SỬA ĐỔI LUẬT NHÀ Ở: ĐẢM BẢO CHỖ Ở CHO MỌI CÔNG DÂN THEO QUY ĐỊNH CỦA HIẾN PHÁP

25/08/2023

Chiều 25/8, tại Nhà Quốc hội, thực hiện chương trình Phiên họp thứ 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp.

ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN VỀ VIỆC GIẢI TRÌNH, TIẾP THU, CHỈNH LÝ DỰ ÁN LUẬT NHÀ Ở (SỬA ĐỔI)

Sử dụng hiệu quả các công cụ kinh tế để thúc đẩy phát triển nhà ở

Báo cáo về một số vấn đề lớn về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật có 196 điều. Đây là dự án Luật lớn, có nhiều nội dung phức tạp, tác động trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp, chính sách an sinh xã hội và kinh tế vĩ mô của quốc gia, liên quan đến nhiều luật, dự thảo Luật đang trình Quốc hội xem xét.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, Thường trực Ủy ban Pháp luật và Cơ quan soạn thảo, các cơ quan hữu quan xác định một số nguyên tắc làm cơ sở cho việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật là cần bảo đảm thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển, quản lý, sử dụng nhà ở; khắc phục những vướng mắc, bất cập của thực tiễn, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện tốt hơn chính sách an sinh xã hội về nhà ở đối với người dân, nhất là nhà ở cho công nhân, người lao động.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nêu rõ, dự thảo luật chỉ quy định những nội dung thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Nhà ở, những nội dung thuộc phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật khác đang được sửa đổi cùng với dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) thì chuyển sang dự thảo Luật đó điều chỉnh; trường hợp cần sửa luật có liên quan thì sửa đổi đồng bộ để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Quy định cụ thể trong Luật những nội dung đã chín, đã rõ, đã được thực tiễn kiểm nghiệm và có sự thống nhất cao; những nội dung chưa đủ chín hoặc có thay đổi theo sự vận động của đời sống kinh tế - xã hội thì giao Chính phủ quy định chi tiết để bảo đảm linh hoạt trong quản lý, điều hành của Chính phủ cũng như sự ổn định của Luật.

Cùng với đó, dự thảo luật tăng cường phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương gắn với cơ chế tự chịu trách nhiệm; chuyển trọng tâm từ quản lý bằng các công cụ hành chính sang sử dụng hiệu quả các công cụ kinh tế để thúc đẩy phát triển nhà ở; thiết lập công cụ để kiểm soát quyền lực của cơ quan và người có thẩm quyền trong quản lý và phát triển nhà ở; phòng, chống sơ hở, tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng và phát triển nhà ở. Thúc đẩy cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục đầu tư để tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư kinh doanh, giảm bớt chi phí tuân thủ pháp luật cho người dân, doanh nghiệp, thu hút đầu tư phát triển nhà ở và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Toàn cảnh phiên họp

Về chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh, Ủy ban Pháp luật đề nghị chỉnh lý quy định của dự thảo Luật do Chính phủ trình tại kỳ họp thứ 5 theo hướng: Không quy định về việc lấy ý kiến Bộ Xây dựng về chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở để tăng cường phân quyền cho địa phương; Loại bỏ những nội dung trong chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở có sự trùng lặp với quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị để giảm chi phí tuân thủ của người dân, doanh nghiệp, không can thiệp vào quan hệ thị trường bằng công cụ quản lý hành chính.

Cụ thể, dự thảo luật chỉnh lý nội dung tại điểm c khoản 1 Điều 27 của dự thảo Luật theo hướng thay nội dung: “Dự kiến tổng nhu cầu diện tích đất để phát triển nhà ở trên địa bàn, trong đó xác định rõ diện tích đất để phát triển các loại hình nhà ở theo dự án” bằng nội dung “Dự kiến diện tích đất để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư, nhà ở công vụ, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư”, vì các dự án này do nguồn lực nhà nước đầu tư hoặc cần có sự quản lý chặt chẽ hơn của Nhà nước để đáp ứng yêu cầu an sinh xã hội, đối với các dự án nhà ở thương mại sẽ do thị trường điều chỉnh; bỏ điểm c và điểm d khoản 2 Điều 29 của dự thảo Luật do Chính phủ trình tại kỳ họp thứ 5 về danh mục các dự án đầu tư xây dựng nhà ở và dự kiến nhu cầu diện tích đất trong kỳ kế hoạch để phát triển nhà ở trên địa bàn để tránh trùng lặp với nội dung các quy hoạch có liên quan.

Đảm bảo chỗ ở cho mọi công dân theo quy định của Hiến pháp

Tại phiên họp, các đại biểu đánh giá cao cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra đã có nhiều cố gắng trong tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, qua đó, dự thảo luật đã có nhiều nội dung hoàn chỉnh, hợp lý hơn. Các đại biểu cũng cho rằng, đây là dự án luật lớn, có nhiều nội dung phức tạp, tác động trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là chính sách an sinh xã hội, vì vậy cần đảm bảo luật đồng bộ, thống nhất với các luật có liên quan, đặc biệt là các luật đang tiến hành sửa đổi như Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản.

Tham gia phát biểu ý kiến tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, cần làm rõ những nội dung nào quy định tại Luật Nhà ở, nội dung nào quy định tại Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản. Việc sửa đổi song song các luật liên quan là cơ hội để phân định rõ ràng, nhất quán phạm vi điều chỉnh của các luật. Nếu không giải quyết thấu đáo về phạm vi điều chỉnh, sẽ dẫn tới chồng chéo, mâu thuẫn, bất cập trong triển khai thực hiện khi luật có hiệu lực ban hành. Chính phủ cần rà soát kỹ lưỡng để phân định rõ phạm vi điều chỉnh của các luật này.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị dự thảo luật cần quy định rõ điều kiện hình thành, mua bán, trao đổi nhà ở thương mại để phát huy thế mạnh, gia tăng khả năng tiếp cận, mua bán của các đối tượng đối với loại hình này. Đối với nhà ở xã hội, đây là loại hình Nhà nước cần có chính sách ưu tiên nhất định về quy hoạch, xây dựng, các loại thuế phí. Với nhà ở giá rẻ, cần có ưu tiên một phần của Nhà nước, có cách tiếp cận phù hợp để đảm bảo quyền lợi của đối tượng sở hữu.

Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, về chính sách phát triển, quản lý sử dụng nhà ở, chủ trương của Đảng và Nhà nước, cũng như quy định của Hiến pháp đều hướng đến đảm bảo nơi ở, chỗ ở cho mỗi công dân. Lý tưởng nhất là mỗi hộ gia đình đều sở hữu căn nhà, căn hộ, hoặc ít nhất cũng cần đảm bảo các hộ gia đình có nhà ở, nơi ở.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, tại Điều 4 về Chính sách phát triển, quản lý, sử dụng nhà ở, cần đưa quan điểm, chính sách của Đảng trong Chiến lược phát triển nhà ở vào nội hàm quy định. Đây cũng là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm và góp ý. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cơ quan soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra cần nghiên cứu kỹ lưỡng, căn cứ vào các văn kiện, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước để có quy định rõ ràng, phù hợp với tinh thần của Hiến pháp.

Liên quan đến nghĩa vụ của các chủ đầu tư ở các dự án nhà ở xã hội, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, quy định tại khoản 6 Điều 4 cần sửa đổi, bổ sung thành “Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh) có trách nhiệm quy hoạch, bố trí diện tích đất để xây dựng nhà ở xã hội theo quy định của luật này và pháp luật có liên quan” để đảm bảo đầy đủ, rõ ràng, chặt chẽ.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho ý kiến tại phiên họp

Đối với quy định tại Điều 39 về nghĩa vụ của chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục cân nhắc kỹ lưỡng về nội dung quy định liên quan đến việc dành 20% quỹ đất để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trong các dự án xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị. Theo Chủ tịch Quốc hội, việc xây dựng pháp luật được thực hiện trên cơ sở kế thừa, phát triển những quy định đã có, đã thực hiện ổn định trong pháp luật, được thực tiễn chứng minh, nhưng đồng thời cũng có những điều chỉnh linh hoạt hơn, như phương án Ủy ban Pháp luật đã đề xuất.

Về đất để xây dựng nhà ở xã hội, tán thành ý kiến của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng không nên quy định tại luật này, mà sẽ quy định tại Luật Đất đai (sửa đổi). Cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra cần nghiên cứu kỹ lưỡng, nếu chưa thể đi đến thống nhất thì cần trình bày rõ ràng hai phương án, với lập luận khách quan, nêu rõ ưu điểm, hạn chế, đánh giá kỹ tác động để xin ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, qua đó trình Quốc hội tiếp tục xem xét, quyết định. Về hình thức phát triển nhà ở xã hội, Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần chỉnh lý lại quy định cho phù hợp với pháp luật có liên quan, đặc biệt là Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư.

Tham gia ý kiến về chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Lê Thị Nga bày tỏ nhất trí với quy định về việc lấy ý kiến của Bộ Xây dựng về chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh để tăng cường phân quyền cho địa phương, loại bỏ các nội dung trong chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở có sự trùng lặp với quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị để giảm chi phí tuân thủ của người dân, doanh nghiệp, không can thiệp vào quan hệ thị trường bằng công cụ quản lý hành chính.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nghiên cứu tài liệu tại phiên họp

Về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị dự thảo luật cần dự liệu phương án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư khả thi hơn trong giai đoạn nhiều năm tới khi các nhà chung cư hiện đại, mới xây dựng trong thời gian gần đây đã khai thác tối đa hệ số cao tầng, sau này khi cải tạo, xây dựng lại thì không thể nâng chiều cao thêm nữa, dự án sẽ không đủ hấp dẫn nhà đầu tư khi phải thực hiện cơ chế bồi thường với hệ số như hiện nay, vì việc sử dụng hệ số này chỉ phù hợp với việc cải tạo, xây dựng lại các nhà chung cư cũ, nhỏ lẻ. Trong giai đoạn tiếp theo, các chung cư cũ ở nội đô đã xây tối đa chiều cao được phép xây dựng, không thể gia tăng mật độ dân cư, do đó, các nhà đầu tư không có động lực để thực hiện dự án, Nhà nước cũng không đủ nguồn lực để đầu tư, xây dựng lại.

Vì vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho rằng, đối với các chung cư cũ, xây dựng trước năm 1994, cần tiếp tục kế thừa quy định pháp luật về nhà ở hiện hành, với các chung cư xây dựng sau năm 1994, các chủ sở hữu nhà chung cư có trách nhiệm đóng góp kinh phí xây dựng lại nhà chung cư, nộp kinh phí này theo tiến độ thực hiện dự án hoặc sau khi bàn giao căn hộ theo phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư đã được phê duyệt, nếu không đóng góp kinh phí xây dựng lại nhà chung cư thì được bồi thường quyền sử dụng đất, giá trị còn lại (nếu có) theo quy định của Chính phủ.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho rằng, về quy định liên quan đến nhà ở xã hội, Điều 74 về đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội có cách phân chia chưa hợp lý, cần nghiên cứu để thiết kế lại để đảm bảo tính rõ ràng, bao quát cũng như không trùng lắp, chồng lấn.

Về các nguyên tắc thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội, dự thảo luật có quy định tại điểm b, khoản 1 Điều 77 rằng cần có sự kết hợp giữa Nhà nước, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, dòng họ và đối tượng được hỗ trợ trong việc thực hiện chính sách. Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội đề nghị làm rõ nội dung, phương thức kết hợp, đánh giá kỹ tính khả thi khi thực hiện trong thực tế.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận

Kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự chủ động, tích cực của Ủy ban Pháp luật, cơ quan soạn thảo, cơ quan hữu quan trong việc nghiên cứu, tiếp thu, giải trình các ý kiến của các đại biểu Quốc hội, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo luật.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Ủy ban Pháp luật phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo, cơ quan hữu quan, rà soát, tổng hợp, tiếp thu hoặc giải trình đầy đủ ý kiến của các đại biểu Quốc hội, của Chủ tịch Quốc hội, ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến của Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách sắp tới để hoàn thiện hồ sơ dự án luật, lấy ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan hữu quan để trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 6.

Một số hình ảnh tại phiên họp:

Quang cảnh phiên họp

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, cần làm rõ những nội dung nào quy định tại Luật Nhà ở, nội dung nào quy định tại Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho rằng, Điều 74 về đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội có cách phân chia chưa hợp lý, cần nghiên cứu để thiết kế lại để đảm bảo tính rõ ràng, bao quát cũng như không trùng lắp, chồng lấn

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, cần đánh giá thêm tác động đối với các quy định liên quan đến đầu tư nhà ở, đảm bảo thống nhất với quy định của Luật Đầu tư

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh phát biểu ý kiến về việc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư các dự án nhà ở cho công nhân

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề các đại biểu quan tâm

Kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Ủy ban Pháp luật rà soát, tổng hợp, tiếp thu hoặc giải trình đầy đủ ý kiến của các đại biểu Quốc hội, của Chủ tịch Quốc hội, ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội,để hoàn thiện hồ sơ dự án luật, lấy ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan hữu quan để trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 6./.

Hồ Hương - Phạm Thắng