TRĂN TRỞ TRƯỚC TÌNH TRẠNG CHẢY MÁU DI SẢN Ở THÀNH PHỐ HỘI AN

07/07/2023

Được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, là nơi lưu dấu đậm nét văn hoá xưa, tuy nhiên, phố cổ Hội An đang “chảy máu di sản” do các chủ sở hữu tư nhân rao bán ồ ạt, trong khi đó, chưa có các cơ chế chính sách để địa phương khắc phục tình trạng đáng báo động này. Đây là trăn trở của thành phố Hội An, được nêu trong buổi làm việc với đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội liên quan đến việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo tồn và phát huy di sản văn hóa.

CẦN BỐ TRÍ NGUỒN LỰC ĐỂ DI DÂN RA KHỎI KHU VỰC 1 DI TÍCH

Quang cảnh buổi làm việc giữa đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội và thành phố Hội An liên quan đến việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo tồn và phát huy di sản văn hóa.

Thời điểm trước dịch Covid-19, căn nhà cổ của bà Thúy ở đường Nguyễn Thái Học trong khu phố cổ Hội An dù được trả hơn 40 tỷ đồng nhưng bà quyết tâm không bán do đã gắn bó nhiều đời với nơi này. Tuy nhiên, trường hợp như bà Thúy không nhiều, hầu hết đã sang nhượng từ lâu và chỉ còn cho thuê kinh doanh.

Hội An có hơn 1.000 nhà cổ, trong đó chỉ 10% do Nhà nước quản lý. 20% do tập thể sở hữu gồm nhà thờ tộc và hội quán, nhà lưu niệm dòng họ. Số do tư nhân sở hữu chiếm tới 70%. Loại hình thứ hai là do tập thể sở hữu, chiếm khoảng 20%, gồm nhà thờ tộc và hội quán, nhà lưu niệm dòng họ. Thứ ba là do tư nhân sở hữu, chiếm 70%. Trong đó, chỉ có khoảng 30% người gốc Hội An sở hữu, còn lại của cá nhân từ Hà Nội, Sài Gòn mua nhà và chỉ cho mở cửa hàng kinh doanh, họ tìm cách sửa từng chi tiết để phục vụ mục đích kinh doanh nên khó quản lý.

Thời gian gần đây, trên các trang web buôn bán bất động sản, hàng loạt căn nhà cổ trong phố cổ Hội An được rao bán công khai với giá dao động từ 15 đến 60 tỉ đồng. Đơn cử một ngôi nhà có diện tích 102 m2 trên đường Bạch Đằng đang rao bán với mức giá 60 tỉ đồng, khoảng gần 600 triệu đồng/m2. Chủ ngôi nhà này cho biết, trước khi dịch COVID-19 bùng phát, căn nhà này cho thuê với giá hơn 80 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, sau dịch việc kinh doanh gặp khó khăn nên quyết treo biển bán.

Người nơi khác đến mua, và tìm mọi cách cải tạo để kinh doanh. Nhà cổ Hội An khác biệt bởi được lưu giữ hầu như nguyên vẹn qua hàng trăm năm, nhưng nay mất dần chức năng và thờ cúng, chỉ còn chức năng buôn bán.

Theo ông Phạm Phú Ngọc, Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, hiện nay các di tích trong phố cổ được xem như hàng hóa, theo luật quy định thì được mua bán chuyển nhượng, không có quy định nào cấm hay không cho phép cả. Có những năm có đến 4 50 ngôi nhà mua bán chuyển nhượng, đặc biệt là các ngôi nhà thuộc sở hữu tộc họ”.

Lãnh đạo thành phố Hội An cho biết, địa phương khó mua lại nhà cổ để bảo tồn. Bên cạnh đó, phương án đưa người Hội An trở lại phố cổ cũng chỉ được vài trường hợp. “Chảy máu di sản” và “phai nhạt hồn phố” đang thực sự là vấn đề nhức nhối.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam băn khoăn: “Nhiều ngôi nhà giá trị đặc biệt, họ bán đi tiếc lắm nhưng không có cơ chế để mua. Người ta ở trong phố cổ thứ nhất là đã hy sinh rồi, trong đó không được cải tạo cao tầng, không đáp ứng cuộc sống người ta cần. Nhưng thuế phải đóng đủ, thậm chí thuế còn cao hơn, không khuyến khích họ ở lại trong đó”.

Cũng theo ông Sơn, đến nay, Hội An đã xây dựng 3 văn bản bảo đảm cơ sở pháp lý cho công tác quản lý Di sản thế giới Đô thị cổ Hội An, gồm: Quy hoạch đầu tư tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di sản Văn hóa Thế giới khu phố cổ Hội An gắn với phát triển thành phố Hội An và du lịch giai đoạn 2012 - 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 78/QĐ-TTg ngày 12/1/2012; Kế hoạch quản lý Di sản văn hóa thế giới khu phố cổ Hội An giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến 2030; Quy chế bảo vệ di sản văn hóa thế giới khu phố cổ Hội An. Tuy nhiên, vấn đề chảy máu di sản lại rất khó có thể giải quyết một sớm một chiều do không có cơ chế.

Liên quan đến vấn đề này, đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cũng bày tỏ chia sẻ với thành phố Hội An, đồng thời ghi nhận ý kiến của địa phương, sẽ nghiên cứu, góp ý sửa đổi quy định pháp luật có liên quan.

Ông Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chia sẻ, “Tôi nghĩ rằng trong thời gian tới chúng ta sửa luật di sản, hoặc các chính sách liên quan có thể không trực tiếp liên quan đến di sản, như thuế phí, đất đai, thì chúng ta có thể có cơ chế phù hợp để cộng đồng địa phương thực sự là chủ nhân của di sản”.

Nguyễn Hùng