QUỐC HỘI THẢO LUẬN MỘT SỐ NỘI DUNG CÒN Ý KIẾN KHÁC NHAU CỦA DỰ ÁN LUẬT PHÒNG THỦ DÂN SỰ
Thảo luận tại Hội trường về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình năm 2023, đại biểu Thái Thị An Chung – Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An cho biết, thời gian qua, việc lập và triển khai thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đã quán triệt sâu sắc các nhiệm vụ, giải pháp được đề ra tại Kết luận 19 của Bộ Chính trị và bám sát Kế hoạch 81 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tăng cường chỉ đạo hoạt động lập pháp theo hướng chú trọng chất lượng, hiệu quả. Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội đã chủ động tiếp cận sớm hồ sơ dự thảo ngay từ khâu lập đề nghị, tích cực khảo sát thực tiễn, tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm để tham vấn các chuyên gia, các nhà khoa học.
Đại biểu cho rằng, ở địa phương, các đoàn đại biểu Quốc hội cũng đã chủ động khảo sát, lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động của dự án luật, lắng nghe ý kiến của các cơ quan, đơn vị, địa phương để có thêm cơ sở thực tiễn khi tham gia góp ý vào các dự án luật. Các ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đều được Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo nghiên cứu, tiếp thu, giải trình một cách nghiêm túc, đầy đủ và thấu đáo.
Đại biểu Thái Thị An Chung - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An
Qua nghiên cứu Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, đại biểu bày tỏ đồng tình với việc bổ sung trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 và thông qua tại kỳ họp thứ 6 dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở để xác định rõ địa vị pháp lý của lực lượng bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở, đồng thời, sắp xếp, bố trí lực lượng này theo hướng thống nhất, đồng bộ, tinh gọn đầu mối để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động.
Đại biểu đề nghị Quốc hội nghiên cứu đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá năm 2012 để kiểm soát và hạn chế việc sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá thế hệ mới. Đại biểu nêu rõ, hiện nay, học sinh sử dụng thuốc lá điện tử đang là một vấn đề đáng báo động. Thuốc lá điện tử được mua, bán một cách dễ dàng, đã có nhiều học sinh bị loạn thần, ảo giác hoặc suy hô hấp, thậm chí suýt tử vong khi hút thuốc lá điện tử. Đây là thực trạng mà các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh và cử tri hết sức quan tâm, lo lắng.
Qua nghiên cứu và phân tích, các nhà khoa học đã khẳng định rằng thuốc lá điện tử rất có hại cho sức khỏe và khả năng gây nguy hại cho sức khỏe cộng đồng cũng nguy hại giống như thuốc lá thông thường. Đối với lứa tuổi học sinh, do thể chất đang phát triển nên khả năng gây hại còn nhiều hơn so với người trưởng thành. Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá năm 2012 đã có quy định nghiêm cấm người chưa đủ 18 tuổi sử dụng, mua, bán thuốc lá, nghiêm cấm bán, cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi, nghiêm cấm việc người chưa đủ 18 tuổi mua, bán thuốc lá.
Tuy nhiên, các cơ quan chức năng lại không thể xử lý hành vi này đối với thuốc lá điện tử, bởi vì tại khoản 1 Điều 2 của luật này quy định "thuốc lá là sản phẩm được sản xuất từ toàn bộ hoặc một phần nguyên liệu thuốc lá, được chế biến dưới dạng thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá sợi, thuốc lào và các dạng khác". Chính vì vậy, đại biểu kiến nghị Quốc hội nghiên cứu và có hình thức phù hợp để sớm bổ sung thuốc lá điện tử, thuốc lá thế hệ mới vào đối tượng điều chỉnh của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội nhấn mạnh, thuốc lá điện tử rất nguy hại, gây ra nhiều bệnh tật nguy hiểm như hô hấp, tim mạch, ung thư…, làm ảnh hưởng đến tính mạng của Nhân dân. Thuốc lá điện tử đang đầu độc Nhân dân qua hút chủ động, đặc biệt là hút thụ động. Vì vậy, đại biểu đề nghị cấm thuốc lá điện tử, không để chậm trễ, tránh phải trả giá bằng sức khỏe của Nhân dân và có thể phải tốn một khoản kinh phí khổng lồ để chấm dứt một loại hình độc hại này.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội
Trước thực trạng sử dụng thuốc lá điện tử, đại diện Tổ chức Y tế thế giới cùng nhiều chuyên gia cho rằng, cần ngăn chặn việc bắt đầu sử dụng các sản phẩm thuốc lá nung nóng; bảo vệ mọi người khỏi bị phơi nhiễm với khói thuốc lá nung nóng; ngăn ngừa việc đưa ra các kết luận thiếu căn cứ về tính an toàn của các sản phẩm này; Áp dụng các biện pháp cấm quảng cáo, khuyến mại và tài trợ cho các sản phẩm thuốc lá nung nóng; Kiểm soát thành phần và tỏa khói của các sản phẩm này.
Các chuyên gia quốc tế cũng khuyến nghị cần bảo vệ các chính sách và hoạt động kiểm soát thuốc lá nung nóng khỏi tác động của các lợi ích thương mại và các lợi ích khác liên quan tới các sản phẩm thuốc lá nung nóng và ngành công nghiệp thuốc lá; Quản lý, bao gồm hạn chế hoặc cấm, khi thích hợp, việc sản xuất, nhập khẩu, phân phối, trưng bày, bán và sử dụng các sản phẩm thuốc lá nung nóng, phù hợp với luật pháp quốc gia, tính đến mức độ bảo vệ cao cho sức khỏe con người; Áp dụng, khi thích hợp, các biện pháp trên đối với các thiết bị được thiết kế để tiêu thụ các sản phẩm thuốc lá nung nóng.
Góp ý nâng cao hiệu quả phòng chống tác hại của thuốc lá, ThS.Đào Thế Sơn, Trường Đại học Thương mại cho rằng, chính sách thuế cần thể hiện vai trò chủ đạo trong giảm tiêu dùng, góp phần nâng cao sức khoẻ, giảm bệnh tật/tử vong và chi phí y tế. Theo đó, Việt Nam nên bổ sung thuế tuyệt đối, sử dụng giá bán lẻ làm cơ sở tính thuế tỷ lệ thay vì giá xuất xưởng như hiện tại. Để giảm khả năng chi trả cho thuốc lá, nên tăng đáng kể thuế đối với thuốc lá và điều chỉnh thường xuyên để bắt kịp với lạm phát và tăng trưởng thu nhập. Tỷ lệ tất cả các loại thuế nên đạt tối thiểu 75% giá bán lẻ.
Nhiều ý kiến phản ánh, nhiều Bộ, ngành chưa quan tâm chỉ đạo công tác phòng chống tác hại của thuốc lá trong nhiệm vụ được giao. Hoạt động của Ban chỉ đạo phòng chống tác hại của thuốc lá tại các cấp chính quyền còn mang tính hình thức, nhiều địa phương chưa phát huy được vai trò của Ban chỉ đạo. Hoạt động liên ngành về phòng chống tác hại của thuốc lá còn rất yếu. Ban chỉ đạo về phòng chống tác hại của thuốc lá chủ yếu do thành viên thường trực của Ban là Sở Y tế thực hiện. Nhân lực tham gia công tác phòng chống tác hại của thuốc lá còn thiếu và năng lực chưa tốt.
ThS.Đào Thế Sơn, Trường Đại học Thương mại
Nhiều ý kiến cũng chỉ ra rằng, công tác kiểm tra, xử phạt chưa được thực hiện thường xuyên, các Bộ ngành và chính quyền địa phương các cấp chưa quan tâm chỉ đạo công tác kiểm tra, xử phạt. Việc vi phạm quy định cấm quảng cáo thuốc lá tại các điểm bán thuốc lá đang khá phổ biến cũng đang gây những khó khăn cho công tác phòng chống tác hại của thuốc lá. Ý thức tuân thủ pháp luật của người dân còn chưa cao.
Trong việc tổ chức thực hiện phòng, chống tác hại của thuốc lá tại địa phương, các đại biểu cho rằng còn nhiều bất cập như: Cán bộ đầu mối thực hiện công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá ở các cơ quan, đơn vị là cán bộ kiêm nhiệm, nhiều tỉnh năng lực xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện còn chưa đạt yêu cầu.
Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá đã không được chi cho hoạt động thanh tra, kiểm tra thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và các cơ quan đơn vị phải chi bằng nguồn chi thường xuyên, không được hỗ trợ thêm phụ cấp kiêm nhiệm cho các cán bộ đầu mối ở các đơn vị Bộ ngành, các tỉnh thành phố, nên chưa khuyến khích được cán bộ nhiệt tình tham gia thực hiện hoạt động.