ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI CÓ VỊ TRÍ, VAI TRÒ TRUNG TÂM, NÒNG CỐT TRONG TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA QUỐC HỘI

24/08/2023

Theo dự kiến Đề án “Đổi mới cơ cấu, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đại biểu Quốc hội” sẽ được trình Đảng Đoàn Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp tháng 9/2023. Góp ý hoàn thiện nội dung Đề án, một số ý kiến khẳng định, đại biểu Quốc hội có vị trí, vai trò trung tâm, nòng cốt trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội, vì vậy cần có lộ trình cụ thể tăng tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và có các công cụ hỗ trợ đại biểu Quốc hội hoạt động hiệu quả hơn.

PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI TRẦN THANH MẪN CHỦ TRÌ CUỘC HỌP BAN CHỈ ĐẠO ĐỀ ÁN “ĐỔI MỚI CƠ CẤU, NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI”

Đại biểu Quốc hội có vị trí, vai trò trung tâm, nòng cốt trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội.

Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã nhấn mạnh việc tiếp tục “đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội”, “đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, phát huy dân chủ, pháp quyền, tăng tính chuyên nghiệp trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội, trong thực hiện chức năng lập pháp, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao”.

Cụ thể hóa Nghị quyết của Đảng, Đảng Đoàn Quốc hội đã ban hành Quyết định số 2362-QĐ/ĐĐQH ngày 24/6/2021 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Tiếp đó, Đảng đoàn Quốc hội ban hành Kế hoạch số 1392-KH/ĐĐQH15 ngày 10/02/2023 về triển khai thực hiện nhiệm vụ của Đảng đoàn Quốc hội được giao trong Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nướ c pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới và Nghị quyết số 28-NQ/TW về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

Ngày 23/6/2022, Đảng đoàn Quốc hội ban hành Quyết định số 747-QĐ/ĐĐQH15 thành lập Ban Chỉ đạo Đề án do đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội làm Trưởng Ban.

Ban chỉ đạo Đề án “Đổi mới cơ cấu, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đại biểu Quốc hội” do Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn làm Trưởng Ban

Đảng đoàn Quốc hội giao Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội chủ trì xây dựng 02 đề án: Đề án “Tăng cường chất lượng, nâng cao năng lực hoạt động của đại biểu Quốc hội, nhất là đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách” và Đề án “Đổi mới cơ cấu, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đại biểu Quốc hội”. Để tránh trùng lặp về nội dung và thuận lợi trong thực hiện, đồng thời không làm thay đổi nội dung đã được Đảng đoàn Quốc hội giao, Ban Chỉ đạo Đề án xin tích hợp nội dung 02 đề án, lấy tên Đề án là: “Đổi mới cơ cấu, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đại biểu Quốc hội”.

Theo dự kiến, cuối tháng 8/2023, Ban chỉ đạo Đề án hoàn thiện Hồ sơ Đề án, báo cáo đồng chí Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Quốc hội cho ý kiến trước khi trình Đảng đoàn Quốc hội xem xét, quyết định tại phiên họp tháng 9/2023.

Với quan điểm đại biểu Quốc hội là trung tâm của Quốc hội, nhân tố cấu thành nên tổ chức của Quốc hội, quá trình xây dựng Đề án đã được tiến hành cẩn trọng, đã xin ý kiến Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, 63 Đoàn đại biểu Quốc hội về Đề cương và dự thảo Đề án; tổ chức tọa đàm, hội thảo lấy ý kiến chuyên gia, nhà khoa học; tổ chức họp xin ý kiến Ban Chỉ đạo, xin ý kiến một số cơ quan Trung ương…

Đề án “Đổi mới cơ cấu, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đại biểu Quốc hội” đã nêu khái quát về đại biểu Quốc hội, cơ cấu, chất lượng, hiệu quả hoạt động, cơ chế, tiêu chí  đánh giá hoạt động của đại biểu Quốc hội; Thực trạng tiêu chuẩn, cơ cấu, chất lượng, hiệu quả hoạt động và cơ chế, tiêu chí đánh giá  hoạt động của đại biểu Quốc hội; Giải pháp đổi mới cơ cấu, nâng cao chất lượng,  hiệu quả hoạt động của đại biểu Quốc hội và xây dựng cơ chế, tiêu chí đánh giá hoạt động của đại biểu Quốc hội trong các nhiệm kỳ tiếp theo.

Đề án nêu rõ, đại biểu Quốc hội có vị trí, vai trò trung tâm, nòng cốt trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội; là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân; có trách nhiệm giữ mối liên hệ, gắn bó chặt chẽ với Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, cử tri. Mọi quyết định của đại biểu Quốc hội đều phải xuất phát từ lợi ích chính đáng của Nhân dân, vì lợi ích chung của quốc gia, dân tộc. Chất lượng, hiệu quả hoạt động của đại biểu Quốc hội phụ thuộc vào các yếu tố, điều kiện như: quy định pháp luật về bầu cử, quy trình tổ chức bầu cử; tiêu chuẩn, cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội; về tổ chức và hoạt động của Quốc hội; cách thức tổ chức, cơ chế vận hành, môi trường hoạt động chung ở Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội; sự phối hợp của các cơ quan, tổ chức ở trung ương và địa phương; bộ máy tham mưu, giúp việc; cung cấp thông tin, hoạt động nghiên cứu, sử dụng chuyên gia; bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng và các điều kiện bảo đảm khác…

Cần có công cụ hỗ trợ đại biểu Quốc hội hoạt động hiệu quả hơn.

Góp ý hoàn thiện Đề án, nhiều ý kiến đều thống nhất cho rằng, đại biểu Quốc hội là trung tâm của Quốc hội, nhân tố cấu thành nên tổ chức của Quốc hội; hoạt động của đại biểu Quốc hội là yếu tố quan trọng quyết định chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Nâng cao năng lực, chất lượng hoạt động của đại biểu Quốc hội là yêu cầu thường xuyên và là yếu tố có ý nghĩa quyết định trong việc nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Kế thừa và phát huy những thành tựu trong hoạt động của Quốc hội các nhiệm kỳ trước, Quốc hội khóa XV đã tiếp tục đổi mới về phương thức, cách thức tổ chức hoạt động. Tuy nhiên cần tiếp tục nghiên cứu, đổi mới, đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, hội nhập quốc tế sâu rộng, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Đại biểu Tô Văn Tám – Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum cho rằng, giải pháp quan trọng nhất nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đại biểu Quốc hội, ngoài cơ cấu thì công cụ hỗ trợ đóng vai trò quan trọng, đó là việc cung cấp thông tin cho đại biểu Quốc hội hoạt động, nhất là đại biểu Quốc hội ở địa phương hoạt động ở chuyên ngành hẹp.

Bên cạnh đó, văn phòng giúp việc cụ thể là Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố cần ổn định, đội ngũ cán bộ giúp việc phải thật sự có chuyên môn về chính sách, pháp luật, về kinh tế tài chính. Công cụ thứ ba là cung cấp kỹ năng hoạt động cho đại biểu Quốc hội, giúp đại biểu Quốc hội lựa chọn vấn đề để tham vấn, góp ý đúng, trúng vấn đề. Công cụ thứ tư là đảm bảo điều kiện vật chất cho đại biểu Quốc hội hoạt động.

Đại biểu Tô Văn Tám – Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum

Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai – Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội cũng quan tâm đến cơ chế cung cấp thông tin và nêu thực tế các đại biểu không công tác tại các đơn vị sự nghiệp, công chức rất thiếu thông tin. Nếu có đầy đủ thông tin, chất lượng các phát biểu của đại biểu tại nghị trường cũng như tiếp xúc cử tri mới có chất lượng.

Đại biểu đề nghị trong Đề án Đổi mới cơ cấu, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đại biểu Quốc hội cần có các giải pháp nhằm tăng cường cung cấp thông tin cả trong và ngoài kỳ họp; nội dung thông tin đáp ứng nhiệm vụ của đại biểu, trong đó chú trọng thông tin nghiên cứu chuyên sâu về các lĩnh vực trình Quốc hội. Hiện đại hóa hoạt động của Thư viện Quốc hội, kết nối hiệu quả các cơ sở dữ liệu số phục vụ hoạt động của Quốc hội; phát triển mạng lưới chuyên gia độc lập và cơ chế để đại biểu Quốc hội sử dụng chuyên gia nhiều hơn.

Ngoài ra, có một số ý kiến cho rằng, cần bảo đảm các điều kiện để đại biểu Quốc hội thực hiện tốt hơn các hình thức giám sát của cá nhân như: Quy định cụ thể hơn về quy trình, thủ tục; trách nhiệm phối hợp của các cơ quan, tổ chức; truyền thông về quyền và trách nhiệm của đại biểu Quốc hội đối với nhiệm vụ giám sát của cá nhân; dành nhiều thời gian hơn cho chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội; tăng số lượng phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội có nội dung chất vấn và trả lời chất vấn.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật số trong hoạt động của đại biểu Quốc hội, trong đó có tổ chức các phiên họp trực tuyến, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho đại biểu tham gia hoạt động của các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội; trong các cuộc tiếp xúc cử tri để kết nối đại biểu Quốc hội với các Sở, Ban, ngành và các cấp chính quyền địa phương để chia sẻ, giải quyết những ý kiến, kiến nghị của cử tri thuộc lĩnh vực mình chịu trách nhiệm.

Có ý kiến đề xuất tiếp tục nâng cao chất lượng tham mưu về chuyên môn, phục vụ về hành chính - hậu cần, tài chính; đổi mới cách thức tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức tham mưu, giúp việc phù hợp với yêu cầu công việc ở Quốc hội; nâng mức hỗ trợ kinh phí và hoàn thiện cơ chế sử dụng chuyên gia phù hợp với thực tiễn hoạt động của đại biểu.

Có lộ trình cụ thể tăng tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách.

Qua thống kê cho thấy, tiêu chuẩn của đại biểu liên quan đến trình độ chuyên môn, trình độ lý luận chính trị đều có xu hướng tăng ở nhiệm kỳ sau so với nhiệm kỳ trước; đại đa số đại biểu Quốc hội có trình độ từ đại học trở lên; nhiều đại biểu có chuyên môn đào tạo từ 02 chuyên ngành trở lên, đặc biệt là chuyên ngành luật, kinh tế; tỷ lệ đại biểu tái cử tăng dần.

Đại biểu Đinh Ngọc Quý – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai 

Cơ cấu, số lượng đại biểu nhiều nhiệm kỳ cơ bản giữ ổn định. Tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách ngày càng tăng, nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đạt 38,6%; tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội hơn 30%, cao nhất từ Quốc hội khóa VI đến nay; tỷ lệ đại biểu là người dân tộc thiểu số đạt gần 18%, cao nhất từ trước đến nay.

Để nâng cao chất lượng hoạt động đại biểu Quốc hội, đại biểu Tô Văn Tám – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum cho rằng cần tăng tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách; trong đó có thể xem xét giới thiệu ứng cử vào Quốc hội những đại biểu Quốc hội đã tham khoa nhiều khóa, đã có kinh nghiệm; đồng thời xem xét nghiên cứu cơ chế phù hợp để đội ngũ này có thể tiếp tục đóng góp nhiều trí tuệ, tâm huyết, kinh nghiệm trong hoạt động lập pháp.

Có cùng quan điểm, đại biểu Đinh Ngọc Quý – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai cho rằng, cần tán thành tăng tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách một cách hợp lý; tăng tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tái cử; tăng đại biểu chuyên gia trong các ngành, lĩnh vực tham gia Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội để đảm bảo tính chuyên sâu trong quá trình hoạt động của Quốc hội, nhất là quá trình xây dựng luật.

Có ý kiến cho rằng nội dung Đề án nên chú trọng đến công tác quy hoạch đội ngũ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và am hiểu sâu về các lĩnh vực; có kế hoạch và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng người được quy hoạch đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách. Đồng thời, giảm số đại biểu công tác trong các ngành hành pháp, tư pháp. Tiếp tục có các giải pháp để đạt cơ cấu nữ và bảo đảm cơ cấu dân tộc. Nghiên cứu tỷ lệ cho đại biểu tự ứng cử để khuyến khích những người có uy tín, năng lực tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội.

Đại biểu Cao Mạnh Linh – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa 

Đại biểu Nguyễn Hữu Toàn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội: cho rằng có thể nghiên cứu trong thời gian tới đề xuất tăng tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách lên trên 50%, thực hiện theo lộ trình cụ thể - đây là vấn đề rất quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của đại biểu Quốc hội.

Đồng thời có cơ chế phù hợp về chế độ chính sách phù hợp đối với những đại biểu Quốc hội có nhiều kinh nghiệm tham gia với tư cách là đại biểu Quốc hội chuyên trách ở Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội. “Chất lượng đại biểu Quốc hội (trình độ chuyên môn, kinh nghiệm, kỹ năng) là gốc, là yếu tố quyết định. Đồng thời, có cơ chế cho đại biểu hoạt động, được lắng nghe, được tiếp thu, được sáng tạo, đổi mới để nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội”, đại biểu nhấn mạnh.

Đại biểu Cao Mạnh Linh – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa cho rằng, để nâng cao chất lượng hoạt động đại biểu Quốc hội cần quan tâm cả hai yếu tố số lượng và chất lượng; đồng thời tăng số lượng đại biểu chuyên trách theo hướng tăng đại biểu chuyên trách là các chuyên gia, người có kinh nghiệm nhưng đã hết tuổi công tác theo quy định.

Tăng số lượng đại biểu chuyên trách không nên chỉ giới hạn là những đại biểu Quốc hội làm nhiều nhiệm kỳ, mà cả các chuyên gia, nhà khoa học nổi tiếng, nhưng do vướng mắc về quy định về công tác cán bộ không có cơ hội tham gia. Có thể nghiên cứu đề xuất cơ chế mới, trong đó các chuyên gia không giữ chức vụ lãnh đạo nhưng giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội chuyên trách và xây dựng chế độ riêng, như có chế độ phương tiện đi lại, chế độ tiền lương, nơi làm việc. Đại biểu khẳng định, với cách tiếp cận như vậy hoàn toàn có thể thu hút các đối tượng chuyên gia có kiến thức chuyên ngành sâu về các lĩnh vực, giúp mở rộng nguồn đại biểu Quốc hội chất lượng, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội trên cả ba chức năng lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Lan Hương