TRƯỞNG BAN DÂN NGUYỆN DƯƠNG THANH BÌNH CHỦ TRÌ PHIÊN HỌP THỨ NHẤT CỦA BAN SOẠN THẢO NGHỊ QUYẾT VỀ TIẾP CÔNG DÂN, XỬ LÝ ĐƠN THƯ VÀ GIÁM SÁT VIỆC TIẾP CÔNG DÂN, GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO CỦA CƠ QUAN DÂN CỬ, ĐẠI BIỂU DÂN CỬ

14/07/2023

Sáng ngày 14/07, tại Nhà Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình chủ trì phiên họp thứ nhất của Ban soạn thảo Nghị quyết về tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của cơ quan dân cử, đại biểu dân cử.

PHIÊN HỌP THỨ NHẤT CỦA BAN SOẠN THẢO NGHỊ QUYẾT VỀ TIẾP CÔNG DÂN, XỬ LÝ ĐƠN THƯ VÀ GIÁM SÁT VIỆC TIẾP CÔNG DÂN, GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO CỦA CƠ QUAN DÂN CỬ, ĐẠI BIỂU DÂN CỬ 

Toàn cảnh phiên họp

Tham dự phiên họp có: các thành viên Ban soạn thảo; đại diện Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Ủy ban Tài chính, ngân sách, Ban Công tác đại biểu, Hội đồng dân tộc...; cùng đại diện Hội đồng nhân dân một số địa phương.

Báo cáo về việc triển khai xây dựng Nghị quyết và xin ý kiến về một số nội dung quan trọng của Nghị quyết, Phó Trưởng Ban Dân nguyện, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban soạn thảo Hoàng Anh Công cho biết, để kịp thời triển khai các hoạt động xây dựng Nghị quyết, Ban Dân nguyện đã trình Ủy ban đây Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 797/NQ-UBTVQH15 về việc thành lập Ban soạn thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân và giám sát việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan dân cử, đại biểu dân cử. Thường trực Ban Soạn thảo cũng đã chỉ đạo Thường trực Tổ Biên tập (Vụ Dân nguyện) triển khai, thực hiện một số nội dung, yêu cầu trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật như: xây dựng Báo cáo Tổng kết việc thực hiện 03 Nghị quyết; thực hiện đánh giá tác động văn bản khi được ban hành...

Phó Trưởng Ban Dân nguyện, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban soạn thảo Hoàng Anh Công trình bày Báo cáo

Phó Trưởng Ban Dân nguyện, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban soạn thảo Hoàng Anh Công cho biết, Nghị quyết quy định phạm vi, đối tượng điều chỉnh của cơ quan dân cử, đại biểu dân cử trong việc thực hiện trách nhiệm tiếp công dân, xử lý đơn thư được quy định tại Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Hoạt động giám sát, Luật Tiếp công dân. Tuy nhiên để đảm bảo tính chặt chẽ, thống nhất trong các văn bản, phù hợp với yêu cầu đổi mới hoạt động cơ quan dân cử theo hướng sát dân, gần dân hơn, Nghị quyết mới sẽ bố cục lại để cụ thể hơn trách nhiệm của các cơ quan dân cử, đại biểu dân cử.

Từ các căn cứ đã nghiên cứu, Phó Trưởng Ban Dân nguyện, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban soạn thảo Hoàng Anh Công cho biết, Thường trực Ban Soạn thảo đề xuất tên Nghị quyết mới dự kiến là: Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn hoạt động tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến cơ quan dân cử, đại biểu dân cử. Đồng thời, đề xuất việc xây dựng dự thảo Nghị quyết này cần quy định theo hướng cụ thể hơn về hoạt động tiếp công dân của cơ quan dân cử, đại biểu dân cử, điều kiện xử lý đơn thư của cơ quan dân cử, đại biểu dân cử; quy định, hướng dẫn cụ thể hơn về cơ chế phối hợp giữa các cơ quan dân cử với các cơ quan có thẩm quyền giải quyết; giữa các cơ quan dân cử cùng cấp; khắc phục được những bất cập trong việc xác định thẩm quyền, trách nhiệm xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo giữa các cơ quan dân cử…

Theo Kế hoạch, dự kiến cuối tháng 7, Ban soạn thảo sẽ tổ chức Phiên họp thứ 2; gửi văn bản xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sau đó xin ý kiến các cơ quan, tổ chức thuộc đối tượng điều chỉnh và cơ quan soạn thảo về dự thảo Nghị quyết trong tháng 8. Cũng trong tháng 8, Ban soạn thảo dự kiến sẽ tiến hành họp Phiên thứ 3 để thảo luận, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết và gửi cơ quan thẩm tra. Sau đó, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung trong tháng 9…

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Minh Nam 

Qua thảo luận tại phiên họp, các đại biểu cơ bản đồng tình và đánh giá cao với nhiều nội dung của Báo cáo về việc triển khai xây dựng Nghị quyết và xin ý kiến về một số nội dung quan trọng của Nghị quyết; cho rằng, Báo cáo đã được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, đã cung cấp toàn diện các thông tin, tài liệu…

Về việc lựa chọn tên gọi của dự thảo Nghị quyết, các đại biểu cho rằng, trước hết cần bám theo phân công, chỉ đạo của Đảng đoàn Quốc hội. Sau đó trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc đổi tên với các phương án cụ thể, rõ ràng cùng các lập luận, lý giải đối với từng phương án (ưu điểm, hạn chế của từng phương án)… để Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, lựa chọn ra tên gọi phù hợp nhất.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Minh Nam cho rằng, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Nghị quyết sửa đổi lần này cần quy định trên cơ sở hoàn thiện Nghị quyết 228, Nghị quyết 694, Nghị quyết 759. Bên cạnh đó, để đảm bảo tính thống nhất và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác tiếp công dân, giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của cơ quan dân cử, đại biểu dân cử, theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Minh Nam, nội dung quy định về quy trình phân loại, xử lý đơn thư trong dự thảo Nghị quyết cũng cần tham khảo thực tế công tác của bên Chính phủ, để đảm bảo được tính khoa học, đồng bộ.

Các đại biểu cho rằng, trong các quy định của Luật Tiếp công dân cũng như Nghị quyết 759 chưa có quy định cụ thể để đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của các quy định. Bên cạnh đó, đặc điểm, tính chất có sự khác nhau giữa hoạt động tiếp công dân của cơ quan dân cử với đại biểu dân cử nên dự thảo Nghị quyết cần sửa đổi, bổ sung theo hướng mở rộng nơi tiếp công dân, hình thức tiếp công dân của đại biểu dân; quy định rõ hơn trách nhiệm tiếp công dân của đại biểu chuyên trách và đại biểu kiêm nhiệm đối với công tác tiếp công dân và hoạt động tiếp công dân. Đồng thời, cần phân định rõ tiếp công dân của đại biểu với tư cách đại biểu dân cử với tổ chức có trường hợp đại biểu tiếp công dân với tư cách là người thuộc cơ quan, trách nhiệm tiếp công dân; quy định cụ thể hơn việc thực hiện công tác tiếp công dân, giám sát việc tiếp công dân…

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phan Viết Lượng

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phan Viết Lượng cho rằng, dự thảo Nghị quyết lần này cần lưu ý quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, không chỉ các cơ quan của Quốc hội mà tất các cơ quan liên quan. Đồng thời, cần quy định rõ trình tự, thủ tục liên quan đến hoạt động tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của cơ quan dân cử, đại biểu dân cử…

Ngoài ra, để đảm bảo tính liên thông giữa hoạt động tiếp công dân, xử lý đơn thư gắn với hoạt động giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, các đại biểu cho rằng, cần phải quy định rõ trách nhiệm chủ trì, phối hợp khi thực hiện giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của Đoàn đại biểu Quốc hộ, Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Thường trực Hội đồng nhân dân cấp huyện; bổ sung quy định về chế dộ thông tin, báo cáo hàng tháng, hàng năm của Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội… Bên cạnh đó, cân nhắc lại tiến độ xây dựng dự thảo Nghị quyết để đảm bảo chất lượng, hiệu quả…

Trưởng Ban Dân nguyện, Trưởng Ban soạn thảo Dương Thanh Bình

Phát biểu kết thúc phiên họp, Trưởng Ban Dân nguyện, Trưởng Ban soạn thảo Dương Thanh Bình cảm ơn, ghi nhận các ý kiến đóng góp tại phiên họp, cho rằng các ý kiến thảo luận của các đại biểu đã rất tập trung. Nhấn mạnh việc xây dựng dự thảo Nghị quyết là nhiệm vụ quan trọng mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao, Trưởng Ban Dân nguyện, Trưởng Ban soạn thảo Dương Thanh Bình đề nghị Tổ biên tập và Vụ Dân nguyện tổng hợp lại tất cả các ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự hôm nay, trên cơ sở đó tiếp tục hoàn thiện đề cương dự thảo Nghị quyết và dự kiến kế hoạch để xin ý kiến các đại biểu một lần nữa tại phiên họp của Ban soạn thảo lần tới.

Một số hình ảnh tại phiên họp: 

Toàn cảnh phiên họp

 Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình chủ trì phiên họp thứ nhất của Ban soạn thảo Nghị quyết về tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của cơ quan dân cử, đại biểu dân cử

Tham dự phiên họp có: các thành viên Ban soạn thảo; đại diện Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Ủy ban Tài chính, ngân sách, Ban Công tác đại biểu, Hội đồng dân tộc...; cùng đại diện Hội đồng nhân dân một số địa phương

Phó Trưởng Ban Dân nguyện, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban soạn thảo Hoàng Anh Công trình bày Báo cáo

Qua thảo luận tại phiên họp, các đại biểu cơ bản đồng tình và đánh giá cao với nhiều nội dung của Báo cáo về việc triển khai xây dựng Nghị quyết và xin ý kiến về một số nội dung quan trọng của Nghị quyết

Các đại biểu cho rằng, Báo cáo đã được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, đã cung cấp toàn diện các thông tin, tài liệu…

Về việc lựa chọn tên gọi của dự thảo Nghị quyết, các đại biểu cho rằng, trước hết cần bám theo phân công, chỉ đạo của Đảng đoàn Quốc hội

Sau đó trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc đổi tên với các phương án cụ thể, rõ ràng cùng các lập luận, lý giải đối với từng phương án (ưu điểm, hạn chế của từng phương án)… để Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, lựa chọn ra tên gọi phù hợp nhất

Các đại biểu cho rằng, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Nghị quyết sửa đổi lần này cần quy định trên cơ sở hoàn thiện Nghị quyết 228, Nghị quyết 694, Nghị quyết 759

Phát biểu kết thúc phiên họp, Trưởng Ban Dân nguyện, Trưởng Ban soạn thảo Dương Thanh Bình  đề nghị Tổ biên tập tổng hợp lại tất cả các ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự hôm nay, trên cơ sở đó tiếp tục hoàn thiện đề cương dự thảo Nghị quyết và dự kiến kế hoạch để xin ý kiến các đại biểu một lần nữa tại phiên họp của Ban soạn thảo lần tới

Thu Phương – Minh Hùng