BẢO ĐẢM TÍNH ĐỒNG BỘ, THỐNG NHẤT CỦA HỆ THỐNG PHÁP LUẬT

03/08/2023

Một hệ thống pháp luật được áp dụng thống nhất sẽ tạo điều kiện thuận lợi để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của các quy định được ban hành. Vì vậy, một số ý kiến chuyên gia cho rằng, trong trường hợp các quy định có thể còn có những cách hiểu khác nhau khi áp dụng thì cần thiết phải có cơ chế bảo đảm việc thống nhất trong quá trình áp dụng pháp luật.

BẢO ĐẢM TUÂN THỦ NGHIÊM CÁC YÊU CẦU CÓ TÍNH NGUYÊN TẮC TRONG VIỆC THIẾT KẾ QUY ĐỊNH

(Ảnh minh họa)

Ở Việt Nam, các nguyên tắc áp dụng luật vừa được quy định trong văn bản pháp luật chung (Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 , Bộ luật Dân sự 2015), vừa được quy định trong nhiều văn bản luật khác nhau.

Về nguyên tắc áp dụng và thống nhất pháp luật, Hiến pháp quy định trách nhiệm và thẩm quyền của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Toà án nhân dân tối cao trong việc xây dựng pháp luật, giám sát việc thực hiện, tổ chức thực hiện, giải thích và bảo đảm thống nhất áp dụng pháp luật trong xét xử…

Tiếp đó, tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 quy định 05 nguyên tắc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật gồm: (1) Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng từ thời điểm bắt đầu có hiệu lực. Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng đối với hành vi xảy ra tại thời điểm mà văn bản đó đang có hiệu lực. Trong trường hợp quy định của văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực trở về trước thì áp dụng theo quy định đó; (2) Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn; (3) Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau; (4) Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật mới không quy định trách nhiệm pháp lý hoặc quy định trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn đối với hành vi xảy ra, trước ngày văn bản có hiệu lực thì áp dụng văn bản mới; (5) Việc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật trong nước không được cản trở việc thực hiện điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật trong nước và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó, trừ Hiến pháp” (Điều 156).

Đối với các quan hệ dân sự, Bộ luật Dân sự 2015 xác định vị trí là “luật chung điều chỉnh các quan hệ dân sự; Luật khác có liên quan điều chỉnh quan hệ dân sự trong các lĩnh vực cụ thể không được trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật này…”.

PGS.TS. Đặng Minh Tuấn - Trường ĐH Luật, ĐHQG Hà Nội

Theo PGS.TS. Đặng Minh Tuấn - Trường ĐH Luật, ĐHQGHN, mặc dù đây là một vấn đề truyền thống không xa lạ trong xây dựng luật, nhưng hiện vẫn có những quan điểm chưa thống nhất, thậm chí mâu thuẫn về quy định này trong các luật được ban hành trong thời gian gần đây. Thực tế đó làm ảnh hưởng đến việc áp dụng pháp luật trong thực tế.

Qua rà soát một số văn bản luật được ban hành, xây dựng trong thời gian gần đây, PGS.TS. Đặng Minh Tuấn cho rằng, quy định về nguyên tắc áp dụng luật nên được quy định trực tiếp trong văn bản luật như một phần không thể tách rời. Việc quy định chi tiết, đầy đủ về nguyên tắc áp dụng luật trong luật là cần thiết, trừ trước hợp nếu không đầy đủ thì sẽ áp dụng theo nguyên tắc của Luật Ban hành VBQPPL.

PGS.TS. Đặng Minh Tuấn lưu ý, theo yêu cầu của việc áp dụng luật, việc rà soát kỹ và đầy đủ các văn bản được ban hành trước khi văn bản luật có hiệu lực để quy định tình trạng giá trị, hiệu lực của những văn bản này và các trường hợp ưu tiên áp dụng luật chuyên ngành để đảm bảo việc áp dụng pháp luật thống nhất, hiệu lực, hiệu quả, các quy tắc luật, tránh sự chồng chéo, mâu thuẫn sau khi luật được ban hành. Trong trường hợp không thể quy định được đầy đủ, thì cần có quy định chung về nguyên tắc áp dụng luật theo Luật ban hành VBQPPL.

Nêu quan điểm, Ls. Nguyễn Hưng Quang – Đoàn Luật sư Tp. Hà Nội cho rằng, hệ thống pháp luật cần có sự thống nhất áp dụng và cần có một cơ chế bảo đảm việc áp dụng pháp luật được thống nhất. Trong trường hợp các quy định có thể còn có những cách hiểu khác nhau khi áp dụng thì cần thiết phải có cơ chế bảo đảm việc thống nhất áp dụng pháp luật bên cạnh việc hoàn thiện nội dung các quy định, như cơ chế giải thích pháp luật…. Nếu không giải quyết được vấn đề áp dụng pháp luật thống nhất thì nguy cơ việc áp dụng không đúng quy định, trục lợi quy định sẽ tiếp tục gia tăng và làm giảm khả năng hiệu quả và hiệu lực của các quy định pháp luật, ảnh hưởng tiêu cực tới các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và xã hội.

Ls. Nguyễn Hưng Quang nhấn mạnh, công tác rà soát tính thống nhất, đánh giá tác động hệ thống pháp luật trong hồ sơ dự án luật, hồ sơ xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật khác cần được nâng cao về chất lượng để hạn chế mâu thuẫn trong các quy định pháp luật và củng cố tính thống nhất trong áp dụng pháp luật.

GS.TS.Lê Minh Tâm - Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội 

Bàn về nội dung này, GS.TS.Lê Minh Tâm - Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội cho biết,  nguyên tắc pháp luật cũng chính là cơ sở để bảo đảm cho quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật được được thực hiện một cách thống nhất, đồng bộ, kịp thời, phù hợp mà còn là cơ sở để bảo đảm cho việc thực hiện và áp dụng pháp luật một cách đúng đắn, hiệu quả, hợp pháp và hợp lý.

Theo GS.TS.Lê Minh Tâm trong quá trình xây dựng, hoàn thiện và thực thi pháp luật cần chú trọng nghiên cứu xác lập đầy đủ các nguyên tắc, định hướng, mục tiêu pháp luật làm cơ sở cho việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống quy phạm pháp luật cụ thể một cách hợp lý, hiệu lực, khả thi. Đồng thời, cân nhắc những vấn đề về tính chất, nội dung, phương pháp và kỹ thuật xây dựng đối với mỗi loại văn bản quy phạm pháp luật và mỗi văn bản quy phạm pháp luật. Để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, ổn định và dễ tiếp cận của hệ thống pháp luật thì những văn bản luật không nên quy định quá chi tiết, cụ thể; các quy định cụ thể, dễ thay đổi nên quy định trong các văn bản của các cơ quan hành pháp; đối với toà án, việc giải thích pháp luật, củng cố, phát triển án lệ và các nguồn pháp luật khác cần được chú trọng để góp phần lấp những khoảng trống của pháp luật và khắc phục trường hợp pháp luật không còn phù hợp nhưng chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời…

Nâng cao năng lực của các cơ quan và cán bộ trực tiếp tham gia xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thực hiện pháp luật, đồng thời xây dựng và hoàn thiện cơ chế giám sát và phản biện xã hội đối với công tác xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện pháp luật, huy động đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học có năng lực trình độ, kinh nghiệm tham gia vào quá trình xây dựng và hoàn thiện pháp luật./.

Lê Anh

Các bài viết khác