THÁO GỠ KHÓ KHĂN TRONG PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG: KHÔNG ĐỂ TRUNG ƯƠNG XUỐNG MỚI BIẾT BẤT CẬP

06/07/2023

Ngày 05/7, Tổ công tác của Đoàn Giám sát Chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021 do đồng chí Nguyễn Ngọc Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội – Tổ trưởng Tổ Công tác, dẫn đầu làm việc tại tỉnh Gia Lai.

SƠN LA: NHIỀU DỰ ÁN NĂNG LƯỢNG CHẬM TIẾN ĐỘ DO VƯỚNG GIẢI PHÓNG MẶT BẰNG

Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai trong giai đoạn năm 2016-2021, các chương trình, kế hoạch và các quyết định, văn bản hành chính mang tính chủ trương, định hướng và chỉ đạo điều hành về phát triển năng lượng trên địa bàn tỉnh Gia Lai được ban hành cơ bản kịp thời, đồng bộ và thống nhất với các quy định của Trung ương và phù hợp với yêu cầu thực tiễn của địa phương. Từ đó, đã nâng cao nhận thức của chính quyền, cán bộ đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vai trò của ngành năng lượng đối với phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của tỉnh và của quốc gia.

Bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo của tỉnh Gia Lai cũng chỉ ra rằng trong giai đoạn 2016-2021, công tác thực hiện điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các dự án năng lượng còn kéo dài; Công tác quản lý dự án đầu tư và quản lý chất lượng công trình đối với các dự án năng lượng còn chưa đồng bộ, thống nhất giữa các cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng; giữa các bộ, ngành Trung ương và địa phương; Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng còn kéo dài do người dân khu vực dự án không thống nhất và khiếu kiện, khiếu nại kéo dài làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án năng lượng, nhất là các dự án điện gió do chưa có văn bản quy định, hướng dẫn về bồi thường, hỗ trợ đối với đất và tài sản trên đất nằm trong hành lang an toàn cột tháp gió; Thiếu các văn bản pháp lý để có chế tài xử lý theo quy định đối với các vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả,...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai

Tỉnh Gia Lai cũng cho rằng nguyên nhân của những hạn chế là do: Các văn bản quy phạm pháp luật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về năng lượng liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau nên chưa được ban hành đầy đủ, đồng bộ và kịp thời nên các địa phương còn vướng mắc, khó khăn trong việc triển khai thực hiện, như: Hiện chưa có các quy định, hướng dẫn về thực hiện đấu thầu/đấu giá mua điện các dự án điện mặt trời, điện gió; chưa có quy định về công tác vận hành và bảo trì (O&M), quy định về an toàn, phòng cháy, chữa cháy cho các dự án điện gió, điện mặt trời; chưa có quy định về kiểm soát chất lượng và đảm bảo xử lý môi trường đối với các tấm pin mặt trời; chưa có hướng dẫn, quy định cụ thể về bồi thường, hỗ trợ đối với diện tích đất và tài sản gắn liền với đất nằm trong hành lang an toàn của cột tháp gió;…. Nghị định sửa đổi các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả,... ban hành còn chậm, chưa đồng bộ với các quy định liên quan, như: ngày 31/01/2022, Chính phủ mới ban hành Nghị định số 17/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 134/2013/NĐ-CP ngày 17/10/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Chuyên gia Ngô Tuấn Kiệt

Các đại biểu cho rằng báo cáo của tỉnh Gia Lai cơ bản đáp ứng được đề cương của đoàn giám sát, đồng thời cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại hạn chế. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, Tổ trưởng Tổ giám sát đề nghị: trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật tỉnh cần đánh giá kết quả, tác động và ảnh hưởng của việc thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực theo quy định tại điều 3, nghị định 137 xem đã phù hợp chưa, bởi trong báo cáo chưa nêu vấn đề này.

Đồng thời đại biểu cũng yêu cầu cần làm rõ việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả gắn với Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương, tổ chức thực hiện cơ chế chính sách kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả theo quy định tại khoản 1, khoản 2 điều 46 Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội – Tổ trưởng Tổ Công tác, 

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng, báo cáo cũng chưa chỉ ra những tính hợp pháp, tính đồng bộ tính thống nhất, tính đầy đủ, tính kịp thời và tính khả thi của các dự án. Qua thực tiễn khảo sát, tổ công tác cũng nhận thấy có rất nhiều bất cập xuất phát từ vấn đề áp dụng pháp luật, hiểu chính sách pháp luật để áp dụng, tuy nhiên báo cáo cũng chưa đề cập đến. Theo đại biểu, không thể đến lúc Trung ương xuống tới địa phương mới biết việc thực hiện chính sách đúng hay sai, mà trong quá trình quản lý nhà nước nếu địa phương thấy chưa phù hợp thì cần kiến nghị với Trung ương để có sửa đổi cho phù hợp.

Nêu ví dụ về việc chậm ban hành văn bản hướng dẫn điều 4, Luật Điện lực về việc cho phép tư nhân đầu tư vào hạ tầng truyền tải điện, theo đại biểu mặc dù đây là dự án EVN nhưng trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện các nhà đầu tư nằm trên địa bàn của tỉnh thì với vai trò quản lý nhà nước, nếu nhìn ra bất cập thì tỉnh phải có kiến nghị.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội – Tổ trưởng Tổ Công tác

Cũng theo đại biểu, hiện nay địa phương mới nêu ra nguyên nhân của những tồn tại hạn chế là chủ yếu là do cấp trung ương, còn tại địa phương nhữngtồn tại, hạn chế thì chưa chỉ ra nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan từ đâu, phân tích cụ thể các kết quả trong quá trình quản lý, sử dụng năng lượng, do đó đề nghị địa phương cần phải chỉ rõ được những tồn tại, nguyên nhân khách quan, chủ quan.

Nhấn mạnh tinh thần chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ là giám sát tận nơi, nhìn thấy, chỉ rõ những bất cập ở khoản nào, điều nào, do vấn đề chính sách pháp luật chưa phù hợp hay do tổ chức thực hiện, hay do cách hiểu về thực hiện chính sách pháp luật chưa đúng thì cần phải giải thích., nếu chính sách chưa phù hợp thì kiến nghị sửa đổi, tránh tình trạng không rõ trách nhiệm trong công việc.

Chuyên gia Lê Anh Tuấn

Đại biểu cũng đề nghị báo cáo của tỉnh cần làm rõ được những bất cập hạn chế, chứng minh được những tồn tại hạn chế là do bất cập của các văn bản, với mục tiêu cuối cùng là tháo gỡ được những vướng mắc, tránh tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.

Về quản lý nhà nước trong lĩnh vực năng lượng, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn cũng cho rằng, đến nay Quy hoạch điện VIII đã có, do vậy cũng đề nghị địa phương cần đánh giá rõ về vai trò quản lý nhà nước, đặc biệt là vai trò lãnh đạo, chỉ đạo trong quá trình phát triển năng lượng tại địa bàn, nhất là liên quan đến sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. Bởi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả là một trong những giải pháp đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Nhấn mạnh đến vai trò quản lý nhà nước tại địa phương đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực năng lượng đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng báo cáo cần đánh giá kỹ vai trò này hay việc thực hiện chỉ đạo của trung ương về việc chuyển dịch năng lượng, đặc biệt trong bối cảnh chúng ta đang thực hiện các cam kết liên quan đến COP 26.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga

Đối với công tác thanh tra, kiểm tra ở lĩnh vực năng lượng, theo các đại biểu báo cáo của tỉnh còn chung chung, chưa rõ số lượng các đoàn kiểm tra, các sai sót, vi phạm, bài học rút ra… đặc biệt là liên quan đến các dự án thủy điện nhỏ, năng lượng tái tạo trong đó có vụ tranh chấp và giải quyết tranh chấp liên quan đến Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Thanh Danh; Công ty TNHH Năng lượng xanh Vạn Phát và PC Gia Lai …

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề nghị báo cáo cũng cần bổ sung làm rõ tính khả thi của việc huy động các nguồn lực kêu gọi đầu tư cũng như là việc bố trí cơ sở hạ tầng để thực hiện các dự án này, bởi các dự án nằm trong quy hoạch.  

Liên quan đến lĩnh vực than, dầu khí, báo cáo của địa phương cho rằng, trên địa bàn tỉnh không có tiềm năng, trữ lượng đối với các nguồn năng lượng này, tuy nhiên, tổ công tác cho rằng để đảm bảo an ninh năng lượng và đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng cho phát triển kinh tế và dân sinh thì đề nghị tỉnh báo cáo bổ sung thêm về tình hình kinh doanh xăng dầu, năng lực dự trữ, cung ứng xăng dầu trên địa bàn. Đồng thời làm rõ hiện nay việc cung ứng đã đảm bảo  và đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế xã hội chưa ? trong trường hợp chưa bảo đảm thì có cần đầu tư mở rộng khả năng dự trữ hay không?

Đại biểu Quốc hội Bế Trung Anh 

Về chuyên ngành thủy điện, tổ công tác cũng đề nghị tỉnh cần có đánh giá tính hiệu quả của các dự án đã vận hành, tiềm năng của các dự án thủy điện,  điện mái nhà, điện áp mái…đặc biệt đối với điện áp mái, điện mái nhà, tổ công tác của đoàn giám sát cũng đề nghị làm rõ việc áp giá đã phù hợp chưa, có hay không lỗ hổng về mặt pháp luật để lợi dụng chính sách, có hay không tình trạng thực hiện các dự án điện áp mái, điện mặt trời trên diện tích đất lẽ ra dành cho việc sản xuất nông nghiệp, trồng trọt.

Đối với dự án điện gió, các thành viên Tổ công tác cũng đề nghị, tỉnh Gia Lai cần đánh giá tiềm năng điện gió, đồng thời báo cáo thêm về những tác động không mong muốn của điện gió, bởi qua khảo sát thực tế người dân có phản ánh về những bất cập trong hành lang bảo vệ điện, việc đền bù giải phóng mặt bằng, trách nhiệm của tỉnh trong việc giải quyết những kiến nghị của cử tri.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân 

Về các dự án năng lượng chậm tiến độ, gặp khó khăn, vướng mắc, các ý kiến đại biểu cũng cho rằng báo cáo chưa nêu rõ số lượng dự án, công trình trong tỉnh chậm tiến độ, gặp khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân chậm tiến độ, giải pháp khắc phục của chủ đầu tư và sự quan tâm hỗ trợ của các ban, ngành.

Hiện nay theo báo cáo của tỉnh còn một số các dự án gặp khó khăn, vướng mắc về cơ chế giá điện, đấu nối bồi thường, tổ công tác cũng đề nghị tỉnh làm rõ một khó khăn vướng mắc, bởi trên thực tế giá điện tháng 5 vừa qua, Bộ Công thương đã ra quyết định quy định về giá bán điện. Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế thì tổ công tác cũng nhận thấy mặc dù chính sách đã có nhưng việc triển khai vẫn chưa được thực hiện, Tổ công tác cho rằng, mặc dù có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc chậm trễ này, nhưng ở đó cũng có nguyên nhân về công tác quản lý nhà nước.

Về khoa học, công nghệ trong phát triển năng lượng các ý kiến trong tổ công tác cho rằng báo cáo đang còn khá sơ sài, trong khi đó, Nghị quyết 55 của Trung ương đã đề cập đến việc “tiến tới tự chủ sản xuất được phần lớn các thiết bị năng lượng”. Do vậy Tổ công tác cũng đề nghị, báo cáo của tỉnh cần bổ sung thêm các nội dung liên quan đến việc ứng dụng khoa học khoa học công nghệ trong phát triển năng lượng.

Giám đốc Sở Công thương tỉnh Gia Lai

Tại buổi làm việc, đại diện Sở Công thương và lãnh đạo tỉnh Gia Lai đã giải trình, làm rõ một số nội dung Tổ công tác quan tâm. Lãnh đạo tỉnh Gia Lai cho rằng vấn đề nóng của tỉnh là việc phát triển điện gió trong thời gian qua, phát sinh từ hai vấn đề đó là việc phân cấp trong quản lý nhà nước. Bởi hiện nay theo phân cấp thì ngành điện là ngành dọc, do  EVN và Bộ Công thương quản lý, vận hành, ở góc độ của tỉnh tham gia rất ít.  Do đó, cũng kiến nghị Quốc hội xem xét kiến nghị với Bộ Công thương, EVN cần phải rõ vai trò tham gia của chính quyền địa phương trong công tác quản lý vận hành hệ thống điện.

Đối với các kiến nghị của Tổ Công tác, lãnh đạo tỉnh Gia Lai và Sở Công thương tiếp thu để hoàn thiện báo cáo gửi Đoàn giám sát.

Trước đó, Đoàn đã có các cuộc khảo sát thực tế tại địa phương và trao đổi với một số chủ doanh nghiệm 

Đoàn công tác khảo sát thực tế và trao đổi với chủ đầu tư dự án điện gió

Đoàn khảo sát thực tế, lắng nghe ghi nhận ý kiến cử tri tại vùng đầu tư dư án năng lượng điện gió

Đoàn công tác khảo sát thực tế dự án

Đoàn khảo sát thực tế về các dự án

Bích Hạnh – Thùy Linh