PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN KHẮC ĐỊNH CHỦ TRÌ PHIÊN HỌP THỨ NHẤT CỦA TỔ CÔNG TÁC RÀ SOÁT HỆ THỐNG VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT

31/07/2023

Chiều 31/7, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định chủ trì phiên họp thứ nhất của Tổ Công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.

PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN KHẮC ĐỊNH: BẢO ĐẢM RÕ RÀNG, KHÁI QUÁT VÀ TÍNH ĐẶC THÙ KHI XÂY DỰNG QUY ĐỊNH VỀ HÀNH VI THAM NHŨNG, TIÊU CỰC, LỢI ÍCH NHÓM TRONG CÔNG TÁC XÂY DỰNG PHÁP LUẬT

Tham dự phiên họp có các Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh cùng đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan hữu quan là thành viên Tổ công tác.

Phiên họp thứ nhất của Tổ Công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật

Ngày 24/6/2023, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV (Nghị quyết số 101/2023/QH15), trong đó giao Chính phủ: “Tổ chức rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, trọng tâm là pháp luật về đấu thầu, đấu giá, quy hoạch, đầu tư công, quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công, ngân sách nhà nước, tài chính công, hợp tác công tư, xã hội hóa các dịch vụ công, đầu tư, môi trường, xây dựng, kinh doanh bất động sản, ngân hàng, tài chính, tự chủ tài chính, chứng khoán, trái phiếu, doanh nghiệp, giám định, định giá và các lĩnh vực khác đã được các đoàn kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án kiến nghị, đề xuất hoặc có nhiều vướng mắc được các địa phương, người dân, doanh nghiệp kiến nghị; phát hiện, xác định cụ thể những quy định có mẫu thuẫn, chồng chéo, sơ hở, bất cập, những vấn đề vướng mắc trong các luật và văn bản dưới luật có liên quan, báo cáo Quốc hội kết quả rà soát tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV; kịp thời chỉ đạo sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền các văn bản dưới luật không còn phù hợp hoặc kiến nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các luật, nghị quyết có liên quan”.

Để giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Chính phủ chỉ đạo, đôn đốc việc triển khai thực hiện nhiệm vụ rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo yêu cầu tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 của Quốc hội. Đồng thời, bảo đảm sự phối hợp chủ động, chặt chẽ của Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội với các cơ quan có liên quan của Chính phủ trong quá trình rà soát, tổng hợp và xử lý kết quả rà soát; kịp thời trao đổi, tháo gỡ các vướng mắc, giải quyết các vấn đề phát sinh (nếu có) trong quá trình rà soát. Ngày 20/7 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 829/NQ-UBTVQ15 về việc thành lập Tổ Công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện Nghị quyết số 101/2023/QH15 về rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định chủ trì phiên họp

Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị thành lập Tổ Công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện Nghị quyết số 101/2023/QH15 về rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật gồm Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định làm Tổ trưởng. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng làm Phó Tổ trưởng thường trực. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh và Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh làm Phó Tổ trưởng.

Các thành viên gồm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Vân Chi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Đỗ Đức Hồng Hà; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Tuấn Anh; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Thị Thúy Ngần; Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Nguyễn Mạnh Hùng.

Giao Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội là cơ quan thường trực Tổ Công tác.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu mở đầu phiên họp

Phát biểu mở đầu phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết thực hiện nhiệm vụ được giao theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổ Công tác họp phiên thứ nhất để tập trung trao đổi về kế hoạch, cách làm việc để bảo khẩn trương, hiệu quả trong bối cảnh khối lượng công việc nhiều, thời gian gấp rút, nhất là công tác phối hợp với Tổ Công tác của Chính phủ, các cơ quan của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và cơ quan hữu quan để bảo đảm báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trình Quốc hội đúng tiến độ yêu cầu.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định làm rõ rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật là nhiệm vụ thường xuyên của các cơ quan. Tuy nhiên trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội có trầm lắng, cần quyết liệt có giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Do đó, Quốc hội và Chính phủ cùng nhau phối hợp hoạt động để cùng rà soát, phát hiện vấn đề, bảo đảm không chồng lấn mà có sự hỗ trợ, bổ trợ lẫn nhau.

Các đại biểu tham dự phiên họp

Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh điều quan trọng nhất là qua rà soát phải nhận diện được văn bản nào cần được sửa đổi, bổ sung. Trong trường hợp các văn bản thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ  thì cần phải sửa ngay theo đúng thẩm quyền. Đối với các luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội trong đó nêu rõ đề xuất, kiến nghị sửa đổi nội dung gì.

Nêu rõ, tinh thần phát hiện đến đâu sửa đổi, hoàn thiện đến đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị các cơ quan xác định đây là đợt cao điểm về rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.

Mặc dù Nghị quyết của Quốc hội giao Chính phủ chủ trì tổ chức rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023), nhưng với trách nhiệm, quyền hạn của mình Ủy ban Thường vụ Quốc hội chủ động thành lập Tổ Công tác cho thấy sự quan tâm vào cuộc từ đầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong quá trình xem xét cho ý kiến, cũng như sự chủ động của các cơ quan của Quốc hội trong công tác thẩm tra các nội dung liên quan.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng báo cáo về việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc xây dựng dự thảo Quy chế làm việc và phân công nhiệm vụ của các thành viên Tổ Công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Tại phiên họp, các đại biểu đã nghe có báo cáo và thảo luận về Quy chế làm việc và phân công nhiệm vụ của các thành viên Tổ Công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; trao đổi thống nhất nguyên tắc hoạt động, phương thức hoạt động, các nội dung trọng tâm, trọng điểm rà soát./.

Bảo Yến - Nghĩa Đức

Các bài viết khác