PGS.TS. NGUYỄN HOÀNG ANH: TƯ DUY LẬP PHÁP – SỰ THỂ HIỆN TRONG KỸ THUẬT LẬP PHÁP

28/06/2023

Bàn về tư duy lập pháp, PGS.TS. Nguyễn Hoàng Anh – Đại học Luật Hà Nội nêu vấn đề, tư duy lập pháp là việc ghi nhận, xử lý các vấn đề xã hội và điều chỉnh thành pháp luật, hay còn hơn thế nữa – tính dự báo và điều chỉnh chủ động từ phía chủ thể lập pháp?

ĐỔI MỚI TƯ DUY LẬP PHÁP TRONG BỐI CẢNH XÂY DỰNG NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN XÃ HỘI CHỦ NGHĨA

PGS.TS. Nguyễn Hoàng Anh – Đại học Luật Hà Nội 

PGS.TS. Nguyễn Hoàng Anh cho biết, kỹ thuật lập pháp hiểu một cách đơn giản nhất là cách thức thể hiện quy phạm pháp luật. Có quan điểm cho rằng kỹ thuật lập pháp là khoa học, có quan điểm lại cho rằng đây là nghệ thuật. Theo tác giả Vũ Văn Mẫu: cũng khó có thể chỉ coi là một thứ: nếu là khoa học thì nó phản ánh, mô tả trung thực hiện thực cuộc sống, nhưng nếu là nghệ thuật thì cần có tính sáng tạo và dự  báo, tức là có khả năng thoát ra khỏi hiện thực. Về bản chất thì kỹ thuật lập pháp vừa là khoa học, vừa có tính nghệ thuật.

Điều này cũng phản ánh một nhận thức về tư duy lập pháp: vậy tư duy lập pháp là việc ghi nhận, xử lý các vấn đề xã hội và điều chỉnh thành pháp luật, hay còn hơn thế nữa – tính dự báo và điều chỉnh chủ động từ phía chủ thể lập pháp?

Lập pháp phải gắn với nhu cầu cuộc sống, phản ánh lợi ích xã hội

Lập pháp là hoạt động mang tính xã hội sâu sắc. Hoạt động xây dựng pháp luật là việc xây dựng mô hình hành vi nhất định cho các chủ thể tham gia quan hệ pháp luật trong xã hội. Mô hình hành vi đó thể hiện bằng việc: tạo ra hoặc cấm các quan hệ xã hội nhất định, - theo ý đồ nhà lập pháp, khi cho rằng các quan hệ xã hội đó sẽ thúc đẩy sự phát triển, bảo đảm công bằng xã hội hay ngược lại, kìm hãm, cản trở sự phát triển của xã hội. Pháp luật là các quy tắc điều chỉnh hành vi của con người – và hoạt động xây dựng pháp luật là tạo lập nên các phương án hành vi đó, từ đó sẽ định hình nên những xử sự chuẩn mực trong xã hội.

Để lập pháp đúng nhu cầu xã hội, cần nhận biết và đánh giá về trạng thái, tính chất, hiệu quả của các quy phạm pháp luật hiện hành trong khi điều chỉnh quan hệ xã hội. Nhận thức, đánh giá vấn đề xuất hiện khi các chủ thể xã hội tham gia vào các quan hệ trong cuộc sống và nhận ra những vấn đề bất cập đang tồn tại. Các bất cập của xã hội có thể đến từ sự biến động của các quan hệ xã hội; việc phát sinh những quan hệ xã hội mới mà các quy phạm pháp luật hiện hành chưa điều chỉnh kịp thời. Các vấn đề bất cập cũng có thể nảy sinh từ sự thiếu tương thích, sự lạc hậu, lỗi thời của những quy phạm pháp luật hiện tại;... dẫn đến pháp luật không theo kịp hoặc không điều chỉnh một cách hiệu quả các quan hệ xã hội hiện có.

Nhìn rộng hơn, việc nhận diện các vấn đề của xã hội phải được đánh giá một cách toàn diện – dựa trên nhiều khía cạnh khác nhau. Các nguyên nhân của bất cập có thể được lý giải từ nhiều góc độ: từ sự bất cập của quy phạm pháp luật, từ các nguyên nhân khách quan như sự phát triển kinh tế; yếu tố thời tiết , địa lý.. từ việc truyền tải thông tin pháp luật đến người thi hành; từ năng lực thực thi của các chủ thể có liên quan...

Lập pháp có tính chủ động, ý chí riêng và độc lập so với xã hội

Theo PGS.TS. Nguyễn Hoàng Anh sự phân biệt giữa xã hội học và xây dựng pháp luật khá rõ: dù xã hội có thể mang đến các chỉ số hay dữ kiện cho lập pháp, thì nhà xã hội học không thể đặt ra các quy tắc pháp lý thay cho nhà lập pháp. Có những nguyên nhân về lý thuyết cũng như thực tế diễn giải sự khác biệt này.

Do đó, xây dựng pháp luật là một hoạt động phức tạp, trí tuệ, và có ý chí riêng, trong đó nhà lập pháp phải chịu trách nhiệm riêng. Bởi vậy, xã hội học sẽ hỗ trợ cho hoạt động xây dựng pháp luật chứ không trùng lặp hay thay thế hoàn toàn cho hoạt động xây dựng pháp luật.

Ngoài ra, thì xây dựng pháp luật cũng có các kỹ thuật đặc thù như kỹ thuật soạn thảo quy phạm pháp luật; kỹ năng tư duy pháp lý,... những điều này tạo nên bản sắc riêng của khoa học lập pháp và không trùng lặp với xã hội  học.

Tính chủ động trong tư duy lập pháp thể hiện trong việc lựa chọn giữa muôn vàn giải pháp liên quan thì ưu tiên giải pháp nào; trong năng lực của chủ thể soạn thảo’...

PGS.TS. Nguyễn Hoàng Anh cũng lưu ý, để có đạo luật tốt thì lợi ích của đối tượng thi hành, của xã hội cần được đặt cao hơn lợi ích của cơ quan quản lý. Ở đây phát sinh bài toán phát triển xã hội và nhu cầu bảo đảm trật tự quản lý nhà nước. Công việc soạn thảo pháp luật nếu tiến hành tốt cần phải có sự tham gia, dự luật phải phản chiếu được nhu cầu khách quan của đời sống xã hội.

Do đó, PGS.TS. Nguyễn Hoàng Anh khuyến nghị, có thể huy động sự tham gia của các viện nghiên cứu, trường đại học, hội, hiệp hội, các chuyên gia, các nhà khoa học vào các hoạt động tổng kết, đánh giá thi hành pháp luật và văn bản quy phạm pháp luật; khảo sát, điều tra xã hội học liên quan đến chính sách; tập hợp, nghiên cứu, so sánh nước ngoài; đánh giá tác động  chính sách./.

Lê Anh - Trọng Quỳnh

Các bài viết khác