CHUẨN BỊ TỐT VỀ CƠ SỞ VẬT CHẤT, VĂN BẢN PHÁP LUẬT, QUY TRÌNH CẦN THIẾT ĐỂ ỨNG PHÓ VỚI CÁC DỊCH BỆNH

13/06/2023

Thảo luận ở hội trường về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng, các đại biểu Quốc hội cho rằng cần khẩn trương chuẩn bị cả cơ sở vật chất, văn bản pháp luật, quy trình hướng dẫn cần thiết để ứng phó tốt hơn các loại dịch khác và có thể khả năng COVID-19 bùng phát trở lại.

PHÁT BIỂU ẤN TƯỢNG TẠI PHIÊN CHẤT VẤN BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

Chuẩn bị tốt để ứng phó với các dịch bệnh khác và khả năng Covid-19 bùng phát trở lại

Thảo luận ở hội trường về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định cho biết, từ giữa năm 2022 đại biểu đã phát biểu trên diễn đàn Quốc hội đề nghị nên xét để công bố hết đại dịch COVID-19 và Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo Bộ Y tế chuẩn bị hồ sơ chuyển COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B và công bố hết dịch tại Việt Nam. Đến nay, từ kinh nghiệm thực tiễn trải qua các đợt chống dịch, đại biểu cho rằng Việt Nam có thể yên tâm công bố hết dịch, vì đã đủ các điều kiện.

Điều kiện đầu tiên là tỷ lệ bệnh nặng do COVID-19 gây ra hầu như không còn, những ca tử vong chủ yếu do bệnh nền nặng mà có dương tính với COVID-19, điều đó thấy rằng COVID-19 vẫn còn lây nhiễm cho cộng đồng, nhưng không còn nguy hiểm gây tử vong cao.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định

Điều kiện thứ hai, Việt Nam đã đạt được tỷ lệ bao phủ vắc xin rất rộng, chúng ta đã có 266 triệu liều, người trên 12 tuổi được tiêm đủ 2 mũi cơ bản, mũi thứ 4 đã được tiêm cho người từ 18 tuổi có nguy cơ cao, như vậy là một thành công rất lớn trong việc tiêm vắc xin.

Điều kiện thứ ba, là tình hình COVID-19 trên thế giới đã ổn định. Đầu tháng 5 Tổ chức Y tế thế giới đã tuyên bố đại dịch COVID-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu. Đây là 3 điều kiện cơ bản và cần thiết để Việt Nam chuyển COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B. Nhóm A là nhóm đặc biệt nguy hiểm, có khả năng lây truyền cao và phát tán rộng, tỷ lệ tử vong cao. Còn nhóm B là nhóm bệnh truyền nhiễm nguy cơ nguy hiểm, có khả năng lây truyền nhanh, có thể gây tử vong.

Đại biểu phân tích, khi COVID không còn là bệnh truyền nhiễm nhóm A nữa, cần coi như bệnh lý chuyên khoa và xử lý như các bệnh lý chuyên khoa khác, việc chi trả cũng cần như các bệnh lý chuyên khoa khác, nghĩa là do bảo hiểm y tế chi trả hoặc khám dịch vụ do người dân tự chi trả. Trải qua 3 năm chống dịch, chúng ta cần rút bài học kinh nghiệm từ những thành công và sai lầm trong quá khứ, chúng ta không thể không thấy sự cố gắng của mọi tầng lớp xã hội chung tay chống dịch. Có những việc tưởng như không thể mà chúng ta đã hoàn thành trong thời gian rất ngắn và rất tốt, như là việc thành lập quỹ vắc xin, việc tiêm vắc xin diện rộng, thành lập các bệnh viện điều trị người bệnh COVID.

Toàn cảnh phiên họp

Đại biểu chia sẻ, khi đại dịch xảy ra thì có quyết định thành lập Bệnh viện COVID cơ sở Hoàng Mai trên một bãi đất trống, chính Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp đi vận động doanh nghiệp đóng góp tài chính, dồn sức xây dựng để một tháng sau đã hoàn thành đi vào hoạt động. Hàng nghìn bệnh nhân COVID nặng và nguy kịch đã được chữa khỏi và ra viện từ nơi đây. Chúng ta đã chứng kiến cả hệ thống vào cuộc với hơn 100% sức lực, nhưng hết dịch vẫn nhiều điều đáng tiếc xảy ra, những bài học kinh nghiệm vô cùng xương máu. Vì vậy, chúng ta cần khẩn trương chuẩn bị cả cơ sở vật chất, văn bản pháp luật, quy trình hướng dẫn cần thiết để ứng phó tốt hơn các loại dịch khác và có thể khả năng COVID-19 bùng phát trở lại.

Đại biểu cũng hoàn toàn đồng ý với đề xuất của Đoàn giám sát về việc Bộ Y tế sớm ban hành các văn bản hướng dẫn sử dụng vật tư, trang thiết bị y tế đã được chuẩn bị để chống dịch, chuyển sang điều trị khám, chữa bệnh thông thường. Bộ nên giao cho các bệnh viện địa phương quyết định việc sử dụng để tránh lãng phí những cơ sở vật chất, trang thiết bị đã được mua sắm, trao tặng.

Cần ngừng sản xuất vắc xin phòng Covid-19 tại Việt Nam

Tham gia thảo luận, đại biểu Nguyễn Anh Trí – Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội nhấn mạnh, việc Quốc hội đã lựa chọn chủ đề để giám sát tối cao này là đúng và kịp thời. Đoàn giám sát chuyên đề này đã tổ chức hợp lý, làm việc khoa học, cụ thể và trách nhiệm, có sự phối hợp khá tốt, vừa có khối với các bộ, ngành, giữa các Ủy ban và Văn phòng Quốc hội, giữa các thành viên tham gia của Đoàn giám sát.

Đại biểu cho rằng, về việc phòng, chống đại dịch COVID-19 trong gần 3 năm vừa qua, Việt Nam là một trong những quốc gia đã khống chế thành công nhất đại dịch COVID-19. Điều này đã được khẳng định và xét về nguồn lực, đại biểu xin nhấn mạnh thành công về vắc xin tiêm phòng cho Nhân dân, trong đó chiến lược ngoại giao vắc xin rất tốt, rất nhanh và rất thành công và đã có đủ, có kịp thời và có ngay vắc xin để tiêm phòng cho nhân dân và nguồn vắc xin qua ngoại giao đã chiếm 24.000 tỷ, đó thực sự là một nguồn lực rất lớn, lên tới khoảng 150 triệu liều. Chúng ta đã nhanh chóng thành lập Quỹ vắc xin để kịp thời bổ sung nguồn lực chống dịch và khẳng định rằng nhờ có vắc xin kịp thời, đầy đủ mà chúng ta đã chặn đứng được đại dịch, cứu được sinh mạng của Nhân dân. Đó thực sự là hiệu quả vô giá về nguồn lực trong phòng, chống dịch COVID.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí – Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội

Đại biểu cho biết, trong báo cáo của Đoàn giám sát có viết, Quốc hội trân trọng sự chung sức, đồng lòng của nhân dân và những cá nhân, tập thể đã đóng góp vào công cuộc phòng, chống COVID. Đây là những đóng góp vô cùng to lớn, là thông điệp lớn lao và đầy ý nghĩa về tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, tình thương yêu, lòng nhân ái. Vì vậy, đại biểu mong muốn Chính phủ lấy đúng tinh thần của Nghị quyết 30 và Nghị quyết 43 của Quốc hội để thanh quyết toán kinh phí phòng, chống dịch cho các lực lượng, các địa phương, các đơn vị. Nên làm tốt hơn nữa công tác biểu dương, khen thưởng cho các đơn vị, các cá nhân đã tham gia chống đại dịch COVID.

Đại biểu cho rằng, đại dịch Covid - 19 vừa qua ác liệt không khác gì một cuộc chiến tranh, đóng góp của Nhân dân vừa qua là rất lớn. Tuy nhiên, như ở Điều 6, phần nói về tồn tại, hạn chế trong bản Báo cáo của Đoàn giám sát là đã có những sai phạm nghiêm trọng trong hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 vừa qua. Thậm chí, có những sai phạm xảy ra trong những lĩnh vực rất ít có sai phạm như nghiên cứu khoa học, nghiệm thu, chuyển giao công nghệ, v.v. có những cú lừa ngoạn mục sắc như dao cắt của Công ty Việt Á trong tổ chức cơ sở sản xuất, test kit, đây là điều đau đớn, đáng lên án và sự trả giá là quá đắt, quá lớn. Đại biểu cho rằng, tình trạng tham ô, tham nhũng trong hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 cần phải xử lý thật nghiêm khắc, tuy nhiên, cũng cần xem xét thật có lý, có tình, thật công bằng với những ai có sai sót nhưng không phải vụ lợi mà vì để kịp thời chống dịch nhằm lợi ích của cộng đồng theo đúng tinh thần chỉ đạo của Đảng, của Quốc hội. Đồng thời, đại biểu cho rằng cần chấm dứt sớm việc này để xã hội ổn định, cán bộ vững lòng thực hiện những công cụ mới.

Cùng với đó, đại biểu muốn mong Bộ Y tế chú ý đến công tác sản xuất kit test và sản xuất vắc xin, cần thấy rằng Việt Nam không thể kém hơn quốc tế, đặc biệt là các nước lân cận. Test kit và vắc xin đang cần và cần nhiều cho việc chẩn đoán và phòng ngừa nhiều bệnh khác, nhất là các bệnh dịch mới nổi. Đại biểu đề nghị ngừng nghiên cứu sản xuất vắc xin phòng COVID-19 ở Việt Nam, vì bây giờ đã quá muộn để nghiên cứu sản xuất loại vắc xin này, cần tìm mua loại vắc xin chống COVID tốt, với giá cả hợp lý và đủ để tiêm phòng cho Nhân dân.

Minh Hùng