NỖ LỰC CỦA TOÀN ĐẢNG, TOÀN DÂN, TOÀN QUÂN GIÚP XOAY CHUYỂN TÌNH THẾ, KIỂM SOÁT ĐẠI DỊCH, PHÁT TRIỂN KINH TẾ XÃ HỘI ĐẤT NƯỚC

23/06/2023

Qua thảo luận thống nhất, Nghị quyết về chuyên đề giám sát của Quốc hội nêu rõ, nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện đồng bộ các chủ trương, giải pháp của Đảng, Nhà nước, cùng với sự ủng hộ to lớn về vật chất, tinh thần của các nước, các tổ chức quốc tế, người Việt Nam ở nước ngoài đã góp phần quan trọng, có tính chất quyết định, giúp xoay chuyển tình thế, kiểm soát thành công đại dịch, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tham gia đóng góp ý kiến tại hội trường về chuyên đề giám sát việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng, đại biểu Tráng A Dương – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang đánh giá cao kết quả đạt được trong công tác huy động sử dụng nguồn lực phòng, chống COVID-19, y tế cơ sở, y tế dự phòng tại báo cáo của Đoàn giám sát. Đại biểu cho rằng báo cáo đã tổng hợp, phản ánh khách quan, giúp đại biểu Quốc hội có những thông tin toàn diện, đầy đủ, trong đó nhiều nội dung được tổng hợp từ báo cáo giám sát của các đoàn đại biểu Quốc hội về các nội dung giám sát.

Phát biểu về những khó khăn khi sử dụng nguồn lực trong phòng, chống dịch, đại biểu cho biết, về công tác tiêm chủng, đối với vắc xin, việc không chủ động nguồn vắc xin dẫn đến các địa phương không chủ động trong thực hiện kế hoạch để tổ chức thực hiện. Phải thực hiện xây dựng kế hoạch triển khai khi được phân bổ vắc xin trong thời gian rất ngắn, gây khó khăn trong việc huy động nguồn lực để thực hiện. Không có phác đồ tiêm chủng vắc xin nên không biết phải tiêm bao nhiêu mũi vắc xin, việc lúc tiêm vắc xin Astrazeneca với 2 mũi sau 6 tháng, sau đó lại điều chỉnh lại là 3 tháng, giai đoạn đầu chỉ tiêm cho người 18 đến 65 tuổi, sau đó lại ưu tiên tiêm cho người trên 65 tuổi.

Đại biểu Tráng A Dương – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang 

Bên cạnh đó, việc phối hợp giữa các loại vắc xin không cụ thể và nhất quán cũng gây khó khăn trong công tác tuyên truyền và tổ chức thực hiện. Chỉ định mũi tiêm vắc xin còn phụ thuộc vào số lượng vắc xin có chứa theo minh chứng về khoa học. Về việc tiếp cận vắc xin còn chậm, muộn nên nhiều người sau khi tiêm mũi 1 mà không có vắc xin để tiêm mũi 2, không có hướng dẫn về hệ số hao phí vắc xin. Ở giai đoạn cao điểm toàn dân đi tiêm vắc xin thì số lượng hao phí không có hoặc rất thấp. Tuy nhiên, giai đoạn hiện nay, khi số lượng người đi tiêm ít, đồng thời phải đáp ứng tiêu hao bao phủ cho người dân thì cần phải có hướng dẫn về hao phí vắc xin.

Về vướng mắc trong xác lập sở hữu toàn diện đối với tài sản được tài trợ trong phòng, chống dịch, trong điều kiện dịch bệnh cấp bách, hầu hết các trang thiết bị, vật tư phục vụ phòng, chống dịch phải phân bổ ngay, tiếp nhận cho các cơ sở y tế để kịp thời sử dụng phục vụ điều trị cho người bệnh, tránh dịch bệnh lây lan, bùng phát trong cộng đồng. Tuy nhiên, các tài sản trên chưa được thực hiện thủ tục xác lập sở hữu toàn dân. Theo quy định tại khoản 3 Điều 14 Nghị định số 29 của Thủ tướng Chính phủ hồ sơ xác lập sở hữu toàn dân về tài sản của các tổ chức, cá nhân chuyển giao quyền sở hữu cho Nhà nước phải có hợp đồng tặng, cho tài sản trong trường hợp chuyển giao dưới hình thức tặng, cho và theo quy định của pháp luật phải lập thành hợp đồng.

Cùng tham gia thảo luận, đại biểu Ma Thị Thúy - Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang cơ bản nhất trí với báo cáo của Đoàn giám sát tối cao của Quốc hội, đại biểu cũng đồng tình và đánh giá rất cao về sự cố gắng, nỗ lực của ngành y tế trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian vừa qua.

Đại biểu Ma Thị Thúy - Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang

Bàn về tình hình chưa thống nhất giữa các tỉnh về mô hình hoạt động và công tác quản lý tại trung tâm y tế huyện, đại biểu cho biết, về mô hình hoạt động, hiện nay có nơi trung tâm y tế huyện tổ chức theo mô hình hoạt động của bệnh viện để khám, chữa bệnh nội, ngoại trú, tức là sáp nhập bệnh viện huyện. Có nơi thì tổ chức phòng khám đa khoa để khám, chữa bệnh ngoại trú, không sáp nhập bệnh viện. Cả nước vẫn còn 2/63 tỉnh vẫn giữ mô hình Trung tâm dân số kế hoạch hóa gia đình. Về công tác quản lý theo Thông tư số 37 năm 2021 quy định thẩm quyền quản lý trung tâm y tế huyện gồm có sở y tế và Ủy ban nhân dân cấp huyện. Tuy nhiên, những quy định mang tính quy phạm, quy định mẫu hướng dẫn thực hiện các mô hình này cũng còn những điểm chưa rõ ràng để địa phương có căn cứ áp dụng thực hiện.

Theo đại biểu, việc giao trung tâm y tế huyện cho sở y tế quản lý đã phát huy được sự thống nhất trong chỉ đạo, quản lý của một đầu mối trong tỉnh, giúp nâng cao chất lượng hoạt động thuận lợi trong điều hành, bố trí nhân lực. Trong khi nếu giao trung tâm y tế cho Ủy ban nhân dân huyện quản lý sẽ thuận lợi trong việc huy động các nguồn lực của địa phương để đầu tư nâng cấp y tế cơ sở nhưng lại không đảm bảo trong việc quản lý chuyên môn, linh hoạt trong công tác tổ chức, bố trí cán bộ trên địa bàn tỉnh. Do đó, đại biểu đề nghị sửa đổi, bổ sung mục 9 Điều 2 của dự thảo nghị quyết theo hướng thực hiện việc giao Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý cơ sở y tế trên địa bàn về tài chính và cơ sở vật chất, đồng thời giao sở y tế quản lý về chuyên môn tổ chức. Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ cần quan tâm có những quy định, hướng dẫn đồng bộ cụ thể và căn cơ, tạo sự thống nhất về quản lý và hoạt động trong cả nước.

Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về chuyên đề giám sát

Qua thảo luận thống nhất, Nghị quyết của Quốc hội về chuyên đề giám sát này nêu rõ, việc quản lý, sử dụng, thanh toán, quyết toán các nguồn lực cơ bản thực hiện đúng chủ trương, chính sách đã ban hành; hàng hóa viện trợ, tài trợ đã được phân bổ kịp thời cho các địa phương, đơn vị. Đến ngày 31 tháng 12 năm 2022, kinh phí phòng, chống dịch COVID-19 đã được sử dụng như sau: hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trên 87.000 tỷ đồng; chi chế độ, chính sách cho lực lượng tuyến đầu và các lực lượng khác tham gia phòng, chống dịch (quân đội, công an, y tế ...) 4.487 tỷ đồng; mua vắc-xin phòng COVID-19 là 15.134 tỷ đồng; hỗ trợ nghiên cứu, thử nghiệm vắc-xin phòng COVID-19 là 4,6 tỷ đồng; mua sắm kit xét nghiệm 2.593 tỷ đồng; mua sắm thuốc, hóa chất, sinh phẩm, thiết bị, vật tư y tế 5.291 tỷ đồng; chi trả khám, cấp cứu, điều trị bệnh nhân COVID-19 là 719 tỷ đồng; sàng lọc, thu dung, cách ly y tế 89 tỷ đồng; hỗ trợ xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp cơ sở thu dung, điều trị COVID-19, cơ sở cách ly, bệnh viện dã chiến 403 tỷ đồng; nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin phòng, chống dịch COVID-19, Chương trình sóng và máy tính cho em, dạy học trực tuyến 96 tỷ đồng; chi khác khoảng 2.600 tỷ đồng. Bên cạnh đó, mặc dù còn khó khăn, nhưng Việt Nam vẫn thể hiện tinh thần trách nhiệm và hợp tác, chia sẻ với cộng đồng quốc tế thông qua việc ủng hộ tiền, hiện vật cho nhiều nước để phòng, chống dịch COVID-19.

Công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và các hoạt động thi hành pháp luật khác được thực hiện tích cực, qua đó đánh giá đúng ưu điểm để phát huy, làm rõ thiếu sót, khuyết điểm để kịp thời khắc phục và xử lý nghiêm vi phạm trong huy động, quản lý và sử dụng nguồn lực phục vụ phòng, chống dịch COVID-19.

Nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện đồng bộ các chủ trương, giải pháp của Đảng, Nhà nước, cùng với sự ủng hộ to lớn về vật chất, tinh thần của các nước, các tổ chức quốc tế, người Việt Nam ở nước ngoài, kết quả huy động, quản lý và sử dụng tổng hợp các nguồn lực cùng với thành công của ngoại giao vắc-xin, thành lập Quỹ vắc-xin phòng COVID-19 và triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 trên cả nước đã góp phần quan trọng, có tính chất quyết định, giúp xoay chuyển tình thế, kiểm soát thành công đại dịch, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Quốc hội trân trọng cảm ơn, ghi nhận sự hỗ trợ, giúp đỡ tận tình của các nước, tổ chức quốc tế, sự đóng góp công sức to lớn của các cơ quan, tổ chức của Việt Nam ở trong nước và nước ngoài, sự đoàn kết, chung sức, đồng lòng của Nhân dân cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài. Đây là những đóng góp vô cùng to lớn, là thông điệp lớn lao và đầy ý nghĩa về tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, tình yêu thương, lòng nhân ái, thể hiện truyền thống và đạo lý nhân văn, tốt đẹp của dân tộc và con người Việt Nam; là nguồn cổ vũ, động viên và minh chứng để mỗi người dân thêm vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước cùng đoàn kết vượt qua những thời khắc khó khăn nhất của đất nước.

Quốc hội vinh danh những cá nhân, tập thể đã đóng góp trí tuệ, sức lực, của cải, vật chất cho công cuộc phòng, chống đại dịch COVID-19, đặc biệt là các lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ tuyến đầu của ngành y tế, lực lượng vũ trang và các lực lượng trực tiếp tại cơ sở trong phòng, chống dịch.

Minh Hùng