CẦN QUY ĐỊNH RÕ RÀNG VỀ BẤT ĐỘNG SẢN NGHỈ DƯỠNG, TẠO ĐIỀU KIỆN THUẬN LỢI PHÁT TRIỂN DU LỊCH

23/08/2023

Tại phiên họp thứ 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Nhiều ý kiến cho rằng, cần có sự thay đổi, cập nhật toàn diện trong Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản về loại hình nhà ở biệt thự nghỉ dưỡng, để giúp cho các thị phần trong hoạt động kinh doanh khởi sắc, khơi dậy được tiềm năng từ đất đai cũng như thu hút vốn đầu tư từ nước ngoài.

Tại phiên họp thứ 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Quan tâm đến dự án luật này, PGS.TS Doãn Hồng Nhung, Phó trưởng Ban Pháp chế Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, các sản phẩm bất động sản du lịch nghỉ dưỡng không chỉ đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng, giải trí ngày càng cao của du khách mà còn tạo thêm nhiều cơ hội kinh doanh hấp dẫn cho nhà đầu tư thứ cấp và người dân, đem lại nguồn thu lớn cho ngân sách Nhà nước, là động lực quan trọng cho sự tăng trưởng của thị trường bất động sản nói chung.

PGS.TS Doãn Hồng Nhung, Phó trưởng Ban Pháp chế Hiệp hội Bất động sản Việt Nam

Tuy nhiên, PGS.TS Doãn Hồng Nhung cũng cho rằng, chính sách, pháp luật về kinh doanh bất động sản du lịch chưa đầy đủ, nhất là những văn bản quy định rõ ràng về quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng, chế độ sử dụng đất, quy chế quản lý, kinh doanh... đối với loại hình này đã gây lúng túng cho công tác quản lý Nhà nước tại các địa phương và là "điểm nghẽn" cho hoạt động đầu tư kinh doanh ở phân khúc này. Những bất cập về chủ trương, chính sách đất đai… đang trở thành rào cản, ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng như khả năng cải thiện PCI của các địa phương nói chung.

PGS.TS Doãn Hồng Nhung nhấn mạnh, về dài hạn, cần có sự thay đổi, cập nhật toàn diện trong Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản về loại hình nhà ở biệt thự nghỉ dưỡng, để giúp cho các thị phần trong hoạt động kinh doanh khởi sắc, khơi dậy được tiềm năng từ đất đai cũng như thu hút vốn đầu tư từ nước ngoài.

Chia sẻ về vấn đề này, Luật sư Trần Hoàng Vũ, Giám đốc Công ty Luật TNHH AEC, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết, những năm gần đây, loại hình bất động sản nghỉ dưỡng đã có sự phát triển vượt bậc, số lượng doanh nghiệp cũng như nguồn vốn đầu tư không ngừng tăng lên. Tuy nhiên, các quy định, hướng dẫn từ pháp luật đối với loại hình kinh doanh dịch vụ này còn hạn chế, chưa đầy đủ. Từ thực tiễn giải quyết vụ việc, Luật sư cho biết, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn khi phải tự xây dựng mô hình hoạt động dựa trên Luật Kinh doanh bất động sản cũng như các luật khác có liên quan như Luật Nhà ở, Luật Du lịch…

Luật sư Trần Hoàng Vũ, Giám đốc Công ty Luật TNHH AEC, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội

Theo Luật sư Trần Hoàng Vũ, các nhà đầu tư, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn khi chưa có trình tự, thủ tục đầu tư rõ ràng, chưa có các quy định pháp lý về chuyển nhượng, giao dịch và chưa có quy hoạch riêng đối với loại bất động sản mới này. Đặc biệt, Luật Nhà ở năm 2014 chưa cho phép cá nhân nước ngoài được mua căn hộ nghỉ dưỡng để đầu tư nên vô hình chung dường như chưa thúc đẩy ngành du lịch phát triển bền vững.

Theo phản ánh của nhiều Luật sư, nhà nghiên cứu, nhà quản lý, pháp luật hiện hành chưa quy định rõ cơ chế, trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc thuê lại căn hộ condotel của khách hàng để kinh doanh dịch vụ cho thuê khách sạn và trách nhiệm của chủ đầu tư chi trả lợi nhuận thu được từ hình thức kinh doanh này cho khách hàng cũng như chế tài cụ thể xử lý đối với chủ đầu tư không chi trả lợi nhuận cho khách hàng trong trường hợp thuê lại căn hộ condotel để kinh doanh dịch vụ khách sạn…

Nhiều ý kiến từ phía các hiệp hội doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng cho rằng, cần hoàn thiện Luật Nhà ở với sự định danh chính xác cho loại hình bất động sản du lịch, tạo sự đồng bộ đối với các văn bản pháp luật khác có liên quan, tạo điều kiện phát triển thị trường bất động sản du lịch đầy tiềm năng này trong thời gian tới.

Trước đó, tổng kết quá trình thực hiện Luật Nhà ở năm 2014, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, mặc dù Luật Nhà ở năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành trong thời gian vừa qua đã đạt được những kết quả nhất định, tuy nhiên cũng còn những tồn tại, hạn chế trong triển khai thực hiện, nguyên nhân là do một số quy định của Luật Nhà ở và các văn bản hướng dẫn thi hành đã được sửa đổi, bổ sung tại các Luật có liên quan khác, một số quy định đến nay đã không còn phù hợp với thực tế hoặc pháp luật nhà ở còn thiếu quy định, chưa điều chỉnh được hết các vấn đề xảy ra trong thực tiễn.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị

Cụ thể, đại diện cơ quan soạn thảo cho biết, còn nhiều tồn tại, hạn chế liên quan đến quy định chung về sở hữu nhà ở. Qua rà soát và đối chiếu với pháp luật hiện hành cho thấy, một số quy định của các pháp luật liên quan đã có sửa đổi, bổ sung liên quan đến quyền và nghĩa vụ chủ sở hữu đối với tài sản là nhà ở  cũng như căn cứ tình hình thực tế trong lĩnh vực nhà ở cho thấy, Luật Nhà ở cũng cần thiết phải được rà soát, sửa đổi bổ sung để bảo đảm đầy đủ quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà ở và phù hợp, thống nhất với pháp luật liên quan.

 Bên cạnh đó, còn có những tồn tại, hạn chế liên quan đến quy định về sở hữu nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước. Một là, một số quy định về thẩm quyền quản lý nhà ở thuộc sở hữu nhà nước còn phân tán tại Luật Nhà ở và văn bản dưới luật, chưa thể hiện rõ trách nhiệm cụ thể của từng cơ quan trong quản lý nhà ở thuộc sở hữu nhà nước, do đó, cần thiết phải có rà soát, sắp xếp quy định thống nhất tại Luật Nhà ở nhằm tạo cơ sở pháp lý cao cho công tác quản lý tài sản nhà nước.

Hiệu lực hiệu quả trong quản lý sử dụng nhà ở thuộc sở hữu nhà nước còn chưa bảo đảm, vẫn còn hiện tượng nhà ở thuộc sở hữu nhà nước còn chưa sử dụng  hoặc có nơi nhà ở bị chiếm dụng trái pháp luật mà chưa thu hồi được; việc bố trí cho thuê, giải quyết hồ sơ cho thuê, bán nhà ở còn chưa đúng quy định, kéo dài thời gian giải quyết, gây bức xúc, khiếu nại giữa người sử dụng nhà ở với cơ quan quản lý nhà ở.

Minh Hùng