QUẢNG NAM CẦN NỖ LỰC HƠN TRONG TRIỂN KHAI CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA

21/07/2023

Sáng 21/7, Đoàn Giám sát của Quốc hội do Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh làm Trưởng đoàn có cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam về việc triển khai các Nghị quyết của Quốc hội liên quan 3 chương trình mục tiêu quốc gia: Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI TRẦN QUANG PHƯƠNG LÀM VIỆC VỚI TỈNH ĐẮK LẮK VỀ CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA

PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI TRẦN QUANG PHƯƠNG LÀM VIỆC VỚI HUYỆN A LƯỚI, TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

Năm 2022, gia đình chị Duyên thuộc diện hộ nghèo qua rà soát của xã Phước Năng, huyện Phước Sơn, được hỗ trợ tiền làm nhà theo Quyết định 90. Tuy nhiên, năm 2023, tỉnh Quảng Nam ban hành văn bản mới, thay đổi tiêu chí hộ nghèo, xã phải rà soát lại và gia đình chị không còn là hộ nghèo, và không được hỗ trợ. Chị Duyên chia sẻ nếu biết được không trong diện hộ nghèo thì sẽ không xây nhà. Và đây là tình trạng chung của gần 22 hộ ở xã Phước Năng, và chính quyền địa phương đang gặp lúng túng trong việc khắc phục, xử lý.

Ông Hồ Văn Thai, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Năng cho biết, “Chúng tôi rà soát theo văn bản của cấp trên, có khoảng trên 100 hộ có nhà chưa đảm bảo. Trong giai đoạn khuyến khích các hộ làm nhà thì lại có văn bản hướng dẫn một số hộ không được hưởng quyết định 90, rất thiệt thòi cho các hộ làm nhà rồi”.

Chính quyền địa phương đang gặp lúng túng trong việc khắc phục, xử lý hỗ trợ tiền làm nhà theo Quyết định 90.

Đây là một dẫn chứng cụ thể cho tình trạng văn bản chồng chéo, và có số lượng lớn khiến các địa phương lúng túng. Ông Hồ Công Điểm, Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cũng chia sẻ, chương trình phát triển kinh tế xã hội và các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn này với nhiều quy định, cách làm mới, nên các văn bản hướng dẫn còn chồng chéo, dẫn đến địa phương lúng túng trong triển khai.

Gặp lúng túng do có quá nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn từ Trung ương, từ tỉnh đến huyện, trong khi công tác tập huấn, đào tạo cho cán bộ cơ sở còn ít, và chậm là một trong những nguyên nhân khiến cho việc triển khai chương trình mục tiêu quốc gia ở địa phương gặp nhiều khó khăn.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Lâm Văn Đoan băn khoăn, “Văn bản ở Trung ương rất nhiều, ở tỉnh tôi đếm sơ sơ 5 600 đầu văn bản, trong đó chương trình nông thôn mới đến 450 văn bản, khối lượng như thế thì cấp huyện cấp xã sẽ gặp khó khăn”.

Đồng quan điểm này, Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc Cao Thị Xuân nhận định, “600 văn bản của tỉnh này chưa kể của huyện, thì cán bộ xã sẽ đọc như thế nào, và hiểu như thế nào. Vậy thì đã thành lập ban chỉ đạo rồi tại sao không tích hợp các nội dung trùng, giống nhau. Mỗi sở lại thành lập văn bản như vậy thì gây khó khăn và lúng túng cho cơ sở”.

Quang cảnh buổi làm việc.

Trước những kiến nghị của các địa phương và đoàn giám sát, tỉnh Quảng Nam cho biết đang có phương án tích hợp các văn bản vào sổ tay tra cứu để thuận lợi hơn cho các đơn vị, huyện, xã triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia.

Ngoài vấn đề văn bản chồng chéo, trong thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cho biết, qua hơn 2 năm triển khai các chương trình, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn và miền núi Quảng Nam, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các xã đặc biệt khó khăn đã được tăng cường đầu tư. Diện mạo nông thôn và miền núi thay đổi một cách căn bản, đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất, đời sống của người dân, phát triển theo quy hoạch.Theo thống kê, đến tháng 6/2023, Quảng Nam có 117/193 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 60,62%), tăng 5 xã so với năm 2020. Hiện nay tiếp tục hoàn thiện hồ sơ công nhận thêm 6 xã, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới toàn tỉnh lên 123 xã (chiếm 63,73%).

Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân các nguồn vốn còn thấp do cuối năm 2022 trung ương, tỉnh mới cơ bản ban hành đầy đủ các cơ chế, chính sách và quy định, hướng dẫn thực hiện các chương trình giai đoạn 2021 - 2025. Bộ máy tham mưu thực hiện các chương trình ở các cấp chậm được kiện toàn ổn định, chưa đảm bảo tính đồng bộ nên khi triển khai cho giai đoạn mới gặp không ít khó khăn, vướng mắc trong việc tiếp cận, tham mưu tổ chức thực hiện.

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các chương trình của một số cấp ủy, chính quyền còn thiếu sâu sát, quyết liệt. Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành có nơi chưa chặt chẽ; một số chỉ tiêu thực hiện còn chưa đạt kế hoạch đề ra; tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo ở 10 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao còn thấp; một số chỉ tiêu, tiêu chí mới chạm ngưỡng, thậm chí sau đánh giá còn bị rớt chuẩn; việc triển khai các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị còn chậm. Đặc biệt, việc huy động nguồn lực thực hiện các chương trình còn hạn chế…

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh kết luận buổi làm việc.

Trước những khó khăn đã và đang gặp phải, tỉnh Quảng Nam kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định giao vốn sự nghiệp trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 để UBND cấp tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện cho cả giai đoạn. Đồng thời, đề nghị Bộ Xây dựng sớm ban hành hướng dẫn quy trình, thủ tục quản lý chất lượng thi công, nội dung, định mức chi phí thực hiện công tác bảo trì công trình được đầu tư xây dựng theo cơ chế đặc thù quy định tại Nghị định số 27 (ngày 19/4/2022) của Chính phủ.

Tỉnh cũng kiến nghị các bộ, ngành Trung ương khi xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách giai đoạn 2021 - 2025 cần phân cấp mạnh cho UBND tỉnh trong thực hiện và chịu trách nhiệm. Đối với các văn bản hướng dẫn sử dụng vốn chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, Trung ương cần hướng dẫn sử dụng vốn thuận lợi, chỉ quy định khung chung, tạo chủ động cho cấp cơ sở và người dân, rút ngắn thủ tục nhằm tạo điều kiện cho các địa phương trong thực hiện...

Thay mặt đoàn giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh đánh giá cao những nỗ lực của Quảng Nam trong triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia thời gian qua và ghi nhận các kiến nghị, đề xuất của tỉnh. Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng, thời gian tới Quảng Nam cần tập trung triển khai đồng bộ và hiệu quả các giải pháp để việc thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia mang lại thành công lớn. Quan tâm đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ cấp huyện, cấp xã để việc tham mưu, tổ chức triển khai các chương trình đạt kết quả cao. Đặc biệt, tỉnh nên thành lập các tổ công tác tăng cường xuống cơ sở kiểm tra, đôn đốc thực hiện phần việc của 3 chương trình này.

Nguyễn Hùng