NHẬN THỨC VỀ ĐỔI MỚI CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG CHƯA ĐẦY ĐỦ, SÂU SẮC, TOÀN DIỆN

24/07/2023

Báo cáo kết quả giám sát bước đầu chuyên đề giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh – Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát cho biết nhận thức của một bộ phận cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên về việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông chưa đầy đủ, sâu sắc, toàn diện.

QUỐC HỘI THÔNG QUA NGHỊ QUYẾT THÀNH LẬP ĐOÀN GIÁM SÁT CHUYÊN ĐỀ VIỆC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 43/2022/QH15

Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” được thành lập theo Nghị quyết số 581/NQ-UBTVQH15 ngày 29/8/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đoàn đã hoàn thành cơ bản các nội dung, công việc chủ yếu theo Kế hoạch đã ban hành. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Quốc hội, tới đây, Đoàn giám sát sẽ tổ chức phiên họp toàn thể làm việc với Chính phủ và tổ chức phiên họp giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 8/2023.

Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, báo cáo kết quả giám sát bước đầu chuyên đề giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh – Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát cho biết, việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế xuất phát từ các nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Toàn cảnh Phiên họp

Trong đó, về nguyên nhân khách quan, việc xây dựng và triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 diễn ra trong bối cảnh ngành giáo dục vẫn đang nỗ lực tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế, tổ chức bộ máy và khắc phục những khó khăn, hạn chế, bất cập của ngành. Xây dựng Chương trình giáo dục phổ thông mới là một nhiệm vụ khó; có nhiều quan điểm khác nhau cần xem xét chặt chẽ, qua nhiều bước; số lượng chuyên gia có kinh nghiệm trong biên soạn, thẩm định chương trình giáo dục phổ thông còn hạn chế;

Bên cạnh đó, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng sâu, rộng đến lĩnh vực giáo dục, nhất là trong giai đoạn bắt đầu triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới. Số lượng các cơ sở giáo dục phổ thông lớn, trải rộng khắp cả nước. Điều kiện kinh tế - xã hội của các địa phương còn khác nhau. Nguồn ngân sách nhà nước đầu tư cho giáo dục còn hạn chế, chưa đáp ứng được đầy đủ các nhu cầu.  

Chính sách, chế độ đãi ngộ đối với ngũ giáo viên chưa hấp dẫn, khó thu hút, giữ chân đội ngũ giáo viên, nhất là nhân lực chất lượng cao ở các thành phố lớn hoặc các địa bàn có điều kiện kinh tế, xã hội khó khan. Việc triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới đồng thời ở cả 3 cấp học, ở tất cả các địa phương, cơ sở giáo dục, thực hiện đồng thời cả chương trình cũ và chương trình mới tạo nên nhiều áp lực, thách thức trong quá trình thực hiện.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh – Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát chuyên đề trình bày báo cáo Kết quả giám sát chuyên đề 

Về nguyên nhân chủ quan, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho biết, nhận thức của một bộ phận cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên về việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông chưa đầy đủ, sâu sắc, toàn diện. Trình độ, năng lực chuyên môn của một bộ phận cán bộ quản lý giáo dục còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu; chưa năng động, sáng tạo, tự giác học tập, nghiên cứu; chậm đổi mới trong công tác quản lý. Vai trò trách nhiệm của người đứng đầu và cơ quan tham mưu trong tổ chức thực hiện các chính sách đổi mới giáo dục ở một số địa phương chưa rõ nét; chưa quyết liệt, kịp thời xử lý, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh. Một bộ phận giáo viên chưa bắt kịp yêu cầu đổi mới trong phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá. Trình độ và khả năng tiếp thu của học sinh ở các địa bàn khác nhau có sự chênh lệch.

Bên cạnh đó, công tác tổng kết thực tiễn, đánh giá tác động của những chính sách, nội dung mới trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 chưa được thực hiện chặt chẽ; công tác lập kế hoạch chưa sát, chưa dự báo được hết các vấn đề phát sinh trong thực tiễn. Các chiến lược, quy hoạch phát triển giáo dục thời kỳ 2021-2030 chậm được phê duyệt. Sự phối hợp và chia sẻ thông tin giữa các Bộ, ngành, địa phương trong việc chỉ đạo, triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông chưa đầy đủ, chặt chẽ và thường xuyên.

Theo Đoàn giám sát, trách nhiệm chính của những tồn tại, hạn chế nêu trên thuộc về các tổ chức, cá nhân và người đứng đầu các cơ quan, đơn vị chỉ đạo, chủ trì tham mưu, xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật và tổ chức thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Chính phủ chịu trách nhiệm toàn diện trong chỉ đạo thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; trong đó, có trách nhiệm trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật và một số đề án chậm tiến độ; chưa kiên quyết xử lý các vi phạm và giải quyết các vướng mắc phát sinh; chưa đáp ứng đầy đủ điều kiện về kinh phí, đội ngũ giáo viên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Bộ Giáo dục và Đào tạo nhiệm kỳ 2011-2016 và 2016-2021 chịu trách nhiệm chính trong tham mưu toàn diện việc triển khai đổi mới giáo dục phổ thông; nhất là về tiến độ xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới chậm so với tiến độ đặt ra; không tổ chức biên soạn được một bộ sách giáo khoa; công tác thực nghiệm, thẩm định chương trình, sách giáo khoa còn một số hạn chế; hướng dẫn lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông còn bất cập, dẫn đến sự thực hiện không thống nhất giữa các địa phương; giá các bộ sách giáo khoa, tỷ lệ chiết khấu cao; các dự án hỗ trợ đổi mới chương trình, sách giáo khoa triển khai chậm tiến độ, tỷ lệ giải ngân thấp, có sai phạm, khuyết điểm trong quản lý.

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm về các tồn tại hạn chế trong chỉ đạo tổ chức biên soạn, thẩm định, phát hành tài liệu giáo dục địa phương; việc hướng dẫn lựa chọn, phê duyệt, bảo đảm sách giáo khoa mới cho các cơ sở giáo dục; việc tuyển dụng giáo viên khó khăn, tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ kéo dài, chưa được giải quyết dứt điểm; công tác quy hoạch và triển thực hiện quy hoạch về cơ sở giáo dục phổ thông chưa được chú trọng; cơ sở vật chất, trang thiết bị chưa được đảm bảo đầy đủ.

Hồ Hương

Các bài viết khác