CHUYỂN ĐỔI NĂNG LƯỢNG: XU THẾ KHÔNG THỂ ĐẢO NGƯỢC, CẦN SỰ THAM GIA TÍCH CỰC VÀ CHỦ ĐỘNG

07/08/2023

Chuyển đổi năng lượng là xu thế tất yếu không thể đảo ngược, điều này tác động như thế nào đến hoạt động của các nhà máy năng lượng truyền thống; lộ trình chủ động chuyển đổi năng lượng xanh, năng lượng tái tạo của các đơn vị; các kiến nghị tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách… là những vấn đề được thành viên Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu ra tại các buổi làm việc với các Tập đoàn trong lĩnh vực năng lượng.

GIÁM SÁT VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG: LÀM RÕ TÁC ĐỘNG CỦA SỰ CHUYỂN DỊCH NĂNG LƯỢNG ĐỐI VỚI NGÀNH THAN VÀ DẦU KHÍ.

Trong khuôn khổ hoạt động giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021”, Đoàn giám sát đã làm việc với lãnh đạo một số Tập đoàn trong lĩnh vực năng lượng. Trong đó, một trong những vấn đề được thành viên Đoàn giám sát quan tâm là quá trình chuyển đổi năng lượng, việc tham gia chủ động, tích cực vào quá trình này của các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực năng lượng truyền thống.

Đoàn giám sát của UBTVQH làm việc với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Tạ Đình Thi, Tổ tưởng Tổ công tác của Đoàn giám sát nhận định tác động của quá trình chuyển đổi năng lượng rất lớn đến các Tập đoàn năng lượng (Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Điều này đặt ra thách thức rất lớn cần chuyển hướng đầu tư và phát triển. Đại biểu đề nghị lãnh đạo các Tập đoàn cho biết đã đánh giá, đầy đủ toàn diện và có kế hoạch cho vấn đề này chưa?

Đại biểu phân tích thêm, xu thế hạn chế sử dụng năng lượng hóa thạch đang hiển hiện rất rõ ràng, không chỉ ở Việt Nam mà xu thế này đang diễn ra trên toàn thế giới. Điều này tác động rất lớn đến các dự án nhiệt điện than, tác động rõ nhất là khó khăn trong việc vay vốn nước ngoài. Điều này cần được định hướng, tính toán đầy đủ, nhất là đối với một số dự án nhiệt điện than trong Quy hoạch Điện VIII mới đc phê duyệt, cần có lộ trình chuyển đổi cụ thể. Đại biểu cũng đề nghị lãnh đạo các tập đoàn nêu các giải pháp thực hiện các mục tiêu đề ra trong Quy hoạch điện VIII, làm cơ sở để Đoàn giám sát tổng hợp, báo cáo kết quả giám sát trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Tạ Đình Thi

Cùng quan điểm trên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Tạ Văn Hạ và Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Thanh Vân cũng cho rằng, do nguồn năng lượng trong tương lai cạn kiệt, cần phải chuyển hướng sang phát triển năng lượng sạch, trong đó có năng lượng tái tạo. Hơn nữa, theo cam kết của Việt Nam tại COP 26 giảm phát thải về 0 vào năm 2050, nhưng một số nhà máy nhiệt điện than có vốn đầu tư lớn nên cần có phương án, định hướng chuyển đổi, chuẩn bị nguồn vốn, công nghệ, giải pháp cụ thể.

Giải trình làm rõ những vấn đề thành viên Đoàn giám sát nêu, lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam khẳng định, chuyển đổi năng lượng là xu thế không thể đảo ngược, cần phải tham gia tích cực chủ động, nếu không sẽ bị bỏ lại phía sau. Việc chuyển dịch năng lượng bắt nguồn từ yêu cầu thực tiễn, hơn nữa tại COP26, Thủ tướng Chính phủ đã cam kết đến năm 2050, giảm phát thải về 0, đây là nhiệm vụ khó khăn, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để thực hiện được mục tiêu đã cam kết.

Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 205. Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2068/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Chiến lược phát năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và nhiều văn bản khác nhằm hướng tới mục tiêu phát triển nhanh, triệt để và hiệu quả các dạng năng lượng tái tạo, để năng lượng tái tạo có vị trí, vai trò lớn, ngày càng quan trọng trong hệ thống năng lượng của Việt Nam.

Từ các định hướng lớn này, đã có nhiều cơ chế chính sách khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo, trong đó có hai dạng năng lượng tái tạo mà Việt Nam có tiềm năng lớn là năng lượng điện mặt trời và năng lượng điện gió.

Đối với điện mặt trời, năm 2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam; Quyết định 39/2018/QĐ-TTg sửa đổi Quyết định 37/2011/QĐ-TTg về cơ chế hỗ trợ phát triển dự án điện gió tại Việt Nam; Năm 2023 là Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam...

Với các cơ chế khuyến khích này, sự phát triển của điện mặt trời, điện gió ở Việt Nam đã đạt được kết quả ấn tượng, góp phần tích cực trong việc đảm bảo an ninh năng lượng, cung ứng điện cho đất nước. Đặc biệt giữa năm 2023, sản lượng điện gió, điện mặt trời trong hệ thống lên tới trên 30 tỷ kWh điện, đóng góp đáng kể vào cung ứng điện trong những tháng cao điểm. Vì vậy, các cơ chế khuyến khích phát triển điện gió, điện mặt trời thời gian qua xuất phát từ nhu cầu bức thiết, xu thế không thể tránh khỏi, là giải pháp để khai thác tiềm năng - dạng năng lượng sơ cấp Việt Nam có tiềm năng rất lớn.

Ông Hoàng Quốc Vượng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam 

Ông Hoàng Quốc Vượng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cho biết, sự chuyển dịch năng lượng đã tác động, ảnh hưởng tới các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực năng lượng truyền thống trong đó có Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Đây là thách thức phải vượt qua, nên trong Chiến lược phát triển của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam từ nay đến năm 2023, tầm nhìn đến năm 2050, bên cạnh duy trì khai thác 5 lĩnh vực truyền thống là tìm kiếm thăm dò khai thác dầu khí, công nghiệp khí, công nghiệp năng lượng tái tạo, chế biến, kỹ thuật cao dầu khí, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam còn tập trung phát triển lĩnh vực mới là phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió ngoài khơi – lĩnh vực Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có thế mạnh.

Hiện, các đơn vị trực thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đang chuẩn bị tích cực về chuyển đổi năng lượng cả về đường lối, chiến lược, công việc cụ thể trong thực tế.

Ông Hoàng Quốc Vượng cho biết thêm, năm 2015 Bộ Chính trị đã ban hành  Nghị quyết số 41-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035. Nhưng tại thời điểm đó, hoạt động đầu tư đa ngành, đa nghề của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam gây ra một số hậu quả nhất định, nên Bộ Chính trị không cho phép Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đầu tư các nhà máy điện than mới và các dự án điện gió. Tuy nhiên, hiện chủ trương này không còn phù hợp với thực tiễn nên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đang tích cực làm việc với Ban Kinh tế Trung ương báo cáo Bộ Chính trị về Chiến lược phát triển dầu khí Việt Nam trong đó có hoạt động Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Ông Hoàng Quốc Vượng khẳng định, dầu khí và than chỉ là nguồn tài nguyên hữu hạn, trong tương lai để đảm bảo an ninh cung ứng năng lượng của đất nước phải dựa vào nguồn tài nguyên sẵn có mà không mất đi đó là nắng và gió. Thực hiện cam kết tại COP21, đến năm 2050 phát thải khí về 0, khi đó ngành năng lượng phát thải khoảng 50-70 triệu tấn CO2 (hiện nay phát hàng trăm triệu tấn/năm) nên phải bù lại bằng việc trồng rừng.

”Ngay từ bây giờ phải nghiên cứu các giải pháp cải tiến công nghệ, sử dụng nhiên liệu khác ngoài than, dầu, khí, ví dụ sử dụng ammonia, hidrogen. Hiện Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đang tích cực xây dựng lộ trình, nghiên cứu công nghệ sảng xuất hydrogen bằng năng lượng điện gió ngoài khơi. Hy vọng, với Quy hoạch điện VIII vừa được Thủ tướng phê duyệt, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam sẽ được Chính phủ giao triển khai một phần trong tổng số 6.000MW điện gió ngoài khơi, cung ứng điện cho đất liền và sản xuất hydrogen cung cấp thị trường trong nước và quốc tế”, ông Hoàng Quốc Vượng nói.

Về thực hiện chuyển dịch năng lượng tại các nhà máy điện than, Ông Đặng Thanh Hải, Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam cho biết, Tập đoàn đã bám sát vào Quy hoạch điện VIII; chủ động làm việc với các đối tác như World Bank, ADB Bank, Công ty cổ phần Erex (Nhật Bản) nghiên cứu, khảo sát hiện trạng, đánh giá tiềm năng chuyển đổi đốt kèm sinh khối đối với 06 nhà máy Nhiệt điện đốt than của Tập đoàn và đang xem xét khả năng thí điểm đốt pha trộn than với nhiên liệu sinh khối (Biomass) tại các nhà máy nhiệt điện than.

Về quy hoạch phát triển các nguồn năng lượng, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam triển khai các dự án năng lượng (than, điện) theo Quy hoạch 403 và Quy hoạch điện (VII, VII điều chỉnh, VIII) của Chính phủ và có kế hoạch triển khai Dự án điện mặt trời trên mặt hồ thuỷ điện Đồng Nai 5, tuy nhiên dự án chưa được đưa vào Quy hoạch điện VIII.

Ông Phạm Thanh Hải cho biết thêm, sau khi Quy hoạch điện VIII được ban hành Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam sẽ họp bàn và ban hành nghị quyết thực hiện bởi đây là vấn đề có tác động nhiều đến hoạt động của Tập đoàn. Về thực hiện các cam kết của Việt Nam tại COP 26, một số nhà máy nhiệt điện than của Tập đoàn sẽ phải chuyển đổi nguyên liệu đầu vào và cải tiển công nghệ để phát thải ít nhất.

Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam chỉ đạo các Ban của Tập đoàn làm việc với Tập đoàn Điện lực và Tập đoàn Dầu khí có các nhà máy chạy than, trên cơ sở đó cùng với các nhà máy than của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản trong quá trình chuyển đổi cân đối nhu cầu than và xác định lại chiến lược phát triển, khai thác của Tập đoàn trong thời gian từ nay đến năm 2050.

Theo các cam kết tại COP 26 và phát thải chung bằng 0, nhưng không có nghĩa là tất cả các nhà máy nhiệt điện than phải dừng hoạt động, mà phải chuyển đổi công nghệ tốt hơn để giảm tối thiểu lượng phát thải. Với những nhà máy có thể chuyển đổi sang dạng nhiên liệu sinh khối, cần có sự chủ động của các nhà đầu tư, ông Phạm Thanh Hải nói.

Lan Hương - Nghĩa Đức