TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 19/6: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ DỰ ÁN LUẬT NHÀ Ở (SỬA ĐỔI)
Tham gia Đoàn khảo sát còn có Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Thị Mai Phương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Đồng Ngọc Ba, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Tô Văn Tám, cùng các cán bộ Vụ Pháp luật, Văn phòng Quốc hội, đại diện Bộ Xây dựng.
Về phía Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang; các Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Toàn cảnh buổi làm việc
Phát biểu mở đầu buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, thực hiện chương trình công tác của Ủy ban Pháp luật, chuẩn bị cho phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội ban hành kế hoạch khảo sát thực tiễn thi hành Luật Nhà ở tại Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Trước đó, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), cùng với đó là cho ý kiến lần thứ 2 đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Đây là những dự án luật đặc biệt quan trọng, liên quan trực tiếp đến quyền lợi của từng hộ gia đình, người dân, doanh nghiệp, tác động đến tình hình kinh tế, thương mại, an sinh xã hội. Do đó, nhận được sự quan tâm, chú ý của cử tri và Nhân dân.
Các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại tổ và hội trường về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) với tổng sổ 238 lượt ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu; sau phiên họp có 12 đại biểu Quốc hội tiếp tục gửi văn bản góp ý.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu mở đầu buổi làm việc
Qua tổng hợp ý kiến đại biểu Quốc hội cho thấy, quy định mới của dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân tại khoản 3 Điều 81 và khoản 3 Điều 89 nhận được nhiều sự quan tâm góp ý của các đại biểu Quốc hội. Một số ý kiến tán thành quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân. Một số ý kiến cho rằng Ủy ban nhân dân là chủ thể lập quy hoạch nên nắm rõ về quy hoạch, nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, do đó đề nghị không quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân mà trách nhiệm này thuộc về Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Có ý kiến đề nghị quy định theo hướng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam giám sát, lựa chọn chủ đầu tư trong việc xây dựng nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân.
Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang cùng các đại biểu tại buổi làm việc
Một số ý kiến đề nghị làm rõ kinh phí đầu tư nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm chủ đầu tư là lấy từ nguồn nào, là tài sản công hay tài sản nhà nước, việc quản lý, sử dụng loại nhà này như thế nào. Có ý kiến đề nghị quy định đối với nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đầu tư xây dựng từ nguồn tài chính công đoàn và ngân sách nhà nước hỗ trợ là tài sản thuộc sở hữu công đoàn Việt Nam. Có ý kiến đề nghị rà soát lại quy định tại khoản 2 Điều 81 để thống nhất với phương thức lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của của pháp luật về đầu tư và đất đai…
Thực tế để thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về chăm lo, cải thiện đời sống, việc làm cho công nhân lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã lập Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của Công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất” nhằm giải quyết các khó khăn về nhà ở, nhà trẻ, nơi vui chơi, sinh hoạt văn hóa thể thao cho đoàn viên, người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 655/QĐ-TTg ngày 12 tháng 5 năm 2017; sửa đổi bổ sung tại Quyết định số 1729/QĐ-TTg ngày 04 tháng 11 năm 2020. Trong đó, Tổng Liên đoàn thực hiện việc triển khai đầu tư nhà ở xã hội cho đoàn viên công đoàn, công nhân, người lao động theo các cơ chế quy định tại Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về quản lý phát triển nhà ở xã hội.
Các thành viên Đoàn khảo sát của Ủy ban Pháp luật
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, mục đích của buổi làm việc nhằm tiếp tục đánh giá kết quả thực hiện vai trò của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khi thí điểm thực hiện việc triển khai đầu tư nhà ở xã hội cho đoàn viên công đoàn, công nhân, người lao động thời gian vừa qua. Làm rõ hơn cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, quá trình triển khai thực hiện, chỉ rõ những vấn đề vướng mắc, nguyên nhân và đề xuất giải pháp, kiến nghị để có hướng tập trung hoàn thiện chế định này.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã nghe đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam báo cáo về thực tiễn thi hành Luật Nhà ở tại Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và những vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện; đồng thời trao đổi, làm rõ nhiều nội dung./.