QUY HOẠCH ĐIỆN VIII: CẦN XEM XÉT NGUỒN NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO KHI NHU CẦU PHỤ TẢI ĐIỆN TĂNG CAO MÀ KHÔNG CÓ NGUỒN DỰ PHÒNG

17/05/2023

Đóng góp vào việc thực hiện Quy hoạch điện VIII, Ths.Hà Đăng Sơn - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Năng lượng và tăng trưởng xanh (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) nêu quan điểm: Việc thực hiện Quy hoạch điện VIII cần đặt trong tình huống nếu như các nguồn năng lượng tái tạo không đảm bảo được khả năng vận hành ổn định để đáp ứng các nhu cầu phụ tải khi cần thiết cũng như dẫn tới nguy cơ mất an toàn hệ thống khi nhu cầu phụ tải điện tăng cao mà không có nguồn dự phòng.

QUY HOẠCH ĐIỆN VIII: ƯU TIÊN TẬP TRUNG ĐÁNH GIÁ ĐẦY ĐỦ GIẢI PHÁP, TRÁNH PHẢI NHẬP KHẨU RÒNG NĂNG LƯỢNG

ĐỀ XUẤT THU HÚT KHỐI KINH TẾ, DOANH NGHIỆP TƯ NHÂN VÀO THỰC HIỆN QUY HOẠCH ĐIỆN VIII

Thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Công Thương đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương triển khai xây dựng Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII).

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi nhấn mạnh: Quy hoạch điện VIII là văn bản pháp lý quan trọng với mục tiêu đáp ứng đầy đủ điện năng trong mọi tình huống cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và an ninh, quốc phòng của đất nước và là cơ sở tài liệu để các cơ quan quản lý nhà nước, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước, các tổ chức và cá nhân liên quan nghiên cứu, phối hợp, tổ chức triển khai thực hiện để phát triển ngành điện lực Việt Nam.


Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi.

Trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã khẩn trương xây dựng, hoàn thiện dự thảo và nhiều lần báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin chủ trương phê duyệt Quy hoạch điện VIII. Đến nay, dự thảo Quy hoạch điện VIII đã được hoàn thiện cơ bản và đang được Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt. Qua nghiên cứu sơ bộ, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhận thấy, dự thảo đã bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Kết luận số 45-KL/TW ngày 17/11/2022 của Hội nghị Trung ương VI khóa XIII về Định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Luật Điện lực năm 2004; Luật Điện lực sửa đổi số 24/2012/QH12 ngày 20/11/2012; Luật Quy hoạch số 21/17/QH14 ngày 26/12/2017; Nghị quyết số 81/2023/QH15 ngày 09/01/2023 của Quốc hội về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi, một trong những nhiệm vụ quan trọng của Đoàn giám sát là xem xét việc lập, trình phê duyệt và các nội dung cơ bản của Quy hoạch điện VIII để kịp thời phát hiện những hạn chế, bất cập và nguyên nhân; đồng thời đề xuất, kiến nghị các giải pháp để khắc phục và hoàn thiện dự thảo Quy hoạch, ban hành và tổ chức thực hiện theo quy định, rút ra bài học kinh nghiệm từ quá trình thực hiện quy hoạch trước đây, bảo đảm Quy hoạch thật sự thiết thực, khả thi. Đồng thời, Hội thảo này là sự tiếp nối các hội thảo đã tổ chức trong thời gian vừa qua nhằm tiếp tục cung cấp thông tin phục vụ Đoàn giám sát.

Ths.Hà Đăng Sơn - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Năng lượng và tăng trưởng xanh (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam).

Trong những nội dung đáng chú ý của Quy hoạch điện VIII là chú trọng phát triển các loại hình năng lượng tái tạo (gió, mặt trời, sinh khối...), năng lượng mới (hydro, amoniac...) cho phát triển ngành công nghiệp năng lượng, thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng. Khuyến khích khai thác tiềm năng năng lượng tái tạo để xuất khẩu điện, sản xuất nhiên liệu mới (hydro, amoniac) đáp ứng nhu cầu chuyển dịch năng lượng trong nước và xuất khẩu.

Ths.Hà Đăng Sơn - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Năng lượng và tăng trưởng xanh (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) nhận định: Dự thảo Quy hoạch điện VIII đã nhấn mạnh thách thức trong việc phát triển bền vững năng lượng trong tổng thể nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu và định hướng tăng trưởng xanh, cũng như nhu cầu vốn cho phát triển năng lượng đặc biệt trong bối cảnh nợ công tăng cao và quá trình cổ phần hóa chậm.

Chương trình phát triển nguồn điện được tính toán trên cơ sở các kịch bản nhóm B nhằm đáp ứng cam kết Net Zero của Việt Nam tại Hội nghị  Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP 26). Dự thảo thảo Quy hoạch điện VIII cũng bổ sung thêm các phương án rủi ro trong phát triển nguồn điện trên cơ sở kịch bản phụ tải cao, với việc tính toán dự phòng thêm nguồn điện (15% công suất đặt) để đề phòng các nguồn điện không thực hiện được 100% trong giai đoạn quy hoạch, với mục đích cung cấp thông tin cho các cấp quản lý trong điều hành đảm bảo cung cấp điện trong trường hợp chậm tiến độ của các nguồn điện.

Theo Ths.Hà Đăng Sơn, do có rủi ro trong việc xây dựng các nguồn điện mới, đặc biệt là các dự án điện gió ngoài khơi và dự án điện khí, nên việc xem xét phương án kéo dài tuổi thọ của các nhà máy nhiệt điện hiện có thông qua việc thay đổi nhiên liệu cho các nhà máy nhiệt điện than, khí sang sử dụng sinh khối, ammonia, hydrogen... là phù hợp. Nếu xem xét dừng vận hành các nhà máy nhiệt điện than và khí thiên nhiên sau khi hết đời sống kinh tế sẽ dẫn tới việc mất đi một lượng công suất đặt khá lớn. Cần đặt trong tình huống nếu như các nguồn năng lượng tái tạo (gió, mặt trời) không đảm bảo được khả năng vận hành ổn định để đáp ứng các nhu cầu phụ tải khi cần thiết, còn các dạng pin lưu trữ năng lượng (BESS) vẫn còn khá đắt đỏ để thay thế cho việc vận hành các nhà máy nhiệt điện truyền thống, sẽ dẫn tới nguy cơ mất an toàn hệ thống khi nhu cầu phụ tải điện tăng cao mà không có nguồn dự phòng. Quan điểm giới hạn phát triển nguồn điện mặt trời mặt đất đến năm 2050 là dưới 100 GW để hạn chế diện tích chiếm đất trong dài hạn là phù hợp, khi xét tới các ràng buộc về diện tích đất khả dụng giai đoạn 2021-2030 và sau 2030.

Quy hoạch điện VIII chú trọng phát triển các loại hình năng lượng tái tạo gió và các loại năng lượng mới (ảnh minh họa: Internet).

Về cơ cấu nguồn điện đề xuất, Ths.Hà Đăng Sơn cho rằng, Dự thảo đã bám sát yêu cầu thực hiện cam kết Net Zero và đã đề xuất phương án chuyển đổi dần các nhà máy nhiệt điện than sang đốt nhiên liệu thay thế như sinh khối, ammonia. Tổng công suất đặt của các nhà máy nhiệt điện than đạt đỉnh vào năm 2030 và giảm dần về 0 vào năm 2050. Tổng công suất đặt của các nhà máy chuyển đổi sang dùng sinh khối và ammonia tăng dần từ 2035, và sau 2045 bắt buộc chuyển đổi toàn bộ sang dùng sinh khối.

Đối với nhiệt điện khí, việc ưu tiên sử dụng tối đa khi trong nước cho phát điện và chỉ nhập khẩu bổ sung khí thiên nhiên hoặc điện khí thiên nhiên hóa lỏng để bù đắp khi sản lượng khí trong nước suy giảm là phù hợp, giúp giảm phụ thuộc vào nguồn khi nhập khẩu với giá cả biến động cao (như đã thấy trong giai đoạn xung đột Nga-Ukraine vừa qua).

Đối với nguồn điện gió, đặt mục tiêu 6.000 MW gió ngoài khơi vào năm 2030 là khá tham vọng (do khung pháp lý chưa đầy đủ và thời gian triển khai cũng mất nhiều năm), Do vậy, cần có phương án dự phòng công suất đặt trong trường hợp chậm trễ hoàn thành so với quy hoạch.

Đối với điện mặt trời, việc chốt danh mục dự án thực hiện theo cơ chế bán điện trực tiếp từ nhà sản xuất điện đến trực tiếp người tiêu dùng thông qua hệ thống truyền tải quốc gia (DPPA) thí điểm ở quy mô 1000 MW là chưa phù hợp, vì cơ chế này vẫn chưa chính thức được thông qua và có thể được điều chỉnh mở rộng quy mô cũng như bao gồm cả các dự án điện gió chuyển tiếp (trong trường hợp không thể đàm phán giá mua điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam) do tính chất cơ chế DPPA là cơ chế mở, có thể linh hoạt điều chỉnh dạng hình dự án tham gia nếu cần thiết./.

Bích Lan