vị ĐBQH, Thường trực UBQPAN đã chuyển Điều này về Chương III (Điều 30), đổi tên Chương III thành “Thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước” và bổ sung, chỉnh lý Điều 5, chỉnh sửa toàn diện Điều 30 như dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý nhằm quy định cụ thể, rõ hơn về người gốc Việt Nam; điều kiện cấp giấy chứng nhận căn cước, việc cấp, cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận căn cước; thông tin được thu thập, cập nhật, lưu trữ và việc khai thác, sử dụng thông tin về người gốc Việt Nam; việc quản lý người gốc Việt Nam; bổ sung đầy đủ hơn về quyền và nghĩa vụ của người gốc Việt Nam. 

Về thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (Điều 10 dự thảo Luật Chính phủ trình) và thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước (Điều 16 dự thảo Luật Chính phủ trình), để có căn cứ thực hiện tốt hơn công tác bảo vệ, bảo mật cơ sở dữ liệu, Thường trực UBQPAN tiếp thu ý kiến ĐBQH, chỉnh lý khoản 4 Điều 10 dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý. Ngoài ra, Thường trực UBQPAN kiến nghị Quốc hội yêu cầu Chính phủ tiếp tục quan tâm đầu tư, tăng cường năng lực về chuyên môn và kỹ thuật, bảo đảm Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được bảo vệ an toàn ở mức tối đa.  

Đồng thời Thường trực UBQPAN đã rà soát, chỉnh lý quy định tại Điều này và Điều 10, Điều 16 dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý nhằm quy định cụ thể việc phân loại trường thông tin bắt buộc cập nhật, trường thông tin thu thập từ người dân trên tinh thần tự nguyện và quy định rõ việc cơ quan quản lý căn cước có trách nhiệm phối hợp với cơ quan liên quan và người dân kiểm tra, thu thập, cập nhật những thông tin còn thiếu, có thay đổi hoặc sai sót để bảo đảm tính chính xác của thông tin và thống nhất trong các cơ sở dữ liệu.

Về nội dung thể hiện trên thẻ căn cước (Điều 19 dự thảo Luật Chính phủ trình), Thường trực UBQPAN cho biết, tên gọi của thẻ căn cước còn 2 loại ý kiến: Loại ý kiến thứ nhất đồng ý với tên thẻ căn cước như dự thảo Luật Chính phủ trình; Loại ý kiến thứ hai đề nghị giữ nguyên tên thẻ căn cước công dân như Luật hiện hành. Thường trực UBQPAN cho rằng, việc đổi tên thẻ căn cước như dự thảo Luật Chính phủ trình là phù hợp; không phát sinh thủ tục, không phát sinh chi ngân sách nhà nước, chi phí của xã hội. Tuy nhiên, đây là nội dung các vị ĐBQH còn nhiều ý kiến khác nhau, Thường trực UBQPAN đề nghị ĐBQH cho ý kiến để lựa chọn quyết định về tên gọi của thẻ.

Liên quan đến thông tin trên thẻ căn cước, tiếp thu ý kiến của các vị ĐBQH, Thường trực UBQPAN đã nghiên cứu, chỉnh sửa một số trường thông tin tại khoản 1 Điều 18 như dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý bảo đảm phù hợp và khả thi. 

Về người được cấp thẻ căn cước (Điều 20 dự thảo Luật Chính phủ trình), Thường trực UBQPAN đã rà soát, chỉnh lý, bổ sung quy định tại Điều 5 và Điều 23 dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý để quy định cụ thể hơn về yêu cầu, điều kiện, trình tự, thủ tục cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi và trách nhiệm của cha, mẹ hoặc người giám hộ trong việc sử dụng, quản lý thẻ căn cước của người dưới 14 tuổi.

Đề cập về tích hợp thông tin vào thẻ căn cước (Điều 23 dự thảo Luật Chính phủ trình), Thường trực UBQPAN cho rằng, quy định như dự thảo Luật về việc tích hợp một số loại thông tin vào thẻ căn cước là phù hợp. Đồng thời đã rà soát, nghiên cứu, chỉnh lý, bổ sung các quy định tại Điều này và các điều khoản có liên quan trong dự thảo Luật để bảo đảm thông tin tích hợp vào thẻ căn cước được chính xác, kịp thời, an toàn và hiệu quả trong khai thác và sử dụng.

Liên quan đến việc cấp, quản lý căn cước điện tử (Chương IV), Thường trực UBQPAN đã nghiên cứu, chỉnh lý khái niệm về căn cước điện tử tại khoản 15 Điều 3, chỉnh lý lại quy định tại khoản 2, bổ sung 03 khoản tại Điều 31 dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý nhằm quy định cụ thể hơn về thông tin trong căn cước điện tử, thẩm quyền cấp căn cước điện tử và giao Chính phủ quy định trình tự, thủ tục cấp căn cước điện tử.

8h44: Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương gợi ý một số nội dung tập trung thảo luận

Phát biểu điều hành nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã thảo luận tại Tổ và Hội trường về dự án Luật Căn cước. Đã có 151 lượt ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu (trong đó có 130 lượt ý kiến phát biểu tại Tổ, 17 ý kiến phát biểu và 04 ý kiến tranh luận tại Hội trường). Đa số ý kiến ĐBQH tán thành về sự cần thiết ban hành Luật; đánh giá cao việc chuẩn bị hồ sơ dự án Luật và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh; cơ bản nhất trí với các nội dung của dự thảo Luật và góp ý nhiều vấn đề cụ thể.

Ngay sau Kỳ họp, dưới sự chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đã phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp thu, giải trình một số vấn đề lớn tại Phiên họp tháng 8/2023. Căn cứ kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với cơ quan soạn thảo hoàn thiện hồ sơ dự án luật trình tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị các đại biểu tập trung cho ý kiến về một số nội dung cơ bản: Tên gọi của dự thảo luật hiện vẫn còn hai loại ý kiến khác nhau; thông tin của công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia; thu thập cập nhật khai thác thông tin trong cơ sở dữ liệu căn cước; việc chỉnh lý từ 24 trường thông tin thành 26 trường thông tin; quy định về chia sẻ thông tin trong cơ sở dữ liệu căn cước; tích hợp thông tin vào thẻ căn cước; bảo đảm điều kiện cho hoạt động quản lý căn cước…

8h49: Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương: Nên đổi tên dự án Luật thành Luật Căn cước

Tham gia phát biểu tại hội trường, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho biết, về vấn đề tên gọi, hiện đang có 2 luồng ý kiến khác nhau về việc giữ tên Luật Căn cước công dân, hay nên đổi thành Luật Căn cước, đại biểu nhất trí với phương án đổi tên dự án luật thành Luật Căn cước. 

Theo đại biểu, tên gọi Luật Căn cước phù hợp với phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng quy định trong dự thảo luật, gồm cả công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch, phù hợp với chính sách, mục tiêu, định hướng khi xây dựng luật. Việc bổ sung đối tượng áp dụng là cần thiết cho công tác quản lý con người, an ninh trật tự, mang tính nhân văn sâu sắc. 

Đại biểu cho rằng, các đối tượng người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch tuy có số lượng không nhiều, nhưng đang hiện hữu, sinh sống, là một phần của cộng đồng, phần nhiều là những đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương, người nghèo, không nghề nghiệp, không nhà cửa… Nếu không có căn cước, không có gì chứng minh về nhân thân, lai lịch, đặc điểm nhân dạng, thì những người đó sẽ đứng bên lề xã hội, không được hưởng chế độ an sinh, dẫn đến nhiều hệ lụy xảy ra, tạo ra nhiều gánh nặng xã hội. 

Đại biểu nhấn mạnh, việc mở rộng cấp căn cước với các đối tượng này sẽ giúp nâng cao hiệu quả quản lý của các cơ quan chức năng, đồng thời cũng giúp những đối tượng đó ổn định cuộc sống, có giấy tờ hợp pháp để tham gia các hoạt động xã hội, được hưởng các chế độ an sinh cần thiết.

8h54: Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp: Đổi tên thẻ căn cước sẽ đảm bảo phù hợp với thực tiễn

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Phạm Văn Hòa bày tỏ thống nhất với báo cáo giải trình, tiếp thu của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội; thống nhất với việc đặt tên là thẻ căn cước. Theo đại biểu, trên thực tế, đặt tên là thẻ căn cước sẽ đảm bảo gọn gàng của tên gọi.... 

Mặc dù, một số đại biểu cho rằng việc đổi tên thẻ sẽ gây tốn kém ngân sách, tuy nhiên, dự thảo quy định những người đã được cấp thẻ căn cước công dân gắn chip không nhất thiết phải đổi thẻ. Đại biểu cho rằng việc này sẽ không gây tốn kém như lo lắng của các đại biểu. Mặt khác, phạm vi điều chỉnh của thẻ căn cước cũng bao quát được đối tượng áp dụng của luật bao gồm công dân Việt Nam, người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa được xác định quốc tịch. Đây là vấn đề mới, phù hợp và cần thiết. Do đó, đại biểu cho rằng, việc đổi tên là thẻ căn cước hoàn toàn phù hợp với thực tiễn. Đại biểu Phạm Văn Hoà cũng bày tỏ thống nhất với việc cần thiết cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam chưa xác định quốc tịch.

Về thông tin trong cơ sở dữ liệu, đại biểu bày tỏ nhất trí với giải trình, tiếp thu của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Theo đại biểu, những dữ liệu bắt buộc ghi trong thẻ căn cước thì bắt buộc phải có như họ tên, năm sinh, quê quán, quốc tịch,… Đây là thông tin bắt buộc, còn những dữ liệu chỉ lưu trữ trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

9h02: Đại biểu Nguyễn Tạo - Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng: Cân nhắc việc bổ sung nhiều trường thông tin trong dữ liệu căn cước

Phát biểu ý kiến về dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo - Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng bày tỏ tán thành cao với các nội dung sửa đổi, chỉnh lý của dự thảo Luật, cho rằng các nội dung dự thảo Luật đã hướng tới  sửa đổi, khắc  phục các vấn đề bất cập của Luật hiện hành, đảm bảo cải cách hành chính, chuyển đổi số, đảm bảo quyền và lợi ích của công dân… 

Liên quan đến nội dung cụ thể tại Điều 9 quy định về thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Điều 15 quy định về thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước, đại biểu Nguyễn Tạo đề nghị cần cân nhắc việc bổ sung quá nhiều thông tin vào dữ liệu căn cước. Bởi dự thảo Luật lần này yêu cầu bổ sung rất nhiều thông tin của công dân, trong đó có cả thông tin sinh trắc học gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt, ADN, giọng nói... Theo đại biểu đây là những thông tin có tính bảo mật cao nhất của công dân nên cần được cân nhắc kỹ lưỡng. 

Bên cạnh đó, đại biểu Tạo cũng đề nghị xem xét lại nội dung quy định chuyển tiệp và thời điểm hiệu lực thi hành của dự thảo Luật. Theo đó, cần bổ sung nội dung về lộ trình và nguồn lực thực hiện (nguồn lực con người, kinh tế, hạ tầng kỹ thuật...) để đảm bảo tính khả thi.

9h10: Đại biểu Lò Thị Luyến - Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên: Thống nhất gọi tên luật là Luật Căn cước

Tham gia đóng góp ý kiến hoàn thiện dự án luật tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, đại biểu Lò Thị Luyến - Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên cho rằng, qua tổng hợp ý kiến của các đại biểu tại Kỳ họp thứ 5, cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra đã tiếp thu, chỉnh lý nhiều nội dung, đến nay dự thảo luật đã tương đối hoàn thiện. 

Bàn thêm một số nội dung liên quan đến vấn đề tên luật còn nhiều ý kiến khác nhau, đại biểu thống nhất gọi tên luật là Luật Căn cước, bởi các đối tượng điều chỉnh trong dự thảo luật này gồm có người gốc Việt Nam sinh sống tại Việt Nam từ 6 tháng trở lên. Đại biểu cho rằng, cần giải thích rõ về khái niệm “người gốc Việt Nam” trong phần giải thích từ ngữ. Tại khu vực biên giới, có những trường hợp không phải người gốc Việt, mà là cư dân của các nước lân cận sang, ta có nên cấp giấy chứng nhận, căn cước cho họ hay không? Đại biểu cho rằng vấn đề này cần nghiên cứu kỹ lưỡng. 

Về quy định tại Điều 29 về thu hồi, giữ thẻ căn cước, trong dự thảo có quy định Chính phủ sẽ quy định chi tiết, hướng dẫn nội dung này. Tuy nhiên, dự thảo cũng quy định, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao có thẩm quyền thu hồi thẻ căn cước trong trường hợp công dân bị tước quốc tịch, thôi quốc tịch Việt Nam, hoặc bị hủy quyết định trao quốc tịch Việt Nam. Đại biểu cho rằng, về thời gian, khi Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao thu hồi, thì quy định bao nhiêu thời gian để nộp lại thẻ đó cho cơ quan quản lý về căn cước... cần phân định rõ, trong trường hợp nào thì thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Tư pháp, trong trường hợp nào thì thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Ngoại giao để đảm bảo rõ ràng, nhất quán.

9h14: Đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam: Đồng tình với tên gọi là Luật Căn cước công dân

Phát biểu tại Hội nghị, đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam thống nhất cao với dự án Luật Căn cước và cho rằng dự án Luật này đã được chuẩn bị cẩn thận và chất lượng. Trao đổi thêm về tên gọi của dự thảo Luật, đại biểu Tạ Văn Hạ đồng tình với tên gọi là Luật Căn cước công dân.

Đại biểu cho rằng, Luật này phục vụ trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam và đối tượng là công dân Việt Nam, và trong Hiến pháp cũng có nhiều điều khoản nhắc đến nhiều từ “công dân”. Đối tượng công dân Việt Nam nằm trong quy định pháp luật của Việt Nam, còn những đối tượng chưa rõ quốc tịch, người gốc Việt còn liên quan đến quyền con người và đến các đối tượng khác.

Do đó, đại biểu Tạ Văn Hạ đề nghị cần đánh giá toàn diện tên gọi của Luật này và cân nhắc kỹ hơn có nên đưa một bộ phận nhỏ vào trong Luật này hay không, cần xem xét có phù hợp và đồng bộ với các điều ước quốc tế và các yếu tố khác hay không?

Về thông tin của công dân, đại biểu Tạ Văn Hạ đề nghị làm rõ hơn: nơi tạm trú, nơi thường trú và nơi ở hiện nay. Đồng thời cần xác định khái niệm về “quê quán”, cần xem xét thêm quy định như thế nào để phù hợp với thực tiễn. 

Về vấn đề bảo mật, đại biểu cho rằng đây là vấn đề đời tư và bất khả xâm phạm, do vậy đại biểu Tạ Văn Hạ đề nghị quy định những thông tin, điều khoản trong dự thảo Luật cần phải phù hợp với yêu cầu quản lý và vẫn đảm bảo đời tư, quyền con người, quyền công dân (vì hiện nay trong thực tế vẫn còn hiện tượng lộ lọt thông tin cá nhân).

9h21: Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương: Quy định thống nhất về thông tin của công dân về nơi sinh, nơi đăng ký khai sinh

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa đánh giá cao cơ quan hữu quan tiếp thu đầy đủ ý kiến đại biểu tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV; các nội dung dự thảo luật đã thể hiện đầy đủ nguyên tắc xây dựng luật.

Góp ý về quy định tại Điều 24 về các trường hợp cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước tại, khoản 1 quy định: Thẻ căn cước được cấp đổi trong các trường hợp: Thay đổi thông tin về họ, chữ đệm, tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh; Thay đổi nhân dạng, xác định lại giới tính hoặc chuyển đổi giới tính theo quy định của pháp luật; Có sai sót về thông tin trên thẻ căn cước; Khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính, tên đơn vị hành chính; Xác lập lại số định danh cá nhân; Khi người được cấp thẻ có yêu cầu. Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa đề nghị ban soạn thảo cân nhắc về nội dung này.

Đại biểu phân tích, quy định điểm bổ sung: Khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính, tên đơn vị hành chính cần được nghiên cứu kỹ hơn, bởi việc bắt buộc cấp đổi các loại thẻ trong những trường hợp này chỉ được quy định cho nơi sinh hay quy định cho cả nơi cư trú ở nơi cấp hoặc có nên quy định đây là trường hợp bắt buộc phải cấp đổi cấp lại thẻ hay không hay chỉ nên quy định trong những trường hợp mà công dân có yêu cầu. Việc cấp đổi cấp lại thẻ ở phạm vi rộng sẽ phát sinh những chi phí tuân thủ cho người dân cũng như là các cơ quan nhà nước.

Đại biểu đề nghị quy định thống nhất về thông tin của công dân về nơi sinh, nơi đăng ký khai sinh; cân nhắc thông tin nào cần cho sự quản lý của nhà nước về công dân. Theo đại biểu nên quy định như hiện hành là nơi đăng ký khai sinh, không phải trường hợp nào nơi sinh cũng cần phải quản lý…

9h27:  Đại biểu Nguyễn Thị Sửu - Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế: Cần giải thích rõ hơn về khái niệm “người gốc Việt”

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Sửu - Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế đánh giá cao cơ quan soạn thảo cùng cơ quan thẩm tra đã có nghiên cứu sâu, tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến của các đại biểu đã nêu.

Về tên gọi luật, đại biểu cho rằng nên đổi tên dự án luật thành Luật Căn cước, tuy nhiên cần rà soát, phân tích, tích hợp các nội dung đã được nêu trong ưu điểm của phương án tên gọi Luật Căn cước công dân, đồng thời cần khắc phục những hạn chế của phương án đã chọn bằng chính những chế định, điểm, khoản, điều trong dự thảo luật. Đặc biệt là các hạn chế về thủ tục hành chính, lãng phí ngân sách, chi phí xã hội khi thay đổi các giấy tờ liên quan. 

Về giải thích từ ngữ, đại biểu cho biết, thực tế khái niệm “người gốc Việt” đã được bổ sung vào khoản 17 Điều 3. Theo đó, người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch là người đã từng có quốc tịch Việt Nam hoặc có ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, cha đẻ, mẹ đẻ là công dân Việt Nam hoặc đã từng có quốc tịch Việt Nam, nhưng chưa xác định được quốc tịch. Đại biểu cho rằng, quy định như vậy sẽ gây ngộ nhận, vì vậy, cần bổ sung, sửa đổi để thể hiện rõ ràng hơn nội dung về quan hệ thân tộc đối với khái niệm này.

9h33: Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy - Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh: Thống nhất đổi tên thành Luật Căn cước

Phát biểu ý kiến về dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Hoàng Thị Thanh Thúy - Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh cho biết, vấn đề về thay đổi tên gọi của dự án Luật là nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm cho ý kiến tại phiên họp. Về quan điểm của mình, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy bày tỏ tán thành với việc đổi tên dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi) thành dự án Luật Căn cước… 

Theo đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy, thẻ căn cước mang tính chất định danh và thẻ căn cước công dân chủ yếu xác định vấn đề quốc tịch, chủ yếu là về mặt hình thức, còn vấn đề quan trọng nhất là dữ liệu gốc- cơ sở dữ liệu quốc gia mà chúng ta lưu trữ. Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy cho biết, chúng ta đang hướng tới tiến đến một giai đoạn mà không cần phải thể hiện quá nhiều dữ liệu trên thẻ, mà quan trọng nhất là dữ liệu gốc. Do đó, việc đổi tên thành Luật Căn cước, theo đại biểu cũng không có ảnh hưởng gì. 

Bên cạnh đó, nữ đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn và đề nghị cần xem xét đối với nội dung liên quan đến cấp giấy chứng nhận căn cước, bởi theo đại biểu có một số trường hợp chúng ta có khả năng cấp thẻ căn cước thay vì giấy chứng nhận.

9h38: Đại biểu Đặng Bích Ngọc - Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình: Nghiên cứu đảm bảo tính hợp lý, thống nhất của trường thông tin ghi trên thẻ Căn cước công dân

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Đặng Bích Ngọc - Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình bày tỏ nhất trí với bố cục của dự thảo luật, theo đó các nội dung của dự thảo luật đã được rà soát, nghiên cứu tương đối kỹ lưỡng, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, cơ bản đảm bảo được các mục tiêu đề ra khi xây dựng luật. 

Về nội dung thông tin thể hiện trên thẻ Căn cước công dân, hiện nay dự thảo luật quy định một trong những thông tin được in trên thẻ căn cước là nơi cư trú, nhưng Luật Cư trú 2020 quy định nơi cư trú bao gồm nơi thường trú, nơi tạm trú và nơi ở hiện tại. Đại biểu cho rằng, quy định trong dự thảo luật hiện nay còn chung chung, chưa cụ thể, vì vậy, cần làm rõ thông tin nơi cư trú là nơi thường trú, nơi tạm trú hay nơi ở hiện tại của công dân. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, chỉnh sửa nội dung này thành nơi thường trú, do nơi thường trú là nơi công dân sinh sống ổn định, lâu dài và đã được đăng ký.

Ngoài ra, về nơi đăng ký khai sinh, nơi sinh, đại biểu cho rằng cần có quy định thống nhất về dữ liệu để có trường thông tin phù hợp, tránh việc mỗi người có một cách kê khai khác nhau.

9h42: Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng báo cáo làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận

Phát biểu làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng cảm ơn sự đóng góp trách nhiệm, tâm huyết, sâu sắc hoàn thiện dự thảo luật; ban soạn thảo đã tiếp thu, giải trình đầy đủ các ý kiến góp ý từ kỳ họp thứ 5. Đến nay, dự thảo cơ bản thỏa mãn các yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; quán triệt, thể chế hóa chủ trương của Đảng nhất là chủ trương chuyển đổi số, công dân số; bám sát các chính sách lớn, đánh giá đầy đủ đối tượng tác động; đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, đồng bộ hệ thống pháp luật.

Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng cho biết, dự thảo luật còn một số nội dung còn ý kiến khác nhau, trong đó về tên gọi của luật. Đa số ý kiến cho rằng tên gọi Luật Căn cước đảm bảo tính khoa học, tính phổ biến, phù hợp với thông lệ quốc tế, mang tính bao trùm, toàn diện, phù hợp với sự thay đổi phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của dự thảo luật. Ban soạn thảo tiếp tục tiếp thu, giải trình thấu đáo các vấn đề đại biểu nêu chưa đồng tình với tên gọi Luật Căn cước, đảm bảo các điều kiện trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 tới.

9h45: Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương kết luận nội dung thảo luận

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, các đại biểu đánh giá cao trách nhiệm, sự nỗ lực của cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo đã phối hợp chặt chẽ, thường xuyên, hiệu quả trong quá trình nghiên cứu để hoàn thiện dự thảo luật trình Hội nghị.

Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, các đại biểu cơ bản tán thành với báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý một số vấn đề lớn của dự thảo luật, dự thảo báo cáo giải trình tiếp thu đối với dự thảo luật trong hồ sơ kèm theo. Các đại biểu cũng cho nhiều ý kiến, bày tỏ quan điểm về nội dung, tên gọi của dự thảo luật. Dù lựa chọn phương án nào cũng cần thiết kế quy định việc cấp một loại giấy tờ phù hợp thực tiễn đối với người gốc Việt nhưng chưa xác định được quốc tịch Việt Nam. 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo để tiếp thu đầy đủ, có ý kiến chính thức bằng văn bản về vấn đề tên gọi Luật, báo cáo cấp có thẩm quyền cho ý kiến trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 6.

9h50: Nghỉ giải lao (15 phút)

10h07: Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên thảo luận về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Điều hành nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, thời gian còn lại của buổi sáng, Hội nghị sẽ cho ý kiến về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Tiếp theo chương trình, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

10h08: Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Trình bày Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị không mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; đồng thời đề nghị tiếp thu vào dự thảo Luật về các nội dung thể hiện rõ hơn vị trí, chức năng của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở để tránh chồng chéo, trùng lặp với vị trí, chức năng của Công an cấp xã và một số lực lượng hiện có ở cơ sở, làm rõ hơn tính chất, mức độ, phạm vi tham gia hỗ trợ cho lực lượng Công an...

Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở không hoạt động độc lập, nên việc quy định quyền hạn và trách nhiệm pháp lý của lực lượng này là không cần thiết và cũng không phù hợp với vị trí, chức năng của lực lượng này…

Đối với các ý kiến cho rằng quy định tiêu chuẩn tuyển chọn như dự thảo Luật là quá cao, đề nghị quy định cho phù hợp với thực tiễn, bảo đảm tính khả thi; đề nghị ưu tiên tuyển chọn các trường hợp là bộ đội, công an xuất ngũ, cựu chiến binh, đảng viên, đoàn thanh niên, đồng bào dân tộc, người trong các tôn giáo, người am hiểu về phong tục, tập quán, nắm vững địa bàn, người có uy tín, người chấp hành xong án phạt tù, người học xong chương trình tiểu học, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị tiếp thu vào Điều 13 dự thảo Luật đã tiếp thu, chỉnh lý. 

Ngoài ra, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, nhằm bảo đảm yêu cầu về sức khỏe, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã bổ sung vào dự thảo Luật đã tiếp thu chỉ quy định về trường hợp cho thôi tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở ở cơ sở trong trường hợp không còn bảo đảm về sức khỏe (tại điểm b khoản 3 Điều 17).

Bên cạnh đó, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã rà soát, chỉnh lý các quy định của dự thảo Luật về sắp xếp, kiện toàn, bố trí lực lượng phù hợp với tình hình, yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự, điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa phương, không làm tăng biên chế, không chồng chéo chức năng, nhiệm vụ với các lực lượng khác, bảo đảm tính khả thi; rà soát các nội dung của dự thảo Luật bảo đảm thống nhất với Luật Phòng cháy và chữa cháy về quy định chức danh của lực lượng dân phòng.

Về công tác bảo đảm cho hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, dự thảo Luật đã được quy định theo hướng kế thừa các quy định của pháp luật hiện hành đã được thực tiễn kiểm nghiệm để tiếp tục quy định trong dự thảo Luật. Đồng thời, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hộ vào dự thảo Luật theo hướng: Kinh phí bảo đảm hoạt động và trang bị cơ sở vật chất đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở ở cơ sở do ngân sách nhà nước bảo đảm và các nguồn tài chính huy động hợp pháp khác theo quy định của pháp luật... 

Đối với ý kiến đề nghị rà soát các quy định về bố trí nơi làm việc cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở ở cơ sở để bảo đảm tính khả thi; đề nghị quy định theo hướng mở để các địa phương thực hiện cho phù hợp với điều kiện thực tế; đề nghị giao Ủy ban nhân dân cấp xã bố trí địa điểm, nơi làm việc; cần quy định để đảm bảo thống nhất giữa các địa phương, vùng miền trong cả nước; cần bổ sung thêm phương án bố trí khác bảo đảm tính khả thi, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị tiếp thu và thể hiện rõ tại khoản 1 Điều 20 dự thảo Luật đã tiếp thu, chỉnh lý. 

Liên quan đến nội dung về bồi dưỡng, hỗ trợ đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị cho quy định theo hướng mở để chính quyền địa phương quyết định mức hỗ trợ thường xuyên hằng tháng, quyết định mức hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế đối với người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở ở cơ sở để phù hợp với điều kiện thực tế ở từng địa phương và bảo đảm tính khả thi của Luật.

10h22: Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương gợi ý một số nội dung trọng tâm tập trung thảo luận

Gợi ý nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở. Sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đảo Ủy ban Quốc phòng và An ninh tổng hợp nghiên cứu tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo luật. Tại hội nghị này, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã gửi hồ sơ tài liệu dự án Luật trong đó có báo cáo một số vấn đề lớn giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật. 

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị các đại biểu trên cơ sở hồ sơ tài liệu, bám sát thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung này để tiếp tục cho ý kiến vào một số nội dung. Cụ thể là về sự cần thiết ban hành luật. Thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã đề nghị là nghiên cứu tên của lực lượng và tên Luật phù hợp với quy định của Hiến pháp và các luật có liên quan. 

Đồng thời, đề nghị cho ý kiến bố cục dự thảo Luật, về vị trí chức năng của lực lượng lượng này đã bảo đảm yêu cầu như kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là phải quy định về vị trí, chức năng theo hướng đây là lực lượng tại chỗ, cơ sở do chính quyền thành lập trên cơ sở tự nguyện của người dân tham gia, được ngân sách nhà nước bảo đảm có hỗ trợ từ các nguồn lực khác hoạt động theo cơ chế Đảng, lãnh đạo, chính quyền quản lý điều hành, cơ quan Công an xã giúp chính quyền chỉ huy, chỉ đạo trực tiếp để làm nòng cốt trong hỗ trợ lực lượng công an và thực hiện nhiệm vụ an ninh trật tự cũng như xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Về nhiệm vụ của lực lượng này tại Chương 2 dự thảo Luật, hiện đã tiếp thu, chỉnh lý theo hướng quy định 5 nhóm nhiệm vụ. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị tiếp tục làm rõ quy định trong việc hỗ trợ Công an cấp xã thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình và làm nòng cốt thì quy hỗ trợ tham gia như thế nào. Quy định của dự thảo Luật đã bảo đảm cụ thể, phù hợp chưa. 

Về tiêu chuẩn tham gia lực lượng, đề nghị các đại biểu cho ý kiến về xây dựng lực lượng, bảo đảm điều kiện hoạt động. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành tính toán kỹ lưỡng tổ chức biên chế, khái toán ngân sách để bảo đảm cụ thể, khả thi, không làm tăng biên chế, kinh phí. Nhất là những địa phương mà chưa tự cân đối được ngân sách thì việc hỗ trợ như thế nào.

10h26: Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương: Cần thiết ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nhận thấy, về cơ bản, các ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 đã được tiếp thu, chỉnh lý khá đầy đủ.

Đại biểu khẳng định, việc ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là cần thiết. Trong bối cảnh hiện nay, trước những ảnh hưởng do hệ quả của phát triển kinh tế - xã hội, yêu cầu về công tác đảm bảo an ninh trật tự ngày càng tăng lên, đặc biệt là ở cấp cơ sở. Địa bàn cơ sở có an ninh trật tự tốt thì mới có thể tạo nên một địa phương phát triển ổn định, an toàn...

Mặt khác, hiện nay lực lượng đảm bảo an ninh trật tự chính ở cơ sở là công an chính quy cấp xã. Tuy nhiên, khối lượng công việc đang được giao và sắp tới sẽ được giao đối với công an cấp xã là khá lớn. So với trước đây, nhiều nhiệm vụ mới đã được bổ sung như tiếp nhận, kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm, xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư, cơ sở dữ liệu về căn cước, thực hiện các thủ tục đăng ký cấp biển số xe mô tô, xe gắn máy, thực hiện một số nhiệm vụ liên quan đến công tác phòng cháy, chữa cháy.

Do đó, nếu có thể xây dựng được một lực lượng được bồi dưỡng, huấn luyện bài bản nhằm hỗ trợ công an cấp xã thực hiện một số nhiệm vụ được giao sẽ góp phần san sẻ áp lực với lực lượng này, nâng cao chất lượng công tác quán xuyến địa bàn, sâu sát nắm tình hình và đảm bảo an ninh trật tự cơ sở của công an cấp xã.

Tuy nhiên, theo quy định của dự thảo Luật và theo Báo cáo giải trình, tiếp thu, sau khi luật ban hành, các lực lượng bảo vệ dân phố, công an xã bán chuyên trách đang sử dụng hiện nay sẽ được kiện toàn, thống nhất thành một lực lượng chung, riêng lực lượng dân phòng vẫn hoạt động theo quy định của Luật Phòng cháy và chữa cháy.

Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 5 Điều 3 Luật Phòng cháy và chữa cháy và khoản 2 Điều 2 dự thảo Luật, chức năng, nhiệm vụ của lực lượng dân phòng và lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở có sự trùng lắp, đều có nhiệm vụ đảm bảo an ninh, trật tự tại thôn, tổ dân phố, khu dân cư.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, xem xét thống nhất ba lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, công an xã bán chuyên trách thành một lực lượng chung để tập trung nhân lực, tránh dàn trải, gây lãng phí, cồng kềnh, chồng chéo. Đồng thời điều này cũng thuận lợi hơn trong công tác chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ, kỹ năng.

10h31: Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp: Băn khoăn về chế độ bồi dưỡng cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở

Phát biểu tại Hội nghị, đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp bày tỏ băn khoăn về chế độ chi bồi dưỡng cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở. Đại biểu cho rằng, chế độ bồi dưỡng cho lực lượng này rất cao. 

Đại biểu cho rằng, mặc dù dự thảo Luật không nêu cụ thể quy định mức bồi dưỡng là bao nhiêu nhưng cần thống nhất chi theo một mức lương ở cơ sở. Ngoài ra, còn cần chi hỗ trợ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội. Do vậy, đây sẽ là con số chi khá lớn. Bên cạnh đó, người tham gia lực lượng bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở còn được bồi dưỡng khi được cử đi tập huấn, huấn luyện hoặc được khen thưởng của các có thẩm quyền.

Đại biểu Phạm Văn Hòa nhận thấy, lực lượng này ngoài việc được bồi dưỡng “phần cứng” thì “phần mềm” cũng được bồi dưỡng rất nhiều. Do đó, đại biểu đề nghị cần cân nhắc thận trọng các nội dung này, để tránh khi Luật ban hành thì sẽ khó áp dụng ở địa phương.

Đại biểu Phạm Văn Hòa đặt ra một vấn đề: Lực lượng dân quân tự vệ ở địa phương giống với chế độ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở nhưng lại không có chế độ bồi dưỡng hàng tháng. Đồng thời bày tỏ băn khoăn lực lượng dân quân tự vệ cũng hoạt động giống với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở, phối hợp với lực lượng công an trực và làm nhiệm vụ như thế nào? Cho rằng như vậy có sự bất cập, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị nên cân nhắc lại nội dung này, cần quy định chế độ bồi dưỡng sao cho không có sự so bì ở địa phương. Đồng thời đề nghị cân nhắc chế độ cho 6 nhiệm vụ hỗ trợ cho lực lượng công an xã, quy định nhiệm vụ rõ ràng, cụ thể để không gây khó cho địa phương khi thực hiện.

Bên cạnh đó, đại biểu Phạm Văn Hòa cũng góp ý về quy định tiêu chuẩn của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở, đề nghị cần quy định cụ thể khung tối thiểu của độ tuổi tham gia.

10h38: Đại biểu Hoàng Quốc Khánh - Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu: Cần quy định rõ về nhiệm vụ của Tổ trưởng Tổ bảo vệ an ninh, trật tự

Đánh giá cao cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo đã tiếp thu nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội để trình Hội nghị dự thảo luật tương đối đầy đủ, đại biểu Hoàng Quốc Khánh - Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu phát biểu một số ý kiến về nội dung quy định liên quan đến chức danh, công nhận chức danh, nhiệm vụ của chức danh, thành lập Tổ bảo vệ an ninh, trật tự. 

Theo đó, Điều 16 trong dự thảo luật đã có quy định về chức danh, công nhận chức danh, nhiệm vụ của chức danh, thành lập Tổ bảo vệ an ninh, trật tự. Trong đó, khoản 3 về nhiệm vụ của các chức danh của Tổ bảo vệ an ninh, trật tự có quy định: Tổ trưởng Tổ bảo vệ an ninh, trật tự thực hiện nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; quản lý, điều hành hoạt động của Tổ bảo vệ an ninh, trật tự; báo cáo tình hình kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao và chịu trách nhiệm trước Công an cấp xã về hoạt động của Tổ bảo vệ an ninh, trật tự. 

Đại biểu cho rằng cần lưu ý không thành lập thêm các tổ chức ở cơ sở, nhưng nếu đã quy định Tổ trưởng Tổ bảo vệ an ninh, trật tự; báo cáo tình hình kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao và chịu trách nhiệm trước Công an cấp xã, thì phải có quy định để giao nhiệm vụ, phân rõ phạm vi quyền hạn, cách thức Tổ trưởng tiến hành triển khai công việc, để đảm bảo quyền điều hành, thực hiện nhiệm vụ của người Tổ trưởng.

Ngoài ra, về bổ sung, kiện toàn chức danh của Tổ bảo vệ an ninh, trật tự, dự thảo luật quy định, Công an cấp xã có văn bản giới thiệu Tổ trưởng, Tổ phó trong số Tổ viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự, báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ra quyết định công nhận chức danh Tổ trưởng, Tổ phố Tổ bảo vệ an ninh, trật tự và niêm yết công khai tại trụ sở Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp xã, tại nhà văn hóa và các điểm sinh hoạt cộng đồng ở thôn, tổ dân phố.

Đại biểu cho rằng cần quy định như vậy còn bất cấp, chưa đảm bảo hiệu quả trong thực tế, cần có quy định giao cấp huyện rà soát, bổ sung lực lượng khi cần thiết, đảm bảo quá trình kiện toàn chức danh của Tổ bảo vệ an ninh, trật tự diễn ra hợp lý, đáp ứng yêu cầu của thực tế.

10h45: Đại biểu Trần Văn Lâm - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang: Cần làm rõ nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở

Góp ý dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, đại biểu Trần Văn Lâm cho biết, Dự án Luật này đã được các cơ quan tiếp thu, giải trình ý kiến của các ĐBQH tại kỳ họp thứ 5 và các hội nghị liên quan. Đại biểu Trần Văn Lâm cũng bày tỏ đồng tình với ý kiến của các đại biểu phát biểu trước, nhất là về chế độ phải phù hợp khả năng của ngân sách và vừa phải động viên các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. 

Góp ý kiến cụ thể về nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, tại Điều 10 dự thảo Luật nêu rõ: hỗ trợ cùng công an cấp xã để nắm thông tin, kiểm tra nhân khẩu… đại biểu Trần Văn Lâm cho rằng nếu quy định như thế này sẽ dễ bị lạm dụng, không rõ trách nhiệm nếu sai phạm xay ra. Do đó, đại biểu đề nghị cần làm rõ nhiệm vụ của lực lượng này khi tham gia hỗ trợ công an cấp xa thực hiện nhiệm vụ.

Về vấn đề xây dựng lực lượng, đại biểu đề nghị cần làm rõ hơn cơ chế phối hợp, điều hành, quản lý, sử dụng lực lượng này ở cơ sở để đảm bảo phù hợp. Trong đó làm rõ vai trò của chính quyền địa phương trong việc quản lý, sử dụng lực lượng này. Đồng thời làm rõ vai trò của chính quyền, ý kiến nhân dân trong việc cho thôi tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

10h50: Đại biểu Nguyễn Tạo - Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng: Rà soát đảm bảo thống nhất với Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Tán thành cao với dự thảo luật đã được tiếp thu, hoàn thiện sau kỳ họp thứ 5, đại biểu Nguyễn Tạo đề nghị cân nhắc địa vị pháp lý phù hợp, đảm bảo thống nhất với Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Đại biểu Nguyễn Tạo đề nghị ban soạn thảo làm rõ mục tiêu xây dựng luật tạo cơ sở pháp lý sắp xếp, kiện toàn lại 3 lực lượng sẵn có, trong đó có lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, công an xã bán chuyên trách thành một tổ chức có chức năng, nhiệm vụ nòng cốt hỗ trợ công an chính quy trong thực hiện nhiệm vụ ở cơ sở. 

Tuy nhiên, đại biểu băn khoăn bởi đây là lực lượng quần chúng, tự nguyện tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, không thuộc bộ máy nhà nước, chỉ tham gia hỗ trợ của lực lượng công an cấp xã. Trong khi đó, lực lượng công an chính quy cấp xã được bố trí rất mỏng, có nhiều địa bàn rộng, từ xã xuống thôn mấy chục kilomet vì vậy cần cân nhắc lực lượng này do cơ quan nào thành lập, cần giao quyền chủ động cho cơ sở theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương. 

Đại biểu Nguyễn Tạo cũng cho rằng, bên cạnh quy định độ tuổi tối thiểu tham gia lực lượng bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở, cũng cần quy định độ tuổi tối đa để lực lượng này hoạt động hiệu quả nhất. 

Bên cạnh đó, cần quy định về chức năng, nhiệm vụ của lực lượng này phù hợp với chức năng nhiệm vụ của các lực lượng khác ở cơ sở như lực lượng dân phòng, lực lượng phòng cháy, chữa cháy. Đồng thời, có chế độ, phụ cấp phù hợp, tiến tới thực hiện bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, phương tiện hỗ trợ; giao cụ thể tỷ lệ kinh phí của địa phương và trong ương trong luật…

10h57: Đại biểu Phạm Đình Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum: Cần điều chỉnh trong giải thích khái niệm “Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở”

Tham gia phát biểu tại phiên họp, đại biểu Phạm Đình Thanh thống nhất với sự cần thiết của việc sửa đổi và ban hành luật lần này. Cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra đã tiếp thu tương đối đầy đủ các ý kiến tham gia của các đại biểu Quốc hội đã nêu. 

Đại biểu Phạm Đình Thanh cho biết, theo quy định tại Điều 2 về giải thích từ ngữ, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là lực lượng do chính quyền thành lập trên cơ sở tự nguyện của người dân để hỗ trợ Công an cấp xã thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Đại biểu cho rằng, nội dung giải thích từ ngữ này chưa đầy đủ, chưa thống nhất với vị trí, chức năng của lực lượng này theo quy định tại Điều 3, nội dung quy định về quan hệ công tác, phối hợp, hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở tại Điều 5. Theo đại biểu, cơ quan chủ trì cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung đầy đủ, đảm bảo quy định về lực lượng này được thống nhất. 

Về hành vi bị nghiêm cấm, dự thảo luật nghiêm cấm người tham gia lực lượng này lạm dụng, lợi dụng việc thực hiện tham gia bảo đảm an ninh để nhũng nhiễu, xâm phạm lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Đại biểu đề nghị cần bổ sung quy định nghiêm cấm các thành viên lực lượng có hành vi tiếp tay, bảo kê cho các hoạt động tội phạm, tệ nạn xã hội và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

11h01: Đại biểu Bế Minh Đức - Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng: Rà soát tránh mẫu thuẫn giữa các quy định

Phát biểu ý kiến về dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở tại phiên họp, đại biểu Quốc hội Bế Minh Đức - Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng bày tỏ cơ bản nhất trí với các nội dung của dự án Luật này…

Về bố trí lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, đại biểu Bế Minh Đức bày tỏ thống nhất với chủ chương của nội dung này trong dự thảo Luật. Tuy nhiên, tại Điều 14 của dự thảo Luật đang quy định lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được bố trí thành Tổ bảo vệ an ninh, trật tự. Địa bàn phụ trách của Tổ bảo vệ an ninh, trật tự có thể là một hoặc một số thôn, tổ dân phố thuộc cấp xã hoặc tại huyện nơi không tổ chức đơn vị hành chính cấp xã. Bên cạnh đó, căn cứ tình hình, yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự, điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trình Hội đồng nhân dân cùng cấp xem xét, quyết định số lượng Tổ bảo vệ an ninh, trật tự cần thành lập, số lượng từng chức danh của Tổ bảo vệ an ninh, trật tự tại thôn, tổ dân phố thuộc phạm vi quản lý đối với từng đơn vị hành chính cấp xã hoặc huyện nơi không tổ chức đơn vị hành chính cấp xã. 

Trong khi đó, tại Điều 33 của dự thảo Luật này quy định chậm nhất đến ngày 01/07/2025, các địa phương phải thống nhất về tổ chức lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở theo quy định của Luật này trên cơ sở kiện toàn thống nhất lực lượng bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng, các chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng.

Đại biểu Bế Minh Đức đề nghị cần rà soát lại nội dung này tại Điều 14 và Điểu 33 để đảm bảo thống nhất, tránh mâu thuẫn giữa các quy định của dự thảo Luật.

11h05: Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng báo cáo làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận

Đại diện cho cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra phát biểu tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng ghi nhận các ý kiến góp ý sâu sắc, toàn diện của các đại biểu tại hội nghị. Đồng thời chia sẻ, quá trình soạn thảo dự án luật này có những đặc thù, đã kéo dài trải qua 2 nhiệm kỳ Quốc hội. Đến nay các cơ quan  2 cơ quan có đủ thời gian để nghiên cứu, tiếp thu và ngày càng hoàn thiện dự thảo luật.

Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng nêu rõ dự thảo Luật trình tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần này đã có tiếp thu và giải trình đầy đủ, thấu đáo, kịp thời các ý kiến của đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 25 vừa qua, ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội.

Theo đó, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo quan điểm xuyên suốt, thống nhất là lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự cơ sở là lực lượng do chính quyền thành lập trên cơ sở tự nguyện của người dân để hỗ trợ lực lượng Công an cấp xã thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự cơ sở và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Lực lượng này được đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của cấp ủy đảng cơ sở, sự điều hành của chính quyền cấp xã, sự tham mưu và quản lý của Công an xã. Lực lượng này được đảm bảo kinh phí và trang bị cơ sở vật chất do ngân sách nhà nước đảm bảo và các nguồn tài chính được huy động hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Về các nội dung còn băn khoăn, các ý kiến đề nghị cân nhắc hoặc bổ sung hoặc đề xuất mới tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần này, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng cho biết các cơ quan sẽ nghiêm túc tiếp thu và sẽ có báo cáo Chính phủ để có sự giải trình, tiếp thu và điều chỉnh hợp lý trong dự thảo Luật để đảm bảo điều kiện trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV thông qua

11h09: Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương kết luận nội dung thảo luận

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, các đại biểu đánh giá cao trách nhiệm, sự nỗ lực của cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo, phối hợp chặt chẽ, thường xuyên, hiệu quả trong quá trình nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo luật, xin ý kiến các cấp, các ngành để trình Hội nghị.

Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, các đại biểu Quốc hội chuyên trách cơ bản tán thành báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Quốc phòng, An ninh và các dự thảo, tài liệu đã gửi. Các đại biểu yêu cầu tiếp tục làm rõ địa vị pháp lý của lực lượng này, theo hướng do chính quyền địa phương thành lập, được ngân sách nhà nước bảo đảm… Cần tiếp tục rà soát vị trí, chức năng, nhiệm vụ, nghiên cứu bổ sung các quy định về quyền hạn, trách nhiệm của lực lượng này cho rõ hơn, nhất là chức danh Tổ trưởng, Tổ phó, nhiệm vụ hỗ trợ, tham gia, giới hạn, phạm vi trách nhiệm.

Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, sau phiên họp này, Tổng Thư ký Quốc hội sẽ có báo cáo tổng hợp đầy đủ ý kiến của các đại biểu để gửi các cơ quan chuyên môn nghiên cứu tiếp thu trên cơ sở sự tham gia của các đoàn ĐBQH, các cơ quan chức năng. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Quốc phòng, An ninh đôn đốc cơ quan soạn thảo bổ sung những vấn đề đã nêu, đưa ra rõ quan điểm về những vấn đề còn ý kiến khác nhau, báo cáo cấp có thẩm quyền trước khi trình Quốc hội thảo luận, thông qua tại Kỳ họp thứ 6.

11h14: Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau về dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.

Trình bày báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý một số nội dung lớn của dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, tại phiên họp thứ 25, tháng 8/2023, UBTVQH đã xem xét, cho ý kiến về dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng (CTQP) và khu quân sự (KQS) sau khi tiếp thu, chỉnh lý theo ý kiến ĐBQH tại Kỳ họp thứ 5. Ngay sau Phiên họp, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) đã phối hợp với cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh sửa dự thảo Luật theo ý kiến UBTVQH và đã có Báo cáo số 1306/BC-UBQPAN15 trình tại Hội nghị Quốc hội hoạt động chuyên trách. 

Về giải thích từ ngữ, trên cơ sở ý kiến ĐBQH, để bảo đảm cụ thể, rõ ràng, tránh chồng chéo ngay trong giải thích, bảo đảm thống nhất với khái niệm “Khu quân sự” và các nội dung của dự thảo Luật, Thường trực UBQPAN đã chỉnh lý lại khái niệm CTQP; đồng thời, bổ sung nội dung “CTQP có thể nằm trong hoặc ngoài KQS” cho rõ nghĩa như khoản 1 Điều 2 dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý.

Về khái niệm “Khu quân sự”, tiếp thu ý kiến ĐBQH, Thường trực UBQPAN đã chỉnh lý lại khái niệm này, đồng thời rà soát, chỉnh lý lại quy định tại Điều 16 (dự thảo Chính phủ trình) cho thống nhất, chặt chẽ, khả thi như Điều 17 dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý.

Đối với quy định về phân loại, phân nhóm công trình quốc phòng và khu quân sự, tiếp thu ý kiến ĐBQH, Thường trực UBQPAN đã phối hợp với cơ quan soạn thảo dự án Luật rà soát kỹ lưỡng cách phân loại, phân nhóm CTQP và KQS để quy định cụ thể, rõ ràng, khoa học, dễ hiểu, dễ thực hiện. Theo đó, đề nghị cho tách Điều 5 thành 02 điều: Điều 5 quy định CTQP và KQS được phân loại theo chức năng nhiệm vụ, mục đích sử dụng; Điều 6 quy định CTQP và KQS được phân nhóm theo tính chất quan trọng, yêu cầu quản lý, bảo vệ.

Về công trình lưỡng dụng, có ý kiến cho rằng, quy định như dự thảo Luật thiếu cụ thể, rõ ràng, khó thực hiện và chưa thống nhất với quy định về “công trình lưỡng dụng” tại Nghị định 164/2018/NĐ-CP, ngày 21/12/2018 của Chính phủ; đề nghị xác định công trình lưỡng dụng ngay từ khi có chủ trương đầu tư; quy định cụ thể về thẩm quyền chuyển công trình lưỡng dụng sang mục đích quân sự, dân sự hoặc đồng thời cho cả mục đích quân sự, dân sự; quy định về chính sách và việc quản lý, bảo vệ công trình lưỡng dụng bảo đảm phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, phát triển kinh tế - xã hội và phải được Bộ Quốc phòng đăng ký quản lý hồ sơ. Tiếp thu ý kiến ĐBQH, để thống nhất với Luật Quốc phòng, Thường trực UBQPAN đã thu hút quy định tại khoản 17 Điều 2 và khoản 5 Điều 3 để xây dựng Điều 7 (Công trình lưỡng dụng) như dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý.

Một số ý kiến đề nghị làm rõ và rà soát quy định tại khoản 3 về thẩm quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trong việc chuyển mục đích sử dụng CTQP và KQS bảo đảm đồng bộ, thống nhất với Luật Đất đai, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, theo quy định của pháp luật về quy hoạch, pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và Luật Đất đai năm 2013 cũng như Luật Đất đai đang sửa đổi, bổ sung trình Quốc hội, để UBND cấp tỉnh quyết định việc chuyển mục đích sử dụng đối với đất quốc phòng (KQS) sang mục đích khác thì khu đất quốc phòng đó phải thuộc danh mục đất quốc phòng chuyển mục đích sử dụng, bàn giao cho địa phương quản lý để phát triển kinh tế - xã hội trong quy hoạch sử dụng đất quốc phòng và phương án sắp xếp nhà đất đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Vì vậy, quy định về thẩm quyền quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng CTQP và KQS sang mục đích khác tại dự thảo Luật là phù hợp, để tạo điều kiện thuận lợi cho các bộ, ngành, địa phương triển khai các dự án phát triển kinh tế - xã hội có liên quan đến việc thu hồi đất quốc phòng đối với các trường hợp khu đất quốc phòng cần thu hồi chưa thuộc danh mục chuyển mục đích sử dụng trong Quy hoạch sử dụng đất quốc phòng và phương án sắp xếp lại, xử lý tài sản công đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhằm khắc phục một số bất cập hiện nay trong chuyển mục đích sử dụng và thu hồi đất quốc phòng, đáp ứng với yêu cầu của thực tiễn.

Hiện nay, Luật Đất đai đang được sửa đổi, bổ sung trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023); Thường trực UBQPAN đề nghị UBTVQH chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra dự án Luật đất đai (sửa đổi) phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu sửa đổi nội dung về chuyển mục đích sử dụng đất, trong đó có việc chuyển mục đích sử dụng đất quốc phòng sang mục đích khác để thống nhất với dự thảo Luật này, với hệ thống pháp luật hiện hành và các dự thảo Luật đang trình Quốc hội về thẩm quyền quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng CTQP và KQS sang mục đích khác (bao gồm cả chuyển mục đích sử dụng đất quốc phòng).

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cũng giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội liên quan đến quy định về xác định phạm vi bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; chế độ bảo vệ đối với khu vực cấm, khu vực bảo vệ, vành đai an toàn công trình quốc phòng và khu quân sự; vành đai an toàn kho đạn dược, hành lang an toàn kỹ thuật hệ thống ăng-ten quân sự; xử lý công trình, vật kiến trúc; quản lý, sử dụng đất, mặt nước trong phạm vi bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự

11h29: Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu

Phát biểu kết thúc phiên làm việc sáng nay, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau về dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.

Tiếp tục Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách, chiều cùng ngày, các đại biểu sẽ thảo luận về dự án Luật này. Cơ quan trình, cơ quan chủ trì thẩm tra báo cáo, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội