PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO: CẦN NGHIÊN CỨU MÔ HÌNH PHÙ HỢP CỦA EVN VÀ CÓ SỰ ĐIỀU TIẾT VỀ GIÁ ĐIỆN

18/05/2023

Tại Hội thảo ''Quy hoạch điện VIII – Những vấn đề đặt ra và giải pháp'' do Đoàn Giám sát của Ủy ban TVQH tổ chức mới đây, nhiều chuyên gia cho rằng, để phát triển năng lượng tái tạo theo như Quy hoạch điện VIII và Nghị quyết số 55-NQ/TW, cần nghiên cứu tổ chức mô hình của EVN phù hợp với vị trí, vai trò trong điều kiện phát triển thị trường cung cấp nguồn điện cũng như cần cải cách về chính sách giá điện.

QUY HOẠCH ĐIỆN VIII: ƯU TIÊN TẬP TRUNG ĐÁNH GIÁ ĐẦY ĐỦ GIẢI PHÁP, TRÁNH PHẢI NHẬP KHẨU RÒNG NĂNG LƯỢNG

Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết 55) được Bộ Chính trị ban hành ngày 11/02/2020 đã đề ra định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến 2030, tầm nhìn đến 2045 với mục tiêu tổng quát là đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đồng thời hướng đến ưu tiên phát triển năng lượng nhanh và bền vững với điểm nổi bật mới là khuyến khích đầu tư tư nhân vào phát triển năng lượng.

Quy hoạch điện VIII và Nghị quyết số 55-NQ/TW đề cập đến việc chú trọng phát triển năng lượng tái tạo (ảnh minh họa: Internet).

Theo quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết 55 và Quy hoạch điện VIII, năng lượng tái tạo sẽ được ưu tiên phát triển theo khả năng đảm bảo an toàn hệ thống với giá điện hợp lý. Để kịp thời định hướng đầu tư vào cơ sở hạ tầng có chi phí cao, quá trình chuyển dịch năng lượng đòi hỏi phải có một cái nhìn tổng thể mang tính hệ thống về các vấn đề cốt lõi riêng lẻ, các phân ngành năng lượng, cũng như tầm nhìn dài hạn trong chính sách.

Vấn đề trên cũng được đặt ra tại Hội thảo ''Quy hoạch điện VIII – Những vấn đề đặt ra và giải pháp'' do Đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức mới đây. Theo đó, nhiều chuyên gia cho rằng, để phát triển năng lượng tái tạo theo như Quy hoạch điện VIII và Nghị quyết số 55-NQ/TW, cần nghiên cứu tổ chức mô hình của EVN phù hợp với vị trí, vai trò trong điều kiện phát triển thị trường cung cấp nguồn điện cũng như cần cải cách mạnh mẽ chính sách giá điện.

Nghiên cứu mô hình của EVN phù hợp với vị trí vai trò trong điều kiện phát triển thị trường cung cấp nguồn điện

TS.Trần Du Lịch – nguyên Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh: Có thể nói sau hơn 35 năm Đổi mới, ngành Điện lực Việt Nam cùng một số ngành khác có sự phát triển rất ấn tượng, nhất là sự ưu việt của điện khí hóa địa bàn nông thôn, miền núi, hải đảo, góp phần quan trọng không chỉ cho sự phát triển kinh tế, mà rất quan trọng về mặt chính trị, xã hội. Chính sách xã hội hóa đầu tư nguồn điện cũng đạt được nhưng thành công nhất định, thu hút đầu tư ở hầu hết các nguồn cung cấp điện, nhất là phát triển nguồn năng lượng tái tạo trong những năm gần đây. Tuy nhiên, chúng ta đang tồn tại một số bất cập:

Thứ nhất: An ninh năng lượng nói chung và phát triển điện lực nói riêng, dù nguồn vốn đầu tư từ đâu, tư nhân hay Nhà nước đều là chức năng của Nhà nước chứ không phải chức năng của thị trường. Chức năng của Nhà nước thông qua 2 công cụ chính: công cụ quy hoạch, chính sách thu hút đầu tư và cơ chế vận hành của cả hệ thống- phát điện, truyền tải, phân phối... Công cụ vật chất để dẫn dắt thị trường mà đối với nước ta là vai trò của Tập đoạn Điện lực Việt Nam (EVN). Trong những năm qua, chúng ta luôn có sự trục trặc trong mối quan hệ Nhà nước- thị trường và nhất là chức năng, vai trò của EVN trong cả hệ thống. Sự lạm dụng thái quá thủy điện, nhất là thủy điện nhỏ đã đặt trên bàn nghị sự của Quốc hội hơn 10 năm trước đây, sự giật cục về chính sách đối với điện gió, điện mặt trời trong vài năm gần đây... là những minh chứng cho sự bất cập về vai trò quản lý Nhà nước trong quá trình phát triển nguồn điện.

TS.Trần Du Lịch – nguyên Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

Thứ hai: Chính sách giá điện chậm thích ứng với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Việc duy trì giá điện thấp để khuyến khích sản xuất chậm thay đổi. Chính sách giá điện không khuyến khích doanh nghiệp thay đổi công nghệ để giảm tiêu hao năng lượng trên 1 đơn vị sản phẩm; thậm chí khuyến khích các ngành tiêu hao nhiều năng lượng như thép, xi-măng, thậm chí cả luyện nhôm. Chính sách giá điện không đi theo mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong các chiến lược 10 năm (như giai đoạn từ năm 2011-2020; 2021-2030). Ví dụ như ngành Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, mà chịu giá điện cao để bù đắp cho thép là một minh chứng. Vì thế, đã đến lúc cần xem lại chinh sách giá điện cho lĩnh vực sản xuất, dịch vụ và sinh hoạt của người dân.

Thứ ba: Thị trường mua - bán điện thiếu minh bạch và lộ trình hoàn thiện các yếu tố cấu thành thị trường này cho đến nay vẫn không rõ ràng. Vai trò của EVN trong từng khâu của thị trường này như thế nào? EVN là công cụ của Nhà nước để phát triển và điều hòa thị trường điện Viêt Nam, nên mô hình tổ chức không thể như một khuôn mẫu của tập đoàn kinh tế khác của nhà nước. EVN vẫn đóng vai trò trung tâm trong phát triển, vận hành hệ thông điện lực quốc gia và đóng vai trò dẫn dắt, chứ không độc quyền bán, độc quyền mua dẫn đến thủ tiêu thị trường. Đây cũng là vấn đề đang đặt ra.

Từ những bất cập trên, TS.Trần Du Lịch kiến nghị phát triển điện lực quốc gia là vấn đề của Nhà nước chứ không phải của thị trường, nên việc xây dựng chính sách thu hút đầu tư tư nhân phát triển nguồn điện; cơ chế vận hành hệ thống và định vị vai trò chức năng của EVN trong hệ thống chính là vai trò của Nhà nước. Do đó, cần nghiên cứu tổ chức mô hình của EVN phù hợp với vị trí vai trò của mình trong điều kiện phát triển thị trường cung cấp nguồn điện.

Với tính chất đặc thù và vai trò trong phát triển và quản lý hệ thông điện quốc gia, cần một đạo luật của Quốc hội về tổ chức và hoạt động của EVN (Các tập đoàn như Điện lực, Dầu khí có điều lệ hoạt động là các đạo luật của Quốc hội và chịu sự giám sát trực tiếp của Quốc hội thông qua các báo cáo thường niên, như một số nước đang thực hiện).

Trong nhu cầu khoảng 120 tỷ USD cho giai đoạn 2021-2030 để đầu tư nguồn điện, TS.Trần Du Lịch cho rằn, cần đặt mục tiêu và chính sách chủ yếu thu hút đầu tư tư nhân, đặc biệt năng lượng tái tạo, sinh khối. Nhà nước chỉ nên tập trung đầu tư lưới điện truyền tải; thủy điện tích năng, pin lưu trữ cùng một số dự án khác đang thực hiện dở dang. Vai trò của EVN là mở đường, dẫn dắt, hỗ trợ để thu hút đầu tư tư nhân; hạn chế việc đầu tư nguồn điện, mà có thể thu hút đầu tư tư nhân.

Ngoài ra, cần cải cách mạnh mẽ chính sách giá điện; tách biệt chính sách trợ cấp xã hội ra khỏi chính sách giá; sử dụng công cụ giá để thúc đẩy đổi mới công nghệ, nâng hiệu quả sử dụng năng lượng. Chính sách giá điện chủ yếu theo khung giờ, giảm phụ tải và khuyến khích sử dụng thời gian dư thừa, không ưu đãi theo đối tượng sử dụng (không còn ai bù lỗ cho ai, khi đã tách trợ cấp xã hội ra khỏi giá điện).

Ưu tiên và hỗ trợ nhanh nhất cho các dự án đầu tư nguồn điện, mà giữa quy hoạch địa điểm và sự lựa chọn vị trí của nhà đầu tư gặp nhau. Đề nghị quan tâm đặc biệt đối với các dự án điện gió ngoài khơi dọc theo duyên hải Trung trung bộ đang có nhà đầu tư; giải quyết nhanh về quy hoạch và chính sách kết nối lưới điện và giá điện cạnh tranh.

TS.Trần Du Lịch hoan nghênh giải pháp khuyến khích phát triển điện mái nhà, điện sinh khối theo mô hình “tự sản tự tiêu” để giảm tải hệ thống. Do vậy, đề nghị ban hành sớm chính sách rõ ràng minh bạch về mô hình này; đồng thời có chính sách đồng bộ và đủ hấp dẫn để thu hút đầu tư điện sinh khối, nhất là xử lý rác ở đô thị.

Sơ đồ điện VIII đã tuân thủ lộ trình hướng tới Net Zero vào năm 2050. Tuy nhiên, các mục tiêu đặt ra cho năm 2030 chỉ còn hơn 6 năm nữa, nếu chậm ban hành các chính sách đồng bộ để thu hút đầu tư các nguồn năng lượng tái tạo và thiếu quyêt tâm để hướng tới đoạn tuyệt với điện than, thì e rằng giữa quy hoạch và thực thi sẽ có khoảng cách.

Chưa có cơ sở để đánh giá số liệu để xác định, tính toán được khung giá cho điện gió ngoài khơi

Để hướng tới một thị trường năng lượng cạnh tranh, minh bạch, phù hợp với xu hướng chuyển dịch năng lượng, ông Phạm Quang Huy – Phó Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực, Bộ Công Thương cho rằng,  việc nghiên cứu, đưa ra các cơ chế chính sách liên quan đến quy định về hợp đồng mua bán điện làm cơ sở cho thu xếp vốn và đầu tư cho các dự án nhiệt điện khí và dự án điện gió là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng.

Đối với dự án nhiệt điện khí, hiện nay, việc đàm Hợp đồng mua bán điện (PPA) còn khó khăn do các nhà máy đều mong muốn tỷ lệ cam kết sản lượng điện hợp đồng cao để quản lý rủi ro ít được huy động trên thị trường điện khi giá khí liên tục tăng cao trong thời gian vừa qua, Theo quy định hiện hành, sản lượng điện hợp đồng của các nhà máy điện nằm trong khoảng 60% tới 100% tùy thuộc vào đàm phán giữa các bên. Việc đàm phán sản lượng điện hợp đồng không đủ cao dẫn tới khó có khả năng vay vốn để thực hiện dự án và thu hồi chi phí cho chủ đầu tư, trong khi EVN chỉ thực hiện đàm phán sản lượng điện hợp đồng theo nhu cầu thực tế của hệ thống và giá điện của nhà máy. Việc giảm thiểu rủi ro về giá của nhiên liệu khi có thể thực hiện bằng cách mua khi theo hợp đồng dài hạn, tuy nhiên luôn đi kèm với ràng buộc về sản lượng khi. Đây cũng là một trong những vướng mắc ảnh hưởng tới việc đầu tư các nhà máy điện khí trong giai đoạn vừa qua.

Ông Phạm Quang Huy – Phó Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực, Bộ Công Thương.

Đối với các dự án năng lượng tái tạo (trong đó có điện gió) trong tương lai, Bộ Công Thương hiện nay đã thành lập tổ soạn thảo Thông tư quy định phương pháp xây dựng khung giá phát điện cũng như thông tư sửa đổi thông tư só 57/2020/TT-BCT.

Ông Phạm Quang Huy cho rằng, hiện nay, với sự tiến bộ nhanh của khoa học kỹ thuật, tua bin điện gió ngày càng có hiệu suất cao, đồng thời chi phí đầu tư và xây dựng các nhà máy điện gió có xu hướng giảm mạnh. Vì vậy, việc ban hành khung giá hàng năm gặp nhiều khó khăn trong việc thu thập đánh giá số liệu để tính toán khung giá. Bên cạnh đó, đối với loại hình điện gió ngoài khơi, hiện tại Việt Nam chưa có dự án nào tham gia phát điện vào hệ thống gia. Do đó, đối với việc tính toán khung giá cho điện gió ngoài khơi hiện chỉ có thể tham khảo số liệu từ các tư vấn, tổ chức quốc tế, chưa có cơ sở để đánh giá số liệu để xác định, tính toán được khung giá ở Việt Nam.

Như vậy có thể thấy, các chính sách hiện hành liên quan đến quy định về Hợp đồng mua bán điện, mua bán khí làm cơ sở cho thu xếp vốn và đầu tư xây dựng chuỗi điện khí và điện gió hiện nay đã được quy định đầy đủ. Để đảm bảo an ninh năng lượng đồng thời thực hiện các cam kết quốc tế về chuyển dịch năng lượng, giảm phát thải carbon, chiến lược và tầm nhìn của Việt Nam đối với việc đẩy mạnh phát triển điện khí, điện gió trong trung và dài hạn đã có những thay đổi đáng kể so với giai đoạn trước theo hướng ngày càng chú trọng đến việc phát triển năng lượng tái tạo và các dạng năng lượng mới đi kịp với xu thế phát triển công nghệ trên thế giới.

Tuy nhiên, để hướng tới mục tiêu thu hút thêm sự tham gia ngày càng nhiều của khu vực tư nhân vào phát triển cơ sở hạ tầng năng lượng và cung cấp dịch vụ năng lượng, đồng thời tận dụng được nguồn tài nguyên quốc gia và đảm bảo cân bằng và an toàn vận hành hệ thống thì cần thiết tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện khung chính sách cũng như cơ chế quản lý Nhà nước đối với ngành năng lượng cho phù hợp với tình hình mới. Đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu năng lượng gia tăng, nguồn nhiên liệu hóa thạch cung cấp cho sản xuất điện trong nước ngày càng khan hiếm, an ninh nắng lượng quốc gia là vấn đề cần được giải quyết với tầm nhìn dài hạn./.

Bích Lan