BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG: CHỦ ĐỘNG NHẬN DIỆN, ĐẤU TRANH VỚI NHỮNG LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG PHÁP LUẬT Ở VIỆT NAM

26/05/2023

Xây dựng pháp luật chiếm khoảng 50% khối lượng công việc tại mỗi Kỳ họp Quốc hội, nhưng các thế lực thù địch luôn tìm đủ mọi cách để xuyên tạc hoạt động xây dựng pháp luật của Việt Nam. Việc chủ động nhận diện và đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, chiến lược “diễn biến hòa bình” đối với hoạt động lập pháp là nhiệm vụ hết sức quan trọng, nhất là trong bối cảnh bùng nổ thông tin hiện nay.

PHÒNG, CHỐNG LỢI ÍCH NHÓM TRONG XÂY DỰNG PHÁP LUẬT: CẦN KHẮC PHỤC TÌNH TRẠNG “LUẬT KHUNG, LUẬT ỐNG” BẰNG CÁCH ĐỔI MỚI BAN SOẠN THẢO

Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của Nhân dân.

Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng và thực hiện quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động nhà nước.

Quốc hội khoá I, ngay sau khi ra đời, tại Kỳ họp thứ nhất (tháng 3/1946) đã đóng vai trò rất quan trọng trong việc thành lập Chính phủ Liên hiệp kháng chiến hợp hiến, hợp pháp, do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu, để điều hành đất nước; và tại Kỳ họp thứ hai, ngày 09/11/1946, đã thông qua Hiến pháp năm 1946 - bản Hiến pháp đầu tiên trong lịch sử nước nhà, một văn kiện chính trị - pháp lý mang tính nhân văn, dân chủ, tiến bộ, đánh dấu bước khởi đầu quan trọng trong tiến trình xây dựng nhà nước pháp quyền ở nước ta.

Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa I – Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sau Tổng tuyển cử ngày 6/1/1946, tại Nhà hát lớn Hà Nội.

Quốc hội các khoá II, III, IV, V (từ năm 1960 đến năm 1976), hoạt động trong thời kỳ nước ta thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và Đấu tranh giải phóng miền Nam, đã có những đóng góp to lớn vào việc xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật ban đầu của chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn, thu non sông về một mối.

Từ Quốc hội khóa VI trở đi, Quốc hội nước ta là Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất. Sau kết quả của cuộc Tổng tuyển cử ngày 25/4/1976, Quốc hội đã tích cực xây dựng hệ thống pháp luật, đồng thời quyết định nhiều vấn đề quan trọng trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc trên phạm vi cả nước. Quốc hội các khoá VII, VIII, IX, X, XI, XII, XIII, XIV tiếp tục kế thừa và phát huy những thành quả và kinh nghiệm của Quốc hội các khoá trước, ngày càng chủ động, sáng tạo, đổi mới, có bước tiến quan trọng, cả về tổ chức và hoạt động, thúc đẩy việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, xây dựng nền dân chủ và Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Để tăng cường đổi mới công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, ngày 24/5/2005, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 48-NQ/TW về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 (Nghị quyết số 48-NQ/TW). Nghị quyết là văn kiện đầu tiên của Đảng chuyên sâu về công tác pháp luật, với mục tiêu xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, trọng tâm là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân; đổi mới căn bản công tác xây dựng và thực hiện pháp luật; phát huy vai trò và hiệu lực của pháp luật để góp phần quản lý xã hội, giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế, xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh, thực hiện quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân.

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng cũng đã nhấn mạnh: “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị”.

Cụ thể hóa quan điểm tại Văn kiện Đại hội Đảng XIII, tại Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

Nghị quyết 27-NQ/TW đã nêu rõ quan điểm về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân dưới sự lãnh đạo của Ðảng là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị; luôn phải đặt trong tổng thể công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, kiên trì, hiệu quả; thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

Từ các quan điểm của Đảng vừa nêu có thể thấy, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là một thành tố trung tâm của hệ thống chính trị nước ta. Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị. Lập hiến và lập pháp là một trong những hoạt động quan trọng và đặc trưng nhất của Quốc hội Việt Nam.

Chức năng này đã được thể hiện xuyên suốt qua các bản Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980, 1992 và Hiến pháp năm 2013. Ngoài Hiến pháp năm 1946 quy định nguyên tắc chung “Nghị viện nhân dân đặt ra các pháp luật”, thì cả 4 bản Hiến pháp năm 1959, 1980, 1992 và 2013 đều khẳng định Quốc hội là cơ quan lập hiến và lập pháp. Qua mỗi bản Hiến pháp, cơ chế thực hiện chức năng lập pháp của Quốc hội được kế thừa, phát triển và ngày càng được làm rõ hơn. Hiến pháp năm 2013 (hiện hành) đã khẳng định, Quốc hội là cơ quan làm Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp, làm luật, sửa đổi luật; thực hiện quyền lập hiến, lập pháp.

Phát biểu trong Phiên khai mạc Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: Trải qua hơn 75 năm, với 14 nhiệm kỳ hoạt động, Quốc hội nước ta đã luôn luôn gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, không ngừng phát huy vai trò, vị trí là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Việt Nam Dân chủ, Cộng hoà, nay là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, đóng góp to lớn và quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Những thành tựu đạt được của Quốc hội nước ta trong 75 năm qua bắt nguồn từ sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng - nhân tố quyết định để Quốc hội hoàn thành xuất sắc trọng trách mà Nhân dân giao phó. Quốc hội các khoá đã luôn luôn nắm vững đường lối, quan điểm và các chủ trương, chính sách của Đảng để thể chế hoá thành luật pháp và vận dụng đúng đắn vào các hoạt động của Quốc hội. Đó là kết quả của sự gắn bó mật thiết giữa Quốc hội với Nhân dân, nắm bắt đúng tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân; lắng nghe và tiếp nhận các ý kiến, kiến nghị xác đáng của cử tri và giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, làm cho Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của Nhân dân.

Chủ động nhận diện những luận điệu xuyên tạc quá trình xây dựng pháp luật ở Việt Nam.

Tại Việt Nam, các thế lực thù địch áp dụng chiến lược “diễn biến hòa bình” trên tất cả các lĩnh vực, trong đó hoạt động lập pháp cũng là một trong những mục tiêu mà các đối tượng này hướng tới nhằm phá hoại, xuyên tạc thành quả và quy trình xây dựng pháp luật của nước ta. Vì vậy, nhận thức đúng đắn về nội dung, thủ đoạn thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch và tích cực đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu của chúng là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng của các cơ quan Nhà nước, đặc biệt là cơ quan lập pháp - cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất trong hệ thống chính trị hiện nay.

Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã thông qua Luật An ninh mạng, với 7 chương, 43 điều quy định về hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trên không gian mạng và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Có thể thấy, việc Quốc hội thông qua Luật An ninh mạng đã góp phần đảm bảo an ninh quốc gia, đảm bảo quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân khi tham gia hoạt động trên không gian mạng trong điều kiện phát triển mạnh mẽ của internet.

Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã thông qua Luật An ninh mạng nhằm đảm bảo quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân khi tham gia hoạt động trên không gian mạng.

Thế nhưng, các nội dung được sửa đổi, bổ sung của Luật An ninh mạng lại trở thành “cái gai” đối với các đối tượng thù địch, chống phá cách mạng Việt Nam. Bởi lẽ khi các quy định trong Luật đi vào cuộc sống, chúng sẽ mất đi công cụ quan trọng và có tầm ảnh hưởng lớn trong đó là “công cụ tuyên truyền, xuyên tạc” thông qua Internet và mạng xã hội”. Đặc biệt, thông qua không gian mạng, chúng thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, phá hoại tư tưởng, chuyển hóa chế độ chính trị nước ta. Các thế lực thù địch đã lấy cớ các quy định của Luật “xâm phạm quyền riêng tư cá nhân”, nên đã sử dụng các phương tiện như Facebook, các blog cá nhân để đăng nhiều bài viết với mục đích xuyên tạc bản chất, mục tiêu và các quy định trong luật của Việt Nam, nhằm kích động, xúi giục người dân tụ tập đông người, biểu tình, gây rối an ninh, trật tự. Nhưng những động thái này của các thế lực thù địch đã được Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam nhận diện, đấu tranh bác bỏ các luận điệu sai trái này, làm thất bại mọi âm mưu chống phá cách mạng Việt Nam.

Lý giải nguyên nhân khi Luật An ninh mạng và Luật Báo chí được Quốc hội thảo luận và thông qua bị nhiều đối tượng thù địch tập trung chống phá, PGS.TS Đinh Xuân Thảo, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) cho biết đây là hai luật liên quan đến quyền ngôn luận và hệ thống mạng internet - công cụ chính để các đối tượng dùng để chống phá cách mạng Việt Nam. Trên thực tế, hoạt động lập pháp ở Việt Nam được thực hiện theo đúng quy trình, thủ tục, được tiến hành thận trọng, nghiêm túc. Cụ thể, Hiến pháp năm 2013 đã quy định rất rõ ở Điều 14 của Hiến pháp.

“Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật. Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”, PGS.TS Đinh Xuân Thảo nói.

PGS.TS Đinh Xuân Thảo, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp (Ủy ban Thường vụ Quốc hội).

Không riêng gì Luật An ninh mạng, trong mỗi kỳ họp Quốc hội, các thế lực thù địch luôn tìm đủ mọi cách đưa tin, bài, đăng hình ảnh, video clip sai sự thật để xuyên tạc, vu cáo, bóp méo sự thật, với mưu đồ chống phá hoạt động lập pháp của Việt Nam. Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV đã biểu quyết thông qua Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở với tỷ lệ tán thành rất cao. Luật được ban hành là cơ sở pháp lý rất quan trọng nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng ta và tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ; dân chủ xã hội chủ nghĩa; thực hiện dân chủ ở cơ sở… trong tiến trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân.

Với mục tiêu chống phá, xuyên tạc giá trị của luật, một số đối tượng thù địch lại tìm cách phủ nhận quan điểm của Đảng về đảm bảo quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân; phủ nhận tâm sức, trí tuệ đóng góp của gần 500 đại biểu đại diện cho cử tri cả nước góp phần xây dựng và hoàn thiện đạo luật này. Nhiều trang báo, trang thông tin điện tử nước ngoài đã cố tình xuyên tạc, gây hoang mang, làm lung lay tâm lý của người dân và cho rằng, luật “không đúng bản chất của dân chủ”, “dân chủ hình thức”; cổ vũ cho chế độ đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập tại Việt Nam.

Thực tế, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, quan điểm xuyên suốt của Đảng ta là: Dân chủ xã hội chủ nghĩa là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước”. Đại hội VI của Đảng mở đầu công cuộc đổi mới đã đề ra phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Tiếp đến, Đại hội XIII của Đảng tiếp tục kế thừa phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát” song nhấn mạnh và bổ sung thêm yếu tố “dân thụ hưởng”.

Việc Quốc hội ban hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đã cụ thể hóa quan điểm, chủ trương của Đảng thành các quy phạm pháp luật, quy định cụ thể, Nhân dân đã có công cụ pháp lý vững chắc để thực hiện quyền làm chủ của mình. Người dân được biết, được bàn, được giải phóng sức sản xuất và sáng tạo, được kiểm tra, giám sát, tài chính công khai, minh bạch hơn. Thông qua đó, Nhân dân có điều kiện thực tế để thụ hưởng những thành tựu mà dân chủ mang lại.

Gần đây, thực hiện Nghị quyết số 671/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Việc lấy ý kiến đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cho thấy tinh thần dân chủ, cầu thị, nghiêm túc, với mong muốn được lắng nghe nguyện vọng của Nhân dân, những ý kiến góp ý đúng đắn, sát hợp thực tiễn và tạo điều kiện ngày càng thuận lợi cho Nhân dân và tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai.

Thế nhưng, trong khi lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), bên cạnh những ý kiến đóng góp khoa học, thiết thực và hiệu quả, có những đối tượng phản động xuyên tạc, với các thủ đoạn ngày càng thâm độc, tinh vi, khó nhận diện, lợi dụng quyền "tự do ngôn luận", thực hiện "quyền dân chủ" để chống phá chế độ, đã đưa tin trên một số trang mạng xã hội cho rằng: “sửa đổi vì lợi ích nhóm”; có quan điểm, lập trường đối lập với chủ trương, đường đối của Đảng, pháp luật của nhà nước, đi ngược lại với lợi ích của Nhân dân, của đất nước và dân tộc, để phát ngôn với mục đích cài cắm lợi ích cá nhân hay gây mâu thuẫn, hoang mang trong dư luận…

Việc lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) thực sự là đợt sinh hoạt chính trị, xã hội sâu rộng, thu hút được sự quan tâm của đông đảo các tầng lớp Nhân dân.

Thực tế, việc lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) thực sự là đợt sinh hoạt chính trị, xã hội sâu rộng, thu hút được sự quan tâm của đông đảo các tầng lớp Nhân dân, nhân sỹ, trí thức, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, các tổ chức, doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đã nhấn mạnh đây là một trong những nhiệm vụ lập pháp trọng tâm của cả nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV. Vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi người dân khi tiếp cận với thông tin, tài liệu phát tán trên mạng cần tỉnh táo nhận diện và kiểm chứng thông tin, tránh bị cuốn theo những giọng điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch và những phần tử cơ hội, dẫn tới có tư tưởng hoài nghi, hoang mang, dao động.

Trên đây chỉ là một vài dẫn chứng cho thấy các đối tượng thù địch luôn thực hiện “chiến lược diễn biến hòa bình” chống phá hoạt động lập pháp ở nước ta. Thế nhưng các âm mưu, thủ đoạn này đã thất bại bởi quá trình lập pháp ở Việt Nam luôn tuân thủ đúng quy trình, đảm bảo khách quan, dân chủ và vì lợi ích của dân tộc, của Nhân dân.

(Còn tiếp)

Lan Hương