GIÁM SÁT VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG: LÀM RÕ TÁC ĐỘNG CỦA SỰ CHUYỂN DỊCH NĂNG LƯỢNG ĐỐI VỚI NGÀNH THAN VÀ DẦU KHÍ.

21/07/2023

Chiều ngày 21/7, tại Nhà Quốc hội, Đoàn giám sát của UBTVQH về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021” làm việc với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam. Tại buổi làm việc, các ý kiến đề nghị đánh giá rõ hơn về tác động của sự chuyển dịch năng lượng đối với ngành dầu khí và than – khoáng sản.

ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA UBTVQH LÀM VIỆC VỚI CÁC TẬP ĐOÀN VỀ VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG

Toàn cảnh buổi làm việc.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy, Phó Trưởng đoàn thường trực Đoàn giám sát chủ trì buổi làm việc. Dự buổi làm việc có Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Tạ Đình Thi; các thành viên Đoàn giám sát, chuyên gia tham gia Đoàn giám sát… Về phía cơ quan báo cáo có đại diện lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; đại diện Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam; đại diện các bộ, ngành liên quan.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy, Phó Trưởng đoàn thường trực Đoàn giám sát chủ trì buổi làm việc.

Phát biểu khai mạc buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy, Phó Trưởng đoàn thường trực Đoàn giám sát cho biết, sau khi làm việc với các địa phương, làm việc với Bộ Công thương, chiều ngày 21/7 Đoàn giám sát làm việc với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy khẳng định, kết quả làm việc với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam có ý nghĩa quan trọng vì đây là hai đơn vị liên quan trực tiếp đến lĩnh vực năng lượng; báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội.

Sau phần phát biểu khai mạc, các đại biểu nghe đại diện Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam báo cáo kết quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021 và trao đổi, thảo luận làm rõ các vấn đề đại biểu quan tâm.

Một số luật, văn bản hướng dẫn thi hành luật chưa được ban hành kịp thời.

Báo cáo với Đoàn giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021, lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết, triển khai thực hiện Nghị quyết số 41 của Bộ Chính trị, Quyết định số 1748, 1749 của Thủ tướng Chính phủ, Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã Xây dựng Chương trình hành động số 68-CTr/ĐU ngày 02/8/2016, Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam lần thứ II nhiệm kỳ 2015-2020, lần thứ III nhiệm kỳ 2020-2025 và Nghị quyết về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ công tác hàng năm để triển khai thực hiện Nghị quyết số 41.

Lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trình bày báo cáo tại buổi làm việc.

Phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng trình Bộ Công thương, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2035; Quy hoạch phát triển ngành Công nghiệp khí Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2035; Kế hoạch 5 năm 2016- 2020 của Tập đoàn để cụ thể hóa các mục tiêu trong giai đoạn đầu của Chiến lược; Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Xây dựng kế hoạch 5 năm 2021- 2025 của Tập đoàn trình Chính phủ…

Theo báo cáo của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, trong quá trình triển khai các nhiệm vụ chính trị, hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực năng lượng, PVN đã và đang gặp phải một số khó khăn, vướng mắc như: Hiện chưa có quy định của pháp luật trong việc xây dựng, thẩm định, phê duyệt cước phí vận chuyển khí qua các hạ tầng khí. Đối với chuỗi dự án khí tự nhiên trong nước, hiện chưa có quy định pháp lý, hướng dẫn cụ thể liên quan đến việc bao tiêu một phần hoặc toàn bộ lượng khí khai thác ở thượng nguồn của các nhà máy điện, ảnh hưởng đến hiệu quả và tiến độ của cả chuỗi dự án. Sự phát triển bùng nổ của các loại hình năng lượng tái tạo đã và đang ảnh hưởng mạnh đến hoạt động sản xuất kinh doanh của PVN nói riêng, và nguồn thu ngân sách của Nhà nước nói chung. Chưa có sự nhất quán trong quy định về xác định dự toán gói thầu EPC đối với dự án triển khai đấu thầu EPC ngay sau khi thiết kế cơ sở được phê duyệt và thiết kế FEED được sẽ thực hiện trong giai đoạn EPC…

Lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cũng báo cáo về định hướng chiến lược phát triển năng lượng của PVN đến năn 2030, tầm nhìn đến năm 2045; quy hoạch và đánh giá tiềm năng, khả năng khai thác các nguồn năng lượng; việc cung ứng, dự trữ xăng dầu; chuyển dịch năng lượng, phát triển các nguồn năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; hợp tác đào tạo nhân lực, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực năng lượng; tình hình thực hiện các dự án chậm tiến độ; công tác thăm dò, khai thác dầu khí; tái cơ cấu doanh nghiệp…

Đại diện lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) báo cáo với Đoàn giám sát.

Báo cáo về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) nêu rõ, thực hiện các quy định của văn bản quy phạm pháp luật, chủ trương chính sách của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành, TKV đã ban hành các Nghị quyết, Quyết định và các văn bản chỉ đạo kịp thời để tổ chức triển khai thực hiện, bảo đảm phát triển ngành năng lượng theo hướng bền vững, đóng góp tích cực vào việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng tối đa nhu cầu than - điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, báo cáo của TKV cũng nêu rõ, một số luật, văn bản hướng dẫn thi hành luật chưa được ban hành kịp thời, một số nội dung không phù hợp thực tiễn nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung. Ngoài ra, một số văn bản thay đổi trong thời gian ngắn, thiếu tính dự báo, làm cho việc triển khai thực hiện bị động, lúng túng. Đối với sản xuất than, sau khi Luật Quản lý vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp và các nghị định hướng dẫn, doanh nghiệp chỉ còn được trích 3 quỹ từ lợi nhuận sau thuế. Do đó, Tập đoàn không còn các quỹ tập trung như trước đây, khiến việc thu xếp nguồn vốn thực hiện các đề án thăm dò, khảo sát, đặc biệt là tại các mỏ mới có giá trị rất lớn đều gặp khó khăn.

Lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam cũng báo cáo với Đoàn giám sát về định hướng chiến lược phát triển năng lượng của TKV; chuyển dịch năng lượng, phát triển các nguồn năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; hợp tác đào tạo nhân lực, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực năng lượng; tình hình thực hiện các dự án chậm tiến độ; công tác thăm dò, khai thác dầu khí; tái cơ cấu doanh nghiệp…

Làm rõ tác động của sự chuyển dịch năng lượng đối với ngành than và dầu khí.

Tại buổi làm việc, nhiều ý kiến đánh giá cao báo cáo của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam đã bám sát đề cương của Đoàn giám sát; đánh giá cao hoạt động của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam đã có nhiều đóng góp vào sự phát triển của đất nước, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng ở Việt Nam.

Đại biểu Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho rằng, thời gian gần đây, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã tổ chức lại hoạt động của các đơn vị, thay đổi phương thức hoạt động tạo nên nhiều chuyển biến tích cực, lấy lại sức mạnh của một tập đoàn quốc gia. Mặc dù có đóng góp quan trọng vào ngân sách nhà nước nhưng cũng vẫn còn hạn chế, thách thức trong việc tái cấu trúc, tổ chức động, cần được làm rõ hơn trong báo cáo.

Đại biểu nhấn mạnh, thách thức lớn nhất của Tập đoàn hiện nay là cạn kiệt nguồn tài nguyên, nhất là tài nguyên dầu; bên cạnh đó là thách thức về thay đổi công nghệ trong khai thác chế biến sản phẩm; biến đổi khí hậu, cạnh tranh của các tập đoàn lớn…

Đại biểu chia sẻ với những khó khăn, thách thức này và đề nghị cần có sự nhất quán trong áp dụng pháp luật về dầu khí, điều này thuộc trách nhiệm của Chính phủ và Bộ Công thương trong việc ban hành văn bản hướng dẫn; đồng thời sửa đổi một số luật liên quan đến dầu khí phù hợp với thông lệ quốc tế như Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ Môi trường.

Đại biểu Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội phát biểu.

Đại biểu Lê Thanh Vân cũng đề nghị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam báo cáo rõ hơn về phương án xử lý đối với các dự án thua lỗ, chậm tiến độ; kế hoạch chuyển hướng sang năng lượng tái tạo trong bối cảnh nguồn năng lượng đang có nguy cơ cạn kiệt và chiến lược phát triển nhân sự chất lượng cao trong lĩnh vực dầu khí.

Thành viên Đoàn giám sát đề nghị làm rõ nhận định của Tập đoàn Dầu khí cho rằng, sự phát triển bùng nổ của các loại hình năng lượng tái tạo đã ảnh hưởng mạnh đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nói riêng và nguồn thu ngân sách của Nhà nước nói chung.

Đại biểu đề nghị làm rõ tiến độ, thời gian xử lý các dự án chậm tiến độ, trách nhiệm cụ thể thuộc về ai, khó khăn, vướng mắc vụ thể như thế nào, kiến nghị Quốc hội tháo gỡ cụ thể.

Cùng với đó, đại biểu lo ngại hệ thống kho dự trữ xăng dầu mặc dù đã có trong quy hoạch nhưng chưa được đầu tư hay hệ thống kho về khí của cả nước còn quá mỏng (với 48 kho) so với nhu cầu thực tế; đề nghị lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam báo cáo thêm về vấn đề này.

Một số ý kiến của Đoàn giám sát cũng đề nghị PVN cần làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan đối với một số nội dung còn tồn đọng, hạn chế, trong đó có các dự án lớn chậm tiến độ; trách nhiệm của PVN và các công ty thành viên trực thuộc Tập đoàn PVN.

Một số đại biểu đề nghị lãnh đạo tập đoàn TKV, PVN làm rõ tác động của quá trình chuyển dịch năng lượng đặt ra thách thức cần có sự chuyển hướng đầu tư, phát triển đối với từng ngành…

Đối với Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam, đại biểu Trần Văn Khải, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết: báo cáo của TKV nêu “nhu cầu trong nước luôn cao hơn khả năng sản xuất”; cũng trong báo cáo cũng nêu “Công tác tiêu thụ than một số năm đạt thấp, TKV phải điều hành giảm khai thác than dưới công suất thiết kế mỏ,… do đó thời điểm kết thúc dự án vẫn chưa khai thác hết than phải gia hạn hoặc điều chỉnh giấy phép nhiều lần để tiếp tục khai thác”. Đại biểu đề nghị lãnh đạo TKV làm rõ nội dung này trong báo cáo để phục vụ công tác tổng hợp của Đoàn giám sát.

Phát biểu tiếp thu, giải trình tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam khẳng định sẽ tiếp thu, bổ sung ý kiến hoàn thiện báo cáo gửi Đoàn giám sát.

Lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam đã giải trình các vấn đề thành viên Đoàn giám sát nêu liên quan đến quá trình chuyển đổi năng lượng ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động của hai tập đoàn; công tác quản trị của tập đoàn và các công ty thành viên; chiến lược phát triển của ngành góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đối với lĩnh vực dầu khí…

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy, Phó Trưởng đoàn thường trực Đoàn giám sát phát biểu kết luận buổi làm việc.

Phát biểu kết luận, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy, Phó Trưởng đoàn thường trực Đoàn giám sát nêu rõ, Đoàn giám sát đánh giá cao Tập đoàn TKV, Tập đoàn PVN đã chuẩn bị báo cáo nghiên túc, cơ bản đáp ứng nội dung theo yêu cầu của Đoàn giám sát.

Các ý kiến phát biểu tại buổi làm việc đã trao đổi, thảo luận thẳng thắng, xây dựng, công tâm, khách quan, đúng trọng tâm; nội dung tiếp thu giải trình của lãnh đạo Tập đoàn TKV và PVN cơ bản bám sát câu hỏi thành viên Đoàn giám sát nêu; đánh giá cao thời gian qua Tập đoàn PVN và Tập đoàn TKV đã cố gắng, nỗ lực trong thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng tại hai tập đoàn còn hạn chế, khuyết điểm như đã nêu trong báo cáo của hai đơn vị và các ý kiến tại buổi làm việc.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy đề nghị lãnh đạo Tập đoàn PVN và Tập đoàn TKV tiếp tục hoàn thiện báo cáo, bổ sung các nội dung về trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân, giải pháp, đề xuất kiến nghị cụ thể, phân công rõ người, rõ tiến độ thời gian hoàn thành. Bổ sung các danh mục cụ thể về những vướng mắc, chồng chéo liên quan đến hệ thống pháp luật, từ đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa vào nghị quyết giám sát.

Tập đoàn TKV và Tập đoàn PVN quan tâm, bổ sung vào báo cáo các nội dung được thành viên Đoàn giám sát nêu liên quan đến việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia; Chuyển dịch năng lượng; các dự án chậm tiến độ, tạm dừng, phá sản; khai thác tiềm năng của các nguồn năng lượng của đất nước; công tác nghiên cứu, chuyển giao khoa học; tác động của phát triển năng lượng đến môi trường…

Một số hình ảnh tại buổi làm việc:

Toàn cảnh buổi làm việc của Đoàn giám sát về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021” làm việc với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy, Phó Trưởng đoàn thường trực Đoàn giám sát phát biểu khai mạc buổi làm việc.

 

Các đại biểu tham dự buổi làm việc.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Tạ Đình Thi phát biểu tại buổi làm việc.

Ông Phan Xuân Dũng, thành viên Đoàn giám sát, Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận phát biểu tại buổi làm việc.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Trần Văn Khải phát biểu.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Tạ Văn Hạ phát biểu.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Quốc hội Nguyễn Công Long phát biểu.

Đại diện lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản tiếp thu, giải trình vấn đề thành viên Đoàn giám sát nêu.

Ông Ngô Hoàng Ngân - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam phát biểu

Các đại biểu nêu ý kiến tại buổi làm việc.

Lan Hương - Nghĩa Đức