Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, quá trình đô thị hóa ở nước ta đã và đang diễn ra nhanh chóng và mạnh mẽ. Chỉ trong một thời gian ngắn, nhiều thành phố, thị xã, thị trấn đã được hình thành và phát triển ở hầu hết các khu vực, vùng, miền trên lãnh thổ đất nước. Với vai trò là các trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội, các đô thị với mức độ khác nhau đã trở thành những đầu tầu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, khu vực cũng như của cả nước. Các đô thị ngày càng khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trong hệ thống các đơn vị hành chính trên nhiều lĩnh vực khác nhau; tỷ trọng đóng góp của các đô thị cho sự tăng trưởng của nền kinh tế quốc dân ngày càng lớn và luôn ở mức cao.
Việt Nam là một trong những nước có tốc độ đô thị hóa nhanh trong khu vực Đông Nam Á. Không gian đô thị được mở rộng. Hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư theo hướng ngày càng đồng bộ, văn minh, hiện đại.
Đổi mới mô hình tổ chức và hoạt động của chính quyền đô thị đã và đang là một trong những vấn đề được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc khóa XII đã chỉ rõ “Hoàn thiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm ở nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt theo luật định”.
Tiếp đó, văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XIII đề ra nhiệm vụ “Tiếp tục hoàn thiện tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với địa bàn nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính, kinh tế đặc biệt theo luật định; thực hiện và tổng kết việc thí điểm chính quyền đô thị nhằm xây dựng và vận hành các mô hình quản trị chính quyền đô thị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.
Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới đề ra nhiệm vụ: “Tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật trên tất cả các lĩnh vực, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc, khơi dậy, phát huy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững của đất nước. Nhất là: Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của bộ máy nhà nước và hệ thống chính trị...”.
Hiến pháp năm 2013 quy định: “Chính quyền địa phương được tổ chức ở các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” và “Cấp chính quyền địa phương gồm có hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân được tổ chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do luật định” (Điều 111). Tuy nhiên các quy định của Luật Tổ chức Chính quyền địa phương năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2019 vẫn chưa giải quyết được hết những vấn đề cơ bản của mô hình tổ chức chính quyền địa phương trong thực tế.
Ths. Nguyễn Thị Hường, Phó Vụ trưởng Vụ Công tác đại biểu, Văn phòng Quốc hội
Nghiên cứu về nội dung này, Ths. Nguyễn Thị Hường, Phó Vụ trưởng Vụ Công tác đại biểu, Văn phòng Quốc hội cho rằng, cần nâng cao khả năng quản lý, kiểm soát quá trình đô thị hóa, phát triển đô thị vệ tinh, xây dựng đô thị hiện đại, văn minh, đô thị thông minh, đa dạng về loại hình, có bản sắc đặc trưng về kiến trúc, văn hóa ở từng địa phương đã, đang là yêu cầu cấp thiết từ thực tiễn cuộc sống, đặc biệt trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế sâu rộng của nước ta hiện nay.
Trên cơ sở đánh giá, phân tính về thực tiễn tổ chức và hoạt động của chính quyền đô thị ở Việt Nam thời gian qua, Ths. Nguyễn Thị Hường đưa ra 05 giải pháp hoàn thiện, cụ thể:
Một là, khẩn trương thể chế hóa các chủ trương của Đảng về kiện toàn, cơ cấu tổ chức chính quyền địa phương, trong đó có chính quyền đô thị bằng việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm sự thống nhất trong việc tổ chức thực hiện pháp luật. Thời gian qua, vấn đề hợp nhất chỉ dừng lại ở chủ trương chung mà chưa được hướng dẫn và thể chế hóa thành các quy phạm pháp luật, do vậy, dẫn đến tình trạng mỗi một địa phương có những cách thức tiến hành khác nhau do nhận thức không thống nhất.
Hai là, sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật về tổ chức đơn vị hành chính trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019 và các văn bản pháp luật liên quan nhằm xác định rõ vị trí, vai trò của từng cấp đơn vị hành chính ở đô thị, cần có quy định phù hợp hơn về việc tổ chức đơn vị hành chính ở đô thị. Sửa đổi, bổ sung Điều 2, Điều 4 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019 để phân biệt “cấp chính quyền” với “cấp của đơn vị hành chính”; xác định rõ những đơn vị hành chính nào được tổ chức “cấp chính quyền” và những đơn vị hành chính nào không được coi là cấp chính quyền.
Từ đó, pháp luật cần đa dạng hóa mô hình tổ chức chính quyền địa phương, xác định rõ đơn vị hành chính nào được tổ chức đủ hai thiết chế Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân và đơn vị hành chính nào chỉ tổ chức Uỷ ban nhân dân hoặc cơ quan quản lý hành chính. Điều chỉnh lại chức năng, thẩm quyền của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân bảo đảm tính tập trung, thống nhất của chính quyền đô thị. Cơ cấu của chính quyền đô thị phải gọn nhẹ, giảm bớt đầu mối trung gian như Hội đồng nhân dân ở quận, phường.
Ba là, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương như Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Bên cạnh đó, cần sửa đổi, bổ sung các đạo luật chuyên ngành có liên quan đến cơ cấu, tổ chức, hoạt động của chính quyền địa phương như Luật Đất đai, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư công... cũng như các nghị định, thông tư của Chính phủ và các bộ, ngành trung ương cho phù hợp với mô hình chính quyền đô thị trong phân cấp quản lý chức năng giữa trung ương và địa phương, giữa Uỷ ban nhân dân thành phố, các sở ngành và quận, phường nhằm hạn chế tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn giữa các văn bản để phù hợp với tình hình phát triển đô thị hiện nay.
Rà soát, loại bỏ những quy định chồng chéo, bất cập và pháp điển hóa thành văn bản quy phạm pháp luật về tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương có giá trị pháp lý cao để có những thay đổi cơ bản, toàn diện, mạnh mẽ, tạo hành lang pháp lý vững chắc cho tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương. Tinh thần rà soát, sửa đổi theo hướng trao quyền tự chủ nhiều hơn nữa cho các đô thị, thành phố trực thuộc trung ương trong thu hút các nguồn lực cho phát triển.
Bốn là, tổ chức chính quyền đô thị cần có sự phân biệt cơ bản với chính quyền nông thôn. Thực trạng tổ chức chính quyền địa phương hiện nay đặt ra yêu cầu cần thiết phải làm rõ, phân định rành mạch sự khác biệt giữa đô thị và nông thôn; từ đó xác định cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, cơ chế hoạt động phù hợp đối với chính quyền ở địa bàn đô thị và chính quyền ở địa bàn nông thôn.
Năm là, xác định lộ trình tổng kết việc thực hiện thí điểm mô hình chính quyền địa phương đang áp dụng tại 3 thành phố Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh để xây dựng mới thể chế về chính quyền địa phương theo hướng nghiên cứu áp dụng trong phạm vi cả nước./.