THÁI NGUYÊN: CẦN XỬ LÝ TRIỆT ĐỂ NHỮNG TỒN TẠI TRONG CÔNG TÁC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

17/05/2023

Trong 2 ngày 15 và 16/5, Đoàn công tác Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội do Phó Chủ nhiệm Nguyễn Tuấn Anh làm Trưởng đoàn đã khảo sát về công tác bảo vệ môi trường và làm việc với UBND tỉnh Thái Nguyên.

ĐOÀN KHẢO SÁT CỦA UỶ BAN PHÁP LUẬT LÀM VIỆC VỚI UBND TỈNH BẮC GIANG

Sau 1 ngày khảo sát tại thực tế tại Công ty khai thác, chế biến khoáng sản Núi Pháo về công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác, chế biến quặng wonfram - đa kim tại mỏ Núi Pháo; khảo sát các công trình bảo vệ môi trường tại Công ty Than Núi Hồng và Nhà máy chế biến sâu kim loại đồng xử lý chất thải công nghiệp có chứa kim loại của Công ty Cổ phần Vương Anh tại Cụm công nghiệp Sơn Cẩm 3; KCN Sông Công II và Công ty TNHH Dongwha Việt Nam, các thành viên trong Đoàn khảo sát đã ghi nhận những kết quả đạt được, những khó khăn, vướng mắc và tồn tại trong công tác bảo vệ môi trường (BVMT) cũng như những bất cập về điều kiện đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng BVMT của KCN Sông Công II, Cụm công nghiệp Sơn Cẩm, Công ty than Núi Hồng…

Đoàn công tác Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội khảo sát về công tác bảo vệ môi trường tại tỉnh Thái Nguyên.

Điều đáng nói là sau 2 năm thực hiện Đề án BVMT, dù tỉnh Thái Nguyên đã có những bước khởi sắc trong công tác này như ý thức chấp hành pháp luật về BVMT của người dân và doanh nghiệp được nâng lên, nhiều chỉ tiêu về môi trường đã được cải thiện hạn chế tốc độ gia tăng ô nhiễm trong bối cảnh kinh tế - xã hội tăng trưởng ở mức cao, tuy nhiên Thái Nguyên phải nhanh chóng khắc phục 1 số vấn đề lớn trong công tác BVMT, việc mới chỉ có 4/7 khu công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung, đạt trên 50% đã cho thấy vấn đề này còn chưa được quan tâm triệt để. Đáng nói là có những vi phạm tồn tại từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, theo luật BVMT năm 2014 nhưng đến nay vẫn chưa được khắc phục. “Khu Công nghiệp Trung Thành đã được Đoàn giám sát năm 2018 chỉ ra những sai phạm nhưng sau 5 năm, những tồn tại mà do chính tay tôi ký vẫn chưa được khắc phục” Ông Trần Văn Minh, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nhấn mạnh trong buổi làm việc giữa Đoàn Khảo sát và UBND tỉnh Thái Nguyên. 

Tại các nơi Đoàn tiến hành khảo sát cho thấy, không có cụm công nghiệp nào lắp đặt hệ thống quan trắc tự động.

Một vấn đề khác nữa cũng được ông Minh chỉ ra là Khu Công nghiệp Sông Công 2 đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của doanh nghiệp thứ cấp hay toàn tỉnh mới chỉ có 3/9 cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải và không có cụm công nghiệp nào lắp đặt hệ thống quan trắc tự động” đây không còn là những tồn tại mà nói theo pháp luật, đó là những viu phạm cần phải quan tâm, khắc phục và không thể kéo dài” Ông Trần Văn Minh nhấn mạnh.

Từng tham gia Đoàn giám sát về việc thực hiện chính sách Pháp luật về bảo vệ môi trường năm 2018 và 2020 tại Thái Nguyên, ông Bùi Văn Tùng, đại biểu Quốc hội khóa XIV, Chủ tịch Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Hải Phòng cho rằng, công tác xử lý môi trường tại Thái Nguyên rất khó khăn, chứ không hề đơn giản. Trong 2 năm 2020 và 2021, Thái Nguyên đã có động thái tốt khi rút gọn 30% thủ tục hành chính, tăng cường kiểm soát ô nhiễm bằng các đề án hay triển khai quy chế phối hợp giữa các khu công nghiệp, sở ngành, địa phương mà những lần giám sát trước không có. Tuy nhiên, tồn tại của Thái Nguyên còn khá nhiều “có rất nhiều tồn tại mang tính tích lũy như việc kiểm soát ô nhiễm tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề hoạt động chăn nuôi hay các hệ thống xử lý nước thải đều có tỷ lệ thấp.

Toàn cảnh buổi làm việc.

Ông Bùi Thanh Tùng cũng chỉ ra những hạn chế khi chất thải rắn đô thị, chất thải y tế, bao bì thuốc bảo vệ thực vật tại các địa phương chưa được kiểm soát hay kiểm soát chưa triệt để, đồng thời đề nghị Tỉnh Thái Nguyên cần có bức tranh rõ hơn về những tác động của môi trường trong khai thác khoáng sản, đặc biệt là việc kiểm soát nước thải, chất thải nguy hại của các khu vực khai thác này. Nhưng để thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu, mục tiêu mà Nghị quyết, đề án của tỉnh đặt ra tới năm 2025, Thái Nguyên cần bố trí nguồn lực đủ mạnh bởi hiện nay nhiều chỉ tiêu đặt ra phấn đấu 100% mới chỉ đang đạt từ 10 đến 30% “ rõ ràng vấn đề bố trí nguồn lực không hề đơn giản và phải bố trí nguồn lực rất là lớn thì mới đảm bảo được các chỉ tiêu như vậy”.

Ông Bùi Văn Tùng, đại biểu Quốc hội khóa XIV, Chủ tịch Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Hải Phòng.

Ông Bùi Văn Tùng khẳng định, đồng thời đề nghị Thái Nguyên tiếp tục chia sẻ câu chuyện của địa phương trong thực hiện Luật BVMT 2020 với  những khó khăn trong thủ tục Đánh giá tác động môi trường,  kể cả những hướng dẫn  từ nghị định 08 và thông tư 02 với những vướng mắc mà không chỉ riêng Thái Nguyên, còn rất nhiều địa phương đang gặp phải trong khi đó, những trả lời của Bộ Tài nguyên và Môi trường vẫn còn nhiều điểm chưa thỏa đáng, từ đó, Đoàn Khảo sát tiếp tục có những đề xuất, kiến nghị.

Trong khi đó, đại biểu Trương Xuân Cừ mong muốn, để thực hiện mục tiêu đề ra trong Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, rất cần sự đóng góp của tỉnh Thái Nguyên. Đại biểu đề nghị tỉnh Thái Nguyên quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường, thực hiện các quy trình, tiêu chuẩn kỹ thuật, nhất là tại các khu công nghiệp đã có quy hoạch cần xử lý dứt điểm việc xả thải và có giải pháp giảm ô nhiễm không khí.

Liên quan đến các quy định trong Luật Bảo vệ môi trường 2020, có hiệu lực  thi hành năm 2022, ông Vũ Ngọc Hưng, Cục Kỹ thuật và An toàn môi trường, Bộ Công thương cho rằng, rất nhiều quy định mới đã được UBND tỉnh Thái Nguyên phân tích, đánh giá vướng mắc trong quá trình thực hiện tại Báo cáo số 54 của UBND tỉnh, tuy nhiên các nội dung này chưa được phân tích cũng như các đề xuất, kiến nghị rõ ràng. Ông Vũ Ngọc Hưng cũng chỉ ra những điểm tỉnh Thái Nguyên cần lưu ý như việc cấp phép giấy phép môi trường với những vướng mắc doanh nghiệp đang gặp phải như xác nhận công tác bảo vệ môi trường, hoàn thành công trình bảo vệ môi trường.

“Nếu không phân tích vấn đề này thì sau chúng ta lại nói đến là chưa kịp làm giấy phép môi trường”. Tỉnh Thái Nguyên cần lưu ý trong Quyết định số 222 của Thủ tướng Chính phủ đã phân 3 vùng môi trường, do đó, việc không đưa ra lộ trình đối với doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp nằm trong vùng 1 để họ có lộ trình thực hiện các yêu cầu bảo vệ môi trường rất nghiêm ngặt sau này thì sẽ lại vướng mắc cho các doanh nghiệp,  đặc biệt là lộ trình các doanh nghiệp phải đầu tư hoặc là phải di dời hay phải thay đổi công nghệ”, ông Vũ Ngọc Hưng nói.

Ông Nguyễn Công Thịnh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Xây dựng cũng đề nghị tỉnh cần quan tâm đầu tư đồng bộ các dự án khu, cụm công nghiệp mới để đảm bảo yêu cầu thoát nước, xử lý nước thải, còn đối với các khu, cụm công nghiệp cũ đang tồn tại, cần có đầu tư  thêm. Ông Nguyễn Công Thịnh lưu ý, từ bài học khu công nghiệp Sông Công 2, việc sử dụng nguồn đầu tư công thông qua Ban Quản lý khu công nghiệp sẽ lâu, khó đáp ứng lộ trình mới của Luật bảo vệ môi trường.

Đoàn công tác Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội khảo sát thực tế.

Lưu ý Thái Nguyên cần có động thái trả lời rõ cho doanh nghiệp cụm công nghiệp Sơn Cẩm III trong vấn đề thời hiệu của báo cáo đánh giá tác động môi trường khi UBND thành phố Thái Nguyên phê duyệt ngày 31/12/2021, tuy nhiên, theo Luật bảo vệ môi trường chỉ có hiệu lực 24 tháng nên đến 31/12/2023 sẽ hết hạn. Vậy, tỉnh Thái Nguyên cũng như thành phố và các cơ quan liên quan cần quyết liệt trong thực hiện nếu không làm mất thời gian cơ hội đầu tư, còn nếu quyết định không thực hiện thì cần rõ ràng với nhà đầu tư. Ông Nguyễn Công Thịnh cũng đề nghị tỉnh quan tâm đến công tác xử lý, tái chế, tái sử dụng chất thải công ngiệp, nhất là khi Thái Nguyên rất phát triển công nghiệp khai khoáng, tỉnh cũng cần nghiên cứu và có chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp cũng như yêu cầu doanh nghiệp phải tái chế, tái sử dụng các loại chất thải công nghiệp.

Ông Hồ Kiên Trung, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, chậm nhất là 31/12/2024, các khu, cụm công nghiệp tại Thái Nguyên chưa có hệ thống xử lý nước thải thì bắt buộc phải xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Các đơn vị chưa có hệ thống xử lý nước thải thì kiên quyết không tiếp nhận thêm đối với các dự án mà có phát sinh nước thải mới hoặc nâng cấp mở rộng đối với các cơ sở nằm trong khu, cụm công nghiệp có phát sinh chất thải, tuân thủ đúng yêu cầu bắt buộc trong điều 49 của nghị định 08 cũng như điều 51, 52 của Luật Bảo vệ môi trường 2020. Ông Hồ Kiên Trung cũng bày tỏ quan ngại khi mục tiêu mà tỉnh Thái Nguyên đề ra đến năm 2024, 2025, 100% các khu, cụm công nghiệp đều có hệ thống xử lý nước thải bởi đây sẽ là “ bài toán nan giải” với trung tâm kinh tế công nghiệp này.

Bên cạnh đó, ông Hồ Kiên Trung cũng lưu ý tỉnh Thái Nguyên, Sở Tài nguyên và Môi trường quan tâm, lưu ý đến chất lượng môi trường không khí khi trong 4 tháng đầu năm 2023, có 83/120 ngày thông số bụi mịn PM2.5 vượt giới hạn cho phép theo quy chuẩn 05  và nguồn nước sông Cầu, trên địa bàn Cam Giá, TP Thái nguyên, các thông số TSS, PH, DO đã vượt tiêu chuẩn.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương Nguyễn Quang Huân.

Về vấn đề này, đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương Nguyễn Quang Huân đề nghị tỉnh Thái Nguyên nên cân nhắc khi đặt ra các mục tiêu 100%, nhất là trong việc xử lý nước thải, chất thải. Đại biểu đặt câu hỏi, trong báo cáo Thái Nguyên đưa rất nhiều mục tiêu đạt tới 100 % vào năm 2025, trong khi nhiều lĩnh vực, nội dung chỉ đạt 30%, 40%, 43% nhưng đến 2025 đều đạt 100%, trong trường hợp này thì nguồn lực và cách thức tiến hành thế nào?”. “Đoàn giám sát đưa số liệu 100% như đăng ký báo cáo lên Thường vụ Quốc hội, thì đến năm 2025 tiến hành giám sát, nếu tỉnh không đạt được là câu chuyện khác, không còn  là câu chuyện đăng ký chỉ tiêu nữa mà là câu chuyện không thực hiện theo nghị quyết của Quốc hội”, đại biểu Nguyễn Quang Huân nêu rõ.

Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng báo cáo là các địa phương trong cả nước có tỷ lệ xử  lý nước thải đạt 15% và đây cũng là ngưỡng thấp nhưng Thái Nguyên lại đặt ra chỉ tiêu là sẽ xử lý tới 50% vào năm 2025, đại biểu Nguyễn Quang Huân hết sức “băn khoăn” khi thời gian quá ngắn. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, nếu Thái Nguyên có kinh nghiệm và thu hút được nguồn vốn tư nhân thì rất tốt, còn không dựa vào nguồn vốn của ngân sách nhà nước thì hiện nay hơi khó khăn. Và nếu là kinh tế tư nhân với cơ chế giá như hiện nay thì Thái Nguyên thu hút như thế nào? Đại biểu đề nghị tỉnh chia sẻ kinh nghiệm.

 Theo PGS. TS Đỗ Văn Bình, Trưởng khoa Môi trường - Trưởng Đại học Mỏ - Địa chất, giải quyết bài toán môi trường cần phải có sự  đồng hành của Chính quyền và doanh nghiệp. Việc Khu Công nghiệp Sông Công 2 đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải rồi nhưng lại thiếu kinh phí để lắp đặt thiết bị vận hành là điều cần phải xem xét, xử lý ngay vì ảnh hưởng đến các doanh nghiệp, trong đó có công ty Dongwha Việt Nam. Chuyên gia Đỗ Văn Bình cho rằng,  đây có thể không phải là vấn đề lớn đối tỉnh nhưng lại vấn đề lớn với các doanh nghiệp, phải tránh trường hợp tỉnh kêu gọi đầu tư, doanh nghiệp vận hành rồi mà vẫn còn những “ách tắc có thể khiến doanh nghiệp lâm vào cảnh vi phạm pháp luật trong quá trình xả thải

Liên quan đến những tồn tại tại Khu Công nghiệp Sông Công II, đại biểu Nguyễn Văn An, Ủy viên Thường trực, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường chỉ ra, kết quả thanh tra của Chính phủ tháng 7/2021 khi kết luận nêu rõ Khu Công nghiệp Sông Công 2 chưa được UBND tỉnh giao đất và cho thuê đất thì đã được đầu tư xây dựng “đây là vi phạm pháp luật, chiếu theo quy định tại khoản 1 điều 56 Luật đất đai” Đại biểu Nguyễn Văn An đề nghị tỉnh Thái Nguyên cho biết phương án khắc phục vấn đề này như thế nào và nêu rõ những tồn tại ở đâu?

Bên cạnh đó, tỉnh Thái Nguyên và Bộ Tài nguyên và Môi trường cần giải trình việc thực hiện kết luận giám sát năm 2018 của Ủy ban Khoa học, Công nghệ, môi trường của Quốc hội khi kiến nghị về tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý các vi phạm để khắc phục tình trạng khu công nghiệp mà chưa hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường, nhưng đến nay thì thì gần như chưa có xử lý.

Đại biểu Nguyễn Văn An, Ủy viên Thường trực, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội.

Đại biểu Nguyễn Văn An cũng đặt câu hỏi về nguyên nhân, phương pháp khắc phục, công tác giải quyết xử lý như thế nào khi đa số các cụm công nghiệp đang hoạt động nhưng chưa đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung? Câu chuyện phối hợp giữa tỉnh Thái Nguyên với Bộ, ngành như thế nào? Tỉnh Thái Nguyên đang có 100 dự án đầu tư khu đô thị và khu dân cư, vậy có bao nhiêu nhiêu dự án thì đã đầu tư hạ tầng thu gom, xử lý nước thải, tỉnh có kế hoạch kiểm tra, thanh tra về vấn đề này chưa?

Giải trình các vấn đề đại biểu nêu, ông Đặng Văn Huy, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Nguyên cho rằng, những vấn đề tồn tại trong thời gian dài nên xử lý ngay rất là khó, phải có quá trình nhiều năm, nhất là Luật BVMT 2020 được thực thi,  tiêu chí nâng cao hơn, sẽ càng khó khăn cho Thái Nguyên trong công tác xử lý về môi trường. Đối với chỉ tiêu của Thái Nguyên tới 2025, lãnh đạo Sở TNMT khẳng định “rất trung thực trong báo cáo, có bao nhiêu báo cáo bấy nhiêu” Đối với các khu xử lý nước thải trong khu, cụm CN, hiện đã hoàn thành các thủ tục đất đai, đầu tư, hiện khu CN Sông Công II, cũng đang hoàn thiện thủ tục, tỉnh Thái Nguyên sẽ quyết liệt chỉ đạo để hoàn hiện khu xử lý nước thải, thu hút các nhà đầu tư thứ cấp.

Đối với khu CN Trung Thành, phía Nam Phổ Yên,  hiện tại nhà đầu tư nước ngoài đang có những vướng mắc liên quan đến tài chính, chưa thực hiện công tác giải phóng mặt bằng các diện tích còn lại hay đầu tư các hạng mục công trình BVMT. Thời gian tới, tỉnh Thái Nguyên sẽ đề xuất thanh tra đơn vị này, quy định bao nhiêu tháng kg đầu tư sẽ tiến hành thu hồi để nhà đầu tư khác vào. Còn đối với các Cụm CN là nhà đầu tư ngoài ngân sách , việc vướng mắc về tài chính khiến nhiều hạng mục chậm tiến độ, ông Đặng Văn Huy, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Nguyên chia sẻ.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Lê Quang Tiến.

Làm rõ các vấn đề mà Đoàn công tác nêu ra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Lê Quang Tiến khẳng định tất cả các chỉ số về bảo vệ môi trường đang còn rất thấp;  đồng thời cho rằng, nguyên nhân chính là do 2 năm, từ 2019 đến 2021, phục vụ công tác thanh tra nên không thể triển khai các hạng mục về bảo vệ môi trường. Hơn nữa, báo cáo kết luận của Thanh tra Chính phủ cũng hơn 1 năm nay chưa ký nên tỉnh không thể báo cáo với Đoàn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Lê Quang Tiến cũng nhấn mạnh, tỉnh Thái Nguyên đã có rất nhiều cố gắng, nỗ lực để làm các thủ tục giúp cho các doanh nghiệp vận hành đúng pháp luật ví dụ như cấp phép nổ mìn đúng hồ sơ thiết kế kỹ thuật . Thời gian qua, tỉnh  cũng thành lập Đoàn kiểm tra, rà soát  hơn 100 mỏ được cấp phép trên địa bàn tỉnh, trong đó quan tâm 3 vấn đề chính là vượt khối lượng,  công tác môi trường,  công tác xây dựng cơ bản. Qua đánh giá sơ bộ thì vẫn còn nhiều sai phạm, tỉnh đang tiến hành xử lý, mức cao nhất là thu hồi giấy phép khai thác, trong năm 2023, đã thu hồi 30 mỏ.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Lê Quang Tiến cam kết, sẽ lắp đặt hệ thống quan trắc tự động đối với các khu, cụm công nghiệp, đối với các mỏ, các cụm công nghiệp, ông Nguyễn Quang Tiến cho rằng “ chỉ cam kết được với những khu cụm công nghiệp đủ điều kiện và cam kết thực hiện 100 % theo nội dung của Đoàn giám sát”. Đối với những nội dung liên quan đến công tác giám sát của Quốc hội về môi trường, giám sát của Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán và các các cơ quan trung ương khác, tỉnh sẽ gửi báo cáo cụ thể để Đoàn Khảo sát báo cáo cấp trên.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Tuấn Anh, Trưởng đoàn công tác phát biểu kết luận buổi làm việc.

Kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội, Trưởng đoàn công tác đánh giá cao những nỗ lực trong công tác BVMT thời gian qua, ghi nhận những cam kết mà tỉnh Thái Nguyên sẽ thực hiện và đạt được trong thời gian tới. Tuy nhiên, Phó Chủ nhiệm Nguyễn Tuấn Anh cho rằng, Thái Nguyên cần nhìn nhận rõ những hạn chế, tồn tại trong việc thực thi các quy định trong công tác BVMT cũng như có giải pháp xử lý kịp thời. Các tồn tại, hạn chế thuộc về chủ đầu tư, các tổ chức kinh doanh, trong này cũng có trách nhiệm của tổ chức bảo vệ môi trường như thanh kiểm tra của ủy ban nhân dân tỉnh, của Sở Tài nguyên Môi trường, thậm chí là trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường”. Đồng thời kiến nghị UBND tỉnh giao Sở TN&MT, Ban quản lý các KCN tỉnh rà soát cụ thể các trường hợp và tổ chức kiểm tra, thanh tra xử lý các trường hợp phát hiện vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường của tổ chức, cá nhân. Báo cáo kết quả đến UBKHCNMT để làm cơ sở báo cáo các cơ quan có thẩm quyền theo yêu cầu.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội Nguyễn Tuấn Anh cũng đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, giải quyết các kiến nghị của tỉnh Thái Nguyên đối với nhưng vướng mắc từ cơ  sở việc cấp phép và môi trường theo Luật 2020. Các Bộ Xây dựng, Bộ Công thương với cái thẩm quyền, trách nhiệm của mình, kiến nghị các cơ quan có liên quan để hỗ trợ tỉnh Thái Nguyên trong việc thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường, đặc biệt là giải quyết các vấn đề khó khăn như tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp./.

Bích Hạnh - Thùy Linh