ĐẢM BẢO KHÔNG CHỒNG CHÉO CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ NẾU THÀNH LẬP SỞ AN TOÀN THỰC PHẨM TP.HỒ CHÍ MINH

13/05/2023

Cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh tại Phiên họp thứ 23, ý kiến của cơ quan thẩm tra và một số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ làm rõ sự cần thiết, tính hợp lý thành lập Sở An toàn thực phẩm, đảm bảo không chồng chéo chức năng, nhiệm vụ giữa các Sở.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 12/5: ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN ĐỀ NGHỊ XÂY DỰNG DỰ ÁN LUẬT CHUYỂN ĐỔI GIỚI TÍNH

Toàn cảnh Phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh do Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến nêu mục tiêu xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội nhằm tạo cơ sở pháp lý để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá, giải quyết các điểm nghẽn về phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng và phát triển Thành phố Hồ Chí Minh như mục tiêu đã đặt ra tại các Nghị quyết của Bộ Chính trị và Quốc hội. Dự thảo Nghị quyết có 07 Điều liên quan đến 7 nhóm cơ chế, chính sách, trong đó có nhóm cơ chế, chính sách về tổ chức bộ máy của Thành phố (Điều 9).

Theo đó, thành lập Sở An toàn thực phẩm và chuyển chức năng quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật, xử lý vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm; cấp giấy chứng nhận kiểm dịch sản phẩm động vật ra khỏi địa bàn Thành phố từ các Sở liên quan về Sở An toàn thực phẩm. Quy định việc thành lập một số Ban, phòng Ban, Văn phòng thuộc thành phố Thủ Đức; quyết định cơ cấu tổ chức bộ máy, số lượng biên chế của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban  Tài chính, Ngân sách của Quốc hội.

Thẩm tra về nội dung này, đa số ý kiến của Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, cần thuyết minh về sự cần thiết và tính hợp lý, cần bảo đảm không chồng chéo chức năng, nhiệm vụ giữa các Sở. Ngoài ra,  theo Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII thì: “Việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy không được tăng thêm đầu mối và biên chế; trường hợp đặc biệt cần tăng thêm đầu mối từ cấp vụ, cục hoặc tương đương trở lên phải có ý kiến của Bộ Chính trị”. Do đó, nếu việc thành lập Sở An toàn thực phẩm làm tăng đầu mối thì phải có ý kiến của Bộ Chính trị. Có ý kiến cho rằng, căn cứ thành lập là chưa thuyết phục, đồng thời chưa phù hợp với yêu cầu cải cách bộ máy nhà nước theo hướng tinh giản.  

Cho ý kiến về nhóm cơ chế, chính sách về tổ chức bộ máy của Thành phố, Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đồng tình với việc thành lập thêm Sở An toàn thực phẩm và Ban Đô thị thuộc Hội đồng nhân dân thành phố Thủ Đức. Trong đó, dự thảo Nghị quyết giao cho Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành về cơ cấu tổ chức bộ máy, biên chế cho Hội đồng nhân dân của thành phố Thủ Đức. Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho biết, thành phố Thủ Đức là 3 đơn vị hành chính trước đây nhập vào một, trở thành phố trực thuộc thành phố. Đại biểu lưu ý khi nghị quyết này có hiệu lực cần lưu ý cân đối để Hội đồng nhân dân thành phố Thủ Đức thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, vai trò của mình.

Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh.

Đối với việc thành lập Sở an toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đồng tình với ý kiến thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách. Theo tinh thần của Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII không được tăng thêm đầu mối và biên chế; trường hợp đặc biệt cần tăng thêm đầu mối từ cấp vụ, cục hoặc tương đương trở lên phải có ý kiến của Bộ Chính tr theo thẩm quyền.

Về cơ chế vận hành của cơ Sở An toàn thực phẩm, sẽ tiến hành tách chức năng quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật, cấp giấy chứng nhận kiểm dịch về Sở An toàn thực phẩm từ các Sở liên quan. Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh, việc tách nội dung quản lý nhà nước thuộc Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương về Sở An toàn thực phẩm cần được đánh giá tác động thật kỹ lưỡng khi hình thành ra thêm một sở nữa; hiệu quả vận hành của lĩnh vực này sẽ như thế nào, Chính phủ cần báo cáo đánh giá tác động thấu đáo và đầy đủ hơn.

Phát biểu tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, nếu chỉ thành lập thêm Sở An toàn thực phẩm như một số sở khác, Chính phủ chỉ cần báo cáo với Bộ Chính trị đồng ý thẩm quyền, không nhất thiết phải báo cáo với Quốc hội. Việc thành lập Sở An toàn thực phẩm lại chuyển một số chức năng, nhiệm vụ từ các Sở khác (Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương) về Sở An toàn thực phẩm, điều này khác với một số quy định trong luật hiện hành.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

“Có những địa phương không có Sở Du lịch, nhưng có những địa phương thấy cần thiết như Thành phố Hồ Chí Minh thành lập thêm Sở Du lịch, nhưng Sở Du lịch làm đúng chức năng, chỉ tách từ văn hóa, thể thao, du lịch ra và có một số nguyên tắc trong tổ chức bộ máy chính quyền địa phương và Bộ Chính trị đồng ý thì thuộc thẩm quyền của thành phố, Chính phủ cho phép thành lập. Nhưng đây lại liên quan đến một số luật, không chỉ Luật Tổ chức chính quyền địa phương, mà còn về chức năng, nhiệm vụ của các thiết chế trong bộ máy chính quyền địa phương, về an toàn vệ sinh thực phẩm. Đây là lý do cần quy định trong Nghị quyết của Quốc hội; về việc này Đảng đoàn Quốc hội sẽ báo cáo với Bộ Chính trị” - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định.

Lan Hương