PGS. TS DOÃN HỒNG NHUNG: LUẬT HÓA CÁC QUY ĐỊNH CỤ THỂ KHUYẾN KHÍCH ĐẦU TƯ, PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO

18/07/2023

Theo PGS. TS Doãn Hồng Nhung, giảng viên cao cấp – Đại học Quốc gia Hà Nội, nhu cầu năng lượng đang ngày càng tăng lên, do đó các nhà hoạch định chính sách và xây dựng pháp luật nên lựa chọn điện gió là giải pháp mang tính lâu dài và mang tầm chiến lược phát triển cho đất nước Việt Nam trong thời đại công nghệ 4.0.

Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển điện gió

Phát triển điện gió là một hướng đi đúng đắn của Nhà nước ta trong bối cảnh nguồn cung điện không đáp ứng nhu cầu và ô nhiễm môi trường diễn ra nghiêm trọng hiện nay ở nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam.

 Việt Nam có bờ biển dài, rất nhiều vùng có điều kiện kinh tế xã hội và điều kiện tự nhiên nắng và gió là nguồn năng lượng tái tạo  cần được khai thác. Điều kiện tự nhiên và điều kiện kinh tế - xã hội ở nước ta có nhiều điểm thuận lợi cho phát triển các dự án điện gió. Bên cạnh đó, quá trình triển khai các dự án điện gió còn gặp phải một số khó khăn.

Phát triển năng lượng xanh, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo ở Việt Nam

Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 quy định các chính sách của Nhà nước về bảo vệ môi trường cũng được quy định rõ trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, trong đó: Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân tham gia thực hiện, kiểm tra, giám sát hoạt động bảo vệ môi trường. Tuyên truyền, giáo dục kết hợp với biện pháp hành chính, kinh tế và biện pháp khác để tăng cường việc tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường, xây dựng văn hóa bảo vệ môi trường. Chú trọng bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên; khai thác, sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên; phát triển năng lượng sạch và năng lượng tái tạo; phát triển hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường. 

Nghị định số 10/VBHN- BCT ngày 09/03/2020, Chinh Phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Điện lực và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực   và Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 37/2011/QĐ-TTg về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam của Thủ tướng Chính phủ  cũng tác động không nhỏ đến nguồn điện gió của Việt Nam. Điện gió là nguồn năng lượng lâu dài và an toàn cho nhân sinh hiện nay.

Theo Quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 25 tháng 11 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, một trong các quan điểm phát triển là “chú trọng sử dụng các công nghệ đã được kiểm chứng trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, như thủy điện, năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng sinh khối, khí sinh học để phát triển các nguồn năng lượng tái tạo cung cấp có hiệu quả điện năng cho hệ thống điện quốc gia và nhiệt năng cho nhu cầu nhiệt trong sản xuất và sinh hoạt.”.

Việt Nam đã thu hút đáng kể việc đầu tư vào phát triển năng lượng xanh, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo (NLX, NLS, NLTT) với những chính sách gần đây, đặc biệt là điện gió và điện mặt trời. Quy mô vốn và chất lượng dự án có những tăng trưởng nhất định, góp phần tạo việc làm, thu nhập cho người lao động; nâng cao trình độ, năng lực sản xuất; tăng thu ngân sách nhà nước, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng.

Về mặt pháp lý, Việt Nam phần nào đã có những thành công nhất định khi áp dụng một số biện pháp pháp lý để khuyến khích đầu tư NLX, NLS, NLTT. Về cơ chế chính sách chung, Việt Nam đã thể hiện chính sách khuyến khích phát triển NLTT trong cơ chế chính sách tổng thể một cách rõ ràng.

 Ngoài ra, Việt Nam đã áp dụng các chính sách bổ trợ khác, bao gồm: chính sách ưu đãi và hỗ trợ về tín dụng và đầu tư; ưu đãi về thuế nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp; ưu đãi về sử dụng đất và tài nguyên: miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền thuê mặt nước để đầu tư và phát triển;…

Cân nhắc xây dựng một bộ luật cụ thể để khuyến khích đầu tư, phát triển NLX, NLS, NLTT

 PGS. TS Doãn Hồng Nhung, giảng viên cao cấp – Trường Đại học Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội

Đưa ra giải pháp phát triển điện gió ở Việt Nam, PGS. TS Doãn Hồng Nhung cho rằng, để đảm bảo sự đồng bộ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả pháp lý của khung pháp luật hiện hành, Việt Nam có thể cân nhắc xây dựng một bộ luật cụ thể để khuyến khích đầu tư, phát triển NLX, NLS, NLTT. Luật này sẽ góp phần giải quyết các vấn đề bất cập phát sinh không thống nhất không cần thiết giữa các văn bản pháp luật, cũng như bổ sung hướng dẫn những cơ chế mới (cơ chế đấu thầu cạnh tranh điện mặt trời và điện gió và cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA).

Bên cạnh đó, về khung pháp lý về hợp đồng và giao dịch, một trong các giải pháp có thể cân nhắc đó là cải thiện hơn nữa cơ chế chia sẻ rủi ro trong các Hợp đồng mua bán điện mẫu đối với điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối, điện từ chất thải rắn, thủy điện nhỏ. Chính sách này cũng gắn liền với việc thu hút vốn vay từ các tổ chức tài chính nước ngoài khi số lượng và quy mô các dự án tăng thêm.

Về chính sách giá điện, Việt Nam có thể kết hợp chính sách ưu đãi, hỗ trợ với cơ chế thị trường và lập chính sách giá điện FiT ưu đãi nên ổn định, minh bạch, và có tính dự báo cao để tạo niềm tin cho các nhà đầu tư tư nhân đầu tư lâu dài và bền vững ở Việt Nam. Việc xây dựng cơ chế chính sách cụ thể về giá điện cũng cần gắn liền với các chiến lược, mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, môi trường, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững để đảm bảo việc phát triển thị trường được bền vững và ổn định, sử dụng tài nguyên một cách hợp lý và khoa học.

Cũng theo PGS. TS Doãn Hồng Nhung lập quy hoạch phát triển điện gió rất cần thiết bởi đây là định hướng đầu tiên cho việc xây dựng các dự án điện gió. Ngoài ra, về các cơ chế mới, Việt Nam có thể bổ sung và hoàn thiện hệ thống các quy định pháp luật về phát triển điện thông minh (smart power), bao gồm lưới điện thông minh (smart grid) và ứng dụng công nghệ thông tin vào ngành năng lượng điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (energy efficiency) trong nền kinh tế; đầu tư vào hệ thống lưu trữ điện năng (energy storage) phù hợp với tình hình phát triển của thị trường. Nhà nước còn cần phải có chính sách ưu đãi, khuyến khích đối với việc nghiên cứu ra các giải pháp về khoa học kỹ thuật cho dự án điện gió…

 Nhà nước cần có các dự án sản xuất điện gió thí điểm. Các dự án thí điểm cần phải được tính toán đảm bảo tiết kiệm chi phí và trong trường hợp kết quả thí điểm cho thấy có khả năng phát triển điện gió tại khu vực đó thì dự án thí điểm trở thành một bộ phận của dự án  thực tế trong tương lai.

Nhu cầu năng lượng đang ngày càng tăng lên do sự phát triển công nghiệp và hiện đại hóa đất nước, điện gió  nguồn năng lượng dễ tái tạo và “sạch”, năng lượng điện gió đóng vai trò hết sức quan trọng trong đảm bảo an ninh năng lượng và có thể thay thế nguồn năng lượng hóa thạch trong tương lai. Các nhà hoạch định chính sách và xây dựng pháp luật nên lựa chọn điện gió là giải pháp mang tính lâu dài và mang tầm chiến lược phát triển cho đất nước Việt Nam trong bối cảnh hiện nay./.

Lê Anh