CHÚ TRỌNG BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG QUY HOẠCH, KHAI THÁC, SỬ DỤNG TÀI NGUYÊN NƯỚC

16/05/2023

Dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến vào Kỳ họp thứ 5 sắp tới. Tham gia ý kiến về dự án luật này, các đại biểu, chuyên gia, nhà nghiên cứu cho rằng cần định hình được các chính sách về tài nguyên nước với mục tiêu là đảm bảo phúc lợi của tất cả mọi người và tính bền vững của tài nguyên nước, thể hiện rõ ràng các mối quan tâm về bảo vệ môi trường trong quy hoạch, khai thác, sử dụng tài nguyên nước.

XEM XÉT KỸ LƯỠNG VIỆC THỐNG NHẤT GIỮA QUY HOẠCH CẤP TỈNH VỚI QUY HOẠCH VỀ NGUỒN NƯỚC

Hoàn thiện các quy định về nguyên tắc quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước

Dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến vào Kỳ họp thứ 5 sắp tới. Đây là dự án luật quan trọng, được kỳ vọng sẽ góp phần tháo gỡ những vướng mắc, bất cấp của luật hiện hành, hoàn thiện khung pháp lý cho an ninh nguồn nước, đặc biệt là vấn đề bảo đảm an ninh nước cho sinh hoạt.

Thực tế cho thấy, qua 10 năm triển khai thực hiện Luật Tài nguyên nước, vấn đề quản lý nhà nước về loại tài nguyên quan trọng này vẫn còn vướng mắc, bất cập. Cụ thể, nhiều chuyên gia cho rằng, luật còn thiếu quy định cụ thể liên quan đến điều hòa, phân bổ nguồn nước, giám sát chặt chẽ các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước; vấn đề bổ sung nhân tạo nước dưới đất; vấn đề giảm thiểu ngập lụt đô thị, định giá đầy đủ giá trị của tài nguyên nước.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành báo cáo về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi)

Mặt khác, một số điều kiện kinh doanh không còn phù hợp; chưa có cơ chế, chính sách minh bạch, rõ ràng để tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích các nguồn lực xã hội của các thành phần kinh tế, các tổ chức chính trị - xã hội thuộc phạm vi trách nhiệm của Bộ, ngành, địa phương; một số nội dung phát sinh mới trong thực tiễn nhưng pháp luật chưa có quy định điều chỉnh. 

Ngoài ra, việc thi hành pháp luật về tài nguyên nước ở một số nơi còn chưa nghiêm, việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm chưa được thực hiện tốt; các cơ chế tài chính, chế tài, công cụ kiểm soát, giám sát chưa hiệu quả; các cơ chế hợp tác, giải quyết các vấn đề nước xuyên biên giới còn chưa đồng bộ; sự phối hợp chưa đồng bộ, hiệu quả giữa các cấp, các ngành; một số nội dung của pháp luật có liên quan chưa thống nhất, đồng bộ với Luật Tài nguyên nước… Do đó, cần thiết phải sửa đổi Luật Tài nguyên nước hiện hành.

Tại phiên họp thứ 21, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về dự án luật này. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao quá trình chuẩn bị dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về dự án luật Tài nguyên nước (sửa đổi)

 Tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của đồng chí Chủ tịch Quốc hội, ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và của cơ quan thẩm tra để hoàn thiện dự án Luật. Trong đó tập trung tiếp tục rà soát để thể chế hóa đầy đủ các chủ trương lớn của Đảng về quản lý, bảo vệ, sử dụng tài nguyên nước, đặc biệt là Kết luận số 36- KL/TW, ngày 23/6/2022 của Bộ Chính trị về đảm bảo an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn 2045 để chủ động tích trữ nước, điều tiết đảm bảo đủ nước cấp, sinh hoạt và sản xuất; thực hiện các giải pháp tiết kiệm nước, tái sử dụng nước, sử dụng khoa học, công nghệ trong quản trị và phát triển tài nguyên nước.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục rà soát phạm vi, đối tượng điều chỉnh, các quy định về quản lý, bảo vệ tài nguyên nước trong các luật khác để sửa đổi, bổ sung Luật Tài nguyên nước, đảm bảo có đủ quy định về quản lý, bảo vệ, sử dụng tài nguyên nước; quản lý, kiểm soát toàn diện các vấn đề về nước trên cơ sở thống nhất quản lý tài nguyên nước, bao quát cả 3 loại nước: nước mặn, nước lợ và nước ngọt; nghiên cứu thêm quy định về nước dưới đất thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

 Cùng với đó, cần nghiên cứu bổ sung chính sách mở rộng, tăng cường hợp tác quốc tế về tài nguyên nước, bảo vệ môi trường bảo đảm tương thích, thống nhất với công ước quốc tế và Luật bảo vệ môi trường; rà soát bổ sung nội dung tích lũy, tích trữ nước ngọt, tái sử dụng nước, tuần hoàn nước; nghiên cứu, mở rộng hơn cơ chế giải quyết tranh chấp về tài nguyên nước; nghiên cứu chế tài xử lý vi phạm đối với tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định có liên quan đến nước dưới đất.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi)

 Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị rà soát các quy định về điều tra cơ bản, chiến lược, quy hoạch tài nguyên nước để đảm bảo phù hợp với thực tiễn, thống nhất với các luật khác. Quy định cụ thể hơn về trình tự, thủ tục lập, thẩm định, ban hành, điều chỉnh danh mục lưu vực sông, danh mục nguồn nước; xác định rõ hơn phạm vi điều tra cơ bản tài nguyên nước, điều kiện để tham gia, cơ chế sử dụng nguồn tài chính cho điều tra cơ bản. Rà soát để quy hoạch tài nguyên nước đồng bộ với quy hoạch phòng, chống thiên tai, quy hoạch thủy điện, quy hoạch cấp nước và đảm bảo các quy định về quy hoạch tài nguyên nước tuân thủ quy định của Luật Quy hoạch, nhất là thứ bậc, mối quan hệ với các loại quy hoạch khác. Bố cục, sắp xếp lại các quy định về các loại quy hoạch trong dự thảo Luật bảo đảm logic, thống nhất về cách trình bày.

 Một trong những nhiệm vụ quan trọng đặt ra là cần hoàn thiện các quy định về nguyên tắc quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước; phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra; hành vi bị nghiêm cấm đảm bảo rõ ràng, khả thi, tránh dàn trải, trùng lắp và không mâu thuẫn với các luật khác, nhấn mạnh việc phục hồi tài nguyên nước; bổ sung thêm chức năng phòng, chống thiên tai như thoát lũ, chứa lũ, điều hoà chống úng, chống ngập, phân lũ, chắn lũ...; quy định cụ thể hơn phân cấp và lộ trình xác định dòng chảy tối thiểu. Lưu ý ý kiến của cơ quan thẩm tra về nguyên tắc bảo đảm an ninh nguồn nước, các quy định liên quan đến phòng, chống và khắc phục hậu quả, tác hại do nước gây ra; vai trò, chức năng của tổ chức lưu vực sông, quy định về hành lang bảo vệ nguồn nước, về dòng chảy tối thiểu, ngưỡng khai thác nước dưới đất, bảo vệ nguồn nước sinh hoạt, nguồn nước dưới đất.

Chú trọng bảo vệ môi trường trong quy hoạch, khai thác, sử dụng tài nguyên nước

Nghiên cứu Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), GS.TS Lê Hồng Hạnh, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) cho rằng, so với những yêu cầu quản lý tài nguyên nước trong bối cảnh phát triển bền vững với những mục tiêu phát triển bền vững, những cam kết quốc tế theo Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, đặc biệt so với nội dung của pháp luật hiện hành về tài nguyên nước, Dự thảo cần tham khảo, bổ sung nhiều nội dung quan trọng.

Theo GS.TS Lê Hồng Hạnh, trước hết cần định hình được các chính sách về tài nguyên nước với mục tiêu là đảm bảo phúc lợi của tất cả mọi người và tính bền vững của tài nguyên nước. Luật Tài nguyên nước cần thể hiện rõ ràng các mối quan tâm về bảo vệ môi trường trong quy hoạch, khai thác, sử dụng tài nguyên nước. Tuy nhiên, những quan tâm này cần được thể hiện theo cách tránh biến Luật Tài nguyên nước thành sự sao y các quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

Thêm vào đó, cần có quy định bảo vệ và quản lý các nguồn cung cấp nước. Việc bảo vệ các nguồn tài nguyên nước cung cấp cho nhu cầu của con người và các hệ sinh thái cần được đảm bảo bởi các biện pháp quản lý phù hợp với từng dạng tồn tại của nguồn nước. Các biện pháp phải gắn với quyền hạn, trách nhiệm rõ ràng của các chủ thể quản lý, nghĩa vụ của mọi chủ thể khai thác và sử dụng nước. Giải pháp trung tâm của bảo vệ, quản lý tài nguyên nước là cơ chế cấp phép khai thác và cung cấp dịch vụ nước với tiêu chí, điều kiện rõ ràng, minh bạch và cần thiết.

GS.TS Lê Hồng Hạnh, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp)

Quy hoạch và quản lý lưu vực là những nội dung quan trọng và liên quan chặt chẽ với nhau trong quản lý tài nguyên nước. Quy hoạch tài nguyên nước được Dự thảo Luật Tài nguyên nước đặc biệt chú trọng song những quy định trong Dự thảo ở khía cạnh này chưa định vị được nó trong hệ thống quy hoạch của quốc gia, đặc biệt là xác định những vấn đề đặc trưng cho quản lý tài nguyên nước. Tính chất của nguồn nước ở lưu vực, sự đa dạng của nguồn nước và sự vận động đan xen giữa các nguồn nước ở đó đòi hỏi cơ chế quản lý đặc thù – Ban quản lý lưu vực. Tuy nhiên, Luật Tài nguyên nước năm 2012 và cả Dự thảo Luật Tài nguyên nước chưa luật định được thiết chế tổ chức quản lý lưu vực sông, vì vậy cần luật hóa nội dung này.

GS.TS Lê Hồng Hạnh cũng nêu rõ, đánh giá các dự án, chương trình nước là nội dung cần được thiết chế rất cụ thể ngay trong Luật. Đây là nội dung liên quan đến việc cấp phép khai thác, sử dụng nước, cấp phép các dự án khác song có khả năng gây ô nhiễm nguồn nước. Các tiêu chí đánh giá, trình tự, thủ tục đánh giá phải được luật định để đảm bảo tính minh bạch và hiệu lực thực hiện. Ở nhiều khía cạnh, đánh giá các dự án khai thác, cung cấp dịch vụ nước giống đánh giá tác động môi trường. Chính vì vậy, nội dung này của Luật cần được xây dựng đặt trong sự phân tích khả năng viện dẫn các quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 về đánh giá tác động môi trường.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, cần đảm bảo hài hòa hóa lợi ích, sở hữu toàn dân và sở hữu tư nhân trong lĩnh vực tài nguyên nước. Nước ở tuyệt đại đa số các quốc gia đều được coi là sở hữu công hay sở hữu nhà nước vì tính chất sống còn của nó đối với cuộc sống của con người và các hệ sinh thái. Nội dung này phản ánh nhu cầu tiếp cận nguồn nước của mọi chủ thể. Tiếp cận nguồn nước thường vướng tới vấn đề sở hữu. Tuy xung đột trong tiếp cận nguồn nước vì lý do sở hữu không xảy ra trong điều kiện tài nguyên nước được coi là sở hữu toàn dân song các lợi ích kinh tế vẫn diễn ra giữa các chủ thể khác nhau, kể cả giữa nhà nước với doanh nghiệp. Vì thế lợi ích của các chủ thể, đặc biệt là lợi ích liên quan đến thuế, giá cần được luật hóa với sự hài hòa tối ưu có thể.

Thông tin về tài nguyên nước cần được quy định chi tiết trong Dự thảo phù hợp với nguyên tắc công khai, minh bạch vốn là thuộc tính trong các cấu trúc quản lý hiện đại. Như đã nói trên, pháp luật hiện hành đã có những bước đi mạnh mẽ trong việc đảm bảo công khai, minh bạch dữ liệu tài nguyên nước. Vì thế, cần luật định trong Luật Tài nguyên nước mới những kết quả xây dựng thể chế liên quan đến thông tin về tài nguyên nước, lấy ý kiến nhân dân về khai thác và sử dụng tài nguyên nước.

Ngoài ra, các quyền và nghĩa vụ của các chủ thể tham gia quan hệ quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên nước là nội dung cần được luật hóa cao nhất có thể, không nên chuyển giao cho cơ quan hành pháp quy định. 

Minh Hùng