RÀ SOÁT, NGHIÊN CỨU KỸ LƯỠNG QUY ĐỊNH LIÊN QUAN ĐẾN QUỸ DỊCH VỤ VIỄN THÔNG CÔNG ÍCH

21/06/2023

Tiếp tục thực hiện chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội sẽ tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi). Nhiều đại biểu cho rằng cần rà soát, nghiên cứu, đánh giá tác động kỹ lưỡng đối với Quỹ dịch vụ viễn thông công ích.

TRÌNH QUỐC HỘI LUẬT VIỄN THÔNG (SỬA ĐỔI): TẠO NỀN TẢNG CHO PHÁT TRIỂN KINH TẾ SỐ, XÃ HỘI SỐ

Tiếp tục thực hiện chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội sẽ tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi). Tại diễn đàn Quốc hội, các đại biểu Quốc hội đã nêu nhiều ý kiến về dự án Luật quan trọng này. Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn cho biết, theo Điều 22 Luật Viễn thông năm 2009, Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam là tổ chức tài chính nhà nước, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận để hỗ trợ thực hiện chính sách của Nhà nước về cung cấp dịch vụ viễn thông công ích. Về nguyên tắc, Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích có nguồn thu từ các khoản đóng góp theo tỷ lệ doanh thu dịch vụ viễn thông của các doanh nghiệp viễn thông. Mức đóng góp vào Quỹ đối với các dịch vụ viễn thông phải trích nộp doanh thu tối đa không quá 5% doanh thu dịch vụ viễn thông đó.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn

Theo đại biểu, khoản đóng góp của doanh nghiệp vào Quỹ là một khoản thu có tính chất bắt buộc, mang tính chất như một loại “thuế” bổ sung trên doanh thu. Tổng nguồn thu lớn nhưng chi sử dụng cho việc thực hiện chức năng nhiệm vụ còn rất thấp, chủ yếu là chi cho đảm bảo bộ máy.

Ngoài ra, hiện nay, dịch vụ viễn thông cơ bản phủ sóng rộng khắp; việc đóng góp Quỹ được áp dụng đối với tất cả các doanh nghiệp viễn thông có thu nhập, nhất là các doanh nghiệp nhỏ, mới hoạt động có lãi sẽ là chưa thỏa đáng trong bối cảnh kinh tế đang gặp khó khăn. Đồng thời, thủ tục thanh quyết toán đối với các nhiệm vụ chi này cũng có những bất cập. Vì vậy, đại biểu đề nghị cần có sự tính toán, cân nhắc không quy định Quỹ này.

Cũng theo đại biểu, tại dự thảo luật đã bổ sung một số chính sách mới liên quan đến: quản lý dịch vụ OTT viễn thông; dịch vụ trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây,… những nội dung này cần được Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm lập pháp của các nước, có báo cáo đánh giá tác động đầy đủ,…

Cho ý kiến về Quỹ viễn thông công ích, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, cần giảm nhẹ các loại phí cho doanh nghiệp, người dân, tránh chồng chéo giữa các loại thuế phí, trùng lắp giữa mục đích chi của Quỹ với mục đích chi của ngân sách nhà nước. Nếu đã chi bằng ngân sách thì phải thông qua dự toán, phải có điều kiện kiểm soát. Nhiệm vụ phát triển viễn thông cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi là cần thiết, nhưng cần đưa vào chương trình đầu tư, quy hoạch cụ thể, đánh giá kỹ lưỡng hiệu quả thực hiện để tránh hình thành cơ chế xin – cho.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho ý kiến tại phiên họp

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần đánh giá tác động kỹ lưỡng đối với quy định liên quan đến Quỹ này, đưa ra những quy định chặt chẽ nếu duy trì hoạt động của Quỹ này, đưa ra hạn mức đủ đáp ứng nhu cầu hoạt động của Quỹ này, tránh gây sức ép lớn cho người dân và doanh nghiệp.

Tham gia góp ý dự thảo luật, đại biểu Huỳnh Thị Hằng Nga, Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh cho biết, Điều 4 của dự thảo luật đã quy định chính sách Nhà nước về viễn thông với 7 khoản, tuy nhiên các quy định còn chưa rõ, chung chung, chưa cụ thể, đặc biệt là việc tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân, thúc đẩy việc sử dụng internet, khuyến khích phát triển vùng nhân lực viễn thông đáp ứng yêu cầu khai thác, kinh doanh hiệu quả cơ sở hạ tầng viễn thông. Các nội dung cụ thể hóa chính sách này không được nêu rõ ràng, đại biểu đề nghị cần xem xét, nghiên cứu để quy định chi tiết, cụ thể hơn.

Đại biểu Huỳnh Thị Hằng Nga, Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh

Cùng với đó, các đại biểu cho biết, quản lý dịch vụ OTT viễn thông là chính sách quan trọng, có tác động lớn đến người dân, doanh nghiệp, đến công cuộc chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số đang được đẩy mạnh. Pháp luật hiện hành chưa có quy định quản lý về dịch vụ này sẽ dẫn đến quyền lợi của người sử dụng chưa được bảo đảm. Do đó, cần phải được quản lý theo cách thức phù hợp. Các đại biểu đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu chỉnh lý các quy định nêu trên để bảo đảm chặt chẽ, khả thi; cân nhắc, chỉ nên luật hóa những nội dung đã được thống nhất, đánh giá tác động kỹ lưỡng.

Minh Hùng